Cuộc đời Và Sự Nghiệp Sóng Gió Của Tchaikovsky

Không giống như hầu hết những nhà soạn nhạc Nga cùng thời, Tchaikovsky không được sinh ra trong một gia đình nông thôn hay dòng dõi quý tộc.

Cuộc đời và sự nghiệp sóng gió của Tchaikovsky

Cha của ông, ông Ilya Petrovich là một kĩ sư mỏ, làm việc tại một thị trấn nhỏ ở Votsink – nơi cậu bé Peter là người thứ hai trong số sáu anh chị em được sinh ra vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1840. Mẹ của ông, Alexandra Andreyevna Assier, xuất thân từ một gia đình nhập cư từ Pháp. Và theo thói quen của những gia đình khá giả ở Nga, Peter bắt đầu học các bài tập piano đầu tiên từ rất sớm. Cha của ông chuyển đến St Petersburg vào năm 1850 và Peter được chọn vào học trường Luật ở đó. Sau đó, ông vào làm thư ký ở Bộ Tư pháp.

Vốn là một người cuốn hút, lịch thiệp và có học thức, Tchaikovsky có mặt tại tất cả các phòng khách sang trọng của St Petersburg và trò chuyện dễ dàng với họ về sân khấu và văn học một cách tự tin. Công việc của ông (không phải là nghề đòi hỏi đặc biệt) chỉ là sự cần thiết về tài chính không hơn và âm nhạc cũng không phải là niềm yêu thích lẫn trò tiêu khiển duy nhất của ông.

Tuy nhiên, sự phiền muộn và chán nản đã đến với Tchaikovsky khi ông 14 tuổi, sau cái chết đột ngột của mẹ ông trong thời gian bệnh dịch tả lan truyền và nỗi buồn chán ấy đã ngày càng tăng lên. Được sự động viên của người thân và bạn bè, Tchaikovsky muốn hiểu biết sâu hơn về âm nhạc – lĩnh vực này đã trở thành niềm an ủi lớn đối với ông. Vào mùa thu năm 1861, ông đã học một lớp lý luận âm nhạc với một trong những giáo viên ngiêm khắc và kỳ cựu nhất St Peterburg, thầy Nikolai Zaremba, người đầu tiên đã nhận ra đầy đủ tài năng của Tchaikovsky và đã khích lệ ông học hành một cách nghiêm túc (dù rằng thầy Zaremba đã phải nỗ lực vượt qua sự thờ ơ của cậu học sinh mình). Tchaikovsky đã từng nói: “Giả sử tôi có tài năng thật nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có khả năng học ngay lúc này. Tôi đã trở thành một công chức và tôi không giỏi lắm ở công việc này. Tôi đang làm tất cả những gì để mình có thể tiến bộ hơn, nhưng làm thế nào tôi có thể vừa đi làm vừa học nhạc cùng một lúc được?”. Rồi những hoài nghi cũng qua đi nhưng Tchaikovsky chẳng chứng tỏ được gì hơn là một câu học trò lười nhác. Vào năm 1862, ông đăng ký vào học tại Nhạc viện St. Perterburg mới được thành lập; tại đây, ông tiếp tục các bài học về hoà thanh và đối vị với Zaremba và soạn nhạc và phối khí với Anton Rubinstein – người đã thuyết phục được Tchaikovsky bỏ công việc cũ của mình và tìm cho ông những học sinh của các lớp học tư để ông dạy nhằm cải thiện phần nào vấn đề tài chính đang đè nặng lên vai Tchaikovsky do sức khoẻ ngày một yếu của cha ông. Niềm vui của Tchaikovsky khi từ bỏ công việc cũ đã thể hiện rất rõ trong những dòng thư mà ông đã gửi cho chị gái mình: “… Một điều mà em chắc chắn đó là: em sẽ trở thành một nhạc sỹ giỏi và em sẽ có thể tự nuôi sống bản thân mình… Khi em hoàn thành xong việc học tập, em mong rằng sẽ được ở cùng chị trong suốt một năm để em có thể sáng tác được một tác phẩm vĩ đại thực sự tại ngôi nhà yên tĩnh, thanh bình của chị. Sau đó… là đi vòng quanh thế giới!”.

