Cúng Tiền đám Tang - VnExpress

Tôi từng chứng kiến một gia đình nọ. Người cha giàu có qua đời, để lại nhà cửa, đất đai, tiền trong ngân hàng rất nhiều, con cái cũng có nhà lầu xe hơi. Nhưng khi lên dự đám ma, ai cũng ngỡ ngàng, tang chủ để cái thùng "phước sương" điếu ngay đầu hòm, trên bàn có những sấp bao thơ và cây viết.

Anh em ruột của người chết thực sự đau lòng. Họ không muốn làm vậy nhưng không dám nói vì các cháu kiên quyết. Ai dè có ông em vợ người chết, nói thẳng: "Tụi bây giàu quá mà, xe hơi bốn năm chiếc, của ăn đâu có hết. Tụi bây góp mỗi đứa vài triệu cũng làm đám cho cha. Cha qua đời, để lại tài sản, sao không lấy ra làm đám? Tại sao cha tụi bây tới phút chót còn cái vụ chấp điếu".

Các cháu lý luận lại, cậu cháu từ đó không nhìn mặt nhau và sau đám tang các cháu chia tài sản của cha, chia luôn tiền điếu. Người ta cười, nhà giàu tính toán nên mới giàu.

Ngày nay nhiều gia đình lại nghĩ sai về "điếu". Đám ma người miền Nam hay có chữ "chấp điếu" hoặc "phúng điếu". Phúng là đem lễ vật tới cúng người chết, điếu là đi viếng thăm người chết. Phúng điếu là đem lễ vật đến cúng người chết, thăm hỏi và chia buồn cùng tang quyến. Có thể hiểu phúng điếu thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ giữa con người với nhau.

Trong thời hiện đại chữ "điếu" có nghĩa là đi đám ma và cúng tiền bạc. Khi một tin về đám tang, bà con sẽ hỏi câu đầu tiên là: "Đám ma có chấp điếu không?", câu thứ hai mới là "Chôn ngày nào?". Có chấp điếu để chuẩn bị tiền mà đi cúng.

Ngày xưa những đám ma nhà nghèo, vì con cháu không đủ sức mua hòm, tổ chức đám, rồi chôn cất mả mồ cha mẹ ông bà nên đành lòng phải lấy tiền điếu của bà con hàng xóm.

>> Tang lễ 'gọn nhẹ'

Tiền điếu này người ta coi là "tiền mượn" như dạng con cháu vay của xóm làng. Sau ngày chôn cất, con cháu phải đi những đám ma khác để trả lại hầu hết số tiền người đó từng đi điếu nhà mình.

Thành ra những người đi điếu tiền hay bỏ tiền vô bao thư và có ghi tên đàng hoàng, con cháu tang chủ sẽ ghi tên những người đó vô một cuốn sổ để lưu lại. Ngày xưa khi đi đám ma, gia chủ chấp điếu sẽ để cái ghế đẩu trước bàn thờ người chết, trên ghế đó để một cái khay trầu rượu và người đi điếu bỏ bao thư lên khai đó.

Ngày nay thì "trắng trợn" hơn, nhiều gia chủ đưa hẳn cái thùng đựng phong bì. Chuyện điếu này phát sinh những chuyện vui buồn trong làng xã.

Nhà nghèo nhưng lại "miễu điếu, miễn bái". Có những gia đình con cháu nghèo hèn, cơ cực, khi có người nằm xuống cũng khó khăn. Nhưng rốt cuộc họ ghi dòng chữ trước bàn thờ "tang gia xin miễn điếu, miễn bái, miễn lễ vật.

Như vậy là không lấy tiền, không nhận trái cây, không nhận quỳ lạy. Chỉ nhận những cái xá người chết. Vì gia chủ quan niệm nghèo thì vén khéo cũng xong. Cha mẹ ông bà còn ngày cuối mà "mắc nợ" thiên hạ thì "ra đi" không có suông, tội ông bà tổ tiên mình.

Nhưng có những gia đình giàu có mà vẫn lấy tiền điếu. Họ lợi dụng đám ma để kiếm tiền. Con cháu thì toàn nhà lầu, đi xe hơi, đeo vàng đỏ tay đỏ cổ. Tuy nhiên đám tang lại "chấp điếu". Họ sẽ tự huyễn hoặc, ngụy biện thế này:

- Không chấp điếu bạn bè thân hữu sẽ ...giận, không chịu đi.

- Chấp điếu để làm từ thiện. Cái vụ từ thiện này hình như phổ biến. Muốn làm từ thiện thì tự bỏ tiền túi ra. Lấy tiền người khác làm từ thiện chỉ là cái cớ.

>> Đám cưới Sài Gòn 20h khách vẫn lác đác

Mặc cho thiên hạ đàm tiếu. Sau khi chôn cất xong, người ta thấy nhà kia mua thêm chiếc xe mới, mua thêm mấy chỉ vàng cất vô tủ, vợ chồng con cái đi du lịch. Hàng xóm sẽ nghĩ xe, vàng đó có được là nhờ "chấp điếu". Tội cho người khuất quá chừng.

Anh Việt

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Từ khóa » Tiền Viếng đám Ma