Cuộc đời Và ánh đạo Của Tôn Giả Xá-Lợi-phất - Phần 2
Có thể bạn quan tâm
8. Hai nhiệm vụ quan trọng:
Bên cạnh sự hoằng pháp về Nam Ấn, kiến thiết tinh xá Kỳ Hoàn, tôn giả Sàriputta còn đảm nhận hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Nhiệm vụ đầu tiên: Tôn giả là người duy nhất được đức Thế Tôn chọn để truyền trao pháp môn Tịnh Độ, thuyết giảng kinh A Di Đà. Ngày nay, Phật pháp được lưu truyền khắp mọi nơi trên thế giới, tất cả đều tập trung vào ba tông phái chính: Tịnh Độ tông, Thiền tông và Mật tông. Trong ba tông phái này, Tịnh Độ tông vẫn là tông phái được giới Phật tử áp dụng để tu tập nhiều nhất. Sự thật là xưa nay, tôn giả Sàriputta chưa được xem là ông Tổ của Tịnh Độ tông, nhưng thật sự chính Tôn giả là người đầu tiên được đức Phật gọi đến để truyền trao pháp môn này. Kinh A Di Đà, bộ kinh được Tịnh Độ tông chọn làm tôn chỉ, được thọ trì, tụng đọc thường xuyên trong các thời công phu chiều và tối. Kinh này được tóm gọn trong mười mấy trang, thế mà danh từ Xá-lợi-phất (Sàriputta) được đức Phật nhắc đến ba mươi tám lần.
Tại sao có hàng ngàn Tôn giả khác nhưng đức Phật không chọn để truyền trao pháp môn này, mà lại chọn tôn giả Sàriputta? Một trong những lý do chính là: Tông chỉ pháp môn này luôn xây dựng trên đức tin (Tín). Niềm tin là mẹ đẻ của các công đức, là điều không thể thiếu trong việc hành trì pháp môn này; niềm tin không đòi hỏi phải có trình độ hay không có trình độ. Do sợ đời sau cho rằng, pháp môn này chỉ hợp với người có căn cơ thấp, còn người có trình độ, có căn cơ cao thì không thích hợp với việc tu tập pháp môn này! Khi tôn giả Sàriputta, bậc Trí tuệ bậc nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của đức Phật cúi đầu đảnh lễ, nhận lãnh pháp môn này. Thì ai trong chúng ta, những người trên cõi đời hiện nay dám cho ta là hàng trí thức, hàng đại căn để chê bai pháp môn này.
Ngày nay, pháp môn Tịnh độ đang phát triển huy hoàng. Những người chọn pháp môn Tịnh độ để tu tập chắc không bao giờ quên được hình bóng của bậc Đại trí bậc nhất, người đã đảnh lễ thọ trì pháp môn này để được lưu truyền, phát triển cho đến ngày nay.
Nhiệm vụ thứ hai: Một sự việc “vô tiền khoáng hậu” đã xảy ra trong thời đức Phật và khó có thể xảy ra sau này, đó là sự “phá pháp luân Tăng” của tôn giả Đề-bà-đạt-đa. Nhận xét về tôn giả Đề-bà-đat-đa, công bình mà nói thì Tôn giả là người rất có tài năng trên mọi lãnh vực: Giàu sang, quyền thế, văn chương, kiếm cung, tu tập ... chỉ tiếc là tài năng ấy khi đứng cạnh đức Thế Tôn nó bị lu mờ như các vì sao đứng cạnh mặt trăng rằm, như Chu Du đứng gần Gia Cát Lượng. Từ thuở nhỏ vương tử Đề-bà-đạt-đa đã nổi bật và giỏi trên nhiều lãnh vực, là đối tượng cao nhất để tranh giành với thái tử Tất-đat-đa, tranh giành từ con thiên nga trong thuở ấu thời, cho đến tranh giành người đẹp Da-du-đà-la vào lúc trưởng thành và tranh giành cả ngai vàng cao quý.
Khi xuất gia làm đệ tử với đức Phật, ông nổ lực tu tập và chứng đắc được thần thông. Nhưng sau đó, ông cấu kết với thái tử A-xà-thế để tranh giành quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Ông khuyến dụ thái tử A-xà-thế giết vua cha là Tần-bà-sa-la để làm vua, còn mình giết Phật để làm Phật và lãnh đạo Tăng đoàn. Sau khi thái tử A-xà-thế đã giết vua cha và lên làm vua, Đề-bà-đạt-đa được vua A-xà-thế trọng dụng và ông đã tiến hành mưu sát Phật, ông đã thuê những sát thu chuyên nghiệp để ám sát Phật, lăn đá để giết Phật, thả voi say để giẫm Phật v.v.. kết quả không thành!
Được sự ủng hộ của vua A-xà-thế, ông đã có quyền lực, giàu sang và danh vọng, ông ra sức chia rẽ Tăng đoàn, sáng lập luật mới, lôi kéo những vị Tỳ-kheo theo mình. Kết quả là ông đã quy tụ đến năm trăm vị tỳ-kheo theo mình, sinh hoạt, tu tập cũng như thọ hưởng vật chất .. . tạo nên đại tội, tội “phá pháp luân Tăng”.
Trước tình hình rạn nứt của Tăng đoàn như thế, đức Phật đã cử tôn giả Sàriputta và Moggallàna đến để thuyết pháp chỉ dẫn cho các vị tỳ-kheo còn mê muội đi theo tôn giả Đề-bà-đạt-đa.
khi thấy hai tôn giả Sàriputta và Moggallàna đến với mình, tôn giả Đề-bà-đạt-đa tưởng hai Tôn giả cũng đã theo mình, Ông lấy làm đắc ý, tự cao và giao năm trăm vị Tỳ-kheo cho hai tôn giả dạy bảo để vào phòng nghỉ. Tôn giả Sàriputta đã thăng tòa thuyết giảng, phân tích đâu là tà, chánh, chân ngụy, đâu là sự xuất gia chân chính… Năm trăm vị Tỳ-kheo sau khi nghe tôn giả Sàriputta thuyết giảng đã nhận thấy sự sai lầm của mình, họ liền từ bỏ Đề-bà-đạt-đa và cùng theo tôn giả Sàriputta về với đức Thế Tôn, Tăng chúng trở lại hòa hợp, thanh tịnh như xưa, chấm dứt sự chia rẽ, rạn nứt trong Tăng đoàn. Khi tôn giả Đề-bà-đạt-đa thức dậy thấy chẳng còn vị Tỳ-kheo nào, Ông tức giận đến thổ ra máu tươi.
