Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Nguyễn Trãi [Truyện Kể Danh Nhân]

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi đã trải qua nhiều thăng trầm từ khi giúp Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa cho đến vụ án Lệ Chi viên nổi tiếng trong lịch sử.

Phần I – Tìm minh chủ dựng cờ phục quốc

Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn

Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vai đeo túi nải tới gần ngã ba đường, chợt nghe thấy tiếng khóc từ trong làng xa vọng tới.

Vừa dừng lại, hai người đã thấy một toán giặc Minh hùng hổ khiêng lợn, gà, gạo, từ trong làng đi ra.

Một đám cháy, rồi mấy đám cháy nữa xuất hiện. Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn tái người khi nghe thấy lẫn trong tiếng nổ có những tiếng kêu thảm thiết.

Trần Nguyên Hãn bặm môi, đưa mắt nhìn Nguyễn Trãi. Hiểu ý, Nguyễn Trãi khoát tay:

– Hiện giờ ta chẳng giúp gì được cho dân mọn đâu. Đừng nóng mà hỏng việc.

Hai người định quay đi thì lại có tiếng kêu thất thanh. Ngoảnh lại, Nguyễn Trãi đã nhìn thấy không phải chỉ có một toán mà là nhiều toán giặc vừa đánh nhau với trai tráng trong làng vừa lùa vội đàn trâu, bò chạy xô ra đường.

Chẳng đành lòng, nhưng nghĩ mình đang phải trốn giặc vào Lam Sơn tìm minh chủ dựng cờ phục quốc, nên Nguyễn Trãi thở dài nói với Nguyên Hãn:

– “Chở thuyền làm lật thuyền cũng là dân” [1]. Nay giặc Minh tích điều ác, nghịch lòng dân thì chúng càng mau chết. Ta chẳng đang vì cuộc sống no lành của muôn họ đó sao?

Thoáng thấy Nguyễn Trãi rơm rớm nước mắt. Trần Nguyên Hãn bối rối xốc túi nải, nét mặt đăm đăm:

– Tình hình này ta chẳng thể theo lộ quan tới Lam Sơn được đâu. Đành phải xuyên sơn, chịu vất vả vậy.

– Có sá gì! Miễn là tránh được mắt giặc. Ta cứ hướng theo con đường lai kinh mà đi. [2]

Rẽ vào đồi rồi Trần Nguyên Hãn còn chưa hết bực:

– Đường đất chưa đi được là bao mà bảy lần thấy giặc chặn đường cướp giật, hành hạ dân mình. Tiểu đệ những tưởng chỉ ở nơi hang ổ của giặc, chúng cậy đông mới lộng hành đến thế!

Nguyễn Trãi cướp lời:

– Trần huynh mải đọc binh pháp không đi đây đó nên không thấy đó thôi. Tôi chẳng may phải mười năm luân lạc nên mắt thấy tai nghe đã nhiều. Ở đâu có giặc là ở đó có dân mọn các làng không được yên sống.

Từ lâu vẫn muốn hỏi về việc làm của bạn trong mười năm xa cách nhưng chưa tiện. Nhân Nguyễn Trãi nhắc tới những năm luân lạc, Trần Nguyên Hãn lựa lời hỏi những điều còn băn khoăn:

– Kể từ ngày đại huynh bị Trương Phụ bắt giam rồi được tha, người mình khởi binh chống giặc cũng nhiều mà sao đại huynh không theo phò ai cả. Ngày hai vị Vương họ Trần [3] dấy binh, thanh thế đã lớn mà nghe ngóng mãi cũng không thấy tiếng đại huynh?

Nguyễn Trãi chậm rãi:

– Kể về thanh thế thì không chỉ có cuộc dấy binh của Giản Định, Trùng Quang mới là lớn. Và không phải tôi không có ý theo phò. Ngặt vì khởi binh đánh giặc là làm một việc lớn. Mà phàm mưu việc lớn, phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Duy nhân nghĩa gồm đủ thì công việc mới thành được. Lẽ ấy tôi không tìm thấy trong các cuộc khởi binh đánh giặc mà tôi biết. Ngày hai vị vương họ Trần, dẫu có danh tướng Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân giúp rập, đã có lúc lấy được Nghệ An, Thuận Hóa. Nhưng thiếu chiến sách hay nội bộ chia rẽ, lại khôi phục cơ nghiệp nhà Trần, lòng dân không mong thì nghiệp lớn sao thành?

Trần Nguyên Hãn băn khoăn:

– Đại huynh nói chí phải. Chính vậy mà tiểu đệ lo không biết hào trưởng Lê Lợi có đúng là người có chí lớn như ta hằng mong không?

– Cứ phải mắt thấy tai nghe thì mới chắc. Nhưng cứ như cung cách làm việc của hào trưởng họ Lê thì ta có thể gửi chí mình được.

Bắt đầu đường dốc, trời lại tối, hai người ngừng câu chuyện, đổi vai đeo nải dấn bước, người hơi ngả về phía trước. Trên kia, cao hơn cả những ngọn đồi cao nhất, là mảnh trăng lưỡi liềm lơ lửng xa xa, giữa bầu trời ngàn vạn ngôi sao lấp lánh.

Tâm sự lúc nửa đêm

Nguyễn Trãi giật mình choàng dậy sau giấc ngủ mê mệt, hậu quả của những ngày đi bộ. Chỉ đến lúc thấy qua rặng cây thưa, dòng sông Bùi kéo thành một vệt dài lấp loáng, lượn giữa hai dải rừng tối đen, Nguyễn Trãi mới nhận ra, mình đang ở trên một quả đồi thuộc vùng Tốt Động.

Biết chẳng thể ngủ lại được. Nguyễn Trãi muốn đánh thức Trần Nguyên Hãn dậy để đi cho được đường đất, nhưng thấy bạn ngủ say nên không nỡ.

Đêm tĩnh mịch quá – Nguyễn Trãi kêu lên se sẽ – Nguyễn chưa từng sống ở nơi này, trong hoàn cảnh này mà sao cảnh vật đêm nay thân thiết, quen thuộc như đã từng qua. Phải rồi – Nguyễn Trãi thầm nhủ – Cũng vẫn chòm sao tháng mười trên nền trời chuyển lạnh như thế này của hơn hai mươi năm trước, Nguyễn từ biệt Côn Sơn để trở về với cha ở Nhị Khê, sau khi mẹ rồi ông ngoại lần lượt từ trần. Tự dưng nhớ lại chuỗi ngày ấy. Nguyễn thấy thương nhớ cha da diết. Tiếng rằng cha đỗ tiến sĩ lại là con rể một tể tướng thời Trần, nhưng trước khi đổi tên Nguyễn Ứng Long thành Nguyễn Phi Khanh, ra làm quan cho nhà Hồ, cha vẫn phải sống cuộc sống nghèo nàn bằng nghề dạy học. Rồi cũng vào mùa này gần hai mươi năm trước, sau khi Nguyễn đỗ Thái học sinh [4], rồi cùng làm quan một triều với cha, Nguyễn những tưởng được đem tài sức cùng cha giúp Hồ Quý Ly thực hiện những canh tân, làm cho dân giàu nước mạnh. Nhưng giặc Minh xâm lược, cha con Hồ Quý Ly, cùng các triều thần trong đó có cha, đều bị giặc bắt. Khi biết cha sắp bị giải sang Ngô [5] và chuyến đi này không có ngày về, Nguyễn thương khóc cha khôn xiết. Ngày cha và vua tôi Hồ Quý Ly bị giải về Kim Lăng (Nam Kinh), Nguyễn và em là Nguyễn Phi Hùng theo đoàn tù lên tận ải Pha Lũy [6] với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cho cha đến lúc mãn chiều xế bóng.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng cảnh vĩnh biệt đau lòng nơi địa đầu Tổ quốc ấy, Nguyễn nào quên được. Nguyễn đã bắt gặp cái nhìn vừa âu yếm vừa nghiêm khắc của cha, khi nhân lúc vắng, cha vẫy Nguyễn lại gần và bảo: “Con là người có học, có tài nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải theo cha, khóc lóc như đàn bà mới là hiếu hay sao?”.

Nguyễn cứ ân hận mãi lúc đó không kịp giãi bày tâm sự, hứa hẹn với cha. Nhưng lời giáo huấn của cha khiến Nguyễn thấu hiểu đạo làm con và bổn phận của người dân trong lúc đất nước bị giặc giày xéo.

Thù nhà nợ nước đêm ngày thúc giục Nguyễn Trãi tìm phương nghĩ kế để rửa nhục cho nước cho nhà. Nhưng từ bấy đến nay việc lớn cứ canh cánh bên lòng mà nào Nguyễn làm được gì?

Phải chăng Nguyễn Trãi đã để năm tháng trôi qua một cách vô ích, hay đã bỏ lỡ nhiều cơ hội gây dựng việc lớn? Nguyễn không tủi hổ với vong linh cha và bổn phận một người dân; bởi vì hơn mười năm trời qua là hơn mười năm Nguyễn lênh đênh nơi góc biển chân trời, tìm người nghĩa khí, ôm ấp hy vọng đánh giặc, giải phóng non sông, đem lại thái bình cho muôn họ.

