Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Ca Sĩ Mai Lệ Huyền

Ca sĩ Mai Lệ Huyền được xem là một ca sĩ huyền thoại của Sài Gòn trước năm 1975, trở thành hiện tượng chưa từng có trong dòng nhạc kích động hát về tình yêu và người lính.

Mai Lệ Huyền sở hữu vẻ đẹp lạ, giúp cô luôn nổi bật trong đám đông. Cô có đôi mắt to và sâu thăm thẳm, khuôn mặt tròn như búp bê. Ở thời đỉnh cao của mình, cô đã đốt cháy các sân khấu và vũ trường bằng giọng ca đầy ma lực và thân hình “bốc lửa” của mình, trở thành cái tên có độ phủ sóng rộng rãi trong công chúng miền Nam.

Ca sĩ Mai Lệ Huyền sinh năm 1946 trên đất Lào. Cha cô là một người đi buôn xuyên rừng, qua đến nước Lào thì gặp một cô gái người Việt đã sống nhiều đời ở Lào. Đến năm 12 tuổi, cha của cô muốn cô được sinh sống ở Việt Nam nên gửi cô về ở chung với người bác, làm cục trưởng ở tỉnh Bình Long, trông coi về mặt tài chính.

Mai Lệ Huyền bắt đầu ca hát tại trường trung học và được nhiều người biết đến. Mặc dù có năng khiếu về ca hát, nhưng vì sinh sống ở một tỉnh lẻ vùng xa xôi như vậy, cô gái có tên thật là Nguyễn Thu Cúc này không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ chuyện nghiệp.

Tuy nhiên, theo cô nói, cuộc đời đã có những cơ duyên để đưa cô đến nhiều ngả rẽ bất ngờ chưa từng nghĩ đến. Trong một lần đoàn kịch Tân Dân Nam của bà Túy Hoa đến diễn ở trường trung học Bình Long, nơi cô nữ sinh Thu Cúc mới đang học lớp 10,11. Đây là một đoàn diễn kịch, cần người hát tân nhạc để mở màn và đóng màn chuyển cảnh trong lúc đoàn kịch đang chuẩn bị. Phần mở màn thường được ca sĩ Yến Vỹ phụ trách (Yến Vỹ cũng là 1 ca sĩ rất bốc lửa thời đó), nhưng hôm đó Yến Vỹ bị bệnh bất ngờ nên không diễn được. Trong ban kịch cũng có kịch sỹ Túy Phượng rất nổi tiếng có thể hát tân nhạc, nhưng bà Túy Hoa lại không muốn cho con mình hát mở đầu. Trong thời điểm đó, đoàn kịch nghe nói trong các nữ sinh đang xuất hiện ở trường có một cô tên Cúc hát rất hay nên đề nghị cô lên hát, vừa để cô làm quen với sân khấu, vừa để giúp cho đoàn hát trám chỗ.

Lúc đó cô Thu Cúc vừa mới đoạt giải Tiếng Hát Hay Nhất của trường, đã ra diễn bài Duyên Quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và một bài Twist sôi động của Khánh Băng.

Trong những người nghệ sĩ đến từ Sài Gòn hôm đó, không ai có thể ngờ một cô nữ sinh mới 16, 17 tuổi nhưng hát rất bốc, phong thái như một ca sĩ chuyên nghiệp, chinh phục hoàn toàn những nhạc sĩ nổi tiếng có mặt là Đinh Việt Lang, Trần Trịnh, Nhật Ngân.

Thời gian sau đó, từ Sài Gòn, các nhạc sĩ này viết thư về cho Mai Lệ Huyền để mời Mai Lệ Huyền về lại Sài Gòn để theo nghiệp ca hát.

Bắt lấy cơ hội này, Mai Lệ Huyền xin phép bác được chuyển xuống ở với chị ở Sài Gòn, lấy lý do ở Sài Gòn sẽ có điều kiện học hành tốt hơn.

Về Sài Gòn, cô tiếp tục học ở Gia Định, nhưng mê hát và dành thời gian theo đuổi nghiệp ca sĩ nên cô thi rớt tú tài. Nhưng cũng từ lúc đó, ở tuổi 18, 19, Mai Lệ Huyền đã trở thành một ca sĩ hiện tượng của Sài Gòn rất được khán giả ái mộ.

Trước đó, khi mới đặt chân tới đất thủ đô, Mai Lệ Huyền luyện hát, thu âm, và trở thành học trò của các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân, Đinh Việt Lang và nhà thơ Vạn Thuyết Linh (Đinh Việt Lang và Vạn Thuyết Linh là tác giả của ca khúc nổi tiếng Lạnh Lùng). Những nhạc sĩ này thân với cô như người trong nhà, cũng là những người đã đặt cho cô Cúc cái nghệ danh Mai Lệ Huyền. Cô kể lại lúc ở Bình Long, cô rất đen, lại ở vùng núi rừng nên bị chọc là khỉ hay nhảy nhót. Ngoài ra Mai Lệ Huyền cũng nhõng nhẽo, hay khóc, nên được các nhạc sĩ đặt luôn nghệ danh là Mai Lệ Huyền. Trong đó Mai là tên khác của loài khỉ. Lệ là nước mắt, và Huyền là đen.