Một lần nữa, tôn giả Sàriputta đã cho chúng ta thấy tài năng, cũng như đã hoàn thành trọng trách to lớn chưa từng có trong Phật pháp, hàn gắn lại sự rạn nứt trong Tăng đoàn, chấm dứt sự “Phá Pháp Luân Tăng”, mang lại sự an lạc, thanh tịnh và hòa hợp cho Tăng đoàn.
9. Đức hạnh của tôn giả Sariputta:
Người xuất gia bao giờ cũng lấy đức hạnh làm chính, tôn giả Sàriputta không những có tài năng tuyệt vời như thế mà đức hạnh của Ngài còn tỏa sáng cả Tăng đoàn. Đây lại là một điểm son để chúng ta càng thêm kính trọng và chiêm ngưỡng. Đức hạnh của Ngài bao gồm tất cả các hạnh, vị tha, nhẫn nhục, tri ân, khoan dung, hiếu hạnh v.v...
Hạnh vị tha: Cuộc đời của một vị xuất gia bao giờ cũng nỗ lực để tiêu diệt sự vị kỷ, phát triển lòng vị tha, hoàn thiện đức tánh từ bi hỷ xả. Suốt cuộc đời của tôn giả Sàriputta là một tấm gương vị tha vĩ đại. Ngay từ lúc xuất gia, chứng đắc thánh quả, đảm trách nhiệm vụ “Đại đệ tử” của đức Tôn sư, Ngài đã sống tất cả cho Tăng đoàn, không những Ngài đảm trách mọi công việc quan trọng như hoằng dương chánh pháp về Nam Ấn, kiến thiết tinh xá Kỳ Hoàn, đem lại sự hòa hợp cho chư Tăng… mà Ngài còn làm những việc nhỏ nhất như chăm sóc từng vị Tỳ-kheo bệnh, dọn dẹp rác rưởi, nhà vệ sinh, nhà tắm v.v…
“Vị trưởng lão này không đi khất thực trong lúc sáng sớm như những vị Tỳ-kheo khác. Thay vì thế khi các vị đã đi rồi, Ngài thường thả bước xung quanh tịnh xá, và bất cứ ở đâu nếu Ngài tìm thấy đồ đạc không thu xếp, chỗ ngủ không sạch sẽ, Ngài liền dọn dẹp quét hốt mọi rác rưởi, và sửa soạn ngay cả giường chiếu, bàn ghế, chén bát, bình nước, thứ tự và sẵn sàng để cho những vị kia đi về sẽ dùng. Ngài làm như thế, ngoài đức chăm sóc cho chư Tăng còn nghĩ rằng: “Những đạo sĩ khác không phải người trong Phật giáo khi viếng thăm tịnh xá, có thể thấy được sự vô trật tự rồi chỉ trích chư Tỳ-kheo hoặc coi rẽ Tăng chúng.”
Đức hạnh vị tha, sống với đức Phật, lo cho Tăng đoàn, chăm sóc từng vị Tỳ- kheo già, Tỳ- khoe ốm, cho đến những vị Sa-di bé bỏng. Cuộc sống vị tha hy sinh ấy đến nỗi Ngài không có thời gian rảnh để tự thân chiêm nghiệm, hưởng thọ pháp lạc của tâm giải thoát: “Còn mình? Buổi sáng vừa thấy trọn vẹn đạo bất tử, buổi chiều đã về đây dự cuộc lễ nhận vai trò làm Đại Đệ Tử, buổi tối thì nghe pháp và thuyết pháp…quả thật ta chưa có thì giờ, một khoảng trống nào để tự mình chiêm nghiệm, liễu tri trạng thái vô hành của tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Bây giờ (buổi tối) là phải thời để làm điều ấy .”
Hạnh tri ân: Với nhân duyên kỳ ngộ, tôn giả Sàriputta đã gặp được tôn giả Assaji (A-thị-thuyết) và sau đó đã nhận được đạo bất tử. Để cảm niệm ân tình sâu sắc và cao cả ấy, lúc nào tôn giả Sàriputta cũng không quên vị ân sư này. Ban ngày tôn giả khất thực về thường dâng cúng thức ăn cho tôn giả Assaji, cho đến lúc ngủ Tôn giả cũng không quên hình bóng của vị ân sư này: “Đức Xá-lợi-phất tìm chỗ vắng lặng của mình để tọa thiền hoặc đi kinh hành. Trước lúc đi nghỉ, nghiêng lưng một lát thôi, đức Xá-lợi-phất luôn nhớ đến chỗ của Đại đức Assaji trong tịnh xá hay ở phương nào để quay đầu về hướng đó. Cho chí sau này, trên đường hoằng pháp theo chân đức Bổn sư, đêm nghỉ tại thị trấn, làng mạc, rừng sâu, nghĩa địa … chỗ có mái che hay không có mái che, đức Xá-lợi-phất vẫn giữ thông lệ như vậy, quay đầu về phương hướng mà vị thầy ban đầu của mình đang cư ngụ.”
Hạnh nhẫn nhục:
Từ một người ngoại đạo mới xuất gia, lại trở thành một bậc “Đại đệ tử” đứng đầu trong Tăng đoàn, tôn giả Sàriputta đã làm mọi Tỳ-kheo kính phục. Tuy nhiên bên cạnh ấy vẫn còn những Tỳ-kheo hữu lậu ghen ghét và đố kỵ nên họ đã có những lời nói và hành động thô lỗ với tôn giả Sàriputta. Channa (Xa-nặc) nghĩ mình có oai thế đã nói lời xúc phạm, phỉ báng đến Tôn giả, Ngài ôn hòa nhẫn nhịn không tranh biện. Đức Thế Tôn hay việc này đã gọi đại đức Channa đến quở trách và dạy rằng: “Này Channa! ông nên nhớ rằng hai vị đệ tử của Như Lai là những người bạn tốt, tốt nhất trên nhân loại. Được làm bạn với họ là hạnh phúc, vô cùng an vui và lợi lạc vô cùng”.
Đức hạnh và tài năng của Tôn giả vượt hẳn người thường, tiếng đồn về Ngài ngày càng vang xa mãi. Có một ông Bà-la-môn nghi ngờ về việc ấy nên muốn thử Ngài. Một hôm, ông rình bên đường đợi Tôn giả Sàriputta đi khất thực ngang qua, bất thần từ phía sau, ông dùng gậy đánh trên lưng Ngài thật mạnh. Nhờ an trú chánh niệm tỉnh giác nên Tôn giả vẫn giữ tâm mình bình thản như không có gì xảy ra, tiếp tục đi khất thực. Vô cùng kính phục trước thánh hạnh ấy, ông Bà-la-môn này liền xin tạ tội và xuất gia làm đệ tử của Tôn giả.
