Cuộc Chiến Chống “bạch Tuộc” Game Online - Công An Nhân Dân

Ngược lại, các bậc phụ huynh có con đang ở tuổi thiếu niên thì thở phào nhẹ nhõm và ủng hộ nhiệt tình. Trước những ý kiến trái chiều này, chúng ta cùng nhìn lại một cách khách quan tác động của game online với con trẻ, để thấy rằng, việc quản lý game online có thật cần thiết hay không?

Tội ác thật từ trò chơi ảo

Trong 10 vụ án mạng nổi tiếng trên thế giới đều có nguyên nhân từ game online, do trang web Game4V.vn thống kê, thì đứng ở vị trí thứ 5 là vụ án xảy ra ở Việt Nam: đứa bé 13 tuổi đã dùng sợi dây thừng xiết cổ bà ngoại đến chết, để lấy tiền chơi game. Nhưng thật lo ngại, khi đây không phải là vụ án mạng duy nhất vì game online ở Việt Nam, mà chỉ là một trong rất nhiều vụ đã xảy ra. Chỉ cần lướt các thông tin trên báo chí, dễ dàng nhận thấy, đã có bao gia đình rơi vào cảnh tang tóc, chỉ vì một phút lên cơn ghiền game online của kẻ thủ ác. Và cũng rất nhiều gia đình có con em rơi vào vòng lao lý, khi từ game thủ trở thành sát thủ, để phải nhận mức án cao nhất.

Đầu năm 2010, một vụ án đau lòng ở Thanh Hóa cũng đã xảy ra: 2 bà cháu bị chém nhiều nhát tại nhà rồi bị cướp đi 3,5 chỉ vàng. Đứa bé 3 tuổi chết ngay, còn bà ngoại trong tình trạng nguy kịch. Hung thủ chính là Phạm Bá Minh (19 tuổi, ở thôn Cẩm Hoàng 2, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), một kẻ nghiện chơi game online, đang khát tiền để nướng vào các trò chơi ảo. Giữa năm 2009, Nghiêm Viết Thành (Hải Dương) cũng ra tay hạ sát bố, chỉ vì bố la mắng không chịu học hành, suốt ngày chơi game online. Hay trường hợp Nguyễn Bích Huyền (SN 1996, ở Đồng Nai) khi thấy bé Nguyễn Ngọc Ánh 2 tuổi, đeo đôi bông tai bằng vàng, đã giết bé Ánh để chiếm đoạt, lấy tiền... chơi game.

Cuối tháng 5 vừa rồi, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử bị cáo Khổng Văn Thắng (18 tuổi, ở Trung Giã, Sóc Sơn) về hành vi giết người, cướp tài sản. Nguyên nhân cũng bởi Thắng sa đà vào chơi game rồi chat thâu đêm suốt sáng và thiếu tiền để trả cho các quán nét, nên đã nảy ra ý định "kiếm tiền" bằng cách giết người lái xe ôm. Hoàng Văn Thiết và Phạm Văn Ninh, cả 2 đều 15 tuổi, trú ở xã Thái Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) lại cần tiền để giải tỏa cơn nghiền game online, đã dùng kim tiêm có dính máu HIV tống tiền một chủ doanh nghiệp kinh doanh vật tư. Vụ án điển hình nhất liên quan đến game online mới đây, là vụ Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu cũ, gây xôn xao dư luận, đã như một lời cảnh báo gióng diết rằng, hệ lụy từ game online không trừ một lứa tuổi nào.

Những hậu quả từ game online khiến không ít gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, mà không dám kêu ca, hệt như kiểu có con nghiền ma túy! Mới đây, tôi tình cờ gặp lại anh bạn đồng nghiệp. Mới mấy năm mà vẻ vô tư lự của một người thành đạt năm nào biến mất, chỉ còn sự sầu muộn đong đầy trong đôi mắt với mái tóc bạc như sương của anh. Mãi, anh mới rầu rầu tâm sự, cậu con trai duy nhất của anh mắc bệnh nghiện game online. Do công việc, anh chị bận rộn đi làm suốt ngày, cậu con trai ở nhà không ai quản đã ra quán nét và nghiện game lúc nào không hay. Suốt ngày, cháu đi chơi, không muốn ăn, không muốn ngủ. Người chỉ còn da bọc xương. Thằng bé ngoan ngoãn, học giỏi năm nào bỗng trở thành đứa kém nhất lớp và luôn bất hợp tác với bố mẹ trước bất cứ chuyện gì. Anh chị đau đớn mà không dám quát tháo, trừng phạt, trái lại, phải "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" với hy vọng giành giật lại đứa con khỏi cái vòi bạch tuộc của "bạch phiến số"...

