Cuộc Chiến Ung Thư Không đau đớn

Chống đau cho bệnh nhân ung thư

Bác N.T.T (người Hà Nội) bị ung thư dạ dày di căn, đã từng điều trị tại BV Đa khoa tỉnh cho biết “khi phát hiện mình mắc ung thư cũng là giai đoạn cuối của bệnh, tôi và gia đình chủ động đi điều trị tại tuyến trung ương nhưng không có kết quả khả quan. Càng về sau bệnh càng nặng thì những cơn đau càng dữ dội. Đó là vào những ngày gần Tết Nguyên đán tôi chỉ mong được đi chợ xuân cùng với gia đình lần cuối nhưng không thể ra khỏi giường vì quá đau đớn”. Tuy nhiên, năm ấy bác N.T.T đã có thể đi chợ xuân cùng người thân và gia đình, đón cái tết đầm ấm với đầy đủ thành viên.

Theo người thân trong gia đình, sau khi bị bệnh viện trả về bác có tìm hiểu và biết được ở BV Đa khoa Thanh Hóa đã triển khai kỹ thuật chống đau, bác đã đến điều trị và chấm dứt chuỗi ngày bị cơn đau hành hạ. Những ngày sau cùng bác T. đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường như trước kia.

 

Bác sỹ Tùng giúp bệnh nhân ung thư chống đau.

Còn ông L.V.Đ (Đông Sơn) bị ung thư gan. Giai đoạn cuối vì quá đau đớn nên ông được gia đình đưa ra bệnh viện Hà Nội để chống đau, nhưng hiệu quả không cao, bị bệnh viện trả về. Khi nhập viện BV Đa khoa Thanh Hóa, ông Đ trong tình trạng tuyệt vọng, chán nản. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chống đau ông Đ không còn bị những cơn đau hành hạ, trong ông đã thắp lên những niềm hi vọng, vui sống với đời.

Bác sỹ Lâm Tiến Tùng – Trưởng đơn nguyên giảm đau, BV Đa khoa tỉnh cho biết “mỗi loại ung thư lại gây ra những triệu chứng và biến chứng khác nhau, nhưng nhìn chung ở giai đoạn cuối, họ đều bị những cơn đau liên tục hành hạ do khối u lớn chèn ép vào các bộ phận, từ đó dễ dẫn tới sự thay đổi trong tâm lý người bệnh như cáu gắt, trầm cảm, mất ngủ”.

Đau là một trong những triệu chứng lâm sàng phổ biến ở bệnh nhân ung thư, với 50% số trường hợp tại thời điểm chẩn đoán, 65-85% trong giai đoạn tiến triển. Những người mắc bệnh ung thư đều lo sợ nhất khi nhắc đến cụm từ “giai đoạn cuối”. Thường giai đoạn này, người bệnh xin về ngoại trú và cố gắng vượt qua nỗi đau đớn do ung thư hành hạ bằng thuốc giảm đau, thậm chí morphine. Vì vậy, việc chống đau cho bệnh nhân ung thư là điều cần thiết, để họ có thể vực lại tinh thần, sống vui sống khỏe, cùng gia đình chiến đấu với bệnh.

Chăm sóc y tế đến cuối đời

Với phương pháp chống đau mới, bệnh nhân chấm dứt hoàn toàn cơn đau, trở lại với cuộc sống đời thường, thậm chí nhiều người có thể làm việc như trước đây. Giảm gánh nặng cho gia đình, giảm chi phí cho thuốc giảm đau và quan trọng là người bệnh được chăm sóc y tế đến cuối đời.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thành lập phòng khám chống đau từ tháng 10/2018, và thực hiện theo 2 phương pháp: diệt hạch giao cảm ở bụng đối với ung thư dạ dày, gan, lách, tụy… kỹ thuật được thực hiện 1 lần và có hiệu quả giảm đau trong vòng 6 tháng; lưu que catheter ngoài màng cứng dành cho mọi loại ung thư, có thể sử dụng được hết đời. Chi phí cho mỗi lần điều trị khoảng trên 2 triệu đồng. Đây là phương pháp chống đau theo mô hình của Nhật, đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Được biết, tại khu vực Bắc miền Trung mới chỉ có BV Đa khoa Thanh Hóa áp dụng phương pháp này.

Bác sỹ Tùng cho biết: “Trong một lần đi tu nghiệp bên Nhật chuyên ngành gây mê hồi sức, tôi có cơ hội làm quen với kỹ thuật chống đau cho bệnh nhân ung thư. Nhận thấy đây là kỹ thuật mang lại hiệu quả và rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư nên tôi đã xin học bổng và tiếp tục theo học chuyên ngành này. Sau khi tu nghiệp trở về, được sự ủng hộ của ban giám đốc, bệnh viện đã mở phòng khám và áp dụng luôn kỹ thuật này. Đây được đánh giá là một kỹ thuật chuyên sâu, độ khó cao”.

Phương pháp chống đau này còn được áp dụng cho những cơn đau mãn tính do bệnh zona thần kinh, thoát vị đĩa đệm… Các bác sỹ khẳng định đây là một phương pháp an toàn, không có tác dụng phụ.

Từ khóa » Cuộc Chiến Ung Thư