Cuộc Chiến Giành đất Thổi Bùng Xung đột Israel - Palestine - VnExpress

Hôm 10/5, đụng độ nghiêm trọng xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, một trong những địa điểm linh thiêng nhất ở Jerusalem, khi cảnh sát Israel bắn hơi cay và lựu đạn choáng vào đám đông biểu tình người Palestine. Đụng độ tại đây và nhiều khu vực khác thuộc Jerusalem đã khiến hàng trăm người Palestine và nhiều sĩ quan Israel bị thương.

Phong trào Hamas tại Dải Gaza của Palestine tối hôm đó quyết định can thiệp bằng cách phóng hàng loạt rocket về phía lãnh thổ Israel. Không quân Israel tung đòn không kích đáp trả, châm ngòi cho loạt động thái "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên.

Quân đội Israel cho biết Hamas đã khai hỏa khoảng 1.500 rocket trong 3 ngày qua, trong đó hơn 1.000 quả bay vào lãnh thổ của họ, trong khi Israel tiến hành hàng trăm vụ không kích nhằm vào lực lượng Hamas, khiến hàng trăm người từ hai phía thương vong. Đây được cho là cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa Hamas và Israel kể từ năm 2014.

Israel - Hamas nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện Israel - Hamas nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện

Israel và dân quân Hamas tấn công lãnh thổ của nhau đêm 11/5. Video: AFP.

Ngọn lửa xung đột này vốn đã âm ỉ cháy ở Jerusalem vài tuần qua, khi người Palestine phẫn nộ về việc Israel đóng cửa một quảng trường nổi tiếng ngay khi tháng Ramadan bắt đầu. Mọi thứ bùng lên khi tòa án Israel chuẩn bị ra phán quyết trục xuất 7 gia đình Palestine khỏi nhà của họ tại Đông Jerusalem, chấm dứt cuộc chiến pháp lý nhiều năm nhằm giành lại khu đất ở vị trí linh thiêng này.

Kể từ năm 1956, các gia đình này chuyển tới sống tại khu Sheikh Jarrah, ngay phía bắc Thành Cổ của Jerusalem. Khu Sheikh Jarrah hình thành từ thế kỷ 19, khi Palestine nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman. Hai quỹ tín thác Do Thái đã mua một phần khu đất của các chủ đất người Arab vào năm 1876.

Jordan chiếm khu vực này cùng phần còn lại của Đông Jerusalem trong cuộc chiến Arab - Israel vào năm 1948. Theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian, Jordan cho xây hàng chục ngôi nhà ở đó cho hàng trăm người tị nạn Palestine phải chạy khỏi các vùng đất sau này trở thành lãnh thổ Israel.

Tuy nhiên, Israel sau đó tái chiếm và sáp nhập Đông Jerusalem từ năm 1967, trao trả quyền sở hữu các ngôi nhà ở khu Sheikh Jarrah cho hai quỹ tín thác Do Thái. Hai quỹ này bán lại khu đất cho một tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc tại Israel có tên Nahalat Shimon.

Kể từ đó, Nahalat Shimon bắt đầu nỗ lực đẩy người Palestine ra khỏi Sheikh Jarrah. Nhiều căn nhà đã bị người định cư Israel chiếm, trong khi một số gia đình Palestine buộc phải sống chung nhà với nhóm người Israel xông vào từ năm 2009.

Peace Now, tổ chức vận động cho giải pháp hai nhà nước để chấm dứt xung đột, ước tính khoảng 200 căn nhà với hơn 3.000 nhân khẩu Palestine trong các khu vực gần Thành Cổ đang bị đe dọa trục xuất, khoảng 20.000 căn nhà Palestine khác khắp thành phố có nguy cơ bị phá dỡ.

Khu Sheikh Jarrah nằm ở phía bắc Thành Cổ Jerusalem. Đồ họa: Tweetasm.

Khu Sheikh Jarrah nằm ở phía bắc Thành Cổ Jerusalem. Đồ họa: Tweetasm.

Để đòi lại đất, Nahalat Shimon viện dẫn một đạo luật vào năm 1970, được thông qua sau khi Israel giành quyền kiểm soát Đông Jerusalem, để lập luận rằng chủ sở hữu khu Sheikh Jarrah trước năm 1948 là các gia đình Do Thái, tức là những người dân Palestine đang sinh sống tại đó cần bị trục xuất và giao tài sản cho người Do Thái.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tìm cách mô tả "cuộc chiến giành đất" này là tranh chấp dân sự thông thường và sẽ do Tòa án Tối cao Israel phân xử. Tòa án Tối cao định ra phán quyết vào ngày 10/5, dịp người Israel ăn mừng việc giành lại Đông Jerusalem vào năm 1967.

Tuy nhiên, người Palestine cho rằng đạo luật mà nhóm Nahalat Shimon viện dẫn là không công bằng và hệ thống tư pháp Israel thường có xu hướng chống lại họ. Đạo luật cho phép người Israel đòi lại nhà đất bị mất vào năm 1948, nhưng lại không cho phép người Palestine đòi lại tài sản mà họ để mất vào tay các gia đình Do Thái trên lãnh thổ Israel hiện nay.

Cuộc đụng độ giữa dân thường Palestine và cảnh sát Israel ngày 10/5 đã khiến Bộ trưởng Tư pháp Israel yêu cầu Tòa án Tối cao hoãn đưa ra phán quyết về việc trục xuất 7 gia đình Palestine.