Có một vị tỳ kheo trẻ thiếu tu tập, cảm thấy mình buồn bã không được quan tâm trong đại chúng, vị này đã vô cớ buồn bực vu khống tôn giả Sàriputta ỷ có quyền thế đánh mình và xin đức Thế Tôn phân xử. Trước đại chúng đông đảo, đức Thế Tôn đã hỏi tôn giả Sàriputta có việc ấy không? Tôn giả Sàriputta đã nêu lên chín tâm hạnh cao cả mà mình đã tu tập: Tu tập tâm như đất, mặc cho ai chà, ai đạp, ai bước tới bước lui, quăng lên đấy tất cả mọi dơ uế bất tịnh, ai đại tiện, tiểu tiện lên ấy cũng được…Tu tập như nước, như gió, như lửa… “Bạch đức thế tôn! Chín điều ấy là con, con là chín điều ấy. Tất cả mọi phẩm hạnh, mọi đức tính của một Sa môn mà đức Thế Tôn hằng giáo giới, dẫu con chưa thành tựu vẹn toàn, nhưng con vẫn đang đi từng bước một, vững chắc và ổn định. Từ khi thấy đạo, thấy quả đến nay con chưa hề hổ thẹn một điểm nào về giới luật để đến nổi phải tự khiển trách chính mình. Xin đức thế tôn và cả đại địa chứng minh cho con sự thật ấy”.
Khi tôn giả sàriputta trình bày về tâm hạnh tu tập cao cả của mình như thế, cả đại chúng đều vô cùng kính phục, vị Tỳ-kheo trẻ vô cùng hối hận đã tự thú nhận tội lỗi của mình trước đức Phật, tôn giả và đại chúng, để cầu xin sám hối.
Hạnh nguyện của Sàriputta là hạnh nguyện của một bậc thánh, do vậy những đức hạnh của Ngài chúng ta không thể kể hết được. Ngoài những đức hạnh vị tha, tri ân, nhẩn nhục trên, tôn giả Sàriputta còn thể hiện hiếu hạnh (sẽ trình bày sau), hạnh khoan dung, hạnh nhường nhịn, hạnh hi sinh v.v… mỗi một đức hạnh của Ngài là một tấm gương bằng pha lê trong suốt để hàng con Phật chúng ta noi theo mà tu tập và thực hành.
10. Độ thân quyến:Tìm trong kinh tạng hay trong các sử liệu viết về Tôn giả Sàriputta, chúng ta biết được Tôn giả có tất cả sáu người em: ba người em trai và ba người em gái. Ba người em trai tên là: Cunda, Upasena, Revata. Và ba người em gái tên là: Càlà, Upacàla và Sìsupacàlà. Đọc qua sử liệu về Ngài, chúng ta vô cùng khâm phục, kính ngưỡng và đồng thời cũng chúc mừng cho thân mẫu của Tôn giả là bà Sàri có được phước đức vô lượng. Bà sanh được bảy người con, dưới sự hướng dẫn của vị huynh trưởng tài đức vẹn toàn, tất cả đều được xuất gia trong giáo pháp của đức Phật và đồng chứng được thánh quả A-la-hán.Sau khi xuất gia trong giáo pháp của đức Phật, đức hạnh và tài năng của Tôn giả Sàriputta ngày càng vang xa mãi. Tôn giả đã độ rất nhiều người, trong mọi thành phần từ vương tử, quý tộc, trưởng giả… cho đến những hàng ngoại đạo và những người nghèo khổ có địa vị thấp hèn nhất trong xã hội. Đặc biệt, Tôn giả đã độ được những người thân yêu nhất của mình, từ người cậu theo đạo lõa thể, người cháu thờ lửa tế thần, độ tất cả các người em mình xuất gia, chứng được Thánh quả cho đến người mẹ thân yêu nhất của mình: “Ta có một ông cậu có duyên với Chánh pháp. Ông cậu này thường cúng dường đến các đạo sĩ lõa thể, và ông ta nghĩ rằng làm như vậy là thực hành con đường cộng trú với Phạm thể. Ông cậu này ta đã dẫn đến đức Thế Tôn, và đức Thế Tôn đã đặt ông vào đức tin Tam bảo. Ta cũng có một đứa cháu trai, tháng ngày chuyên giết thú và chăm sóc ngọn lửa tế thần. Y làm như vậy và tin tưởng rằng đấy là con đường dẫn đến cõi Phạm thiên. Ta đã dẫn cháu ta đến bên chân đức Thế Tôn, và đức Thế Tôn đã đặt ông ta vào đức tin Tam bảo từ ấy”.Trong sáu người em của mình, đầu tiên là hai người em trai Cunda và Upasena, Tôn giả đã khuyên dạy và hướng dẫn hai vị này xuất gia trong Chánh pháp, hai vị đã theo gương vị huynh trưởng của mình nỗ lực tinh tấn tu tập và đã đạt được phẩm hạnh cao quý nhất của một vị Sa môn. Đó là chứng đắc Thánh quả A-la-hán.Đến ba người em gái: Càlà, Upacàlà, Sìsupacàlà, tuy Tôn giả không trực tiếp hướng dẫn họ xuất gia tu tập nhưng khi nghe danh tiếng tài năng, đức hạnh cũng như sự an lạc, giải thoát của vị huynh trưởng, cả ba người em gái của Tôn giả thấy được sự giả tạm vô thường, đau khổ, ràng buộc của cuộc đời. Họ cũng noi theo gương vị huynh trưởng của mình, lần lượt xuất gia trong Chánh pháp giải thoát, nổ lực tu tập và thành tựu được quả vị Vô sanh (A-la-hán). Như vậy, tuy Tôn giả không trực tiếp hướng dẫn họ nhưng bằng con đường gián tiếp, Ngài cũng độ họ được giải thoát.Trong sáu người em của Tôn giả Sàriputta, câu chuyện về nhân duyên xuất gia của cậu em út đã làm cho chúng ta thích thú nhất. Khi hay thân phụ của mình qua đời, Tôn giả Sàriputta đã xin đức Thế Tôn về quê hương để thăm viếng gia tộc và để tụng kinh siêu độ cho thân phụ. Được sự cho phép của đức Thế Tôn, Tôn giả đã dẫn theo năm trăm vị Tỳ-kheo