Ở Đà Lạt, nhiều em học sinh của trường BTX còn trở thành kẻ trộm của chính gia đình mình, khi cần tiền trang trải ở quán nét mỗi tháng từ 1-3 triệu đồng. Có em đi chơi qua đêm cả tuần liền nhưng vẫn nói dối là ngủ ở nhà bạn! Vì thế, học sinh nào nghiện game mà không sa sút học hành mới là chuyện lạ! Nhiều em, do chưa làm chủ được bản thân, còn bị biến dạng nhân cách chỉ vì nghiện game online, đến mức phải vào bệnh viện điều trị thần kinh. Ở các trường đại học, tình trạng sinh viên nghiện game phải "cắm" cả đồ, từ quần áo, đến xe máy... Nhiều nữ sinh là "game thủ" đã chả còn tí nữ tính nào nữa, khi những đao búa, đánh lộn trên mạng ngấm sâu vào người.

Vì thế, những hậu quả xã hội của game online đã là vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội trong kỳ họp gần đây, khiến Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) phải đăng đàn giải trình với các đại biểu.

Được - mất từ game online?

Xuất hiện ở Việt Nam chưa đầy thập niên, nhưng game online có tốc độ phát triển nhanh như vũ bão. Theo một thống kê sơ bộ, năm 2006, ở Việt Nam, số người chơi game thường xuyên chỉ khoảng 1 triệu người, nhưng nay, con số này đã là 8 triệu. Năm 2006, mới chỉ có 10 loại game, nhưng giờ đây, đã là khoảng 80 game. Theo Bộ TT&TT thì năm 2009, doanh số trong lĩnh vực công nghiệp nội dung số và dịch vụ trên mạng khoảng 700 triệu USD. Con số này có khả năng đạt 1 tỉ USD trong năm 2010 và là 1,5 tỉ USD vào năm 2011. Đáng lưu ý là, trong doanh thu mà nội dung số đạt được thì game online chiếm tới 70%. Điều này cho thấy sức cám dỗ của game online và vì sao, nhiều người phải gọi game online là "bạch phiến số"!

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: Khảo sát cho thấy, đối với học sinh tiểu học thì 2/3 học sinh chơi game 1 lần/tuần; học sinh THCS/THPT 81% chơi game; sinh viên đại học chiếm 75%. Những con số trên cho thấy rõ xu hướng tạo nên bạo lực chính là game online.

Thực ra, cùng với sự thịnh hành của Internet, game online ra đời với mục đích giải trí, cũng là điều rất cần thiết trong cuộc sống đầy áp lực hiện nay. Nhưng có điều, trong khi đa số người chơi là các em nhỏ, những người chưa định hình tính cách, chưa tự kiểm soát được các hành vi của bản thân, thì các doanh nghiệp cung cấp game online, với mục đích lợi nhuận, lại sẵn sàng đáp ứng tối đa các mong muốn của người chơi, bằng các game online bạo lực hay sex, miễn là hút được đông người. Lo ngại hơn cả, khi theo các chuyên gia về game online, thì các loại game càng bạo lực, càng có cảnh chém giết, lại càng hấp dẫn giới trẻ. Vì thế, nhiều loại game đã hút người chơi bằng cách để họ nhập vai cảnh sát hay tên khủng bố, đi truy sát người khác bằng những khẩu súng hạng nặng.--PageBreak--

Trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh game online tận dụng tối đa mọi điều kiện để hút khách, thì nhiều đối tượng của các nhà cung cấp game online, là trẻ con, lại chưa được sự chuẩn bị một nền tảng tốt để làm chủ được bản thân. Giữa cuộc mưu sinh hiện nay, nhiều bậc phụ huynh tất bật lo kiếm tiền, mà coi nhẹ việc quản lý con cái. Nhiều người cứ tưởng, cho con tiền tiêu thỏa thích theo ý chúng là bù đắp được thiếu hụt trong quan tâm, giáo dục con, mà không biết rằng, đó lại là cánh cửa mở ra với sự hư hỏng.

Ở lứa tuổi tập làm người lớn, các thiếu niên chưa đủ hiểu biết, kinh nghiệm để đối phó với những cạm bẫy cuộc đời, nên dễ dàng bị cuốn vào. Những trò chơi trên mạng luôn tạo ra sức hút để cám dỗ càng nhiều người bỏ thời gian vào chơi game online càng tốt. Mà thói thường, càng chơi, càng ham và càng cần tiền để thỏa niềm đam mê đó. Nhân cách chưa phát triển đầy đủ, lại bị cha mẹ "bỏ rơi", thì trách gì các em không là con mồi đầy tiềm năng của các nhà cung cấp game online? Luôn sống trong môi trường ảo đầy bạo lực như vậy, nhiều trẻ em, do trí tuệ chưa phát triển đầy đủ, nên đã trở thành những sát thủ nguy hiểm không chỉ trên mạng mà còn cả ngoài đời.