Nguyễn nhớ lại bài thơ gửi chí mình làm từ ngày mới thoát khỏi tay Trương Phụ. Nguyễn đọc nhỏ:

“Thần châu [7] từ thuở nổi can qua Rên xiết muôn dân đến thế mà. Tử Mỹ [8] ôn trung Đường xã tắc Bá Nhân [9] chan lệ Tấn sơn hà. Thu về đất lạ lòng nhiều cảm Đời biến lâu nay khách chóng già. Ba chục năm trời danh tiếng hão Quay đầu muôn việc giấc nam kha.”

Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần

Kể từ ngày vào Lam Sơn, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn phải làm những công việc về nghề nông do Lê Lợi cắt đặt. Nguyễn thấy rõ, Lê Lợi có tài điều khiển công việc, nhất là lòng độ lượng bao dung đối với mọi người, Nguyễn đã dày công để tâm dò xét động tĩnh của Lê Lợi. Nhưng ngoài mấy lời nhận xét: Lê Lợi thường mua dầu nhiều hơn rượu, đêm đêm hay vắng nhà, tính tình trầm ngâm, kín đáo. Nguyễn không biết gì hơn. Tuy chưa nỗi thất vọng về con người mà ngày đêm Nguyễn hy vọng gửi chí mình, nhưng rõ ràng trong đám lá xanh thẳm của niềm tin ấy, đã điểm những chiếc lá vàng. Vì vậy, đêm nay Nguyễn phải quyết dò xem thực hư việc Lê Lợi dựng cờ phục quốc! Nguyễn không thể cứ sống nửa tin nửa ngờ trong lúc mối nhục mất nước, cảnh giặc nướng dân đen, vùi con đỏ vẫn ngày đêm giày vò tâm can Nguyễn.

Trời vừa tối, thấy Lê Lợi vắng nhà, Nguyễn Trãi bèn vào rừng trèo lên một cây cao, nhìn bao quát bốn phía. Bỗng từ hang núi cách khá xa trang trại của Lê Lợi, thấp thoáng có ánh lửa hắt ra. Đoán Lê Lợi đang họp hội kín ở đó, Nguyễn Trãi hồi hộp lần mò tìm đến. Vừa tới cửa hang, Nguyễn đã nhìn rõ Lê Lợi cùng với chừng mười người nữa đang xúm quanh chiếc bàn đá, trên bàn bày biện nhiều sách mà Nguyễn nhận ra là các binh thư. Hồi hộp xen lẫn sung sướng. Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi nói với mọi người:

– Thế là mọi việc đã cắt đặt đâu vào đó. Các ngươi hãy cố gắng vì nghĩa lớn để rửa nhục mối hờn mất nước.

Không nén được niềm vui quá lớn và đột ngột, Nguyễn Trãi vừa tiến vào hang vừa nói, giọng xúc động:

– Thưa chúa công! Bao năm nay đây mai đó tìm được người nghĩa khí, tôn phò minh chủ, bàn kế cứu nước, tới nay tới mới gặp.

Lê Lợi giật mình tuốt gươm xông tới phía Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi ngỡ ngàng dừng lại:

– Tôi đến đây xin làm nông phu chính là vì công việc phục quốc của chúa công.

Nghe ra Lê Lợi hạ gươm, mời Nguyễn Trãi ngồi hỏi chuyện. Khi biết người mới vào là danh sĩ Nguyễn Trãi, con Trung thư thị lang, Hàn lâm viện học sĩ [10] Nguyễn Phi Khanh, Lê Lợi và mọi người vui mừng khôn xiết.

Lê Lợi nắm tay Nguyễn Trãi, cung kính nói:

– Thật là trời đã đem đến cho ta một lương phu.

Lê Lợi lần lượt giới thiệu những người xung quanh với Nguyễn Trãi. Lại một lần nữa, Nguyễn Trãi sửng sốt nhận ra tên tuổi nhiều người đã từng nghe nhưng chưa biết mặt.

Nhưng nhớ ra điều gì hệ trọng, sau một phút tần ngần, Nguyễn Trãi rút từ trong tay áo tập sách đưa đến trước mặt Lê Lợi:

– Nhân đọc binh thư, lại phần nào thấu được lòng dân, xét được địch tình trong những năm luân lạc, tôi làm ra Bình Ngô sách này, mong có ngày dùng đến. Nay dâng chúa công xem xét [11].

Trong lúc Lê Lợi trân trọng đón lấy Bình Ngô sách, Lý Triện, Phạm Văn Xảo, Đinh Lễ kéo Nguyễn Trãi đến gần mình vui vẻ nói:

– Anh em tôi vẫn đoán sẽ có ngày tiên sinh tìm đến và dâng diệu kế.

Nguyễn Trãi mỉm cười:

– Trãi này nghe chúa công chiêu hiền đãi sĩ, mưu dấy binh thu lại mười lăm đạo nước đã mất, nên cùng Trần Nguyên Hãn tìm đến.

– Cả Trần tiên sinh cũng đã tới rồi ư? – Lê Lợi đột ngột quay phắt về phía Nguyễn Trãi hỏi:

– Thưa chúa công, người nông phu vừa đến với tôi chính là Trần huynh đó.

Lê Lợi giọng vui hẳn lên:

– Trời đã cho ta quân sư lại thêm danh tướng. Có nhân tài giúp rập, việc lớn ắt mau thành.

Từ đấy, mừng vì tìm được minh chủ, lại được minh chủ chấp nhận Bình Ngô sách, giữ luôn bên mình bàn đại sự, Nguyễn Trãi phấn chấn để hết tâm trí giúp Lê Lợi trong mọi việc.

Một hôm, người dân Lam Sơn xôn sao về cái tin có nhiều người nhặt được lá rừng ghi tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” [12]. Tin kỳ lạ đó được kể lại, truyền đi như lệnh trời truyền xuống, gây nên những chấn động mạnh mẽ trong nhân dân.

Nghĩa quân đem lá nộp cho các tướng. Các tướng nộp cho Lê Lợi. Lê Lợi lúc đầu cũng ngạc nhiên. Nhưng sau khi xem xét thấy rõ có người dùng mỡ viết lên lá, kiến ăn mỡ hiện lên thành chữ, thì biết ngay là kế của ai rồi.

Cầm một chiếc lá đặt trước mặt Nguyễn Trãi, Lê Lợi mỉm cười nói:

– Chẳng hay “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” là ý trời đã định thực chăng?

Nguyễn Trãi bình thản trả lời:

– Thưa chúa công! Cho là ý trời cũng đúng, vì giặc thì dùng chính lệnh khắt khe, hình phạt tàn khốc, làm việc bạo tàn, khiến thần người đều căm giận. Ta khởi binh chống giặc, giải thoát cho dân là làm theo lòng dân. Thuận theo lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết. Ý dân là ý trời. Cho nên cho là ý trời đã định thì cũng thế.

Lê Lợi gật gù:

– Ta có lời khen ngợi diệu kế của quân sư đó.

Cũng từ đó, hào trưởng các nơi tìm đến ngày một nhiều.Trai tráng trong vùng đến xin theo nghĩa quân ngày càng đông. Núi rừng Lam Sơn náo động tiếng reo hò của nghĩa quân, ngày đêm luyện tập võ nghệ.

Thấy cuộc dấy binh đã thuận lợi, ngày mồng 2 tháng giêng năm Mậu Tuất [13], theo yêu cầu của Nguyễn Trãi và các tướng, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương và xuất quân dẹp giặc cứu dân.

Phần II – Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi

Tiến quân ra Bắc

Chiếc lầu trúc cao ngất được dựng lên vội vã ngay trên bãi đất trước làng Bồ Đề [14]. Trên tầng lầu thứ hai, trước chiếc kỷ thấp, giấy bút, nghiên mực bày biện sẵn sàng, Nguyễn Trãi đang đăm chiêu suy nghĩ về việc vào thành Đông Quan dụ hàng Vương Thông ngày hôm sau [15]. Nguyễn biết, vào gặp tên giặc cáo già, lắm quỷ kế trong lúc hắn còn hy vọng trông chờ viện binh, không phải là không nguy hiểm. Nhưng Nguyễn có chính nghĩa, có lẽ phải, và Nguyễn nào quản đến tính mạng mình. Điều Nguyễn đang bận tâm là phải tìm một đối sách thích hợp: vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng cốt làm cho Vương Thông nhận rõ điều hơn lẽ thiệt. Nay quân giặc tâm trí đã nản, kế đã cùng, nhưng Vương Thông đường đường là một tên đại tướng, hắn cần giữ thể diện. Nếu không mở mắt cho hắn thấy vua Tuyên Đức nhà hắn đang bận cuộc chiến tranh với Thát Đát, nhất là để hắn thấy rõ lòng nhân nghĩa cao cả của vua ta, thì không dễ hắn đầu hàng. Nhớ tới những lần đã vào thành dụ giặc hàng [16], Nguyễn thấy rõ, mỗi lần giáp mặt với chúng, tuy nguy hiểm, nhưng dễ cảm hóa được chúng hơn. Ý nghĩa ấy củng cố thêm quyết định của Nguyễn lần vào Đông Quan này.