Tchaikovsky hoàn thành việc học tập của mình tại nhạc viện là vào năm 1965. Tác phẩm cho kỳ thi tốt nghiệp của ông là một bản catata to Joy, soạn cho các ca sĩ solo, dàn hợp xướng và dàn nhạc dựa trên lời thơ nổi tiếng của Schiller, và tác phẩm này đã đem lại cho ông huy chương bạc và rất nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên các sáng tác khác của ông thời kỳ này cũng chỉ giành được sự yêu thích tương đối. Vào đầu năm 1866, anh trai của Anton Rubinstein là Nikolai đã mời Tchaikovsky làm giảng viên môn hoà thanh tại một nhạc viện mà ông mới thành lập tại Moskva. Tchaikovsky đã nhanh chóng đồng ý và chuyển tới thủ đô nước Nga cổ kính này, bắt đầu cuộc sống của một nhạc sỹ chuyên nghiệp.

 “Em đã dần dần quen với cuộc sống ở Moskva, nhưng sự cô đơn làm em cảm thấy buồn chán. Những giờ giảng lý thuyết của em đã thành công tới mức tất cả những nỗi lo sợ ấy giờ đây đã tiêu tan và em đã bắt đầu như một giáo viên thực thụ… Em đang sống ở nhà thầy Rubinstein. Ông ấy quả là một con người tốt bụng và hiểu biết, hoàn toàn trái ngược với người em trai khó tính của ông ấy. Ông ta cho em một phòng ở ngay cạnh phòng ngủ của ông. Khi ông ta đã ngủ, em luôn lo lắng rằng tiếng sột soạt từ cây viết của em sẽ làm phiền tới ông ấy vì bức tường ngăn cách hai phòng rất mỏng”.

Tchaikovsky tiếp tục công việc soạn nhạc một cách chăm chỉ, với sự giúp đỡ rất lớn từ những lời khuyên về chuyên môn của Nikolai Rubinstein.

Ông đã viết một overture giọng Fa trưởng vào năm 1866 và nó đã được biểu diễn ở Moskva vào ngày 16 tháng 3 năm đó. Ông cũng sáng tác một Festival Overture giọng Rê trưởng, Op. 15 (có lẽ đây là tác phẩm hay nhất của ông trong giai đoạn này) dựa trên quốc ca Đan Mạch và bản Giao hưởng số 1 giọng Son thứ “Winter Daydreams” (Những giấc mơ mùa đông).

Những tìm tòi của Tchaikovsky về nền âm nhạc Nga đã được thể hiện trong vở opera đầu tiên của ông , bắt đầu viết năm 1867 với phần lời của Ostrovsky. Vở opera này đã được công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Bolshoi, Moskva vào ngày 11 tháng 2 năm 1869.

Trong một thời gian ngắn sống ở St. Peterburg vào mùa xuân năm 1868, Tchaikovsky đã có được mối quan hệ với một nhóm các nhà soạn nhạc người Nga, được biết đến với cái tên “Nhóm 5 người” (bao gồm Balakirev, Mussorgsky, Rimsky-Korsakov, Borodin và Cui) mặc dù không có cách nào giúp Tchaikovsky có thể chia sẻ được với họ nguồn cảm hứng trong tư tưởng và tâm hồn của xu hướng dân tộc Nga. Và dẫu rằng Tchaikovsky đã sống phần lớn cuộc đời của ông tại Moskva – trái tim của nước Nga cổ kính – nhưng ông chưa bao giờ thấy thực sự cần thiết phải học soạn nhạc trong một ngôi trường truyền thống. Mối liên hệ giữa các nghiên cứu rộng lớn của ông tại nhạc viện St. Peterburg (pháo đài của nền âm nhạc phương Tây ở Nga), nguồn gốc một phần không phải người Nga của Tchaikovsky và tầm quan trọng của cô gia sư người Thụy Sĩ thời thơ ấu của ông – Fanny Durbach – đã hướng năng lực sáng tạo của ông theo hướng tân lãng mạn và trung thành với nguyên tắc: “Nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Giulio Confalonieri đã nhận xét về âm nhạc của Tchaikovsky: “Chúng ta nhận thấy một sự hiện diện liên tục, một nỗi âu sầu “nữ tính”, một sự suy nhược siết chặt lấy nỗi u uất tinh thần lẫn một dạng mơ hồ của sự chán đời. Chính sự suy nhược và âu sầu này vừa là động lực đằng sau các các tác phẩm của ông vừa là một sự thật về thẩm mĩ và con người mà người ta tìm kiếm để truyền đạt. Thực ra mà nói cái đã lôi cuốn Tchaikovsky đến với các bài hát Nga và những điệu nhảy được ưa chuộng không phải bắt nguồn từ việc phục hồi lại tính chủ nghĩa dân tộc mà từ nỗi âu sầu buồn bã, nỗi nuối tiếc của một tâm trạng khi biết một người không thể chơi một trò chơi nào đó, một hình ảnh về những điều tốt đẹp nhưng bị phủ nhận, sự mất mát từ chính lúc khởi đầu bởi sự vận hành của một số phận cá nhân bị xa lánh, khước từ, loại bỏ”.

