Cuộc đối Mặt Với Tỉnh Trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo

Nguyễn Văn Lý, Võ Văn Rọt, Nguyễn Văn Chương, trong ngôi nhà của cơ sở ta ở bên cầu Thầy Cai. Anh Nguyễn Văn Mãnh thay mặt Chi đoàn trường tổ chức lễ kết nạp. Tôi công tác ở Thị xã Đoàn, được cử đến để công nhận ĐV mới. Lễ kết nạp đến phần kết thúc, bỗng có tiếng hét lớn, hốt hoảng: “Mãnh ơi, có khách tới!”. “Tín hiệu động, tản hàng ngay!” - Anh Mãnh ra lệnh xong, khẩn trương thu xếp tài liệu, ảnh Bác Hồ, cờ Đảng. Tôi nhanh chân bước ra cửa. Các anh em còn loay hoay. Bỗng tên Bảy Bá - Trung đội Trưởng tề xã An Hội xuất hiện, bảo: “Đâu ngồi đó!”. Hắn chụp lấy chiếc xe đạp của tôi kéo vào cửa và bảo tôi đứng yên. Bọn chúng, thằng nào mắt cũng láo liên, đi khám xét khắp nơi trong nhà. Chưa tìm ra dấu vết gì của chúng tôi, tên lính nói nhanh, có phần lo sợ: “Ảnh Cụ Hồ đây nè. Có cả cờ đỏ búa liềm nữa!” Bọn lính trong nhà liền thoát ra cửa. Riêng bọn lính đứng canh bên ngoài tụt xuống mương vườn, lên đạn sẵn sàng chiến đấu. Tôi mỉm cười cho sự ngô nghê ấy và biết chắc mình sẽ bị bắt. Y như rằng, chúng xông vào bắt trói tôi cùng bốn anh em khác. Có thằng chồm tới, lột chiếc đồng hồ đeo tay của anh Nguyễn Văn Lý. Bọn khác lao tới đánh anh Mãnh, anh Rọt. Mất chiếc đồng hồ, anh Lý la toáng: “Lính Cộng hòa cướp đồng hồ của học sinh!”. Tên Bảy Bá quay sang đánh tới tấp vào mặt anh Lý. Tôi cũng phản đối: “Lấy đồng hồ, còn đánh học sinh là chế độ “nhân vị” à! Đồ ác ôn!”. Bọn chúng tập trung đánh vào tôi. Không biết chúng đánh thế nào mà tôi không thở được. Tôi bị gãy mấy chiếc răng mà không hay. Thấy tôi choáng váng, mệt lả, tên Bảy Bá khinh khỉnh, nói: “Chế độ “nhân vị” là vậy đó!”. Sau đó, chúng tiếp tục lục soát, bắt gặp tài liệu, tiểu sử của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và danh sách các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Tìm được tài liệu, chúng càng điên cuồng, đánh đập chúng tôi nhiều hơn.

Tên Bảy Bá hỏi: “Tài liệu này ở đâu mày có?”. Tôi làm thinh. Chúng tức giận xé áo tôi. Tôi trả lời:

- Tôi không biết.

Anh Mãnh theo dõi một hồi, liền nói để giải vây cho tôi:

- Tài liệu này là du kích Phú Hưng gởi. Các ông muốn bắt tìm “ông Bảy đầu đỏ” mà bắt.

Nghe tới “ông Bảy đầu đỏ” -  khắc tinh của bọn chúng, nên tên Bảy Bá hoảng sợ, liền lệnh cho bọn lính kéo tôi và các em học sinh bị trói thành một chùm, kéo chạy ầm ầm băng qua cầu Thầy Cai.

Trên đường chúng giải chúng tôi về Khám Lá, tôi tranh thủ dặn dò rất kỹ với các bạn học sinh cùng bị bắt, rằng trước sau gì cũng khai như anh Mãnh là tài liệu đó là của “ông Bảy đầu đỏ” gởi (vì đây là vùng địch hậu, quân của phía bên nào đến cũng được, học sinh chẳng biết gì, ai mượn gì làm nấy). Đêm đó, chúng tôi bị giam ở Khám Lá. Không chăn chiếu, áo quần thì rách nát. Tôi không ngủ vì lo chuẩn bị tinh thần để sáng mai đối mặt với bọn điều tra lấy cung.

Tên Phan Thạnh có tiếng mềm dẻo nhưng thâm độc. Hắn nghĩ tôi còn đi học, bảo tôi khai thật nhẹ để về còn đi học. Rằng mọi người bị bắt đổ tội cho tôi hết rồi.

Tôi giả vờ ngơ ngác:

- Đổ tội là đổ tội gì?!

- Đừng ngoan cố. Hắn nói như thể biết tỏng về tôi.

- Tôi không biết gì đâu mà khai.