Bỗng tự trong làng, tiếng trẻ nhỏ hát vọng lên lầu nghe rõ mồn một:

“Nhong nhong ngựa ông đã về Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

Câu hát ngộ nghĩnh lặp đi lặp lại, khiến Nguyễn bất giác mỉm cười.

Nguyễn rời chiếc kỷ, bước ra hiên lầu, hướng về phía lũ trẻ vừa hát vừa cắt cỏ. Tiếng hát trẻ thơ lại được cất lên trên mảnh đất này – mảnh đất mà tháng trước còn rên xiết đau thương nằm trong tay giặc. Và,  không phải chỉ có cái làng nhỏ bé này, mà là cả một vùng non sông rộng lớn đã như sống lại từ khi nghĩa quân của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trùng điệp kéo về, vây chặt lấy Đông Quan, căn cứ lớn cuối cùng của giặc. Phải – Nguyễn Trãi xúc động thầm nhủ – nghĩa quân đã về. Nghĩa quân đã về trong sự đón tiếp ân cần ruột thịt của nhân dân suốt các ngả đường hành quân và cả trong tiếng hát ngộ nghĩnh nở trên môi các em bé.

Nhưng để có được chiến thắng này thật không dễ dàng. Nguyễn Trãi bỗng nhớ lại cuộc hành quân thần tốc, táo bạo của nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc mấy tháng trước. Lúc ấy cả miền đất rộng lớn từ Hải Vân đến Tam Điệp [17], quân giặc chỉ còn cố thủ được ở các thành Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An và Thuận Hóa [18]. Chúng đang ngày đêm trông chờ viện binh ở Đông Quan để cứu. Thấy sức mình đã mạnh, Lê Lợi có ý định đem quân ra Bắc đánh thẳng vào Đông Quan, thì lại được tin vua Minh cử Thành Sơn hầu Vương Thông, đốc suất 10 vạn tinh binh sang tăng viện và trao cho Vương Thông quyền thống lĩnh toàn quân thủy bộ thay Trần Trí.

Thấy quân giặc tăng viện, nhiều tướng nghĩa quân ngần ngại chưa muốn tiến quân ra Bắc, Lê Lợi phân vân hỏi Nguyễn Trãi:

– Khi trước quân sư nói, thấy giặc mạnh thì phải tránh trong sự đánh nhau, đánh lâu mới thắng thì nhụt đồ binh khí. Ta đã nghe quân sư chỉ vây không cốt hạ thành Nghệ An để chia quân đi đánh các nơi sơ hở của giặc. Đó là diệu kế. Nhưng nay, 10 vạn tinh binh của Vương Thông đã ngạo nghễ vào đất Bắc. Chẳng hay nếu ta tiến quân ra đó là đánh vào chỗ mạnh của giặc chăng?

Hiểu được tâm trạng Lê Lợi, Nguyễn Trãi đáp:

– Tâu Vương Thượng! Trong lúc giặc tăng viện cho thành Nghệ An ta lấy Diễn Châu, Thanh Hóa là tránh chỗ thực, đánh chỗ hư, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu! Nhưng trong cách dụng binh cũng có lúc phải mau chóng như thần, máy then đóng mở như bánh xe chuyển, như đám mây bay, trong khoảng chốc lát chợt nóng chợt rét, thay đổi khôn lường thì mới giành được thắng lợi. Nay tiến ra Bắc, giặc Minh đông, ta phải ở thế lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh. Nhưng nếu dùng kỳ binh [19] đánh quân hăng, lừa quân mệt, được thời có thế, hợp với lòng dân thì yếu hòa mạnh. Dám mong Vương thượng cứ cho quân tiến đánh.

Lê Lợi không giấu được niềm vui:

– Quân sư nói chính hợp ý ta.

Rồi ngay đêm ấy, trái với phán đoán của nhiều tướng, Lê Lợi cho hội binh ở Lỗi Giang, rồi cử ba đạo quân theo ba đường khác nhau [20] do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Thả, Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Đinh Lễ, Nguyễn Xí đem 8.000 quân và 3 thớt voi rầm rộ tiến ra Bắc.

Khuyên Lê Lợi tiến quân, nhưng thấy quân mình ít so với giặc, nên dù tin vào chiến thắng, Nguyễn Trãi vẫn không khỏi lo lắng từng ngày trông chờ tin tức.

Chỉ hơn nửa tháng sau, tin đạo quân Phạm Văn Xảo đốc suất đã thắng lớn ở Ninh Kiền diệt 2.000 giặc truyền về khiến cho Lê Lợi và Nguyễn Trãi thêm vững tin vào chiến sách của mình. Rồi trận Cầu Mới, Xa Lộc; đặc biệt trận thắng lẫy lừng ở Tốt Động, Chúc Động làm cho Nguyễn Trãi xúc động đến cả đêm không ngủ.

Thế là chỉ mấy nghìn quân của Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đinh Lễ, Nguyễn Xí đã cả phá 10 vạn tinh binh của Vương Thông, giết đến 5 vạn quân địch, bắt sống đến một vạn tên, làm tiêu tan mọi quỷ kế của Vương Thông.

Khao quân sau trận đại thắng ấy, Lê Lợi liền rời đại bản doanh từ Lỗi Giang ra Bắc, và đại binh do Lê Lợi, Nguyễn Trãi thân đốc suất đã đánh thắng tới Đông Quan, dồn giặc Minh như lũ chuột chạy vào thành.

“Nhong nhong ngựa ông đã về Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

Tiếng hát của các em bé lúc xa, lúc gần lại cất lên.

Tiếng hát kéo Nguyễn Trãi trở về thực tại.

– Thưa quân sư! Vương Thượng cho lệnh triệu quân sư – Nguyễn Trãi giật mình quay lại thấy người nghĩa quân đang đứng ở bậc lên xuống của tầng lầu.

Nguyễn Trãi trìu mến nhìn người nghĩa quân:

– Ngươi về đi. Ta sẽ lên ngay.

Nguyễn Trãi đi lên tầng lầu thứ nhất. Theo hướng đó, Nguyễn nhìn rõ thành Đông Quan hiện còn trong tay giặc, nằm phơi minh run rẩy.

Hai đạo viện binh của giặc kéo sang

Vừa trong thấy Nguyễn Trãi, Lê Lợi đứng dậy đón và vui vẻ nói:

– Lưu Thanh đem quân thành Tam Giang ra hàng. Thế là chỉ hai tuần trăng ta đã thu lại được các thành Nghệ An, Điêu Diêu, Diễn Châu, Thị Cầu, Tam Giang [21] không tốn một mũi tên.

– Thế còn các thành Tây Đô, Tân Bình, Thuận Hóa, Khâu Ôn, Xương Giang [22] thần cũng đã có thư dụ?

– Chỉ còn Xương Giang, Khâu Ôn chưa hàng mà thôi. Ta có lời khen mừng quân sư đó.

– Người Ngô hình nặng chính ác, mất hết lòng người. Vương thượng thì lấy nhân thay bạo, lấy trị thay loạn. Bởi vậy, sĩ dân thỏa tấm lòng trung nghĩa, gắng rửa cái hổ lớn cho đất nước. Còn công của thần đâu đáng kể. – Rồi đổi giọng, Nguyễn Trãi tiếp – Hiện Vương Thông xin hòa, hẹn ngày đầu tháng, nhưng quân giặc trong thành vẫn đào bới, khiêng vác nhốn nháo. Rõ là chúng chưa thật bụng.

Lê Lợi giận dữ:

– Đồ phản trác! Quân sư hãy viết cho hắn bức thư nữa, nói rõ điều hay lẽ thiệt cho hắn biết. Bằng không, ta đã động binh thì quân chúng sẽ không còn mảnh giáp.

Bỗng tầng lầu rung lên tiếng chân người vội vã. Xoay người về phía cửa, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã thấy một nghĩa quân mồ hôi đẫm áo vừa thở gấp, vừa rút từ tay áo cuộn giấy bọc sáp, cung kính đưa cho Lê Lợi.

– Tâu Vương thượng! có tin cấp báo từ ải Pha Lũy gửi về.

Chuyển bức thư đã xem xong cho Nguyễn Trãi, Lê Lợi nói qua hàm răng nghiến chặt:

– Thằng nhãi Tuyên Đức! Mi lại sai mười lăm vạn viện binh cố tình gây thảm họa binh đao với ta.

Lập tức, Lê Lợi cho triệu các tướng đến lầu Bồ Đề ngay trong đêm ấy. Trong buổi họp, nhiều tướng xin hạ gấp thành Đông Quan rồi đốc toàn lực ra đánh quân cứu viện cứu giặc. Nhưng y theo kế của Nguyễn Trãi, Lê Lợi nói với các tướng:

– Đánh thành là hạ sách, ta đánh thành vững hàng tháng, hàng năm không hạ nổi, quân ta sức mệt khí nản. Nếu viện binh của giặc đến thì mặt trước mặt sau lưng đều bị giặc đánh, đó là con đường nguy. Sao bằng nuôi lấy sức quân, giữ lấy nhuệ khí để đợi viện binh của giặc. Viện binh của giặc bị phá thì quân trong thành tất phải hàng. Làm một việc được cả hai, đó mới là toàn kế vậy.

