Cuộc đời Của Mẹ TNS Barack Obama - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Kỳ 1: Người phụ nữ kiên định
Phóng to |
Ông Barack Obama và ảnh lúc trẻ của bà Stanley Ann Dunham - Ảnh: Time |
Kỳ 2: Trái tim vì cộng đồng
Thượng nghị sĩ Barack Obama đang chạy đua vào ghế ứng viên tổng thống Mỹ là người mang hai dòng máu Mỹ và Kenya. Qua chặng đường đua cam go, ông thể hiện năng lực tư duy và hùng biện tuyệt vời, ngang ngửa với cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.
Người ta cho rằng ngoài việc thừa hưởng gen di truyền đặc biệt của cha mẹ, ông Obama chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách sống và suy nghĩ của người mẹ da trắng đã khuất, một phụ nữ có bằng tiến sĩ về nhân loại học, người đã khởi động chương trình cho vay tín dụng nhỏ ở Indonesia.
Stanley Ann Dunham, mẹ ông Obama, chào đời ở Mỹ năm 1942. Bà được đặt cho cái tên con trai vì ông ngoại Obama luôn mong muốn có con trai. Mặc dù mang tên cứng cỏi, Stanley lại là một bé gái đa cảm. Cô khóc khi thấy súc vật hay trẻ con bị đối xử tàn nhẫn, khi xem phim buồn, hoặc khi cảm thấy mình không được hiểu trong một cuộc trò chuyện nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa Stanley nhút nhát. Cô thích ngồi phía sau môtô của người lớn, thích thám hiểm và thường nhìn rõ vấn đề chính trong mọi chuyện.
Kín đáo và kiên định
Học xong trung học, Stanley theo chân người cha làm nghề kinh doanh đồ gỗ sang Honolulu định cư và vào Trường ĐH Hawaii. Nơi đó, cô gặp Barack Obama (cha). Là một trong những người châu Phi đầu tiên nhập học tại ĐH Hawaii, ông Barack Obama (cha) là một con người có sức hút kỳ lạ. Ông thường đi nói chuyện trong các nhóm tôn giáo, trả lời phỏng vấn vài tờ báo địa phương, lúc nào cũng được một đám đông bạn bè đi theo, cùng uống bia, ăn pizza, nói chuyện về chính trị và chiến tranh ở VN.
Ở ĐH, Stanley tự đổi tên cho mình là Ann. Ann thường ngồi lặng lẽ trong một góc phòng để nghe Barack Obama (cha) nói chuyện mà ít khi nào nói lên ý kiến của mình. Vậy mà vài tháng sau khi quen nhau, năm 1961 cả hai kết hôn trước sự ngỡ ngàng của gia đình bà Ann. Thuở ấy, hôn nhân dị chủng được cho phép ở Hawaii nhưng còn bị cấm ở khoảng phân nửa các tiểu bang Mỹ.
Khi Barack Obama lên một tuổi (năm 1962), cha ông rời Hawaii đi học tiến sĩ ở Harvard về kinh tế. Ước muốn của Barack Obama (cha) là sẽ trở về quê hương Kenya của mình để tái kiến thiết. Cuối cùng, bà Ann đã từ chối đi theo ông.
Một người bạn cũ của hai người, nay là nghị sĩ ở Hawaii tên Nei Abercrombie giải thích: “Bà không ảo tưởng. Kenya thời ấy là một đất nước mà nam giới giữ vai trò thống lĩnh trong mọi việc. Hơn nữa, Barack Obama (cha) xem gia đình rất nhẹ so với sự nghiệp riêng”. Năm 1964, bà Ann gửi đơn ly dị để giải thoát ông Obama (cha) khỏi mọi sự ràng buộc ở Mỹ. Vào thời ấy, hầu hết phụ nữ Mỹ không dễ dàng ly dị.
Khi Barack Obama gần hai tuổi, Ann trở lại trường ĐH và lấy bằng cử nhân bốn năm sau. Một sinh viên Indonesia tên Lolo Soetoro tỏ ra rất quan tâm đến bà và cậu con trai nhỏ nên Ann đi bước nữa với ông vào năm 1967. Trong năm này, bà cũng đã giã từ Hawaii để đưa con trai về quê chồng bắt đầu cuộc sống mới, nơi bà sẽ thoát ra vỏ bọc trầm lặng của mình và trở thành người nổi tiếng.