Thời gian đầu, Mai Lệ Huyền không hát nhạc Việt mà chỉ hát nhạc ngoại trong các club Mỹ theo đề nghị của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, cô đã hát cùng Elvis Phương, Khánh Hà, Tuấn Ngọc…

Mai Lệ Huyền và ban nhạc Khánh Băng -Phùng Trọng

Sau đó, vào một ngày ban nhạc Khánh Băng Phùng Trọng vào đàn cho club Mỹ và gặp Mai Lệ Huyền, nhạc sĩ Khánh Băng mời cô hát đại nhạc hội Việt Nam, hát nhạc Việt và hứa tìm cho cô một “partner” ưng ý để hát song ca. Người hát cặp đó chính là danh ca Hùng Cường, trước đó chủ yếu hát nhạc tình, và cũng là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.

Mai Lệ Huyền sở hữu giọng ca khỏe, lại có nét gì đó hoang sơ nên rất thích hợp với dòng nhạc giật gân, sôi động. Sự kết hợp của Hùng Cường và Mai Lệ Huyền cùng những ca khúc nhạc kích động được các nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân, Hoàng Thi Thơ, Y Vân Y Vũ viết riêng cho họ đã trở thành một hiện tượng chưa từng thấy trong làng nhạc. Đặc biệt là những ca khúc nhạc kích động viết về tâm sự của người lính là Lính Thích 33, Làm Quen Với Lính, Tình Ca Người Đi Biển, Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương… nên Mai Lệ Huyền rất được quân nhân yêu thích, được đích thân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khen ngợi.

Click để nghe giọng hát Hùng Cường – Mai Lệ Huyền trước 1975

Mai Lệ Huyền có lần kể lại:

Chúng tôi được ân sủng của chánh phủ thời Cộng Hòa rất nhiều. Vì sao? Vì thời đó ai cũng là lính hết. Người nào cũng là lính. Dù là đàn bà, mình là ca sĩ, mình vẫn là lính theo kiểu của ca sĩ. Thành ra ông Thiệu cứ nói “Cô Huyền, cô đã là lính thì phải chiến đấu tới cùng”. Mỗi lần ông Thiệu gặp tôi đi công tác, là “Cô Mai Lệ Huyền đâu, cô lên đây. Cô phải mở màn bài ‘Tấc đất tấc vàng'”. Khi tôi hát, tất cả lính phải hừng chí.

Mai Lệ Huyền cũng là ca sĩ hiếm hoi ra tận đầu tuyến để hát dã chiến ở bờ sông Thạch Hãn, ngay giữa lúc đôi bên vẫn đang giao tranh.

Thời đỉnh cao nhất, Mai Lệ Huyền có một lịch trình rất bận rộn: Sáng đi hát nhạc hội, rất nhiều show, trưa đi quay phim tối đi hát ở vài phòng trà, khuya về thu âm vào dĩa hát…

Lúc đó Mai Lệ Huyền thầu cả Đệ Nhất khách sạn để biểu diễn hằng đêm. Cô mời các nghệ sĩ nổi danh như Thanh Tuyền, Phương Dung, Carol Kim, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Ngọc Hiếu, Mai Ly, đoàn vũ Ánh Tuyết, đoàn vũ Lưu Hồng, Ngọc Phu (xướng ngôn viên), Thái Châu về biểu diễn cùng. Trong nghiệp “làm bầu”, Mai Lệ Huyền góp phần lancer Jeannie Mai và Thái Châu.

Ngoài ra, theo trào lưu trong nghệ giới đương thời, Mai Lệ Huyền thầu một chương trình trên sóng truyền hình quốc gia, đặt là Mai Lệ Huyền’s show.

Không chỉ thành công trong giới đèn màu Mai Lệ Huyền còn được biết đến như một tài năng trong lĩnh vực kịch nói và điện ảnh. Cô đã tham gia trong rất nhiều vở thoại kịch, xuất hiện trên truyền hình cùng với Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Túy Hồng… và tham gia diễn xuất trong phim Gác Chuông Nhà Thờ, Mãnh Lực Đồng Tiền.

Mai Lệ Huyền kết hôn với người thầy của mình là nhạc sĩ Trần Trịnh, có 1 con gái là Lệ Trinh và họ chia tay nhau năm 1971.

Sau năm 1975, Mai Lệ Huyền tham gia kịch đoàn của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng với La Thoại Tân, Bùi Thiện, Kiều Chinh…

Trong thập niên 1980, Mai Lệ Huyền sinh hoạt với ban kịch Sống Túy Hồng và tái ngộ Hùng Cường vừa vượt biên qua. Đệ nhất song ca sóng thần lại khuấy đảo cuộc sống êm đềm tại Cali được mấy năm trước khi Hùng Cường mất.

Ở những năm tiếp theo, Mai Lệ Huyền hạn chế dần hoạt động ca nhạc vì tuổi đã cao, tuy nhiên, vẫn đều đặn xuất hiện trong các băng nhạc Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, Làng Văn…

Đông Kha Nguồn: nhacvangbolero.com

Từ khóa » Ca Sĩ Mai Lệ Huyền Năm Nay Bao Nhiêu Tuổi