Nguyễn Trãi nói tiếp những điều đã bàn với Lê Lợi:

– Trong hai đạo viện binh của giặc thì đạo của Kiềm Quốc công Mộc Thạnh có tuổi, trải việc đời đã nhiều, đường đi lại hiểm trở, tất hắn không chịu tiến binh một cách xốc nổi. Còn đạo của An Viên hầu Liễu Thăng cậy có quân lắm, ngựa nhiều, hắn ỷ thế khinh thường ta mà tiến quân ào ạt. Vậy ta phải dốc sức diệt đạo viện binh này. Diệt được đạo này thì quân Mộc Thạnh không đánh mà tan; Vương Thông cùng kế phải xin hàng.

Ngừng một lát, Nguyễn Trãi tiếp, hướng về phía Lê Lợi:

– Còn lẽ nữa, theo ý thần, muốn chắc thắng đạo binh 10 vạn của Liễu Thăng trước, phải hạ kỳ được thành Xương Giang đã. Bởi vì thành Xương Giang nằm trên lộ Lạng Sơn đến Đông Quan. Đánh Xương Giang là đánh thông đường để đại binh ta lên tận Lạng Sơn chặn giặc.

Tin vui thắng trận

Một nghĩa quân phóng ngựa vun vút vào doanh trại. Nhẩy từ trên mình con ngựa chiến mã đã sùi bọt mép xuống đất, người nghĩa quân vội lên chiếc lầu trúc cao ngất.

– Tâu Vương thượng, thưa quân sư – người nghĩa quân vừa thở gấp vừa nói – quân ta đã đại thắng: Liễu Thăng bị chém ở núi Mã An cùng với hơn vạn đầu giặc. Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị lừa đến Xương Giang rồi bị bắt sống. Tiều thần được lệnh đi gấp về báo tiệp và nộp các ấn tín của bọn tướng giặc.

Lê Lợi, Nguyễn Trãi vui mừng khôn xiết.

Rồi, sau khi thân mật phủi lớp bùn trên tà áo chẽn của người nghĩa quân và tiễn ra tới cửa, Nguyễn Trãi trở lại nói với Lê Lợi:

– Vận nước thế là đã định đoạt. Thần kính mừng Vương thượng.

Lê Lợi cảm động:

– Nếu ta nghe lời các tướng dốc sức đánh Vương Thông trước rồi mới cự với Liễu Thăng, hoặc không gấp hạ thành Xương Giang thì ta đâu thắng lợi nhanh chóng dường này. Chiến thắng này là nhờ chiến sách của quân sư. Không có quân sư ta đâu có ngày nay.

Tiếng reo hò mừng tin thắng lớn của nghĩa quân làm náo động cả quân doanh. Hòa trong niềm vui đó, Lê Lợi mỉm cười hỏi Nguyễn Trãi:

– Bây giờ quân sư định liệu thế nào?

Như đã lường trước sự việc, Nguyễn Trãi đáp:

– Mộc Thạnh chưa chịu tiến binh. Vương Thông quỷ quyệt phản trắc là trông vào toán viện binh của Liễu Thăng.

– Bây giờ ta gửi cho mỗi tên tướng giặc ít tù binh cùng với sắc thư, phù tín, ấn chương của Liễu Thăng – Lê Lợi tươi cười ngắt lời Nguyễn Trãi – thì Mộc Thanh chỉ có chạy, Vương Thông chỉ có hàng. Ý quân sư định thế chứ gì?

– Tâu Vương Thượng – Nguyễn Trãi phấn chấn đáp: Quả là ý thần định thế. Nhưng “chó cùng rứt giậu” nên vẫn phải đề phòng chúng liều chết. Vương thượng nên mật sai Phạm Văn Xảo một phen ra tay đánh Mộc Thạnh. Còn thần, xin hạ lệnh cho các tướng vây chặt Đông Quan, một mặt dụ hàng, một mặt sẵn sàng giáp chiến.

Lê Lợi trầm ngâm:

– Lòng nhân nghĩa của quân sư cảm hóa được cả cỏ cây, muôn vật. Nhưng lần này Vương Thông còn tráo trở thì chúng không còn được tha tội chết.

Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo

Đêm đã gần sáng mà Nguyễn Trãi vẫn chong đèn ngồi trước kỷ cắm bút viết. Nguyễn không còn nhớ Nguyễn đã thức mấy đêm như thế, và không phải Nguyễn không khỏi cảm thấy mệt mỏi. Song, niềm vui thắng trận, mơ ước sắp rửa được nợ nước thù nhà, đã tiếp sức cho Nguyễn. Không vui sao được, khi mấy hôm trước, tin đạo viện binh của Mộc Thạnh bị đánh tan, Mộc Thạnh phải một mình một ngựa chạy tháo thân về nước. Còn Vương Thông, dẫu còn cứng cổ chưa hàng, nhưng trước sau hắn sẽ phải đầu hàng.

Nguyễn đang bắt tay thảo Bình Ngô đại cáo theo ủy thác của Lê Lợi. Nguyễn say sưa sống lại từng chặng gian nan của cuộc kháng chiến với tất cả những rung động sâu sắc của tâm hồn mình.

Nguyễn dùng bút, ngả người vào thành ghế, cầm lấy bản thảo, đọc lại mấy đoạn đã viết từ đêm trước:

“… Xét như nước Đại Việt ta Thật là một nước văn hiến … … … … … … … … … … … … Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên đều chủ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau Mà hào kiệt không bao giờ thiếu…”

Nguyễn đọc lại hai lần đoạn văn và hài lòng vì nó đã lột tả được lòng tự hào về non sông đất nước; đặc biệt tuyên ngôn được dụng ý; Nước Đại Việt và nước Ngô đều từng làm chủ một phương như nhau.

Đọc lại, nhưng có lúc Nguyễn Trãi phải nghiến răng lại, có lúc muốn đứng vùng lên, y hệt như Nguyễn tận mắt nhìn giặc Minh hành hạ dân mình:

“… Thui dân đen trên lò bạo ngược Vùi con đỏ dưới hố tai ương Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khóe Cậy binh gây hấn ác chưa gần hai chục năm…”

Nguyễn đọc tiếp:

“… Chính lúc nghĩa binh mới nổi. Là lúc thế giặc đang hăng…”

Nguyễn buông tập giấy, đắm mình trong suy tưởng. Mười năm trời! Mười năm nằm gai nếm mật:

“… Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần; Lúc Khôi Huyện quân không một lữ…”

Nhưng cũng là mười năm bền bỉ, dẻo dai, mưu trí và dũng cảm, quyết tâm chống giặc để những chiến công chói lọi nở hoa và ghi khắc mãi vào sử sách, vào lòng người.

Hào hứng ôn lại từng chặng chiến thắng của nghĩa quân; nhớ lại lúc nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, phải rỏ nước mắt thịt voi trận mà nay nghĩa quân đã trùng trùng, điệp điệp đang siết chặt lấy Đông Quan, Nguyễn tưởng như mình đang đi giữa hàng quân, giẫm lên xác giặc. Nguyễn ghi vội những ý mới nảy.

“… Voi uống nước, nước sông phải cạn Gươm mài đá, đá cũng phải mòn … … … … … … … … … … … … Tổ kiến hổng làm toang đê vỡ Trận gió rung, rụng trút lá khô…”

Nguyễn lại ngả người vào thành ghế, căng óc tìm ý rồi lại viết. Cho đến lúc phải lên đèn, Nguyễn mới viết những câu cuối, lòng phấn chấn lạ thường:

“… Ôi một gươm đại định tạo thành công nghiệp vô song Bốn biển lặng yên, rộng ban duy tân tuyên cáo Báo cáo xa gần mọi người cùng nghe” [23].

Lê Lợi cho mời Nguyễn Trãi vào đại bản doanh Bồ Đề để  cùng tiếp sứ của Vương Thông, Sơn Thọ đến “xin hòa” và rút quân về nước.

Nghe Nguyễn Trãi, Lê Lợi ưng thuận cho hòa. Nhưng lúc ấy, các tướng lĩnh vì căm hờn sự tàn ngược của giặc nên đã khẩn khoản xin đánh. Một lần nữa, Lê Lợi lại hỏi ý kiến Nguyễn Trãi, nhân thể để Nguyễn nói với các tướng, Nguyễn Trãi tâu:

– Giặc Minh hung tàn, lòng người chứa oán đã sâu, nay muốn giết hết bọn chúng đi để trả thù xưa không phải là không có lẽ. Tình hình quân giặc lúc này, mình muốn phá vào sào huyệt, ăn gan uống máu để rửa mối thâm cừu không phải là một sự khó khăn. Nhưng thần trộm nghĩ như vậy sẽ kết mối thù với triều Minh quá sâu… Chi bằng ta nên thừa lúc này, kẻ kia lâm vào thế cùng, mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho cả sinh linh hai nước.

