Cuộc đoàn Tụ Khó Tin Với Chiếc Vespa Cổ Của Ba Tôi - Báo Tuổi Trẻ
Có thể bạn quan tâm
Chiếc Vespa trong quán cà phê Tùng - Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp
Câu chuyện bắt đầu từ ngày mùng ba Tết của hai năm về trước khi tôi đến thăm, chúc Tết nhà đứa bạn. Tôi điện thoại, nó bảo đang ở nhà người thân, khoảng 30 phút sau mới về nhà. Tôi đành phải vào quán gần đó nhấm nháp ly cà phê trong thời gian đợi nó về.
Quán ngày Tết không nhiều khách, trước quán có chiếc xe Vespa sờn cũ, tôi chỉ liếc qua không để ý. Đến khi thằng bạn về đến nhà điện thoại, tôi trả tiền để qua nhà nó. Lúc đi ra, tôi giật mình khi nhìn thấy biển số của chiếc Vespa: 43A 896-K.
Khi đó như có một luồng điện trong người chạy dọc sống lưng làm tôi lạnh toát, tôi sững sờ như không tin vào mắt mình. Chiếc xe của ba tôi! Đúng rồi! Chính nó, chiếc Vespa ngày xưa của ba tôi, tôi không thể nhầm lẫn được.
Ngoài biển số xe còn bằng chứng là vết xước dưới cổ xe mà hồi nhỏ tôi vô tình gây ra, vẫn còn. Tôi cúi xuống, vuốt ve từ sau xe ra trước, rồi cầm lên tay ga. Tay tôi sờ đến đâu tim tôi đập rộn ràng đến đó.
Dễ cũng đã 30 năm! Bao lần mơ ước tôi mong tìm lại nó. Hôm nay trong ngày xuân với một hạnh phúc tình cờ, chiếc Vespa như người thân lưu lạc mấy chục năm trời hiện ra trước mắt. Lòng tôi thật vui nhưng không kém bùi ngùi.
Sau Tết tôi trở lại quán uống cà phê. Tôi chọn một chiếc bàn gần chiếc xe để nhìn lại từng nét thân thương mà bao kỷ niệm theo ký ức hiện về.
Khi tôi lên bốn, lên năm, ba tôi đã có nó rồi. Hồi đó xóm tôi nghèo lắm, chỉ có ba tôi là có xe máy Vespa nên khi ba chạy xe ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ. Mỗi chiều xí nghiệp tan ca, khi nghe tiếng động cơ 2 thì nổ giòn tan là tôi chạy bay ra hướng đầu xóm để được ba dừng xe cho đứng phía trước rồi chở về nhà.
Đám trẻ cùng lứa nhìn tôi đứng trên xe mà thèm thuồng, ước ao làm tôi vui sướng vô ngần. Thích nhất là những lần được cùng ba mẹ về quê bằng chiếc Vespa ấy. Mẹ ngồi sau, tôi đứng phía trước, gió cứ vù vù thổi ngược. Tôi chẳng biết mỏi chân là gì, cứ mong sao đường còn dài để được tận hưởng niềm vui được đi xe máy.
Ba tôi cưng xe lắm! Mỗi lúc đi về là lau chùi rồi lấy bọc vải phủ kín xe cho khỏi bụi. Vết xước dưới cổ xe là hồi tôi 8 tuổi, do nghịch cầm cây sắt múa may. Chẳng may cây sắt bị tuột khỏi tay văng trúng cổ xe làm xước một vệt dài.
Mặt tôi xanh như tàu lá, chắc phen này bị ba cho ăn đòn nhưng ba tôi chỉ cứ xuýt xoa sờ nắn chỗ xước như sợ chiếc xe bị đau. Tôi đứng xa nhìn mà vừa thương vừa mừng vì mình không bị ba mắng.
Chiếc Vespa không còn là phương tiện đi lại mà đã trở thành thành viên của gia đình tôi từ khi tôi còn bé đến lúc trưởng thành. Ai cũng yêu thương, cưng chiều, nhất là ba tôi. Vậy mà… chúng tôi phải mất nó.
Biển số để tôi chắc chắn đây là chiếc Vespa của ba - Ảnh: Tác giả cung cấp
Đó là khi kết thúc năm thứ 3 đại học. Mùa hè về nhà, không thấy chiếc xe đâu, tôi hỏi mẹ: "Chiếc Vespa đâu rồi mẹ?".
Mẹ buồn bã: Ba con bán rồi!
Tôi kêu lên như có cái gì đó chặn ở lồng ngực: Răng lại bán đi?
Mẹ quay đi: Ừ, vì cần tiền ba con mới bán.
Sau này tôi mới biết, vì khoản tiền đóng học phí cho tôi mà ba phải bán nó.
Gia đình tôi là gia đình công nhân viên chức, ba làm thợ cơ khí ở xí nghiệp gần nhà, mẹ là giáo viên tiểu học. Những tằn tiện đời thường lo cho cuộc sống gia đình và việc học của 3 anh em tôi ngày ấy đã vất vả lắm rồi, huống chi tôi phải đi học đại học tít tận Hà Nội.
Ba mẹ tôi đã vắt cật mồ hôi và sức lực, những gì bán được đã bán cả để gửi tiền cho tôi ăn học. Chiếc xe Vespa là tài sản lớn nhất, quý nhất vậy mà ba phải đành lòng bán nốt. Đau xót biết dường nào.
Từ khi bán xe, ba tôi chỉ đi bộ đi làm. Sau hai năm vất vả tích cóp ông mới mua được chiếc xe đạp cũ. Sau này khi ra trường đi làm có lương, điều tôi dự định trước tiên là mua cho ba chiếc xe máy nhưng ông gạt đi:
- Ba không cần xe máy mô! Ba có đi mô xa nữa đâu, lớn tuổi rồi. Ba mẹ về quê thì đi xe đò cũng được.