để hoằng hóa độ sinh trên quê hương mình, đồng thời cũng tụng kinh hồi hướng công đức để siêu độ cho cha mình. Khi gặp lại được người anh khả kính mà xưa nay mình chỉ nghe danh mà chưa hề thấy được bóng hình, người em út Revata đã nhìn Tôn giả một cách sững sờ: “Đây là anh trai cả tôn quý của ta! Đâu đâu người ta cũng thán phục ca tụng ông anh vĩ đại này. Ồ! Mà sao anh trai ta đẹp quá, uy nghiêm quá, lại dễ mến nữa!”Tôn giả Sàriputta đã quan sát và biết trước người em út, Revata bảy tuổi bé bỏng của mình cũng sẽ được xuất gia, chứng Thánh quả, nên đã dặn Revata khi nào muốn xuất gia thì hãy đến ngôi làng của khu rừng phía Tây, nơi có mấy mươi vị Tỳ-kheo đang tu hạnh Đầu-đà, nói là em trai của Tôn giả Sàriputta xin phát nguyện xuất gia thì họ sẽ nhận lời để em được xuất gia trong Chánh pháp.Mẹ của Tôn giả Sàriputta là người rất ghét đạo Phật cũng như ghét cả đức Phật và chư Tỳ-kheo. Bà cho rằng, đức Phật đã dùng chú thuật cướp đi sáu người con thân yêu của bà. Lại nữa, gia đình bà là trưởng giáo Bà-la-môn có truyền thống tín ngưỡng thần linh sâu sắc. Giờ đây chồng bà đã mất, gia tài thì đồ sộ, giàu có nhất làng mà chỉ còn lại người con trai út mới bảy tuổi. Nhìn ánh mắt kính ngưỡng vào vị huynh trưởng sâu sắc của nó trong lúc đưa tiễn Tôn giả Sàriputta về lại tinh xá Kỳ Hoàn, bà sợ cậu út này sẽ xuất gia như các anh chị của nó thì kể như gia tài đồ sộ kia sẽ trở thành hoang phế, và nhất là bà sợ dòng dõi cao quý của gia đình này kể như không có người nối truyền tông hệ, không ai kế thừa huyết thống. Thế là bà quyết định theo chế độ tảo hôn, lo lập gia đình cho cậu con trai út Reveta. Nghĩ là làm, bà đã mời những vị Bà-la-môn trưởng thượng trong quyến thuộc đến để trình bày lý do, nguyện vọng của bà và nhờ họ mai mối tìm vợ cho người con cuối cùng ấy. Sau một thời gian tìm kiếm, họ đã tìm được một người con gái mười bốn tuổi xinh đẹp, môn đăng hộ đối và tiến hành làm đám cưới cho cậu con trai út. Lúc này, Reveta mới bảy tuổi tuy còn bé nhưng cũng rất khôn ngoan và có căn cơ xuất thế. Đám cưới diễn ra rất linh đình. Trong lúc về nhà gái để rước dâu với nhiều nghi thức trọng thể, trong ấy có tiết mục bà ngoại cô dâu là người giàu sang, cao tuổi (120 tuổi), có danh vọng trong gia tộc đứng ra chúc phúc cho hai trẻ được sống hạnh phúc đến ngày răng long, đầu bạc như bà. Nhìn cô dâu thì xinh đẹp, nhưng lại thấy bà ngoại cô thì già nua, tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, lưng còng, đi đứng phải nương gậy... Cậu hiểu rằng rồi cô bé xinh đẹp, gọi là cô dâu, vợ mình cũng già và xấu như thế. Nhân duyên xuất trần đã đến, nhớ lại lời dạy của vị huynh trưởng của mình, cậu nghĩ cách thoát thân. Trên đường rước dâu về nhà, Reveta giả vờ đau bụng xin dừng xe để xuống, vào các lùm cây bên đường để đại tiện, xong rồi lên xe đi tiếp, đến ba lần như vậy. Lần thứ tư, khi còn cách nhà không bao xa, Reveta lại nói rất tự nhiên: “Rõ là cái bụng nó đang hành hạ tôi, nhà cũng sắp đến, vậy quý vị cứ chầm chậm cho xe đi trước, tôi sẽ theo kịp ngay tức khắc”.Đám rước đang diễn ra linh đình, vì thế họ cũng không nghi ngờ gì nữa. Họ đánh xe chầm chậm đi, Reveta tìm vào một lùm cây kín, khuất tầm mắt mọi người và cố gắng chạy một mạch về hướng ngôi làng khu rừng phía Tây gặp các vị Tỳ-kheo đang tu hạnh Đầu-đà để xin xuất gia. Các vị Tỳ-kheo ban đầu không dám nhận Revata vào Tăng đoàn, vì nhìn thấy Revata ăn mặc sang trọng, con nhà quyền quí, và cũng chưa có sự đồng ý của cha mẹ, hay của huynh trưởng… sợ rằng cậu sẽ không kham nổi đời sống xuất thế. Nhưng sau khi biết Reveta là em của Tôn giả Sàriputta, đồng thời đã có sự dặn trước của Tôn giả Sàriputta, các vị Tỳ-kheo đã đồng ý thu nhận Reveta vào tu tập cùng Tăng đoàn. Sau một thời gian nỗ lực tiến tu, cậu bé Reveta đã chứng đắc Thánh quả A-la-hán trước sự kính phục của mọi người.11. Độ thân mẫu hay hạnh hiếu của Tôn giả Sàriputta:Khi so sánh về hai Tôn giả Sàriputta và Moggallàna, chúng ta thấy hai Tôn giả có rất nhiều điểm giống nhau một cách lạ kỳ: Giống nhau từ sự xuất thế, dòng họ, chủng tộc, về tài năng, về sự xuất gia và đồng trở thành hai vị Đại đệ tử của đức Thế Tôn. Đặc biệt là, hai Ngài đều thể hiện hạnh hiếu cao cả nhất trong hàng đệ tử của đức Phật, độ được thân mẫu của mình ra khỏi ngoại đạo tà kiến, an trụ vào Phật pháp, thoát khỏi khổ đau.Cũng giống như của Tôn giả Moggallàna, thân mẫu của Tôn giả Sàriputta cũng ghét cay, ghét đắng đức Phật và chư Tăng. Càng về già bà càng ghét hơn, nhất là lúc này, ngay cả đứa con út bé bỏng của