Lê Lợi và các tướng đều nghe theo.

Ngày 22 tháng 11 năm 1427, ở ngoài cửa Nam thành Đông Quan, một đài cao được dựng lên vội vã. Bọn Vương Thông mở cửa thành lúc nhúc chui ra làm lễ tuyên thệ trước mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng nghĩa quân, xin nộp thành để bảo toàn tính mạng rút về nước.

Tám vạn quân giặc sống xót sau đó lủi thủi ra đi.

Trong lễ chiến thắng tưng bừng ấy, Lê Lợi, Nguyễn Trãi dẫn đầu đoàn quân, rầm rộ tiến vào Đông Quan.

Phần III – Những năm tháng làm quan

Tâm sự của Nguyễn Trãi

Đã được trả lại tự do nhưng Nguyễn Trãi buồn lắm. Dù Nguyễn Trãi vẫn được phong tước Quan phục hầu; về quan chức, Nguyễn vẫn giữ chức Nhập nội Hành khiển [24] lại bộ thượng thư, kiêm quản công khu mật viện như khi luận công ban thưởng sau chiến thắng giặc Minh, nhưng Nguyễn không được vua Lê Thái Tổ [25] tin dùng nữa.

Nguyễn không lạ gì Hàn Tín trước khi bị Hán Cao Tổ giết đã biết rằng, những kẻ dùng mình sẽ không dùng mình khi đế nghiệp đã thành. Nguyễn còn hiều về cuối đời, Lê Lợi lắm bệnh, thái tử Nguyên Long còn nhỏ, lại ham chơi bời nên rất lo ngại uy tín của một số công thần. Nguyễn chưa gặp phải nạn lớn [26] là vì trong tay Nguyễn không có binh quyền; có lẽ còn vì đời Nguyễn quá trong trắng, đến nỗi vua khó gán tội cho Nguyễn.

Nguyễn vẫn còn làm quan. Nhưng làm quan mà như đi ở ẩn. Nỗi khổ tâm bị Lê Lợi bạc đãi; cảnh sống nghèo túng giày vò khiến Nguyễn phải bặm môi, kìm nước mắt khi gửi nỗi lòng vào bài thơ mới viết. Nguyễn ngậm ngùi đọc lại:

“Góc thành Nam lều một gian No nước uống thiếu cơm ăn. Con đòi trốn dường ai quyến Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá Nhà quen xứ xửa ngại nuôi vằn Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải Góc thành Nam lều một gian”.

Tuy nhiên, Nguyễn không cực lòng vì phải sống trong cảnh nghèo túng. Nguyễn bao giờ chẳng tự nhủ:

“Bữa ăn dù có dưa muối Áo mặc nài chi gấm là” [27] “Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh Áo bỏ quen cật vận xênh xang”. [28]

Điều khiến cho Nguyễn đau đớn, thất vọng là hoài bão trị nước, an dân, giúp nghiệp trị bình thế là không làm được.

Từ những ngày còn đọc binh thư, Nguyễn đã ước rằng, sau khi đánh đuổi được giặc Minh, sẽ xây dựng một xã hội thịnh trị như xã hội vua Nghiêu, vua Thuấn [29].

Xã hội mà Nguyễn muốn kiến lập sau khi đuổi giặc Minh là xã hội mà vua phải xứng đáng làm vua. Người làm vua “phải trọng nhân nghĩa”, làm điều nhân nghĩa, phải “thích nghe, thích xét”, phải “rủ lòng thương yêu muôn dân”, chớ “thưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ”.

Sau vua, Nguyễn chú ý đến những người “cư quan nhiệm chức”. Nguyễn muốn “người có chức vụ coi quân trị dân”, phải theo đạo nhân nghĩa của vua. Người đó không được “che ác với vua” không “kết lập bè đảng”, không “vụ ích cho riêng mình”. Người “cư quan nhiệm chức” còn phải là người “rất thẹn thùng” về “đẹp cung thất, cao đài tạ”, và cũng “thẹn thùng” về những việc làm “theo ý mình, ức lòng người”. Họ phải luôn nhớ rằng “những quy mô to lớn, cao lồng lộng đều là sức lao khổ của nhân dân”, khi “ăn lộc” phải “đền ơn kẻ cấy cày”,không được “sưu cao thuế nặng, vơ vét của dân cho nhiều”.

Khuyên răn người khác, trước hết Nguyễn tự răn mình:

“- Cơm kẻ bất nhân ăn, ấy chớ Áo người vô nghĩa mặc, chẳng thà” [30].

Nguyễn còn tự nhủ lòng:

“- Lòng thế bạc đen dầu nợ biến Ta thì nhân nghĩa chớ loàn đan” [31].

Sống giữa triều đình phong kiến, Nguyễn chưa bao giờ mưu cầu cuộc sống giàu sang phú quý. Nguyễn luôn vui với cuộc sống giản dị, thanh cao và khuyên mọi người sống giản dị, thanh cao. Nguyễn nhớ Đỗ Mộng Tuân, bạn đỗ cùng khoa với Nguyễn, có lần đến Côn Sơn phải nói: “Nhà quan tri tam quán sự mà lạnh lẽo như một dòng nước, bốn vách trống trải xác xơ nhưng giàu sách vở” [32].

Nguyễn lặng đi ngồi suy tưởng. Nguyễn cũng không nhớ Nguyễn ngồi như thế từ bao giờ. Nguyễn chỉ thấy càng suy tưởng càng thấy chán nản.

Nguyễn tự hỏi: Phải chăng, ước muốn xã hội thịnh trị, mọi người đều no đủ, thư thái “mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì ngủ, đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn” là trái với ý vua Thái Tổ. Lại nữa, cuộc sống thanh đạm, vui với cái nghèo của Nguyễn, cũng là cái cớ để bọn Lê Sát, Lê Vấn ghen ghét, kéo bè đảng chống lại Nguyễn?

Không thể khác được, Nguyễn quyết định trở về Côn Sơn với tâm sự u uất:

“Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế [33] Ắt đã tròn bằng nước ở bầu”.

Bài ca Côn Sơn

Trở về Côn Sơn vui với rặng thông, rừng trúc, lánh xa triều đình bội bạc, Nguyễn Trãi thấy tâm hồn thư thái đôi chút. Chưa lúc nào Nguyễn làm nhiều thơ như lần trở về Côn Sơn này. Làm thơ để nói ý mình về nhiều lẽ đời, đã thực sự trở thành niềm vui của Nguyễn.

Mang theo tâm sự của con người thất vọng trước những hoài bão lớn, Nguyễn biết dù thơ vẫn có cái hùng, cái đẹp của tạo vật, nhưng không giấu đươc một nỗi buồn trải ra mênh mông. Nguyễn đọc lại bài “Côn Sơn ca” vừa làm hôm trước mà lòng còn xúc động:

“Côn Sơn có khe Tiếng nước chảy rì rầm Ta lây làm đàn cầm. Côn Sơn có đá Mưa xối rêu xanh đậm Ta lấy làm chiếu thảm. Trong núi có thông Muôn dặm rờn rờn biếc một vùng Ta tha hồ nghỉ ngơi ở trong. Trong rừng có trúc Nghìn mẫu in biếc lụa Ta tha hồ ngâm nga bên gốc…”

Nguyễn dừng lại thở dài ngao ngán. Nguyễn đã muốn đắm mình trong muôn màu hoa lá để làm kẻ “di thần di lão”, mà cảnh như sinh tình, nhắc nhở:

“… Người sao còn chưa đi về Nửa đêm bụi bặm hoài lăn lóc Muôn chung nghìn đỉnh có làm gì Nước lã cơm rau miễn tri túc…”

Nguyễn lướt qua để đọc phần cuối, lòng băn khoăn như khi hạ bút làm thơ:

“… Người đời trăm tuối Rốt cuộc như thảo mộc Vui buồn lo sướng đổi thay nhau Một tuần một héo vẫn tương túc Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên Chết rồi ai vinh với ai nhục? Nhân gian nếu có bọn sao do Khuyên hãy nghe ta ca một khúc” [34].

Trở về Côn Sơn, vùng ra khỏi vòng vây ngột ngạt của bọn Lê Sát, Lê Vấn, Nguyễn không muốn nhắc đến chúng nữa. Nhưng Nguyễn không làm được điều ấy. Nguyễn vẫn thấy bọn tham quan như loài cỏ xấu, cứ mọc lên xanh tươi, mà Nguyễn thì bất lực chưa chặn chúng lại được. Nguyễn cầm bút ghi ý thơ:

“… Lòng người một sự yêm [35] chưng một Đèn khách mười thu, lạnh hết mười Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn Hoa thì hay héo cỏ thường tươi”.

Có lúc Nguyễn định yên tâm với việc “cày nhàn câu vắng”, nhưng Nguyễn nào hết băn khoăn:

“Còn một lòng âu lo việc nước Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”.