Tên Phan Thạnh tức giận, tát tôi một bạt tay. Rồi hắn nhấn vai tôi, bắt quỳ xuống.

Vừa mệt, vừa đói lả, tôi ngã quỵ mấy lần. Tên Phan Thạnh dùng chân hất tôi dậy. Tôi gạt chân hắn ra. Hắn co chân đạp tôi té nhào. Bấy giờ bất chợt cửa phòng điều tra bật ra. Tên Phó phòng thẩm vấn Nguyễn Văn Minh bước vào. Hắn ra vẻ kẻ cả, ôn tồn nói:

- Học không lo học, tham gia chuyện chính trị làm gì?

Kế đến, tên Quế xuất hiện. Hắn rút súng ngắn ra chỉa thẳng vào tôi vờ ngoéo cò. Thấy tôi nhìn thản nhiên, cả bọn tức giận. Ngay lúc đó có tên mặt lạnh như tiền, nói như ra lệnh:

- Không được đánh chúng nó. Kể cả mấy đứa mới bắt bên Trường Tân Dân.

Lúc này tôi đâm lo. Vậy là cả bên Trường Tân Dân cũng bị lộ rồi.

Nửa đêm chúng lại gọi tôi lên phòng thẩm vấn. Vậy là lại tiếp tục cuộc đấu tranh nữa đây.

- Ai bắn tên điềm chỉ viên ở Thất Cao Đài. Khai mau!

- Tôi còn đi học. Không biết!

Tôi nói vậy, chứ tôi biết vụ này do anh Giao học Trường Cộng Hòa nhận nhiệm vụ, nhưng giữa chừng lại thay anh Đạt học cùng lớp và cùng quê ở xã Hiệp Hưng - Giồng Trôm, thanh toán tên chỉ điểm kia; nhưng hắn đã chạy thoát. Và, cũng chính từ nguyên nhân này mà chúng lùng sục bắt chúng tôi.

Liên tiếp bảy ngày bảy đêm chúng gọi chúng tôi lên phòng thẩm vấn. Sáng nọ, tên Phó phòng thẩm vấn lệnh tôi theo hắn đến gặp tay Trưởng ty Công an Kiến Hòa - Tống Văn Trình. Tên Trình giọng nhỏ nhẹ, khuyến dụ:

- Em tên gì, sao không lo học hành?

Tôi xưng tên họ và tuyệt nhiên không nói gì thêm. Hơn một giờ đồng hồ hắn nói huyên thuyên, tôi chẳng cần nghe loại giáo lý rẻ tiền. Sau đó hắn bấm chuông gọi người đưa tôi trở lại phòng giam. Tôi cùng các bạn ở Trường Phong Châu, Trường Tân Dân được chúng cho ngồi ăn cơm chung. Qua đó, tôi được biết là chúng tôi chưa bị lộ gì trong quá trình điều tra của chúng. Và mừng hơn là sau đó, chúng tôi được gần gũi với đồng chí Tư Nhung, cũng bị bắt vào đây. Anh cùng đồng chí Thu An, Ba Đức chăm sóc từng miếng ăn, gô nước, động viên chúng tôi, nhất là tôi, phải giữ vững khí tiết người đảng viên.

Như tiếp thêm sức mạnh, tôi càng vững tin ở tinh thần, ý chí của mình.

Nửa tháng trôi qua. Sáng nọ, tên cảnh sát đến dùng chân đá vào cửa phòng giam, gọi mười học sinh cùng tôi sang phòng khác. Tôi hơi chột dạ, không biết chúng giở chiêu gì đây? Trước khi đi, các đồng chí động viên, dặn dò chúng tôi rất kỹ. Nếu có điều gì thì liên lạc nhau trong lúc lãnh cơm, lãnh nước. Vậy là chúng tôi bị chúng đưa qua phòng giam đặc biệt cũng gần đó. Lúc này, tôi mới mười tám tuổi, nhưng được hun đúc, tôi càng tỏ rõ dũng khí người đảng viên, giữ thanh danh cho Đảng. Qua đó, nhằm động viên, thuyết phục các bạn trẻ giữ vững tinh thần để đối phó với bọn điều tra. Điệp khúc cứ lặp lại. Năm giờ sáng, tên cảnh sát lạ mặt tới vỗ cửa phòng giam, gọi chúng tôi chuẩn bị gặp ngài Tỉnh trưởng. Không biết chúng giở âm mưu gì. Hay là tên Tỉnh trưởng bày mưu đưa chúng tôi ra tổ chức mít-tinh để dùng chiêu “tố cộng”? Tôi dặn các bạn trẻ cố gắng bình tĩnh để khai cho không bất lợi. Vừa dứt lời, ông Tỉnh trưởng - Trung tá Phạm Ngọc Thảo oai vệ liền tới:

- Các em có khỏe không?