mình, niềm hy vọng nhỏ bé ấy cũng bị cuốn hút vào Tăng đoàn, làm đệ tử của Sa-môn Cù-đàm: “Và vì thế, dù rằng bà có bảy người con đều chứng Thánh quả nhưng bà Sàri vẫn không tin Tam bảo, vẫn xem thường đức Phật và Tăng chúng, vẫn đặt niềm tin mù quáng theo ngoại đạo cổ hủ của mình. Chính vì thế, bà luôn chửi mắng Tăng đoàn và Sa-môn Cù-đàm”.Chúng ta dễ dàng thông cảm với nỗi khổ đau cũng như tâm tình của người mẹ già này, cả bảy đứa con thông minh, đẹp đẽ… biết bao ước mơ, tự hào, kỳ vọng về đàn con của mình đều dần dần tan theo mây khói. Giờ đây, bà đã gần một trăm tuổi, nhưng không còn một người con nào bên cạnh. Bà nhìn mọi vật vô cùng ảm đạm, cả gia tài “tiền rừng bạc biển” đều chẳng có nghĩa gì, chỉ đồng với cát bụi mà thôi. Nhìn ngôi nhà to lớn cổ kính, ruộng vườn mênh mông, càng làm cho bà thêm cô quạnh. Cả đám gia nhân kẻ hầu người hạ hay hàng thân quyến đông đảo và danh vọng, cũng đồng với nghĩa trống rỗng và khổ đau… làm sao sánh bằng những đứa con thân yêu dứt ra từ khúc ruột của mình.Đã từ lâu, Tôn giả Sàriputta muốn độ thân mẫu của mình vào niềm tin với Chánh pháp an lạc, nhưng nhân duyên chưa đến nên không độ được. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta đã tám mươi tuổi, Tôn giả quán sát thấy nhân duyên trụ thế của mình sắp mãn, và nhân duyên độ thân mẫu đã đến. Ngài liền đi đến đảnh lễ xin đức Phật cho về nhập Niết-bàn ở quê nhà và để độ mẫu thân của mình.Đức Thế Tôn đã chấp thuận, Tôn giả từ giã đại chúng và dẫn theo 500 Tỳ-kheo về quê hương mình. Trên đường về gần đến ngôi làng thuở xưa của mình, Tôn giả gặp đứa cháu trai và bảo người cháu về thông báo với bà (mẹ Ngài) rằng: Tôn giả Sàriputta đã trở về và xin ở lại căn phòng thuở xưa lúc Ngài chào đời. Người cháu vô cùng mừng rỡ, vội vàng chạy về báo tin. Dù rằng bà Sàri rất ghét Tăng đoàn, rất giận người con cả, nhưng lòng yêu thương con không bao giờ vơi cạn, bà đổi giận làm vui để tiếp đón Tăng đoàn. Tối đêm ấy, ở ngay căn phòng thuở xưa lúc chào đời, Tôn giả đã thị hiện bệnh tả lỵ, để nhập Niết-bàn và độ thân mẫu mình.Lúc bấy giờ, có thị giả Ngài là Sa-di Quân Đầu đang hầu hạ, cứ vào ra với những cái bô trên tay. Bà Sàri rất quan tâm đến người con cả, nhưng vẫn còn đứng ở bên ngoài phòng của Tôn giả quan sát. Lúc ấy, Tứ đại thiên vương, Đế Thích (Thiên chủ cõi trời Đao Lợi), Đại phạm thiên vương và hàng thiên chúng, bằng thần lực, họ biết được Tôn giả đang bị bệnh và sắp nhập Niết-bàn. Với oai nghi, thần lực và hào quang rực rỡ, họ lần lượt hiện vào phòng để kính lễ và xin hầu hạ Tôn giả, bậc A-la-hán, Đại đệ tử của đức Thế Tôn lần cuối… làm cho cả căn phòng và khu vườn nơi Tôn giả Sàriputta đang ở sáng rực hào quang. Nhưng Ngài đã từ chối tất cả và họ đảnh lễ Tôn giả lần lượt trở về bổn quốc.Bằng thần lực của mình, Tôn giả Sàriputta đã cho mẹ mình thấy được toàn bộ cuộc thăm viếng kỳ diệu ấy. Sau khi các vị Thiên chủ đã ra đi, bà Sàri vội vàng vào phòng của Tôn giả để hỏi thăm về những vị trời ấy. Tôn giả đã từ tốn giải thích đó là những vị trời nào, sự hộ pháp của họ ra sao, đã hầu hạ đức Phật trong lúc đản sanh, sự thưa thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân lúc mới thành đạo như thế nào, v.v… Nghe xong, vô cùng kính phục, bà không ngờ người con của mình cao cả đến độ các vị trời cao quí, ngay cả đến Đại phạm thiên, Brahma (vị trời cao cả nhất, tối thượng nhất mà cả dòng tộc bà cũng như bản thân bà luôn kính ngưỡng phụng thờ, cầu nguyện hàng trăm năm nay) lại chỉ là người hầu của con mình, là đệ tử của đức Thế Tôn. Trong tâm bà Sàri phát khởi tín tâm, suy nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn sư của con mình còn to lớn biết chừng nào!”Bằng sự kính ngưỡng cao cả chưa từng có, đồng thời nghe xong bài pháp ngắn về công đức Phật, Pháp, Tăng của Tôn giả Sàriputta, toàn thể châu thân bà Sàri rúng động, niềm tin tối thượng về đức Phật, về người con vĩ đại của mình, cũng như về Tam bảo. Niềm hoan hỷ, an lạc bất tận phát sinh đến từng chân tơ kẻ tóc, bà đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-hoàn, chính thức bước vào dòng Thánh, chắc chắn sẽ đạt đến giải thoát, an lạc. Quá xúc động, bà Sàri đã thốt lên với Tôn giả: “Này người con đáng kính của mẹ! Này ngài Upatissa, tại sao trong suốt những năm qua con không ban bố cho mẹ một sự hiểu biết bất tử này?”. Bằng sự thành tâm tột bậc, bà Sàri đã xin qui y Phật, Pháp, Tăng trở thành một trong những đệ tử tại gia thuần thành nhất. Tôn giả Sàriputta đã độ được mẫu thân của mình trong hoàn cảnh kỳ diệu như thế.