Vì vậy, sau khi Lê Lợi chết, được vua Lê Thái Tông vời đến, Nguyễn Trãi lại sẵn lòng ra giúp nước [36].

Trở lại chốn quan trường

Ngay từ những ngày đầu trở lại triều đình, thấy vua còn trẻ lại ham chơi bời, mặc cho bọn Lê Sát lộng hành Nguyễn không khỏi băn khoăn. Nhưng tin vào sự trong sạch của mình, lo đến dân đến nước, Nguyễn yên lòng gánh vác công việc.

Nhưng bọn tham quan đâu có để cho Nguyễn làm việc.

Năm 1434, vua Lê Thái Tông sai Nguyễn Trãi viết biểu văn để sang nhà Minh cầu phong. Tờ biểu viết xong viên nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và viên học sĩ Lê Cảnh Xước muốn đổi mấy chữ. Vốn đã biết bọn này dốt nát lại hay đục khoét dân, bè đảng của đại tư đồ (Tể tướng) Lê Sát, Nguyễn Trãi nổi giận mắng chúng:

– Đổi với chác gì? Các ông giỏi sao không viết thay tôi? Hiện nay trong nước đương hạn hán mà sở dĩ có tai nạn ấy chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng vơ vét của dân cho nhiều, nên trời mới giáng tai tỏ ý trừng phạt.

Thúc Huệ đem lời Nguyễn mách với Lê Sát, Lê Vấn. Bị chỉ trán vạch tên, bọn chúng lồng lộn tức tối.

Theo lệnh Lê Sát, Lê Vấn tức tốc gặp Nguyễn Trãi, mặt tái đi vì tức giận:

– Gây ra tai nạn không phải là lỗi tự bọn ti thuộc, mà chính bởi vua và tướng, sao ông quở trách nặng lời như vậy?

Nguyễn Trãi nghĩ bụng: bọn này đem vua ra dọa mình đây – Nhưng Nguyễn không nao núng, trả lời:

– Thúc Huệ là kẻ tài thì rất tầm thường, mà lại hay có thói bòn vét, hắn ở vào địa vị then chốt, mỗi khi có việc tâu bày chỉ thấy hắn bàn sự đục khoét của dân cho nặng để làm giàu cho công khố, cốt làm vui lòng quân thượng.

Hằn thù cũ chưa qua thì Nguyễn Trãi lại đụng đầu ngay với Lê Sát.

Cùng năm 1434, có bảy tên trộm tái phạm đáng tội chết. Vua Thái Tôn hỏi ý Nguyễn, Nguyễn tâu:

– Hình phạt không bằng nhân nghĩa là rõ ràng rồi. Bây giờ cùng một lúc giết bảy mạng người thì e không phải việc làm có đức cao.

Lê Thái Tông nghe ra. Thấy vậy, Lê Sát bảo Nguyễn Trãi, giọng mỉa mai:

– Ông là người nhân nghĩa, có thể cảm hóa kẻ ác trở nên người thiện, thì đây xin giao bọn trộm cho ông.

Nguyễn Trãi đáp ngay, không lộ sự khó chịu:

– Bọn chúng là đồ hung ác gian giảo. Pháp luật và chế độ của triều đình còn không răn chữa được chúng nữa là Trãi này có đức độ gì mà cảm hóa nổi.

Về sau, vua nghiêng theo ý Nguyễn Trãi, chỉ khép tội chém hai tên cầm đầu, còn năm tên khác, khép vào tội phạt lưu.

Từ đấy, bọn Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân càng thêm thâm thù Nguyễn Trãi và chúng tìm mọi cách hãm hại Nguyễn, nhổ cái gai làm chúng ngày đêm khó chịu ở trong triều. Biết vậy, Nguyễn càng giữ mình cho sạch và không bỏ lỡ dịp nào để chặn lại hành vi tội lỗi của chúng, làm điều nhân nghĩa cho muôn họ.

Đầu năm 1437, thấy Nguyễn Trãi có tài và trước sau giữ trọn tấm lòng trung, Lê Thái Tông lại sai Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng trông coi làm việc xe loan và thẩm định nhã nhạc.

Thấy rõ vua có chiều hướng ăn chơi xa xỉ trong lúc dân mọn đang đói khổ, Nguyễn Trãi lựa lời tâu:

– Thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn. Ngày nay định ra lễ nhạc, chính là phải thời lắm. Song cây không có gốc không thể đứng vững, không có văn không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng theo chiếu chỉ thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng; song học vấn sơ sài, nông cạn sợ trong ánh thanh luật khó làm được cho hài hòa. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân, khiến trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu… Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.

Vua Thái Tông ban khen và nhận lời tâu của Nguyễn.

Câu chuyện về “lễ nhạc” tưởng đã yên ổn. Nào ngờ cuối năm ấy, Lương Đăng lại dâng kiến nghị về nghi thức các buổi coi trầu hoặc yến tiệc trong những ngày sinh nhật nhà vua hay tết Nguyên đán.

Thấy nghi thức của Lương Đăng soạn ra có nhiều chỗ lố lăng. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Liễu tâu với vua:

– Lễ nhạc là cốt ở người mới đặt ra được. Phải là bậc tài đức như Chu Công rồi mới sau không chê trách được việc đặt lễ, chế nhạc. Nay nhà vua để cho hạng bầy tôi hèn mọn ở trong cung chuyên việc xếp đặt lễ nhạc. Như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao? Vả lại việc làm của Lương Đăng đều là dối vua lừa dưới, không căn cứ vào đâu cả.

Lương Đăng gượng gạo tâu:

– Thần là kẻ vô học, không biết chế độ thời xưa ra sao. Những việc bây giờ làm đó chỉ là biết thế nào làm thế ấy mà thôi.

Nguyễn Liễu vốn ghét bọn tay chân của Lê Sát nên không kìm được tức giận, nói cho hả:

– Muôn tâu bệ hạ! Từ xưa tới nay chưa có bao giờ hoạn quan lại được tự chuyên làm nát thiên hạ như vậy.

Vừa lúc đó tên hoạn quan Đinh Thăng, vốn là bộ hạ của Lê Sát, từ trong nội đi ra, nghe thấy, mắng lớn rằng:

– Hoạn quan làm gì mà nát thiên hạ? Nếu nát thì phải chém đầu ngươi.

Quá nghe lời xúi xiểm, gièm pha của bọn Lê Sát, vua Thái Tông cho bắt giam Nguyễn Liễu, giao cho hình quan xét xử. Liễu bị kết tội chém đầu. Nhưng vua xuống chiếu, giảm xuống tội thích vào mặt và bắt đi đày xa.

Biết có ở lại triều đình cũng không “cứu cho khắp” được muôn họ, Nguyễn Trãi cáo quan trở về Côn Sơn. Đó là năm 1438.

Quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi

Sớm ngày 2-2-1442, trước điện Hội Anh, các sĩ nhân bốn phương trẩy kinh thi Hội đã lều chõng sẵn sàng, đứng thành hàng, theo lệnh viên quan giám thị [37] chờ đợi.

Ở hàng đầu của đám sĩ nhân, Nguyễn Trực làm ra bộ quan trọng nói với bạn bên cạnh:

– Kỳ thi này do quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi chủ sự đấy!

Người bạn tỏ ra hiểu biết:

– Quan Hành khiển mới từ Côn Sơn hồi triều ba hôm trước. Thấy quan trẩy kinh, anh em mình phấn chấn lắm. Được người liêm khiết, đức độ lại là bậc văn chương siêu việt như vậy chủ sự, thì chẳng còn ai là không công bằng.

Nghe được câu chuyện, một sĩ nhân ở hàng sau, ngạc nhiên hỏi:

– Tôi nghe đồn quan Hành khiển đã xin cáo quan mấy năm trước rồi mà.

– Ồ, quan anh chẳng biết gì cả – Nguyễn Trực đáp – Quan về Côn Sơn được một năm thì đức vua lại vời ra giúp nước. Lúc ấy quan đã 61 tuổi và mấy lần khước từ không được.

– Thế ra đức vua đã tin dùng quan chứ không như tiên đế [38].

Nguyễn Trực sôi nổi nói thêm, cố làm ra hiểu thời cuộc:

– Bây giờ đức Thái Tông đã nhìn thấy triều đình đổ nát nên nắm lấy mọi quyền hành và trừng trị bọn quan xu nịnh. Vua đã cách chức tể tướng Lê Sát, giết Hạ Đằng Đắc, giáng chức bọn tay chân của Lê Sát là Lê Văn Linh, Lê Huy, rồi cuối cùng giết cả Lê Sát và Lê Ngân.

– À ra thế! Nếu không được quan anh chỉ bảo, ở chốn rừng xanh, tôi đâu biết.

Câu chuyện chấm dứt bằng một hồi chuông lanh lảnh cất lên.

– Hoàng đế ngự giá – tiếng viên quan nội giám tuần xước [39] thét lớn.

Các sĩ nhân nín thở, cúi rạp mình hồi lâu.

