Cuộc Chiến Chống Phá Hoại Thông Tin Ngầm Trên Wikipedia

wikipedia1-3169-1439965748.png

Wikipedia là kết quả cộng tác từ những người đọc trên khắp thế giới. Ảnh: Telegraph.

Wikipedia (bách khoa toàn thư mở trực tuyến) là kết quả cộng tác từ chính những người đọc trên khắp thế giới. Tất cả mọi người đều có thể sửa đổi ở bất kỳ trang nào bằng cách bấm vào các liên kết "sửa đổi", ngoại trừ cá nhân bị tước quyền sửa đổi và trang bị khóa. Bài viết trên Wikipedia đều trích dẫn những nguồn tham khảo đáng tin cậy và liên kết với các chủ đề khác liên quan. 

Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary, Mỹ, đã tiến hành kiểm tra một số chủ đề gây nhiều tranh cãi về mặt chính trị trên Wikipedia và so sánh chúng với những chủ đề không gây tranh cãi như mô hình vật lý chuẩn, thuyết trôi dạt lục địa và thuyết tương đối.

Họ phân tích lịch sử biên tập các chủ đề trên trong gần 10 năm để tìm hiểu tỷ lệ chỉnh sửa hàng ngày, phạm vi chỉnh sửa trung bình và số lượt xem mỗi ngày.

Kết quả công bố trên tạp chí PLoS ONE hôm 14/8 cho thấy, một số chủ đề gây tranh cãi như quá trình tiến hóa và sự nóng lên toàn cầu có mức độ chỉnh sửa thường xuyên hơn so với những chủ đề đã được mọi người công nhận. Ngoài ra, số lượt xem các chủ đề trên cũng cao hơn.

"Tỷ lệ thay đổi thông tin cao ở những trang này khiến các chuyên gia gặp nhiều khó khăn khi giám sát độ chuẩn xác của thông tin và mất nhiều thời gian hiệu chỉnh, có thể gây tổn hại đến tính chính xác khoa học," IBTimes dẫn lời các nhà nghiên cứu.

"Khi cộng đồng chuyển sang dùng Wikipedia như một nguồn thông tin khoa học cơ bản, điều quan trọng là chúng ta phải đọc nó với tư duy phản biện và hiểu rằng nội dung ở đây rất hay thay đổi, dễ bị tấn công và nhiều hành vi xấu khác làm ảnh hưởng", nghiên cứu viết. 

Gene E. Likens, đồng tác giả nghiên cứu, là một trong những người phát hiện ra mưa axít ở Bắc Mỹ và đã theo dõi chủ đề này trên Wikipedia từ năm 2003.

"Trong cộng đồng khoa học, mưa axít không phải là chủ đề gây tranh cãi. Cơ chế hoạt động của hiện tượng này đã được hiểu rõ trong nhiều thập kỷ. Mặc dù Wikipedia có những biện pháp ngăn chặn thay đổi nặc danh, chủ đề mưa axit luôn phải tiếp nhận những chỉnh sửa hàng ngày. Một số gây ra lỗi nghiêm trọng và xuyên tạc kiến thức khoa học," Likens nhận định.

Theo Adam M Wilson, nhà địa lý học tại Đại học Buffalo, Mỹ, trang "hiện tượng nóng lên toàn cầu" của Wikipedia được chỉnh sửa hai, ba lần mỗi ngày. Số từ bị thay đổi là hơn 100 từ. Trên trang "mô hình vật lý chuẩn" chỉ có khoảng 10 từ bị thay trong vòng vài tuần.

Quỹ Hỗ trợ Wikimedia cho biết họ đang hỗ trợ lâu dài cho các nghiên cứu học thuật của họ. Các biên tập viên cam kết về mức độ chuẩn xác của thông tin trên trang Wikimedia. Tuy nhiên, họ không ngạc nhiên khi thấy các chủ đề gây tranh cãi được chỉnh sửa thường xuyên hơn, vì nó tạo ra nhiều tranh luận hơn. Nhờ mô hình cộng tác tích cực và cởi mở của Wikipedia, phần lớn những nội dung không chính xác sẽ bị loại bỏ chỉ trong vài phút.

Lê Hùng

  • Tìm thấy kho lưu trữ và sử dụng thông tin trong não người

Từ khóa » Khí Hậu Là Gì Wikipedia