Ba nói vậy nhưng tôi hiểu. Với ông, người bạn đường chỉ có mỗi chiếc Vespa ấy. Tôi lại ước tìm lại được chiếc xe. Bằng mọi giá tôi cũng xin mua lại để đem nó về cho ông. Nhưng bao năm tôi chưa một lần nhìn thấy chiếc Vespa biển số 43A 896 - K ấy.
Giờ tôi đã tìm được xe nhưng ba mẹ tôi đã không còn trên cõi đời này nữa. Ba tôi mất cách đây 5 năm, 3 năm sau thì mẹ cũng ra đi vì tuổi già.
Tôi gặp anh Thành là chủ quán, ngỏ ý xin mua lại chiếc xe. Ảnh cười bảo: "Chiếc này có giá lắm nghe! Nhiều người chơi xe cổ hỏi mua lắm đó! Chắc anh cũng vậy?".
Tôi trả lời: "Ồ không, tôi không phải dân sưu tập xe, tôi muốn mua vì nó từng là vật kỷ niệm của gia đình tôi".
Rồi tôi kể cho anh nghe về số phận chiếc xe đã gắn bó như thế nào với gia đình tôi. Anh lắng nghe chăm chú bằng ánh mắt xúc động. Nghe xong câu chuyện của tôi anh bảo:
- Thực ra tôi không phải là chủ nhân của chiếc xe này nhưng với tôi, nó cũng có số phận đặc biệt.
Không đợi tôi thắc mắc, anh kể:
- Nó là hiện thân tình bạn của ba tôi và bác Toàn. Ngày trước hai người là bạn học rồi cùng đi lính với nhau. Đến năm 2005 bác ấy đi định cư ở Mỹ. Trước khi đi, nhà có cái gì bác cũng bán hết, kể cả ngôi nhà, riêng chiếc xe này bác gửi ba tôi. Nhớ ngày đó bác bảo ba tôi: "Tôi giao nó cho ông, ông cứ sử dụng nhưng đừng bán là được. Biết đâu ngày nào đó tôi trở về để được nhìn lại nó". Nhìn cảnh bác ấy chia tay bịn rịn với chiếc xe tôi thương lắm!
- Vậy sau này bác ấy có về không? - tôi hỏi.
Anh Thành lắc đầu buồn buồn:
- Bác ấy không về và không trở về nữa. Ba tôi lúc sinh thời luôn nhắc về bác Toàn với những kỷ niệm tình bạn của hai người. Ba tôi quý chiếc xe lắm. Ông giữ, chăm cẩn thận để mong ngày bác ấy trở về. Bác ấy nhiều lần hẹn về nhưng rồi lỗi hẹn. Khi ba tôi mất được ba năm thì tôi được tin bác ấy mất ở Mỹ. Tôi vẫn chờ biết đâu một ngày kia con bác tìm về…
Rồi anh nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thông: "Cảm ơn anh đã kể cho tôi nghe đoạn đầu về số phận chiếc xe này. Nó là phần ký ức của anh nhưng đoạn sau của số phận, nó lại gắn với lời ủy thác của ba tôi giao lại cho tôi nên tôi không thể bán được".
Tôi cầm tay anh:
- Cảm ơn anh đã cho tôi lòng trân trọng. Tôi sẽ không mua và anh sẽ không bán. Chỉ mong anh cứ đặt nó ở vị trí này, khi nào rảnh tôi đến đây cà phê để được thăm nó, anh nhé!
Anh nắm chặt tay tôi thay cho lời cam kết.
Từ ngày ấy tôi và anh Thành trở thành đôi bạn thân. Mỗi sáng chủ nhật chúng tôi cùng hẹn đến quán uống cà phê. Với những câu chuyện của riêng mình, chúng tôi thổi vào chiếc Vespa một linh hồn để nó được sống lại cùng chúng tôi bằng những hoài niệm thân thương.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Lời cầu mong sau đại dịchTTO - Hôm nay, đã là ngày bao nhiêu rồi nhỉ? Mà cũng sắp tới Tết rồi, nhớ cái Tết quê của gia đình mình quá! Không biết ba và mẹ dưới quê sống ra sao nhỉ?
Từ khóa » điện Xe Vespa Cổ
-
Mạch điện Vespa Cổ - Tinhte
-
Tìm Hiểu Vespa Cổ Chạy điện, độ Sidecar “độc Nhất Vô Nhị” Tại Việt Nam
-
XE MÁY ĐIỆN CHO BÉ KIỂU DÁNG XE VESPA CỔ
-
Xe Vespa Cổ Cực Đẹp, Giá Cạnh Tranh, Với Nhiều Ưu Đãi
-
Xe Máy điện Có Kiểu Dáng Giống Vespa Cổ Khiến Cư Dân Mạng Việt ...
-
Vespa 98 Concept - Xe điện Mang Thiết Kế Hoài Cổ - Xe Máy - Zing
-
XE ĐIỆN VESPA CỔ CHO BÉ | Shopee Việt Nam
-
Giới Thiệu Các đời Xe Vespa Cổ Tại Việt Nam
-
Mua Bán Xe Vespa Cổ Giá Rẻ - Chợ Tốt Xe
-
Tổng Hợp Vespa Cổ Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 8/2022
-
Nơi Bán Vespa Cổ Giá Rẻ, Uy Tín, Chất Lượng Nhất - Websosanh
-
“Bắt Bệnh” Vespa Cổ: Các Hư Hỏng Về Bu-gi - Tạp Chí Đẹp
-
Hộp điện Vespa Px