Vừa được bình thân, Nguyễn Trực giọng vui vẻ, nói thầm với bạn:

– Đấy, quan Hành khiển, người có bộ râu bạc, đứng sau đức vua ấy.

Có nhiều tiếng xuýt xoa:

– Trông quan điềm đạm mà quắc thước quá nhỉ!

Lại một hồi chuông hiệu dóng dả.

Các nhân sĩ đứng như hóa đá.

Vua Thái Tông thân ra đầu bài văn sách: “Luận về phép trị nước của các đế vương”.

Xong thủ tục, vua lui về cung. Nguyễn Trãi cùng ban giám khảo cũng lần lượt về chỗ ở theo sự sắp đặt của viên quan giám thị.

Khi đã ngồi trước kỷ sơn son phủ gấm, một lần nữa Nguyễn Trãi suy nghĩ về đề thi do Nguyễn thảo ra và được vua chấp thuận. Thâm ý của Nguyễn là muốn cho các sĩ nhân biết lĩnh hội phép trị nước của tổ tiên, nhân thể cũng là cách hướng các sĩ nhân phải đem học vấn ứng dụng cho đời, biết kiến giải thời cuộc, mong giúp vào việc hưng quốc an dân. Rồi Nguyễn lan man nhớ lại kỷ niệm ngày Nguyễn đi thi và cảnh Nguyễn hiện tại. Nguyễn vẫn thầm mừng lần này trở lại triều nhận chức cũ kiêm trung thư sảnh tam quán sự [40] và coi cả quân dân hai dạo Đông – Bắc mà vua mới gia phong, là thời kỳ Nguyễn bằng lòng nhất. Và, vua Thái Tông do nắm lấy triều đình đã bắt đầu nghe lời tâu bày về chủ trương của Nguyễn. Hơn thế nữa, ông vua 17 tuổi này cũng đã nảy sinh tấm lòng tưởng mộ Nghĩa Thuấn, khoan nới việc hình ngục. Cứ đà ấy, Nguyễn sẽ có cơ hội thi triển tài năng, dựng cho nước được nền thịnh trị thái bình.

Nguyễn mải suy nghĩ cho đến lúc có hiệu lệnh giục các sĩ nhân nộp quyển chấm và làm thủ tục cho đề thi khác.

Mấy ngày sau cùng các bậc văn bá ngồi chầu vua nghe đọc các quyển thi để định cao thấp, vua Thái Tông đã y theo Nguyễn Trãi lấy Nguyễn Trực đỗ trạng.

Phần IV – Vụ án Lệ Chi viên

Tin dữ từ Lệ Chi viên

Nguyễn Trãi đã chuẩn bị xong chuyến đi kinh lý dài ngày ở Bắc Đạo. Côn Sơn vốn đã đẹp, nhưng chưa bao giờ Nguyễn thấy đẹp như sáng nay. Rừng trúc, rừng thông nhuốm nắng sớm trông như tấm thảm lụa vàng óng. Cũng chưa bao giờ Nguyễn phấn chấn như lần đi kinh lý này. Nguyễn vui hơn tuần trăng trước, vua Thái Tông nhân đi duyệt võ ở Chí Linh (Hải Dương) đã ngự giá tới Côn Sơn thăm Nguyễn. Cuộc đón rước định theo nghi lễ vua tôi, nhưng trái với lệ thường, vua cho được thân mật như người nhà. Vua mới đi được một tuần trăng. Cả Nguyễn Thị, người vợ yêu của Nguyễn, cùng được vua cho theo xa giá hồi triều. Lưu luyến xen lẫn mừng vui. Nhưng trước hết là vui vì Nguyễn thấy rõ vua Thái Tông ngày càng tin dùng và kính trọng Nguyễn. Nguyễn Thị cũng được vua phong chức lễ nghi nữ học sĩ, cho ra vào nơi cung cấm, dạy dỗ các cung nhân.

Thay đôi hài cỏ bằng đôi giày trận, Nguyễn thong dong lên yên ngựa, cùng toán lính hầu cận.

Ngựa chạy gằn để lại sau căn nhà là ấm cùng rừng thông nhấp nhô, nô giỡn với nắng, với tiếng nhạc ngựa tản nhanh trong gió sớm.

Ngựa qua một chỗ ngoặt, Nguyễn bỗng thấy một kỵ binh đang phóng con chiến mã chạy ngược chiều với Nguyễn. Vừa kịp nhận ra người lính cẩm vệ quen thuộc của triều đình, thì người đó đã phóng từ trên mình ngựa xuống đất, mặt tái đi:

– Thưa quan Hành khiển! Vua Thái Tông đã băng hà ở vườn Lệ Chi [41] sau khi đi duyệt võ ở Chí Linh về. Và Tôn phu nhân đã bị bắt giam từ đó.

Nguyễn Trãi đánh rơi sợi cương đang cầm trong tay, giọng lạc đi:

– Vua Thái Tôn băng hà, Thị Lộ vợ ta bị bắt. Căn nguyên bởi đâu?

Người lính cẩm vệ run run đáp:

– Quan phụ chính nói rằng Tôn phu nhân đã đầu độc vua do quan chủ mưu. Ngày hôm nay quan Thái phó Lê Khả theo mệnh vua để lại, sẽ lập hoàng tử Bang Cơ lên nối ngôi. Đã có mật lệnh bắt quan và quý quyến ba tộc. Nghe tin dữ, con lén đi từ đêm báo quan để quan định liệu.

– Ta có ngờ đâu đến nông nỗi này. – Nguyễn Trãi nói, giọng đau đớn – cả bọn chúng đã đồng mưu để hãm hại ta!

Rồi sau phút bàng hoàng, nét mặt Nguyễn Trãi rắn đanh lại.

– Cảm ơn người đã vì ta mà không kể đến tính mạng – Nguyễn lắm lấy cương ngựa – Cổ nhân từng nói: Ngọc tuy đập vụn được nhưng không hủy được sắc trắng. Trúc đốt cháy được nhưng không hủy được gióng thắng. Ta dù phải chết oan theo mệnh trời nhưng lòng ta ngay, người đời sẽ chứng rõ.

Nói xong, Nguyễn Trãi cho toán lính hầu cận trở về, còn Nguyễn thúc ngựa gióng thẳng tới Kinh.

Vốn yêu Nguyễn như cha, toán lính hầu cận nài nỉ xin theo Nguyễn hồi triều. Họ không kìm được nước mắt khi biết Nguyễn đang đi vào cõi chết.

Vụ án oan nổi tiếng triều Lê

Nửa tháng sau, một trong những người lính hầu cận của Nguyễn Trãi trở lại Côn Sơn kể lại cho dân ở đó rằng: Ngày hôm quan Hành khiển tới Kinh (15-9-1442), lập tức quan bị bắt và bị tống ngục tối. Ngày hôm sau, bà Nguyễn Phi (Nguyễn Thị Anh) người có tư thù với quan Hành khiển, ngồi sau rèm trông nom việc nước thay con mới 2 tuổi vừa được nối ngôi vua [42] đã sai hình quan đem vụ án “Nguyễn Trãi chủ mưu đầu độc vua” ra xử trước Đình Cúc [43].

Không ai cầm được nước mắt – Người lính nói – Khi thấy Tôn phu nhân bị giải ra trước, đầu tóc rũ rượi, máu mồm, máu mũi loang lổ trên mặt, trên cổ. Còn quan Hành khiển thì bị trói quặt cánh khuỷu, tóc đã bạc trắng, người gầy tọp hẳn đi, bị giải ra sau.

Trong khi tra Tôn phu nhân, hình quan trước sau chỉ gặng hỏi một điều:

– Có phải ngươi đã tiến độc cho đại đức hoàng đế và cứu mưu thí nghịch ấy là do Nguyễn Trãi chủ sự không?

Nghe hỏi, Tôn phu nhân trước sau như một kêu oan. Nhưng mỗi lần như thế, hình quan lại thét tên lính xúm vào đánh đập tàn nhẫn. Bị đánh đau, có lúc Tôn phu nhân lặng đi chết ngất. Cuối cùng không chịu được cực hình, Tôn phu nhân phải nhận như lời quan hỏi.

Thế là quan Hành khiển phải khép vào tội tru di tam tộc. [44]

Ngừng lại để lau những giọt nước mắt vừa trào ra, người lính kể tiếp:

– Ba ngày sau trên pháp trường dày đặc lính cấm vệ, sau khi viên quan đề hình tuyên đọc bản án, lần lượt quan Hành khiển, Tôn phu nhân và tất cả các con cháu đều bị chém. Phải nhìn cái chết thê thảm của quan Hành khiển – Người lính nói, giọng trầm hẳn đi – tất cả người xem đều khóc than khôn xiết. Hai viên hoạn quan [45] lỡ miệng than oan cho quan Hành khiển, cũng bị đem chém đầu.

Còn nữa đây, người lính lục tìm trong túi áo, tờ giấy gấp vuông vắn đưa ra trước mặt mọi người nói – tôi còn sao được bài thơ cảm thán của quan Hành khiển làm trước khi chết.

