Cuộc đời Và Những Cống Hiến Của Nhà Tư Tưởng Vĩ đại Karl Marx

1. Tiểu sử Karl Marx: Cuộc đời, quê hương và gia đình

Karl Marx (Các Mác) sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 ở thành phố Trier trên bờ sông Mozel, một nhánh của sông Rhein. Trier là một thành phố cổ của Đức, thời Trung cổ, Trier là thủ đô của một công quốc tôn giáo lớn, nơi cư trú của đại giáo chủ xứ Trier. Tuy vậy, Trier không nằm ngoài phong trào xã hội sôi động ở nước Đức và cuộc sống yên tĩnh của thành phố này cũng bộc lộ những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa dân nghèo thành thị với thiểu số tầng lớp thị dân giàu có.

(Henrich Mác) Heinrich Marx là một người cha có nhân cách khác thường, học rộng, hiểu biết khá rõ về những tác phẩm của các nhà tư tưởng Pháp thế kỷ XVIII, đặc biệt về Giăng Giăccơ Russô (Jean Jacques Rousseau) và Vônte (Voltaire). Henrich Mác rất yêu quý con trai, đáp lại Các Mác cũng rất gắn bó với cha. Tình cảm cha con không hề bị suy giảm ngay cả trong thời kỳ xảy ra những bất đồng quan điểm trong nhận thức về sứ mệnh cuộc đời hai bố con. Suốt đời C. Mác hết sức kính trọng bố, luôn luôn đem theo mình tấm ảnh của bố chụp theo lối Đaghe (Daguerre).

Mẹ của C. Mác, bà Henrieta Pơretbơt (Henrietta Presburg), vốn gốc người Hà Lan, mẹ của chín người con nên bà chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Thế giới tinh thần của bà bị bó hẹp và bà không trở thành người bạn thực sự của con trai như bố đối với C. Mác. Trong bốn anh em trai và năm chị em gái thì C. Mác là người con yêu trong gia đình, là linh hồn của đám trẻ cùng lứa tuổi vì đầu óc thông minh, biết bày ra các trò chơi hấp dẫn, biết sáng tác ra đủ mọi thứ chuyện tưởng tượng.

Năm 12 tuổi (1830), C. Mác vào học trường trung học ở Trier, học giỏi, đặc biệt nổi bật ở những lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập sáng tạo. C. Mác cũng tỏ ra có năng lực về toán học.

Thời học phổ thông C. Mác may mắn có những thầy tốt như thầy hiệu trưởng trung học ở Trier dạy lịch sử và triết học, thầy dạy toán và vật lý - những người theo chủ nghĩa duy vật và có xu hướng tự do.

Mùa thu 1835, C. Mác tốt nghiệp trung học, sau đó, tháng Mười năm 1835, Mác vào trường Đại học Tổng hợp Bonn để học luật. Hai tháng sau, theo lời khuyên của bố, Mác theo học ở trường Đại học Tổng hợp Berlin. Năm 1836, trong dịp nghỉ hè, chàng thanh niên Mác đính hôn với người bạn gái từ thuở ấu thơ hơn Mác bốn tuổi, Gianny Vôn Vecphalen (Janny vôn Vestphalen), con gái viên Tam đẳng đại thần Luguy Vôn Vecphalen (Ludwig vôn Vestphalen) thuộc dòng dõi quý tộc. Ở trường Đại học Tổng hợp Berlin, năm 1836, ngoài luật học, sử học và ngoại ngữ Mác bắt đầu đi sâu nghiên cứu triết học. Mùa xuân 1837, Mác bắt đầu nghiên cứu kỹ tác phẩm của Hêgen (Hégel), sang năm 1839 thì vùi đầu vào nghiên cứu triết học, suốt cả năm 1939 và một phần của năm 1840 Mác tập trung nghiên cứu những vấn đề của lịch sử triết học Cổ đại. Ngày 15 tháng Tư năm 1841, khi mới 23 tuổi, C. Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học với luận án Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit (Démocrite) và triết học tự nhiên của Êpiquơ (Épicure) tại trường Đại học Tổng hợp Jena.

Tháng Năm năm 1843, Mác đến Kroinak, một thành phố nhỏ vùng Rhein, nơi Gianny Vôn Vecphalen, vị hôn thê của Mác đang sống cùng với mẹ. Ngày 19 Tháng Sáu năm 1843, Mác chính thức làm lễ thành hôn với Gianny bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình Gianny.