Kéo con trẻ khỏi vòng tay “bạch tuộc”

Khi chính các em không đủ bản lĩnh để tự điều chỉnh, cân bằng mình, còn các gia đình cũng không quan tâm đến con cái đúng mức, thì việc cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng các hình thức bắt buộc để quản lý game online, nhằm tránh những ảnh hưởng xấu cho xã hội, là điều cần thiết. Có gia đình nào lại phản đối việc các quán nét đóng cửa trước 22 giờ? Câu trả lời của các bậc phụ huynh có con em ở tuổi vị thành niên và thích chơi game chắc chắn sẽ là "không", bởi đó mới là cách hữu hiệu nhất để các gia đình còn có thể quản lý được con cái.

Ngay chính người trong cuộc, một game thủ có nickname United, cũng phát biểu trên diễn đàn của website K+star: "Vì game online nên mới có chuyện cướp bóc, giết người, lấy tiền chơi game. Vì game online mà một số người bỏ tiền tỉ một cách vô nghĩa. Vì game online mà bao nhiêu người bỏ bê học hành, thi cử, để đâm đầu vào nó. Và hàng chục lý do khác khiến tôi thấy game online nên dẹp ngay ở Việt Nam. Lợi thì không lợi mà hại ngay trước mắt thì chình ình ra".

Các nhà quản lý cũng như các bậc phụ huynh có con là "nạn nhân" của game online đều nhất trí rằng, những người nghiện game online đang đánh mất cơ hội tốt đẹp cùng những điều quý giá là thời gian, sức khỏe và tiền bạc, thậm chí, đánh mất cả cuộc đời. Do đó, việc hạn chế giờ chơi chỉ có lợi khi người chơi, nhất là trẻ vị thành niên, để các em có cơ hội điều chỉnh lại hành vi, tham gia vào các hoạt động tích cực hơn cho lối sống. Bởi như ông Trần Vĩnh Sa, Sở TT&TT TP HCM thì cơ quan quản lý cần áp dụng các biện pháp cứng rắn, là bởi, game online có yếu tố gây nghiện. Cũng vì thế, sẽ cấm quảng cáo game online dưới mọi hình thức, tiến tới không cho phép nhập khẩu game online nước ngoài và tăng mức phạt để đảm bảo hiệu quả quản lý hơn nữa, nhằm hạn chế tối đa tiêu cực.

Khẳng định quan điểm của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng, phát triển phải đi đôi với quản lý, không thể để rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Đi liền với chủ trương này, Nghị định 75/2010/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa" của Chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong việc quản lý game online. Đây chính là cách, góp phần để "kéo giới trẻ trở về đời sống thực".

Chủ trương này cần được ủng hộ, bởi Việt Nam không phải là nước duy nhất quản lý game online, mà nhiều nước đã làm từ lâu, để bảo vệ thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh biện pháp quản lý Nhà nước, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của gia đình đối với các em học sinh. Gia đình, nhà trường cần giúp đỡ các em tham gia những giải trí lành mạnh như du lịch, tham quan, thể thao v.v... để các em vừa mở mang hiểu biết, vừa cảm nhận được cuộc sống còn nhiều điều hấp dẫn hơn game online. Bởi ngoài game, còn có nhiều đam mê khác mà học sinh có thể hướng đến, nhưng vấn đề quan trọng là ai sẽ là người tạo ra sân chơi cho các em?

Điều 19, Nghị định 75/2010/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa" của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi: Kinh doanh trò chơi điện tử ở địa điểm cách trường học dưới 200 m hoặc quá 22h đêm đến 8h sáng.

Dự thảo quy chế Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử của bộ TT&TT (sửa lần thứ 9):

Điều 14. Quy định về giờ chơi

1. Thời gian cung cấp dịch vụ đối với đại lý Internet: Chỉ được cho người chơi trò chơi trực tuyến từ 8h sáng đến không quá 22h đêm hàng ngày. Không được để người chơi trong độ tuổi học sinh từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 8h đến 17h hàng ngày.

2. Thời gian chơi đối với người chơi: Thời gian chơi tổng cộng của mỗi người chơi trong một ngày đối với mỗi trò chơi không được vượt quá 180 phút đối với trò chơi không ưu tiên; không quá 300 phút đối với trò chơi ưu tiên.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến không được cho người chơi dưới 18 tuổi sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 22h đêm đến 8h sáng.

Từ khóa » Trò Chơi Nói Bạch Tuộc