12. Nhập Niết-bàn:Gần bốn mươi lăm năm hoằng pháp lợi sanh bất quyện, lúc bấy giờ, tôn giả Sàriputta đã 80 tuổi, xác thân tứ đại của Ngài như cổ xe mục sắp hư hoại. Ngài nhận biết rằng nhân duyên hóa độ của mình đã sắp hoàn mãn. Sau một lần tĩnh tọa tư duy, Tôn giả biết được rằng, truyền thống của các vị Đại đệ tử của chư Phật trong quá khứ luôn nhập Niết-bàn trước đức Tôn sư của mình, thọ mạng của mình cũng sắp hết, chỉ trong bảy ngày nữa là đến ngày nhập Niết-bàn. Và Ngài cũng nhận thấy rằng nhân duyên hóa độ mẹ mình đã đến, địa điểm nhập Niết-bàn chính là quê hương của mình, trong căn phòng thuở xưa mà mình đã xuất thế.Sau khi xuất thiền, Tôn giả đến Đại giảng đường để đảnh lễ đức Thế Tôn và trình bày nguyện vọng nhập Niết-bàn của mình, đức Thế Tôn hứa khả. Tôn giả đã đảnh lễ tri ân đức Thế Tôn với những lời thành kính nhất:“Ôi! Đệ tử biết nói gì khi vĩnh biệt một bậc vĩ nhân siêu quần bạt tụy? Chính nhờ Ngài mà đệ tử bước ra khỏi bể khổ trầm luân để đi theo dấu chân giải thoát của Ngài. Từ đây, đệ tử sẽ không còn lang thang vô định, tới lui giữa cõi khổ sinh diệt nữa… Thế là gánh nặng muôn đời đã được buông bỏ xuống. Đệ tử sẽ hoàn toàn giải thoát, không còn bất kì một hạt bụi phiền não nào tồn tại. Ân đức ấy thuộc về đức Tôn sư, triệu năm không đền đáp được… Từ khi bước chân vào giáo pháp bất tử, đệ tử đã biết sống một đời có ích, biết phục vụ và biết phát huy, tăng trưởng sung mãn những phẩm chất cao đẹp của con người. Thế nên, biết bao chúng sinh đã được lìa xa khổ não, biết bao chư thiên và nhân loại đã nếm được hương vị của pháp mầu! Giờ đây, đệ tử đi vào Niết-bàn với tâm tư hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện. Xin đức Thế Tôn cho phép con được nghỉ ngơi vì cái cỗ xe thân xác này đã đến lúc rã mục. Cho đệ tử được phụng bái một lần nữa, thay mặt chúng sanh tri ân bậc Vô Thượng Giác!”.Đức Thế Tôn vô cùng xúc động, đợi Tôn giả đảnh lễ xong, Ngài bảo Tôn giả hãy ban cho đại chúng một thời pháp để giáo huấn, thúc liễm chư Tỳ-kheo tinh tấn tu tập trước khi từ giã, ra đi vĩnh viễn. Vâng lời đức Thế Tôn, Tôn giả bước lên một pháp tòa bên dưới đức Thế Tôn, ngồi trang nghiêm, bắt đầu thuyết thời pháp cuối cùng cho đại chúng: “Thời pháp như tiếng gió rì rào bất tận, như hải triều âm xa mù đại dương… Vốn làu thông cả ba Tạng, tôn giả Xá-lợi-phất đã đi từ những pháp cao siêu nhất, xuống những pháp gần gũi và giản dị nhất. Rộng thì đến vô biên, mà nhỏ thì có thể đựng đầu hạt cải. Và cuối cùng, lộ trình hướng thượng ấy, cánh cửa bất tử ấy chỉ còn là đi đứng nằm ngồi, mặc áo, ăn cơm, quét tịnh thất, tôn kính bậc trưởng thượng, tỉnh giác nhu thuận, lặng lẽ, ôn hòa, thuần tịnh, nội tâm trong sạch không có cáu bợn phiền não…!”Bước xuống khỏi pháp tòa, Tôn giả quyến luyến nhìn đại chúng thân thương và kính lễ đức Tôn sư lần cuối, trong lòng Tôn giả, những kỉ niệm từ vô lượng kiếp lại quay về: “Giờ phút này, giữa không-thời-gian vĩnh cửu, bất diệt, không biết đã trải qua bao trăm ngàn đại kiếp, khi ta quì mọp dưới chân đức Phật Anomadassi và phát nguyện được gặp lại đấng Như Lai này? Nguyện vọng ấy giờ đây đã hoàn toàn viên mãn. Lần gặp gỡ đầu tiên với Ngài là sự kiện lớn nhất đối với ta. Còn đây là lần gặp gỡ sau chót, ta chiêm ngưỡng Ngài, để sau này chẳng còn cơ hội nào nữa cả.”Với tâm thành tri ân vô hạn, sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn và đại chúng xong, lui từng bước một, Tôn giả lên đường để thực thi hạnh nguyện cuối cùng ấy. Đức Thế Tôn lặng buồn nói với đại chúng: “Các thầy hãy đi đi! Hãy đi tiễn ông anh cao cả của các thầy đi!”. Và Ngài lặng lẽ bước vào hương phòng đóng cửa lại.Cả đại chúng bàng hoàng xúc động rơi lệ, hàng Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di đau buồn vô hạn khóc vang lên, thế giới Ta-bà rung chuyển theo sáu cách, nước trong bốn biển dâng cao, cả tầng mây, cả hư không cũng dao động không ngớt, vạn vật u buồn như chít khăn tang để đưa tiễn chân của bậc Đại đệ tử, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đi về cố hương không bao giờ trở lại. Trái đất như ngừng quay để thốt lên lời than thở: “Ôi! Hỡi những hiện thân vĩ đại và siêu việt! Mặc dầu thân thể tôi đây có thể chịu đựng được những vết chém ngang dọc của những con sông to, sông nhỏ. Mặc dù thân thể tôi đây có thể chở mang, gánh nặng những ngọn Meru hùng vĩ, những thần sơn Cakkavàla cao ngất và đỉnh Hymavantu-vua của loài núi, ngút mây! Thế nhưng, tôi đã không chịu đựng nỗi ngày hôm nay, một ngày mà Giới đức, Định đức và Tuệ đức cùng vô lượng phẩm chất cao đẹp khác của con người đồng qui tụ ở tại giảng đường Kỳ Viên tịnh xá này!”Tôn giả Sàriputta cất bước ra đi. Bên cạnh là thị giả, Sa-di Quân Đầu, sau lưng là năm trăm Tỳ-kheo môn đệ của Ngài, rồi đến cả hàng trăm, hàng