Cuối tháng Mười năm 1843, vợ chồng C. Mác đi Paris, thủ đô nước Pháp. Sau này, Mác có dịp đến Paris một vài lần nữa, nhưng chuyến đi Paris đầu tiên mà Mác lưu lại một năm rưỡi là quãng thời gian đầy ý nghĩa đối với sứ mệnh chính trị của C. Mác.

Lần đầu tiên, Các Mác gặp Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) vào cuối tháng Mười một năm 1842, khi Ăngghen trên đường sang Anh và ghé thăm Bộ Biên tập tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh). Mùa hè năm 1844, Ăngghen đến thăm Mác ở Paris. Trong 10 ngày ở thăm Paris, Mác và Ăngghen đã có nhiều cuộc nói chuyện cởi mở và từ cuộc gặp gỡ này hai ông đã trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả vấn đề lý luận và thực tiễn.

Theo yêu cầu của Chính phủ Vương quốc Phổ, Chính phủ Pháp đã trục xuất Mác. Ngày 3 tháng Hai năm 1845, Mác rời Paris đến Brucsen (Brussel) của Bỉ, ít lâu sau Ăngghen cũng đến đây và hai ông lại tiếp tục cộng tác chặt chẽ với nhau. Sau khi cách mạng năm 1845 ở Pháp nổ ra, Chính phủ Bỉ đã trục xuất Mác. Ông lại đến Paris, tháng Tư năm 1848, Mác cùng với Ăngghen đến Koln, một thành phố nhỏ trên bờ sông Rhein nước Đức, và tại đây Mác trở thành Tổng Biên tập tờ Báo Mới tỉnh Ranh, cơ quan của phái dân chủ. Năm 1849 Chính phủ Phổ đóng cửa tờ báo và trục xuất Mác. Ông lại đến Paris, nhưng lần này ông chỉ lưu lại 3 tháng. Tháng Tám năm 1849, từ Paris Mác đi London thủ đô của Anh và sống đến cuối đời (1883).

Ngày 14 tháng 3 năm 1883, Các Mác qua đời ở London và được an táng tại nghĩa trang Highgate, Bắc London.

2. Những cống hiến của nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác

Trọn đời vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người thoát khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công và mọi sự tha hóa, C.Mác đã để lại cho nhân loại một di sản tư tưởng đồ sộ, sâu sắc. Song đúng như Ph.Ăng-ghen đánh giá, trong những thành tựu của C.Mác có ba thành tựu có thể coi là ba phát minh vĩ đại mà Ông để lại cho chúng ta và thế hệ mai sau là: Tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người; tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra - quy luật giá trị thặng dư; tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.

Thứ nhất, tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Ðây là một trong hai phát minh vạch thời đại của C.Mác như Ph.Ăng-ghen tổng kết.

Ðể đi tới phát minh vĩ đại này, C.Mác đã tiến hành phê phán và cải tạo căn bản phép biện chứng duy tâm của Hê-ghen, chủ nghĩa duy vật siêu hình của Phoi-ơ-bắc; đồng thời kế thừa những thành tựu trong lịch sử tư tưởng của nhân loại trước đó, xây dựng nên một triết học mới - triết học duy vật biện chứng, trong đó chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng thống nhất với nhau một cách hữu cơ, đồng thời khẳng định triết học phải lấy sinh khí của mình từ thực tiễn, không chỉ giải thích thế giới mà còn phải cải tạo thế giới.

Trên quan điểm đó, khi nghiên cứu lịch sử xã hội, C.Mác xuất phát từ con người hiện thực vì theo Ông, xã hội muốn tồn tại và phát triển thì trước hết phải có con người sống. Song, con người muốn sống phải có lương thực, thực phẩm và những tư liệu sinh hoạt khác. Những thứ đó giới tự nhiên không ban được cho con người mà con người phải lao động sản xuất để tạo ra nó. Sản xuất vật chất là yếu tố quyết định sự sinh tồn và phát triển của con người, của xã hội; là hành vi lịch sử đầu tiên, là điều kiện cơ bản của mọi lịch sử. Do đó để hiểu được con người, C.Mác đã đi sâu nghiên cứu quá trình sản xuất vật chất của con người trong xã hội, nghiên cứu biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, từ đó đi tới nhận thức về mặt xã hội của bản chất con người, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội". C.Mác khẳng định, lịch sử chính là lịch sử hoạt động của những con người hiện thực, nó không phải là thần bí, tự phát mà hoàn toàn có thể nhận thức được. Lịch sử vận động một cách có quy luật, dựa trên những tiền đề hiện thực, đó là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Bằng cách đó, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng triệt để trong triết học, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người.