Người Palestine cho rằng nỗ lực trục xuất này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Israel nhằm chiếm lại toàn bộ Đông Jerusalem, để vùng đất này không bao giờ trở thành thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

"Họ không muốn người Arab sống ở đây hay trên Đông Jerusalem", Abdelfatah Skafi, 71 tuổi, một trong những người Palestine có nguy cơ bị Israel trục xuất khỏi khu Sheikh Jarrah, nói trong cuộc biểu tình tuần trước. "Họ muốn xua đuổi người Arab để người Do Thái có thể vây quanh Thành Cổ".

Cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu khu đất tại Sheikh Jarrah làm dấy lên tranh luận gay gắt về chủ quyền đối với Jerusalem, những địa điểm linh thiêng và lịch sử thành phố.

"Jerusalem luôn là vấn đề nhạy cảm nhất trong xung đột giữa Israel và Palestine. Những thay đổi nhỏ trong một tình huống khó xử cũng có thể châm ngòi các cuộc biểu tình lớn", bình luận viên Richard Allen Greene và Oren Liebermann của CNN nhận định.

Gần hai thập kỷ sau khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, Jerusalem ở trong trạng thái bị chia cắt. Đông Jerusalem do Jordan quản lý, trong khi Tây Jerusalem nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là Thành Cổ Jerusalem và các địa điểm linh thiêng đều thuộc Đông Jerusalem.

Vị trí của Jerusalem. Đồ họa: Straits Times.

Vị trí của Jerusalem. Đồ họa: Straits Times.

Thành Cổ là nơi tọa lạc của Nhà thờ Mộ Thánh, địa điểm mà những người theo đạo Thiên Chúa tin rằng Chúa Jesus đã được chôn cất. Nhà thờ Al Aqsa, nơi người Hồi giáo tin rằng Nhà tiên tri Mohammed đã lên thiên đường, cũng nằm tại đây.

Trong đức tin của người Do Thái, địa điểm linh thiêng nhất thế giới đối với họ cũng thuộc Thành Cổ, là tảng đá mà họ tin rằng tổ phụ Abraham đã đến để hiến tế con trai Isaac cho Thượng đế. Ngôi đền Thứ nhất và Ngôi đền Thứ hai trong thời cổ đại cũng tọa lạc tại Thành Cổ.

Trong Cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm được Đông Jerusalem, thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ thành phố, đồng thời chiếm cả Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai.

Bán đảo Sinai sau đó được trao trả cho Ai Cập theo thỏa thuận hòa bình năm 1979, nhưng Israel vẫn kiểm soát hoàn toàn Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan. Người Palestine được hưởng quyền tự trị hạn chế tại Dải Gaza và vài phần Bờ Tây, nhưng Israel kiểm soát toàn bộ các đường biên giới và an ninh.

Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt của mình. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế coi Đông Jerusalem, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Dải Gaza là những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bất chấp sự phản đối của Tel Aviv.

Trong khi đó, Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của quốc gia tương lai. Giới lãnh đạo Palestine cáo buộc nỗ lực trục xuất các gia đình khỏi nhà của họ tại khu Sheikh Jarrah không khác gì "cuộc thanh lọc sắc tộc" nhằm "Do Thái hóa thành phố linh thiêng".

Người dân Palestine trong cuộc biểu tình chống Israel tại Bờ Tây hôm 12/5. Ảnh: AFP.

Người dân Palestine trong cuộc biểu tình chống Israel tại Bờ Tây hôm 12/5. Ảnh: AFP.

Nỗ lực trục xuất các gia đình Palestine hứng một loạt chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Hồi đầu tháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington "quan ngại sâu sắc về nguy cơ trục xuất các gia đình tại khu dân cư Sheikh Jarrah và Silwan ở Jerusalem, nơi nhiều người đã sinh sống qua nhiều thế hệ".

"Như chúng tôi đã nói một cách nhất quán, điều quan trọng là phải tránh các bước làm gia tăng căng thẳng hoặc ngày càng xa rời hòa bình. Chúng bao gồm những quyết định trục xuất khỏi Đông Jerusalem, hoạt động định cư, phá dỡ nhà cửa, cùng các hành vi khủng bố", Price nói.

Ủy ban châu Âu cũng lên án bạo lực và bày tỏ lo ngại về khả năng trục xuất các gia đình Palestine. "Những hành động đó là bất hợp pháp theo luật nhân đạo quốc tế và chỉ khiến căng thẳng thêm trầm trọng", Peter Stano, phát ngôn viên về chính sách an ninh và đối ngoại thuộc Ủy ban châu Âu, cho biết trong một tuyên bố.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 7/5 cũng đánh giá đạo luật của Israel "được áp dụng theo cách vốn có tính phân biệt đối xử", thêm rằng việc đưa dân thường Israel đến vùng đất bị chiếm đóng có thể "vi phạm luật nhân đạo quốc tế", thậm chí có nguy cơ trở thành "tội ác chiến tranh".

"Đó là sức mạnh của Jerusalem. Tranh chấp đất đai từ một khu phố giờ đây lan rộng khắp khu vực, khiến thế giới một lần nữa chú ý đến căng thẳng giữa Israel và Palestine", các bình luận viên của CNN đánh giá.

Ánh Ngọc (Theo CNN)

  • Xung đột Israel - Hamas kéo Mỹ trở lại lò lửa Trung Đông
  • Lá chắn tên lửa giúp Israel đối phó 'mưa rocket'
  • Bãi chiến trường sau đòn ăn miếng trả miếng Israel - Hamas

Từ khóa » Cuộc Chiến Trên Bộ Israel Palestine