Bình dị và tận tâm
Ông Barack Obama nhớ rõ nhà của cha dượng Lolo nằm ở ngoại ô Jakarta. Khác xa với sự phồn hoa ở Honolulu, nơi ở mới của ông không có điện, đường phố chưa có vỉa hè. Indonesia đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cho tướng Suharto. Lạm phát tăng tới hơn 600% và hàng hóa rất hiếm. Ann và con trai của bà là người nước ngoài đầu tiên đến sống ở ngoại ô Jakarta. Obama làm quen dễ dàng với trẻ trong xóm và chẳng hề phiền hà khi bị gọi là “da đen”.
Trong khi bà Ann có khuynh hướng đến gần những người dân bản xứ thì người chồng thứ hai của bà lại thân phương Tây. Ông được thăng cấp trong một công ty dầu khí của Mỹ nên chuyển vợ con về một khu vực giàu có hơn. Ông thường đưa vợ đến dự các cuộc chiêu đãi mà Ann rất ngán ngẩm, nơi các ông chồng khoác lác về điểm chơi golf còn các bà vợ phàn nàn về người giúp việc Indonesia.
Dù chồng thu nhập khá, Ann vẫn nhận dạy tiếng Anh ở đại sứ quán Mỹ. Mỗi ngày bà dậy từ rất sớm, sau đó đi vào phòng con trai lúc 4g sáng để dạy tiếng Anh cho con trước khi đi làm. Lúc đầu, ông Obama được gửi vào một trường quốc tế dành cho giới nhà giàu, nhưng Ann lo con trai mình sẽ không được thử thách đầy đủ trong môi trường đó. Sau hai năm, bà chuyển con sang học ở một trường công gần nhà. Để giúp con trai có ý niệm rõ ràng hơn về thế giới của những người da đen ở Mỹ, bà thường mang sách về phong trào quyền công dân sang phòng con đọc vào buổi đêm.
Ông Obama kể: “Mẹ tôi theo suy nghĩ của tiến sĩ Martin Luther King thời kỳ đầu. Bà tin con người ta đều cơ bản giống nhau bất kể màu da, mọi hình thức cố chấp đều sai lạc và mục tiêu là phải đối xử với mọi người như họ là những cá thể độc đáo riêng biệt”. Ann cho con gái (sinh năm 1970) hàng tá búp bê da đen, da vàng, da trắng. “Y như ở Liên Hiệp Quốc” - một người bạn ví von.
Từ khóa » Bố Mẹ Tổng Thống Obama
-
Người Mẹ Da Trắng Bí ẩn đã Sinh Ra ông Obama - Eva
-
Cuộc đời Sóng Gió Của Mẹ Tổng Thống Obama - Tư Liệu - Zing
-
Tổng Thống Mỹ Obama: Người Mẹ Tạo Nên Một Tổng Thống Bây Giờ
-
Barack Obama: Từ "đứa Trẻ Hư" đến Tổng Thống Mỹ
-
Tổng Thống Obama: Người Mẹ đã Tạo Nên Một Tổng Thống Bây Giờ
-
Chuyện Gia đình Barack Obama Qua ảnh - VnExpress
-
Những điều ít Biết Về Thân Phụ Của Tổng Thống Obama - VnExpress
-
Cuộc đời Chìm Nổi Của Mẹ Cựu Tổng Thống Obama
-
Người Mẹ Tuyệt Vời Của Tổng Thống Obama - Phụ Nữ Việt Nam
-
Phát Biểu Của Tổng Thống Obama Và Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang ...
-
Tổng Thống Obama Archives - U.S. Embassy Hanoi
-
- CÂU CHUYỆN LÀM CHA MẸ CỦA GIA ĐÌNH OBAMA ...
-
Bà Nội Của Cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama Qua đời ở Tuổi 99
-
6 Câu Nói Dạy Con Của Vợ Chồng Obama Khiến Thế Giới Khâm Phục