Mối tình thực sự đầu tiên trong cuộc đời của Tchaikovsky với ca sĩ người Bỉ Désirée Artôt vào năm 1868 đã có kết cục không mấy tốt đẹp. Bản thơ giao hưởng Fate (Định mệnh), Op.77 được sáng tác trong năm này và một năm sau đó là sự ra đời của tác phẩm quan trọng hơn Overture “Romeo và Juliet” – đây là tác phẩm đã được công diễn nhiều nhất trong số tất cả các tác phẩm của ông.

Mặc dù vở opera kế tiếp của Tchaikovsky The Oprichnik (1870 – 1872) – có một chủ đề về nước Nga rất đặc trưng, lấy bối cảnh thời đại của Ivan bạo chúa nhưng vở opera vẫn đan xen những giai điệu và vũ điệu của Nga với tính kịch của Ý. Tuy nhiên ông đã tạo ra nhiều hơn những yếu tố truyền thống trong bản giao hưởng số 2 “Little Russian” (nước Nga nhỏ) giọng Đô thứ, Op. 17, được tạo nguồn cảm hứng từ văn học dân gian Ukraina. Bản tứ tấu đàn dây giọng Rê trưởng, Op. 11, được viết vào năm 1871, chịu ảnh hưởng của “Nhóm 5 người” và đây là tác phẩm thính phòng thành công nhất của ông.

Tuy nhiên, cuộc sống của Tchaikovsky chưa bao giờ ở trạng thái cân bằng. Sự nghiệp sáng tác của ông dường như càng được toại nguyện bao nhiêu cả về tính chuyên nghiệp cũng như về mặt tài chính thì cuộc sống của ông với tư cách là một giáo viên tại nhạc viện ngày càng trở nên không chịu đựng nổi. Tuy vậy nhưng âm nhạc của ông thời kỳ này không mang tính tự sự sâu sắc như các tác phẩm sau này của ông. Trái lại, khát vọng của ông là dường như là muốn gây ấn tượng với công chúng với những tác phẩm chói sáng, có trình độ kỹ thuật cao. Và Tchaikovsky đã gặt hái được kết quả trong một số tác phẩm như: bản giao hưởng số 3 “Polish” (Ba Lan) gịong Rê trưởng, Op. 29 (1875); fantasy-overture “Francesca da Rimini”, Op.32 (1876); vở ballet The Swan lake (Hồ thiên nga), Op.20 (1875 – 1876) và bản Concerto số 1 cho Piano và dàn nhạc giọng Si giáng thứ, Op. 23 (1874 – 1875).