Biết giọng điệu “ngọt mật chết ruồi”, tôi tranh thủ tố cáo rằng chúng tôi đang đi học mà vô cớ bị bắt oan, bị tra tấn rất tàn nhẫn. Chẳng biết sao lúc này ông Tỉnh trưởng khuyên chúng tôi như thầy giáo. Rằng chúng tôi phải lo học hành mới làm được những điều to tát. Ông là kỹ sư Vật lý mà chưa làm được gì. Các em có chí là tốt, nhưng phải lo học trước, có nền tảng tri thức cái đã. Ông còn ân cần hỏi chúng tôi có cần thuốc men hay quần áo gì không, ông sẽ giúp. Cẩn thận, tôi khuyên các bạn trẻ hãy cảnh giác, đừng bị ông Tỉnh trưởng lừa.

(Kể đến đây, tôi chợt nhớ hồi đang tại chức chừng hơn mười năm trước, tôi cùng phái đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm nhà ông Phạm Ngọc Thảo, ở đường Võ Thị Sáu - quận 3 - TP. Hồ Chí Minh. Tiếp chúng tôi là anh Phạm Ngọc Hùng cùng người em gái - đều là em ruột đồng chí Phạm Ngọc Thảo. Nhìn di ảnh đồng chí Phạm Ngọc Thảo trên tủ thờ cùng chiếc đài bán dẫn, tôi xúc động bồi hồi. Tôi xin đốt nén nhang, mặc tưởng đến một tình báo tài ba đã sớm hy sinh vì Tổ quốc. Và trong nước mắt, tôi xin lỗi đồng chí vì “chuyện ngày xưa” ở Khám Lá, tôi hiểu lầm nên có cử chỉ, lời nói khiếm nhã…).

Vẫn năm giờ sáng. Tên cảnh sát quát nạt trước cửa phòng giam, lệnh chúng tôi ra xe. Nhanh như chớp, chúng khóa mười người chúng tôi vào năm chiếc còng số 8 thành năm cặp, tống lên xe. Nhóm cảnh sát theo hộ tống lăm lăm súng trường như lũ cướp. Xe dừng lại tại Tòa Hành chính tỉnh Kiến Hòa. Thì ra hôm ấy là ngày lễ bế giảng năm học, nên thầy cô giáo, học sinh đến đây rất đông. Tôi nghĩ, chắc là bọn chúng mượn diễn đàn để bắt chúng tôi “tố cộng”. Tôi tranh thủ trao đổi với anh Mãnh và các bạn trẻ cố gắng giữ vững tinh thần, khí tiết, không bị địch lừa, ảnh hưởng đến tổ chức.

Đang lo nghĩ mọi điều thì bất ngờ tên Đại úy cảnh sát mấy hôm trước dẫn Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo đến phòng giam chúng tôi xuất hiện. Hắn quát bọn cảnh sát mở còng cho chúng tôi. Và hướng dẫn chúng tôi đến hàng trước học sinh để dự lễ. Thật bất ngờ, chúng tôi ai nấy đều mừng rơn, vì có lẽ sẽ được tha. Sau đó, trên lễ đài, Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo đọc diễn văn, đồng thời khuyên nhủ chúng tôi cố gắng học hành để sau này phụng sự Tổ quốc. Riêng việc chính trị “có người lớn lo”. Sau đó là học sinh biểu diễn văn nghệ. Hơn nửa tháng trong tù, hôm ấy được nghe các bạn trẻ hát, chúng tôi như được… lên dây cót. Thoáng chốc, sân Tòa Hành chính tỉnh như sân nhà sau đám tang. Bỗng nhiên, Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo xuất hiện, khi trước lễ đài còn có mười người chúng tôi.

- Các em xem các bạn mình múa hát có hay, có đẹp không? Nếu các em không bị bắt, các em cũng được tham gia sinh hoạt văn nghệ như các bạn vậy. Nhớ cố gắng học giỏi, tôi không ngăn cản các em làm chính trị đâu. Các em thấy trong hàng ngũ Việt cộng cũng rất nhiều người có học vị cao. Người mà các em cổ vũ, giữ chức Chủ tịch Mặt trận giải phóng Miền Nam là ông Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, từng tốt nghiệp đại học, ngành luật ở bên Pháp về đó.

Nói đoạn, ông Tỉnh trưởng quay qua nhóm cảnh sát thuộc cấp, ra lệnh thả chúng tôi. Bấy giờ, nhóm cảnh sát đưa chúng tôi đến không áp giải chúng tôi mà ông Đại úy Nguyễn Như Tuyết đến ôn tồn bảo chúng tôi lên xe đưa về Trường Phong Châu. Sau này, tôi được biết Đại úy Tuyết là người của ông Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo.

(Ghi theo lời kể của ông Trần Đông Phong - nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương).

Từ khóa » Tỉnh Kiến Hòa