nghìn Tỳ-kheo trưởng lão khác. Cho đến hàng trăm, hàng ngàn nam cư sĩ, nữ cư sĩ và dân chúng trong thành Xá-vệ đồng đưa tiễn Tôn giả trong sự bịn rịn, u buồn, quyến luyến, khóc than… không muốn quay trở về. Các con đường như phủ kín màu vàng y của chư Tăng, khắp những nơi Tôn giả đi qua là cả rừng người bao phủ, họ quyến luyến, khóc than, buồn khổ… Tôn giả phải nhiều lần dừng lại để khuyên giảng về sự vô thường, tụ tán, sanh diệt của vạn vật, của kiếp người… Và khuyên họ không nên khóc than đưa tiễn nữa, phải nhiều lần như thế, họ mới dằn lòng, gạt lệ quay về, cuối cùng chỉ còn lại Sa-di Quân Đầu và năm trăm Tỳ-kheo tháp tùng Ngài trở về cố hương.Cuộc hành trình từ Xá-vệ về cố hương của Ngài diễn ra đúng một tuần, suốt cuộc hành trình ấy, Tôn giả cùng phái đoàn có nghỉ lại đêm tại những nơi có hàng cư sĩ nghênh đón. Trong chuyến đi này, Tôn giả cũng đã thuyết pháp, ban bố những ân huệ giải thoát cho rất nhiều người hữu duyên ngay trên đường trở về cố xứ.Khi phái đoàn đến Nàlakà vào một buổi chiều, dừng chân bên cạnh cây đa ở gần cổng làng, Tôn giả đã gặp người cháu mình, sau khi người cháu đảnh lễ Ngài xong, Tôn giả bảo người cháu về thưa với Bà (mẹ Ngài) là Tôn giả đang trên đường trở về nhà và xin Bà dọn căn phòng thuở xưa Tôn giả chào đời để Ngài ở và cũng xin bà sắp xếp nơi ở cho năm trăm Tỳ-kheo đi cùng Ngài. Phái đoàn Tôn giả về đến nhà đúng vào lúc hoàng hôn đang buông phủ, cả vũ trụ u buồn như đang chít khăn tang. Lúc bấy giờ, Tôn giả đã vào ở trong phòng thuở xưa, toàn thân Tôn giả đau nhức vô hạn, Ngài mắc bệnh tả lỵ, thị hiện bệnh để nhập Niết-bàn, Sa-di Quân Đầu hầu hạ Tôn giả, suốt đêm ra vào liên tục với những cái bô trên tay. Đại Phạm Thiên, thiên chủ Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương… cùng với hàng thiên chúng phóng ánh hào quang chiếu rực cả khu vườn và căn nhà bà Sàri, họ cùng nhau đến viếng thăm và xin hầu hạ Tôn giả lần sau cùng. Nhưng Tôn giả đã từ chối tất cả và cảm ơn thâm tình của họ; Ngài bảo rằng đã có vị thị giả của Ngài làm việc ấy và khuyên họ không nên lo lắng, buồn khổ gì cả vì Ngài chỉ thị hiện bệnh khổ để nhập Niết-bàn, và cho phép họ lui về bổn xứ. Vâng lời của Tôn giả, họ buồn bã lặng lẽ đảnh lễ Tôn giả và biến mất. Chứng kiến được diệu cảnh ấy, bà Sàri, mẹ Tôn giả đã chứng được Thánh quả Tu-đà-hoàn (đã đăng trong số Pháp Luân số 9).Độ được thân mẫu của mình xong, Ngài nhận thấy nhân duyên hóa độ trên cõi trần này đã hoàn mãn. Bây giờ đã vào canh năm, trời đã gần sáng, Ngài bảo vị thị giả dìu Ngài vào phòng khách lớn của căn nhà và tập hợp tất cả chư Tăng đến. Sau khi an tọa xong, các Tỳ-kheo đã tề tựu đủ, Ngài từ tốn nói với các Tỳ-kheo: “Này các huynh đệ, trong bốn mươi bốn năm, bần đạo đã cùng sống và du hành truyền đạo với các vị, nếu bần đạo có một hành vi hay lời nói nào không vừa lòng, xin chư huynh đệ bỏ lỗi cho nhé.”Tất cả các Tỳ-kheo vô cùng xúc động đồng thanh trả lời: “Ngài đừng nói thế mà tội nghiệp cho chúng con. Ôi! Quả thật, một sự mếch lòng nhỏ như hạt bụi giữa Ngài đối với chúng con cũng không có! Với chúng con, Ngài là viên ngọc Mani không tỳ vết, là mặt trăng, là mặt trời lồng lộng giữa không trung! Dù Ngài có ra đi, có khuất bóng, dấu chân bất diệt và cao cả của Ngài vẫn còn đó. Chúng con nguyện đi theo dấu chân ấy và ghi khắc hình ảnh của Ngài vào tâm khảm. Phải nói ngược lại mới đúng: xin Ngài hoan hỷ xá tội cho những lầm lỡ của chúng con!”Trên môi Ngài mĩm nụ cười yếu ớt, qua giọng nói nhỏ yếu, Tôn giả đã sách tấn các Tỳ-kheo hãy tinh tấn nỗ lực tu tập và hoằng pháp lợi sanh, luôn lấy đức Phật làm ngọn tuệ đăng để soi đường, lấy Pháp làm kim chỉ nam để thanh lọc thân tâm tiến về bến giác và luôn nương vào chư Tăng để làm áo giáp kiên cố vượt mọi khó khăn trong cuộc sống… Sau những lời căn dặn đầy thâm tình, Ngài bảo các Tỳ-kheo lui ra ngoài. Trong phòng khách to lớn chỉ còn lại vị thị giả và ba trưởng lão A-la-hán: A-nậu-lâu-đà, Ly-bà-đa, và Cunda đang đứng hầu bên cạnh. Ngài nằm nghiêng người xuống bên hữu, duỗi thẳng chân, nằm đúng theo dáng nằm của sư tử vương, sau đó Ngài nhiếp tâm vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, vào không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và đi vào diệt thọ tưởng định. Từ diệt thọ tưởng định, Ngài trở lại sơ thiền… và lên đến tứ thiền, đi sâu vào đại định viên mãn hướng vào Niết-bàn. Khi vầng thái dương xuất hiện phía chân trời thì Ngài đã hoàn toàn vào Niết-bàn vĩnh cửu, đạt đến cảnh giới không còn dư sót bất cứ sự dính mắc khổ đau nào. Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng Kattika, theo dương lịch là ngày 15 tháng 10.Qua tuệ nhãn, trưởng lão A-nậu-lâu-đà biết rằng Tôn giả đã hoàn toàn vào Niết-bàn nên thông báo cho toàn thể các Tỳ-kheo hay biết. Bà Sàri, mẹ Ngài, khi hay tin, vô cùng sửng sốt và bất tỉnh, sau khi tỉnh lại Bà vô cùng ăn năn vì từ trước đến giờ chưa làm gì để phụng sự Tam Bảo. Bà đã sai gia nhân mở tất cả các kho báu để cúng dường chư Tăng và kiến thiết một đại lễ trà tỳ trọng thể nhất, lớn nhất chưa bao giờ được thấy xưa nay. Một giàn hỏa vĩ đại làm bằng các loại hương liệu quí giá, gỗ thơm, trầm hương… với muôn ngàn hoa thơm, diệu hương và hàng ngàn tràng phan, lọng phướn… được bố trí khắp nơi. Hàng trăm, hàng ngàn Tỳ-kheo xúc động, rưng rưng dòng lệ trong tiếng kinh cầu; trầm hùng vang xa cả một vùng. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn các Sa-môn, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đại thần, Sa-môn, Bà-la-môn… cho đến dân chúng ở trong làng và các làng kế cạnh đều kéo nhau về tham dự đại lễ Trà-tỳ nhục thân của Tôn giả. Ngọn lửa bốc cao, chiếu sáng khắp cả một vùng trời, hương thơm vang xa đến mấy ngôi làng.Sau lễ Trà-tỳ, các trưởng lão Tỳ-kheo thu lấy Xá-lợi đặt vào một vuông vải lọc, giao cho Sa-di Quân Đầu và cùng nhau thỉnh Xá-lợi về trình lên đức Thế Tôn.Nhận bọc vải vuông có Xá-lợi của tôn giả Sàriputta từ Sa-di Quân Đầu, tại Đại giảng đường có đông đủ các Tỳ-kheo, đức Thế Tôn đặt Xá-lợi lên tay trái của Ngài và nói: “Này các thầy Tỳ-kheo! Đây là di cốt có màu sắc sáng trắng như ngọc trai của một vị Tỳ-kheo có phẩm hạnh trinh bạch như một vỏ ốc. Đây là anh cả của các người! Ông đã tích lũy Ba-la-mật như cát của con sông Đại Hằng. Quả vị mà Ông đạt được rất gần với Như Lai. Là một Tỳ-kheo xứng đáng được Tứ chúng tôn trọng và ngưỡng mộ. Trí tuệ của Ông không ai bì kịp, trí tuệ ấy sáng suốt, quảng bác, rực chói như hàng triệu ngôi sao tụ lại. Ông ấy là một người sống đời biết đủ, ít ham muốn, điềm đạm, không dính bụi trần, ưa tĩnh cư, ưa tạo sự hòa hợp giữa Tăng chúng, không mệt mỏi trong Phật sự, không chán nản trong việc giáo huấn môn đồ, là người bạn khả kính, khả ái của mọi người, là một thiện tri thức vĩ đại.”Thời pháp về công hạnh của tôn giả Sàriputta vừa dứt, đức Thế Tôn nhìn đại chúng với đôi mắt trầm buồn, thầm nói với đại chúng rằng: “Khi Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi rồi, thì đối với Như Lai, hội chúng này hoàn toàn trống rỗng!” (Lúc này, tôn giả Mục-kiền-liên cũng vừa nhập Niết-bàn).Sau khi nghe đức Thế Tôn ca ngợi công đức, phẩm hạnh tuyệt vời của tôn giả Sàriputta, hàng cư sĩ tại gia, vua chúa, trưởng giả, đại thần… cùng dân chúng thành Xá-vệ đồng góp tiền của, công đức kiến tạo một ngôi tháp kì vĩ để tôn thờ Xá-lợi của tôn giả Sàriputta ngay trên ngọn đồi tuyệt đẹp nằm sâu trong vườn cây của thái tử Kỳ-đà.Cuộc đời và ánh đạo cùa tôn giả Sàriputta như thế ấy: ra đời trong sự hân hoan, đón chờ của hàng ngàn người; xuất gia, tầm đạo, hoằng pháp lợi sanh cứu độ hàng vạn người và nhập Niết-bàn trong một trạng thái kì diệu, tự do, tự tại, giải thoát hoàn toàn, nhưng để lại sự nhớ thương, luyến tiếc trong hàng triệu con tim. Để rồi hôm nay và cả tận mai sau, không bút mực nào ca ngợi hết được, dù đó là bút của đại lâm, là mực của đại hải. Ai đã đọc qua trang sử của Ngài, Thánh hạnh hay vạn hạnh của Ngài, không thể không kính, không yêu, không thán phục một cuộc đời, một ánh đạo vĩ đại như thế!
Trí Lộc
Tài Liệu Tham Khảo:1. Một Cuộc Đời Một Ngôi Sao (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)2. Cuộc Đời Ngài Xá-Lợi-Phất (Vị Tăng Đệ Nhất Trí Tuệ - Nguyễn Điều)3. Thập Đại Đệ Tử (Thích Tịnh Vân)4. Lịch Sử Đức Phật Tổ Cồ Đàm (Maha ThôngKham Medivongs).5. Phật Và Thánh Chúng (Cao Hữu Đính).6. Cuộc Đời Đức Phật (A.F Hrold - Tịnh Minh Dịch).7. Trên Đường Hoằng Pháp Của Phật Tổ Gotama (Cuộc Đời Đức Phật-Trùng Quang Nguyễn Văn Hiểu).8. Đức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha), Nguyên Tâm-Trần Phương Lan dịch.
Nguồn: Tập san Pháp Luân
Từ khóa » Cuộc đời Tôn Giả Xá Lợi Phất
-
Tôn Giả Xá Lợi Phất Là Ai Mà được Coi Là Đệ Nhất Trí Tuệ
-
Xá-lợi-phất – Wikipedia Tiếng Việt
-
Gương Hiếu Hạnh Của Tôn Giả Xá Lợi Phất | Giác Ngộ Online
-
Cuộc đời Và ánh đạo Của Tôn Giả Xá-Lợi-phất - Phần 1
-
01 Tôn Giả Xá Lợi Phất - Sử Phật Giáo - THƯ VIỆN HOA SEN
-
02 Tôn Giả Xá Lợi Phất, Trí Tuệ Đệ Nhất - Thư Viện Hoa Sen
-
[PDF] Cuộc Đời Tôn Giả Xá Lợi Phất - Pháp Thí Hội
-
10 Đệ Tử Của Đức Phật Thích Ca - Tôn Giả XÁ LỢI PHẤT - YouTube
-
Tôn Giả Xá Lợi Phất - Phật Giáo Long An
-
Cuộc đời Tôn Giả Xá Lợi Phất - Nhân Vật Phật Giáo
-
Cuộc Đời Tôn Giả Xá Lợi Phất Tác Giả: Nyanaponika Thera Dịch Giả
-
Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca - TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT ... - Facebook
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Tôn Giả Xá Lợi Phất - Chùa Hoằng Pháp
-
Tôn Giả Xá Lợi Phật - Trí Tuệ đệ Nhất, Hiếu Thảo Vẹn Toàn