Thông qua sự giúp đỡ của một trong những học sinh của mình – người đã tham dự những đêm diễn do Nadezhda von Meck – nguời phụ nữ quí tộc này đã bắt đầu quan tâm đến Tchaikovsky và nghe một số tác phẩm của ông. Năm 1876, bà đã nhiệt tình viết thư cho ông và mời ông làm việc. Cứ như thế bắt đầu một tình bạn thắm thiết, kỳ lạ nhất trong lịch sử âm nhạc. Họ đã duy trì được mối quan hệ thân thiết này trong suốt 13 năm mặc dù đôi bạn này chưa hề gặp mặt và thậm chí còn chưa từng nghe thấy giọng nói của nhau trong khi họ sống trong cùng một thành phố. Năm 1877, cuộc hôn nhân của nhà soạn nhạc nổi tiếng này với Atonina Milyukova thực sự là một thảm hoạ khi nó kéo dài chỉ có vài ngày và kết thúc bằng việc Tchaikovsky trở về với chị của ông tại điền trang ở Kamenta. Sự việc này đã gây chấn động mạnh tới tính cách vốn dĩ đã không ổn định của ông và đẩy ông đến sự suy sụp tinh thần nặng nề. Các bác sĩ đã lo lắng đến nỗi họ khuyên ông phải thay đổi hoàn toàn cách sống của mình và tháng 10 năm đó, ông cùng em trai mình là Anatole đã dời đến Moskva. Cuộc hôn nhân đó đã được giải quyết bằng các thủ tục ly dị.

Âm nhạc của Tchaikovsky đã thay đổi đáng kể kể từ thời điểm đó. Sự suy sụp về tinh thần và đức tin của Tchaikovsky vào năm 1877 đã được phản ánh một cách thường xuyên trong các tác phẩm đến mức mỗi nốt nhạc đều tràn ngập nỗi thống khổ của ông cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Điều này thể hiện rất rõ trong bản Giao hưởng số 4 giọng Fa thứ được viết vào năm 1877 – tác phẩm này ông dành tặng cho Nadezhda von Meck. Tchaikovsky cũng đã đi du lịch một thời gian ở Ý và ở đây ông đã viết xong một vở opera du dương đến lạ thường – vở Eugene Onegin.

Vở opera này được công diễn lần đầu tiên vào ngày 29 tháng 3 năm 1879 tại Nhà hát Malyj, Moskva. Lúc đó Tchaikovsky sáng tác rất nhanh, bà Nadezhda von Meck đã hào phóng hỗ trợ ông một khoản tiền hàng năm là 6000 rúp, điều này đã tạo điều kiện cho ông rời khỏi cái nhạc viện đáng sợ đó và bắt đầu một cuộc sống xa hoa ở Moskva và những chuyến du lịch hết đến Pháp lại đến Ý. Cuộc sống thường nhật của Tchaikovsky lúc này không có gì đặc biệt như những thành công về mặt chuyên môn trong các sáng tác của ông. Trong suốt 15 năm còn lại của cuộc đời, ông đã sáng tác được thêm 2 bản concerto cho piano và dàn nhạc: bản số 2 giọng Son trưởng, Op.44 (1879 – 1880) và số 3 giọng Mi giáng trưởng, Op. 75 (1893), một bản concerto tuyệt vời cho violin và dàn nhạc giọng Rê trưởng, Op. 35 (1878) và một tam tấu đàn dây giọng La thứ, Op. 50 – tác phẩm này đề tặng Nikolai Rubinstein.

Nhiều nhà phê bình cho rằng vở opera hay nhất của ông là vở The Queen of Spades (Con đầm bích) được sáng tác vào năm 1890 theo chủ đề Định mệnh mà ông yêu thích (tuy rằng trên thực tế thì Eugene Onegin vẫn được yêu thích hơn), được nhấn mạnh một cách ấn tượng bằng các giai điệu lặp lại mạnh mẽ.

Tuy nhiên thời kỳ này tác phẩm xuất sắc nhất của ông là các tác phẩm viết cho dàn nhạc gồm có: 4 tổ khúc (trong đó tổ khúc thứ 4 “Mozartina” là một chuyển soạn); Capriccio Italien, Op.45 (1880); Overture 1812 Op. 49 vĩ đại (1880); thơ giao hưởng Manfred, Op. 58 (1885) và giao hưởng số 5 giọng Mi thứ, Op.64 (1888). Vở ballet nổi tiếng The Sleeping beauty (Người đẹp ngủ) được sáng tác vào năm 1890, sau đó là một vở ballet khác The Nutcracker (Kẹp hạt dẻ), Op.71 (1891 – 1892) duyên dáng nhưng cũng chỉ là một vở ballet ở mức trung bình giống như hai vở trước đó là The Swan Lake và The Sleeping beauty.

