Cuộc đua Tới Ngôi Vô địch World Cup 2006: Lần Thứ 10 Cho Nam Mỹ?

Quả vậy, kể từ khi Cup vàng được Jules Rimet "khai sinh" đến nay, ngôi vô địch chỉ thay đổi "địa chỉ" qua lại giữa hai khu vực này. Trong đó, Nam Mỹ 9 lần là điểm đến, còn lại là châu Âu. Điều đó biến cuộc đua "nhất thống thiên hạ" tại mỗi kỳ World Cup giống như một bức tranh với 2 gam màu chủ đạo là Nam Mỹ và châu Âu. Việc tham gia của các đội bóng đến từ những khu vực khác có chăng chỉ là sự điểm xuyết một vài màu sắc cho thêm phần sinh động, chứ không thể phá vỡ được cái thế lưỡng cực trên đường đua. World Cup 2006 tới đây cũng sẽ không là ngoại lệ, dẫu rằng bóng đá đương đại ngày càng dành nhiều chỗ hơn cho sự bất ngờ.

Từ tiếng nói lịch sử, dường như các đội bóng của châu Âu đang đứng trước cơ hội lập lại thế cân bằng với những đối thủ đến từ Nam Mỹ. Bởi lẽ, trải qua 17 lần "luận kiếm", một "quy luật" đã hình thành: Các đại diện đến từ Nam Mỹ đều không thể đăng quang mỗi khi "chiến trường" đặt ở lục địa già. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là kỳ World Cup 1958 tại Thụy Điển. Năm đó, với những quái kiệt sân cỏ như Pele, Garrincha, Didi, Vava, Brazil bước qua quá khứ để giương cao ngọn cờ Nam Mỹ trên đất châu Âu bằng chiến thắng 5-2 trước chủ nhà Thụy Điển trong trận chung kết. Một chiếc Cup vàng đưa "vũ đoàn Samba" trở thành đội bóng Nam Mỹ đầu tiên và duy nhất trong thế kỷ XX giành được ngôi vô địch tại một kỳ World Cup tổ chức tại châu Âu.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế, có vẻ như ở World Cup 2006 tới đây, cái "lợi thế lịch sử" này của các đại biểu châu Âu đang lung lay trước các đội bóng Nam Mỹ. Chủ nhà Đức đang trong quá trình "thay máu" cả về con người và lối chơi. Anh và Tây Ban Nha dường như vẫn chưa thoát khỏi cái cảnh "khôn nhà, dại chợ" trong những cuộc tranh tài đỉnh cao. Italia đang rối bời bởi những scandal tiêu cực ở Serie A liên tiếp được phanh phui trước giờ G. Pháp đặt quá nhiều hy vọng vào một lớp "cựu binh" đang ở những nấc thang cuối cùng của sự nghiệp. Còn Hà Lan? Họ cũng là một hy vọng của châu Âu nhưng mong manh như một giọt nắng màu da cam.

Trong khi đó, nhìn sang Nam Mỹ, có vẻ như họ đã sẵn sàng cho một cuộc tái lập kỳ tích 48 năm về trước bằng 4 đại biểu Brazil, Argentina, Ecuador và Paraguay. Dĩ nhiên, 2 cái tên được người Nam Mỹ chờ đợi nhiều nhất cho cuộc chinh phục thế giới bóng đá trên đất châu Âu vẫn là Brazil và Argentina. Một năm về trước, cũng trên đất Đức, Brazil và Argentina đã biến trận chung kết Confederations Cup 2005 thành câu chuyện của nội bộ Nam Mỹ. Một sự minh chứng cho thấy, bóng đá Nam Mỹ không chỉ chơi tốt trên "sân nhà" mà còn biết giành chiến thắng trên lục địa châu Âu già cỗi.

Trong 2 kỳ World Cup gần đây nhất tổ chức tại châu Âu là Italia 1990 và Pháp 1998, Argentina và Brazil đều lọt vào trận chung kết. Bên cạnh sự nhỉnh hơn của Brazil và Argentina so với các ứng viên châu Âu về lực lượng và phong độ, thì một trong những cơ sở để người Nam Mỹ tin rằng họ sẽ bước qua "lời nguyền" châu Âu ở World Cup 2006 là sự thích nghi.

Cùng với làn sóng những cầu thủ Nam Mỹ đổ bộ ngày một nhiều vào các CLB hàng đầu của bóng đá châu Âu, miền đất này trở nên không còn xa lạ. Kéo theo đó, những khó khăn có tính truyền thống của các cầu thủ Nam Mỹ khi chơi bóng ở châu Âu như ý thức kỷ luật chiến thuật, thể lực, tốc độ… cũng được khắc phục. Chính những "lính lê dương" Nam Mỹ là cầu nối giúp cho đội tuyển quốc gia của họ trở nên "quen thuộc" hơn và thích nghi hơn với bóng đá Âu châu.

"Hiển nhiên chơi trên sân nhà là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, ở World Cup 2006 tới đây, tôi nghĩ rằng lợi thế này lại không dành cho chủ nhà Đức mà dành cho… Nam Mỹ. Bởi lẽ, các tuyển thủ của chúng tôi đều chơi hết tuần này đến tuần khác ở các giải châu Âu. Mặt khác, ngày càng có nhiều CĐV Nam Mỹ sinh sống tại châu Âu. Họ sẽ cổ vũ cho chúng tôi. Vậy còn điều gì cản trở Nam Mỹ có mặt ở chung kết?", Tổng Thư ký các LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL) Eduardo Deluca nói.

Thử "điểm binh" 2 niềm hy vọng Nam Mỹ ở World Cup 2006, chúng ta sẽ thấy những phát biểu của ông Deluca là có cơ sở. 18/23 cầu thủ Argentina tham dự World Cup 2006 là những người đang chơi bóng ở châu Âu. Tương tự như vậy là trường hợp của đội tuyển Brazil có tới 21/23 tuyển thủ đang khoác áo những CLB thi đấu ở các giải VĐQG Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Italia, Pháp.

Sự "tập nhiễm" châu Âu của bóng đá Nam Mỹ thông qua các tuyển thủ xem ra còn nhiều điểm tích cực hơn so với việc các đội tuyển châu Âu "dung nạp" các cầu thủ "ngoại binh" vào đội tuyển QG của mình bằng con đường nhập tịch. Rõ ràng nhất là về mặt tinh thần. Với những thành viên sinh trưởng tại chính quê hương của mình, ý thức bảo vệ màu cờ sắc áo của các "đội tuyển thuần chủng" Nam Mỹ sẽ cao hơn rất nhiều so với những đội tuyển đa quốc tịch của châu Âu hiện tại.

Hãy lắng nghe Mario Zagallo, một thành viên đã cùng Brazil viết nên lịch sử trên đất châu Âu năm 1958 nói về cuộc đua vô địch World Cup 2006 trên đất Đức mùa hè này: "Tôi nghĩ như thế nào về khả năng của Brazil tại World Cup 2006 ư? Câu trả lời thật đơn giản: Chức vô địch lần thứ 6 cho Brazil nói riêng và lần thứ 10 cho Nam Mỹ nói chung". Đó là niềm tin của "cáo già" Mario Zagallo về một "Hexa Campeao" vĩ đại - ngôi vô địch lần thứ 6 của "quân đoàn" Selecao. Và cũng là giấc mơ của các CĐV Nam Mỹ. Một giấc mơ có vẻ rất gần với hiện thực, bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của lịch sử

Từ khóa » Vô địch Wc 2006