Với việc sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử loài người. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của xã hội đã được C.Mác tìm ra là: quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; cơ sở kinh tế xã hội quyết định kiến trúc thượng tầng của xã hội; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội chứ không phải ngược lại ý thức xã hội quyết định tồn tại xã hội; sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội như là một quá trình lịch sử - tự nhiên…

V.I.Lênin đánh giá: "Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị; lý luận đó chỉ cho ta thấy rằng, do chỗ lực lượng sản xuất lớn lên, thì từ một hình thức tổ chức đời sống xã hội này, nảy ra và phát triển lên như thế nào một hình thức tổ chức đời sống xã hội khác, cao hơn".

Thứ hai, tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra - quy luật giá trị thặng dư

Quan niệm sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên nên khi nghiên cứu về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác cho rằng "quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng là một hình thái lịch sử nhất định của quá trình sản xuất xã hội". Thực chất, đó là quá trình "sản xuất ra giá trị thặng dư đó - là mục đích trực tiếp và là động cơ quyết định của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa"; nó phản ánh quan hệ kinh tế bản chất nhất của chủ nghĩa tư bản – quan hệ tư bản bóc lột lao động làm thuê và nó cũng là cơ sở của sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa tư bản. Chính điều này, theo C.Mác đã dẫn đến sự tha hóa của lao động, tha hóa con người.

Với việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế chính trị học. Ông không chỉ phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - quy luật quyết định các mặt chủ yếu, các quá trình kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản, mà qua đó còn vạch trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, bác bỏ những luận điệu về "tự nguyện", "công bằng" trong quan hệ giữa nhà tư bản và người công nhân; chỉ rõ những mâu thuẫn không thể giải quyết được của xã hội tư bản - mâu thuẫn giữa tính xã hội ngày càng phát triển của lực lượng sản xuất với tính tư nhân trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, giữa giai cấp công nhân với những nhà tư bản, giữa những nhà tư bản với nhau trong quá trình cạnh tranh để đạt giá trị thăng dư tối đa...

Ngày nay, mặc dù chủ nghĩa tư bản có những hình thức biểu hiện mới khác với hồi cuối thế kỷ XIX, song quy luật giá trị thặng dư do C.Mác tìm ra vẫn là cơ sở lý luận khoa học để chúng ta nhận thức sâu sắc, toàn diện về những phương thức mà các nhà tư bản đã và đang sử dụng để bóc lột công nhân trong nền kinh tế tri thức với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ ba, tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản

Trước C.Mác, nhiều nhà tư tưởng đã đề cập đến giai cấp vô sản, song, do điều kiện về lịch sử "những người đó lại không nhận thấy, ở phía giai cấp vô sản, một tính chủ động lịch sử nào, một cuộc vận động chính trị nào của bản thân giai cấp vô sản cả", "họ càng không thấy những điều kiện vật chất cần cho sự giải phóng của giai cấp vô sản". "Ðối với họ, giai cấp vô sản chỉ tồn tại với tư cách là giai cấp đau khổ nhất".

Trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học những điều kiện kinh tế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như những điều kiện chính trị, xã hội đã tạo nên các quan hệ giai cấp trong xã hội tư bản, C.Mác đã làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản - giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; giai cấp có đủ điều kiện khách quan quy định sứ mệnh của mình, có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giải phóng chính bản thân mình tiến tới giải phóng toàn thể nhân loại. Khẩu hiệu "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!" là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu và hình thành luận thuyết của C.Mác, nó phản ánh một cách đầy đủ nhất nguyên lý về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản mà Ông phát hiện ra.

V.I.Lênin đánh giá: "Ðiểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa". Trải qua thử thách của thời gian và kiểm nghiệm của thực tiễn, cho đến nay, phát minh vĩ đại của C.Mác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản gắn liền với vai trò của Ðảng Cộng sản còn nguyên giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh cách mạng với chủ nghĩa tư bản, với những điều kiện xã hội hạ thấp, làm hư hỏng con người, là phương tiện mạnh mẽ để con người cải biến hiện thực vì lợi ích của con người.

Cùng với những thành tựu, phát minh vĩ đại, suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học và hoạt động cách mạng, C.Mác cùng Ph.Ăng-ghen xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học Mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học. Ðây là những cơ sở lý luận khoa học, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và giải phóng nhân loại của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Cho đến nay chưa có học thuyết nào thể hiện một cách khoa học, chặt chẽ, rõ ràng về con đường giải phóng giai cấp, giải phóng con người như học thuyết Mác.