https://www.youtube.com/watch?v=w1nzCDUNf-0

Tuy nhiên, trong khi nét trữ tình, chậm rãi của hai vở ballet trước chỉ thường xoay quanh sự sướt mướt, uỷ mị thì vở ballet The Nutcracker này đã hoàn toàn tránh được nguy cơ đó, với một chủ đề cho phép Tchaikovsky có thể thể hiện khả năng mô tả tính cách bằng âm nhạc (tiến gần đến sự lố bịch) ở mức tự tin chói sáng nhất. Âm nhạc của Tchaikovsky dành cho vở ballet này cho thấy một tầm ảnh hưởng đáng ngạc nhiên của các sáng tác khí nhạc và sự phối âm đã đạt tới đỉnh cao trong trích đoạn “Waltz of flowers” (Điệu Waltz của những bông hoa) đầy xúc động.

Chủ đề Định mệnh đã quay trở lại một lần nữa trong bản giao hưởng số 6 “Pathétique” được sáng tác vào năm 1893 – tác phẩm vĩ đại và mang nhiều khát vọng nhất của ông.

Trong một lá thư gửi cho cháu trai của mình Vladimir Davidov (‘Bob’) viết vào tháng 2 năm 1893, khi đang sáng tác bản giao hưởng này, Tchaikovsky đã viết: “Chú ước rằng mình có thể diễn tả hết được tâm trạng vui sướng mà chú đã gửi gắm vào trong tác phẩm mới này. Cháu sẽ hồi tưởng thấy vào một mùa thu, chú đã huỷ đi cái phần hay nhất trong bản giao hưởng mà chú vừa hoàn thành. Chú đã đúng khi bỏ nó đi vì nó chỉ là một ngón nghề, một bí quyết không mấy giá trị, một sự phô diễn trống rỗng của những nốt nhạc không chứa đựng nguồn cảm hứng thực sự. Thật tuyệt, trong suốt chuyến đi của chú tới Paris, chú đã có ý tưởng cho một bản giao hưởng mới dựa trên một chủ đề mà chú ước rằng không ai biết về nó, một chủ đề đã được giữ bí mật kỹ đến mức không ai có thể khám phá ra nó thậm chí ngay cả khi họ đã vắt óc ra để tưởng tượng. Khi nó được công diễn, chương trình này sẽ dần dần truyền tải những cảm giác riêng tư nhất của chú. Trong chuyến đi, khi phác hoạ bản giao hưởng trong đầu, chú đã hơn một lần phải bật khóc, cứ như thể bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Trên đường trở về, chú đã bắt đầu viết và miệt mài đến mức chú đã viết xong phần đầu trong chưa đầy 4 ngày và các phần khác đã được định hình rõ nét trong đầu chú. Về nhiều khía cạnh, bản giao hưởng này rất khác thường. Ví dụ, chương cuối là một nhịp adagio chậm thay vì nhịp allegro ầm ĩ. Cháu không thể hình dung được chú hạnh phúc như thế nào khi biết rằng chú chưa hề kết thúc, rằng chú vẫn còn có thể sáng tạo”.

Tchaikovsky đã chỉ huy buổi công diễn lần đầu tiên bản “Pathétique” này ở St Peterburg vào ngày 28 tháng 10 năm 1893 trong khi bệnh dịch tả đang hoành hành tại thành phố này. Một vài ngày sau, trong khi ăn tối cùng vài người bạn tại một nhà hàng, ông đã uống một cốc nước sông Neva (có thể đây là chủ ý của ông). Và ông đã chết trong sự đau đớn vào ngày mùng 6 tháng 11.

Theo COBEO / NHACCODIEN.INFO

Tags: Âm nhạc, Văn hóa Nga, Nhạc cổ điển, Pyotr Ilyich Tchaikovsky
Redsvn

Từ khóa » Sự Nghiệp Của Trai Cốp Xki