Một thanh niên tự nhận là học trò của Nguyễn Trãi, tay run run đón lấy bài thơ rồi đọc to cho mọi người cùng nghe:

“Cuộc đời chìm nổi mấy mươi năm Núi cũ khe xưa ước đã lầm. Danh giá bỗng mang vòng hoa thực Lòng ngay khôn gỡ miệng quân phàm. Tự văn chưa mất lòng còn đoái Định mệnh thôi đành chết cũng cam. Khó gửi nửa lời lên bệ ngọc Tỏ lòng oan tủi buổi tù giam”.

Đọc xong bài thơ, người thanh niên òa lên khóc nức nở. Những người xung quanh cũng vừa khóc theo vừa ngậm ngùi kể cho nhau nghe những kỷ niệm êm đẹp về Nguyễn Trãi mà năm tháng đã khắc sâu vào lòng dạ họ.

Vua Lê Nhân Tông [46] một hôm cùng các văn quan trong triều lên Bí thư các xem di bản của Nguyễn Trãi, đã xúc động nói với quần thần:

– Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp giặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng. Không may bị kẻ phụ gây biến mà người lương thiện mắc oan, thật rất đáng thương.

Hai mươi năm sau, kể từ khi Nguyễn Trãi bị hại, vua Lê Thánh Tông [47] xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi và cấp cho con cháu Nguyễn 100 mẫu ruộng để dùng vào việc thờ cúng vị “khai quốc công thần” chết oan.

Trong khúc “Quỳnh uyển ca”, vua Thánh Tông nhận rằng:

“Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” [48]. (Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê)

Chuyện kể về Nguyễn Trãi – LichSu.Org Theo Quỳnh Cư

Chuyện kể danh nhân Việt Nam

Chú thích trong truyện Nguyễn Trãi

  1. Câu nói này, tư tưởng này, Nguyễn Trãi sẽ nhắc lại trong tờ “Chiếu về việc làm bài Hậu tư huấn để răn bảo thái tử”.
  2. Từ Hà Nội theo đường quốc lộ 6 sang vùng Chương Mỹ vào Tây Hòa Bình – Ninh Bình tới Thanh Hóa.
  3. Giản Định đế Trần Ngỗi và Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng.
  4. Năm 1440, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, tức tiến sĩ.
  5. Minh Thái Tổ lúc mới khởi binh, dựng nước là nước Ngô.
  6. Nay là Hữu Nghị Quan.
  7. Thần châu: dùng để chỉ nước nhà một cách quý mến.
  8. Tử Mỹ tức Đỗ Phủ, thi hào đời Đường. trong cuộc loạn An Lộc Sơn, thường đau đớn ôm lòng cô trung với nhà Đường.
  9. Bá Nhân: Chu Nghi đời Tấn, làm thượng thư tả bộc xạ. Sau khi nhà Tấn mất, ông chạy sang Giang Đông cùng các danh sĩ yến hội ở Tân Đinh, nhìn non sông mà ứa lệ.
  10. Năm 1401, Hồ Hán Thương phong cho Phi Khanh chức quan này.
  11. Bình Ngô sách không nói đến việc đánh thành mà chỉ chú ý vào việc đánh vào lòng người. Được Lê Lợi chấp nhận, tư tưởng này chỉ đạo suốt cuộc kháng chiến chống Minh.
  12. Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi.
  13. Tức ngày 7-2-1418.
  14. Thôn Phú Hựu, Gia Lâm, Hà Nội.
  15. Nguyễn Trãi đã vào gặp Vương Thông một lần.
  16. Nguyễn Trãi đã vào dụ hàng các thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, Tây Đô,…
  17. Theo Trần Huy Liệu, trong sách Nguyễn Trãi, Nhà xuất bản khoa học, trang 114.
  18. Tam Điệp ở Ninh Bình, Thành Tây Đô ở Thanh Hóa. Thành Diễn Châu ở Diễn Châu, Nghệ An ngày nay.
  19. Kỳ binh có nghĩa như quân du kích, đánh du kích.
  20. Đạo thứ nhất do Phạm Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả chỉ huy mang 3.000 quân và một voi chiến ra miền Thiên Quan (Nho Quan), Quảng Oai, Quốc Oai, Gia Hưng,… Đạo thứ hai do Bùi Bị, Lưu Nhân Chú chỉ huy, đem 4.000 quân và 2 voi chiến tiến vào miền đất Thiên Trường (Nam Định). Đạo thứ ba do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy đem 1.000 quân tinh nhuệ chọc thẳng vào Đông Quan uy hiếp giặc.
  21. Thành Tam Giang ở mạn Việt Trì, Phú Thọ ngày nay, Thành Thị Cầu ở Hà Bắc ngày nay.
  22. Thành Xương Giang ở làng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, Lạng Giang.
  23. Người đương thời và người đời nay đều thán phục và cho Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi là “Thiên cổ hùng văn”.
  24. Chức quan văn chỉ sau có Tể Tướng.
  25. Lê Lợi lên ngôi vua, được tôn là Thái Tổ nhà Lê.
  26. Năm 1420, Trần Nguyên Hãn đệ nhất công thần bị bắt, nhảy xuống sông tự tử. Phạm Văn Xảo, một đệ nhất công thần khác, bị giết. Cũng năm ấy, Nguyễn Trãi bị hạ ngục, về sau được tha.
  27. Thơ “Nối chí mình” bài số 3.
  28. Thơ “Tức sự” bài số 4.
  29. Nguyễn từng tâu với vua Lê Thái Tông: “Thần chuyên đọc điển phần, chí những muốn việc cổ nhân đã muốn. Để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo”.
  30. Thơ “Thự thân” bài số 4.
  31. Thơ “Trần tình” bài số 3.
  32. “Nhất điều thủy lãnh tri tam quán Từ bích gia bần phú lục kinh”.
  33. Ngoài cuộc đời.
  34. Thơ chữ Hán, bản dịch của Đào Duy Anh.
  35. Yêm là chán.
  36. Trước khi chết có lẽ Lê Lợi nhận thấy lỗi lầm của mình nên đã dặn Nguyên Long (Thái Tông) phải đặt Nguyễn Trãi vào chức vị xứng đáng.
  37. Chức quan trông coi, chỉ bảo, giám sát sĩ nhân trong cuộc thi.
  38. Chỉ Lê Lợi.
  39. Viên quan giữ gìn kỷ luật trật tự, giám sát cuộc thi.
  40. Tam quán gồm: Nho lâm quán, Sùng văn quán, Tú lâm cục. Đây là chức quan coi về văn hóa giáo dục, lễ nghi trong nước.
  41. Tục gọi là Trại Vải ở làng Đại Lải, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Lương, Bắc Ninh).
  42. Cuối năm 1440, Nguyễn Thị Anh, người vợ thứ 4 của Thái Tông (Thái Tông có 5 vợ chính thức) sinh Bang Cơ. Ngày tháng sau, Thái Tông tước ngôi Đông cung thái tử của Nghi Dân (con người vợ thứ ba) để lập Bang Cơ làm Thái Tử. Cũng trong năm đó, người vợ thứ 5 của Thái Tông là Ngô Thị Ngọc Dao có mang, Thị Anh sợ Ngọc Dao sinh quý tử thì ngôi vua thái tử của Bang Cơ sẽ mất, nên đã vu khống cho Ngọc Dao và xin vua khép tội voi giày, Thái Tông nghe Thị Anh xử Ngọc Dao vào tội phát lưu. Thấy oan ức Nguyễn Trãi bàn với Nguyễn Thị Lộ lúc này đang làm lễ nghi học sĩ vào xin vua Thái Tông, cứu Ngọc Dao. Nể Thị Lộ vua đổ tội phát lưu sang an tri, giam ở chùa Huy Văn (gần Văn Miếu). Nguyễn Trãi, Thị Lộ thường cho người mang thức ăn đến cho Ngọc Dao. Ở đó sợ chưa yên, Thị Lộ, Nguyễn Trãi cho người đưa Ngọc Dao vào An Bang (Quảng Yên). Về sau Ngọc Dao sinh ra Tư Thành (Lê Thánh Tông). Những việc đó đều đến tai Thị Anh. Từ đó Thị Anh thâm thù Nguyễn Trãi và Thị Lộ, vẫn chờ cơ hội để trả thù thì xảy ra vua Thái Tôn chết đột ngột ở Lệ Chi Viên. Thị Anh đã nắm lấy dịp này để trả thù. Cơ hội trả thù lúc này càng dễ vì Bang Cơ đã lên làm vua, Thị Anh được ra thỉnh chính trông nom việc nước cùng con.
  43. Nơi xử án trước triều đình.
  44. Tất cả con và cháu trai bị giết; vợ và con gái, cháu gái sung làm tì thiếp.
  45. Đinh Phúc, Đinh Thắng.
  46. Làm vua từ năm 1443 đến 1453.
  47. Làm vua từ năm 1460 đến 1469
  48. Ức Trai là hiệu của Nguyễn Trãi.

Từ khóa » Nói Cuộc đời Của Nguyễn Trãi Trải Qua Nhiều Bước Thăng Trầm Em Hãy Chứng Minh điều đó