Học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác được V.I.Lênin kế thừa, bổ sung và phát triển, trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác được V.I.Lênin vận dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề của cách mạng vô sản thế giới trong tình hình mới đã đem lại sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và một hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời, đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của thế giới hiện đại và của xã hội loài người. Ðiều đó càng làm cho giá trị của học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác cũng như công lao, phát kiến của C.Mác thêm tỏa sáng.

Thời gian càng lùi xa, nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của C.Mác chúng ta càng thấy rõ, Ông không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, đã giải đáp được các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên, mà còn là vị lãnh tụ thiên tài, một người bạn, một người đồng chí chân thành, chung thủy, một mẫu mực về đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp, luôn lấy đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân loại làm lẽ sống, lý tưởng và sứ mệnh của cả cuộc đời.

3. Ðối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa rất sâu sắc.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một nước thuộc địa của thực dân Pháp. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, quyết không cam chịu nỗi tủi nhục của người dân mất nước, nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều phong trào yêu nước và nhiều xu hướng giải phóng dân tộc đã diễn ra, nhưng tất cả đều thất bại hoặc không thu được thắng lợi cuối cùng, bởi thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn để tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin và Người đã tìm thấy ở đó những nội dung cơ bản của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với chủ nghĩa yêu nước, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập nên Ðảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1930 đến nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi vĩ đại mà Ðảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam giành được trong 90 năm qua, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và hơn 30 năm đổi mới đất nước là minh chứng sinh động, khẳng định sự đúng đắn, giá trị, ý nghĩa to lớn và sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà C.Mác là một trong những lãnh tụ đầu tiên sáng lập.

Hơn một thế kỷ qua, từ khi hình thành, xác lập đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách, nhiều lần bị các trào lưu tư tưởng đối lập phê phán, nhất là từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Ðông Âu sụp đổ, các hoạt động bài xích, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa cũng như công lao, cống hiến của C.Mác càng gia tăng và được thực hiện dưới nhiều chiêu bài tinh vi, xảo quyệt. Nhưng với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn khẳng định được giá trị to lớn, sức sống bền vững và ý nghĩa thời đại. Lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học luôn lôi cuốn hàng triệu triệu trái tim, khối óc của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản. Dù tình hình thế giới có xảy ra nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng vẫn không đi ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Một khi xã hội còn giai cấp, đối kháng giai cấp thì chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là kim chỉ nam, định hướng cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Thấm nhuần sâu sắc nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin: "Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau", Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; "Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động,...". Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ðảng luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Song, từ bài học thành công, thất bại của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực đổi mới tư duy lý luận, nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống mở, vì vậy cần phải chú trọng vận dụng sáng tạo và không ngừng bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế thời đại, như C.Mác và Ph.Ăng-ghen thường nhắc nhở: Bất cứ ở đâu, bất cứ vào lúc nào thì việc vận dụng tư tưởng trong học thuyết của các Ông cũng phải căn cứ vào bối cảnh cụ thể của xã hội đương thời. Tổng kết 30 năm đổi mới đất nước (1986 - 2016), bài học đầu tiên trong 5 bài học mà Ðảng Cộng sản Việt Nam rút ra là: "Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam". Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Ðảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Ðó chính là tinh thần cách mạng, khoa học của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Trân trọng giá trị và ý nghĩa lớn lao của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cùng với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam tự hào và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với C.Mác, nhà tư tưởng vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của mình - Người đã đặt nền móng và định hướng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng của C.Mác đã trở thành nội dung cốt lõi, là thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học trong nhận thức và cải tạo thế giới. Di sản của Ông đã và đang định hướng cho con người nhận thức và giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp trong cuộc sống đa dạng, đầy biến động của thế giới hiện nay.

Kỷ niệm 202 năm ngày sinh C.Mác là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn vinh và tri ân một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho một xã hội mà ở đó "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Ðây cũng là dịp để một lần nữa chúng ta nhìn nhận lại giá trị những di sản tư tưởng của Ông, phương pháp vận dụng những di sản ấy vào hoạt động của mỗi đảng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong sự phân cực, đa phương, đa chiều, đầy biến động của thế giới hiện nay; đồng thời đấu tranh, phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái, phủ định giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và công lao, cống hiến vĩ đại của C.Mác đối với nhân loại, để cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp./.

ThS. Bùi Xuân Hóa - Khoa Lý luận chính trị

Số lượt đọc: 75037

Từ khóa » Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Các Mác