Cuộc Khởi Nghĩa Mỹ Lương Và Cao Bá Quát

Huyện Mỹ Lương

Dải đất này đã đăng ký tên tuổi của mình vào lịch sử dân tộc bằng một cuộc khởi nghĩa nổi tiếng do một nhà nho nổi tiếng lãnh đạo: Khởi nghĩa Mỹ Lương nổ ra năm 1854 do Cao Bá Quát khởi xướng, một danh nho đã được nhân dân đương thời tôn là bậc thánh.

Ngày nay huyện Mỹ Lương không còn.

Huyện này vốn lập ra từ đời Trần, hồi thế kỷ 13, thuộc vào phủ Quảng Oai. Tới thế kỷ 18 thuộc vào phủ Quốc Oai. Tới giữa thế kỷ 19, sau khi đã đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa nông dân lớn, triều đình Huế mới xóa bỏ huyện này. Một huyện mới - gọi là Mỹ Đức - được thành lập trên cơ sở phần lớn đất đai của huyện Mỹ Lương cũ. Phần đất còn lại sáp nhập vào hai huyện Chương Mỹ và Lương Sơn (nay thuộc tỉnh Hòa Bình). Ngày trước, tên gọi của một huyện thường là mượn từ tên gọi của một làng (thuở đó, từ Hán Việt là xã) nằm trong huyện đó. Cho nên ngày nay, tuy huyện Mỹ Lương không còn nhưng vẫn còn cái làng đã cho huyện đó mượn tên, đó là làng Mỹ Lương ở bên bờ phải sông Tích Giang, nay thuộc xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ. Và huyện lỵ của huyện đó thì nay vẫn còn vết tích. Sách Đại Nam nhất thống chí quyển 21, phần tỉnh Sơn Tây còn ghi: “Lỵ sở huyện Mỹ Lương ở vào xã Cao Bộ; trước ở vào thôn Cảm, đời Gia Long dời đến xã Trung Bộ, sau dời đến chỗ hiện nay (tức xã Cao Bộ)”. Ngày nay, cả hai làng (mà sách gọi là xã) Cao Bộ và Trung Bộ đều thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, ở bên bờ trái sông Tích Giang, cách làng Mỹ Lương độ dăm sáu cây số.

Huyện lỵ thì nằm giữa vùng đồng bằng như vậy, nhưng thực ra Mỹ Lương là một huyện lắm núi nhiều rừng. Đời Lê mạt, tức cuối thế kỷ 18, Lê Quý Đôn có ghi trong tập Kiến văn tiểu lục như sau: “ Huyện Mỹ Lương chỉ có các xã thuộc tổng Cao Bộ là ở đất bằng phẳng, còn thì đều là ven núi, rất nhiều khí lam chướng; có đường cái rộng chừng hai trượng, là đường triều trước đi vào Thanh Hóa, người ta nói đây là đường tắt rất gần nhưng nay đường núi bế tắc không đi được nữa ”.

Ngày nay tuy hình thế có đổi khác, nhưng cứ ngắm suốt một dải núi rừng trùng điệp chạy từ núi Ba Vì qua núi Hương Tích vào thấu tới Hòa Bình, thì cũng có thể hình dung được cái thế hiểm trở của miền tây tỉnh Hà Tây cũ, trong đó có Mỹ Đức tức là huyện Mỹ Lương xưa...

Rừng già bóng cả, đèo núi quanh co gấp khúc, dân cư thưa thớt... đó chính là những cơ sở thuận lợi cho việc tụ nghĩa, khởi binh. Trong những ngày cuối năm 1854, chính từ một cánh rừng vùng này, cánh rừng mà dân địa phương quen gọi là rừng Ngang, những người nông dân nghèo khổ biết căm hờn và dám đấu tranh đã tập hợp lại. Chu thần Cao Bá Quát làm lễ tế cờ rồi xuất phát đi đánh các nơi. Ngày ấy, dưới những tán lá thâm u bỗng thấy dựng lên bao cờ xi, nổi bật lên là lá cờ đại bằng vóc vàng thêu hai dòng chữ lớn:

Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn

Mục Dã, Minh Điều hữu Võ Thang

Nghĩa là: Ở Bình Dương, Bồ Bản (hai kinh đô của đời Đường Ngu) không có những vua hiền như Nghiêu Thuấn thì ở Mục Dã, Minh Điều (hai nơi tụ nghĩa) phải có những người như ông Võ, ông Thang (hai người đã nổi lên diệt vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thượng).

Đó là hai câu thơ của Cao Bá Quát nhưng cũng chính là khẩu hiệu hành động của nghĩa quân. Những người nông dân làm cuộc khởi nghĩa này không chỉ đòi hỏi miếng cơm manh áo cho cá nhân mà chính là muốn thanh toán vật chướng ngại của lịch sử, tức là muốn lật đổ cả cái triều đình Kiệt, Trụ và thay thế nó bằng những nhân vật tài đức, hiền năng.

Chu thần Cao Bá Quát - ảnh: tư liệu

Chính ở Rừng Ngang, Mỹ Lương này, dưới lá cờ nghĩa nọ, Cáo Bá Quát đã đọc một bài hịch vạch tội vua quan nhà Nguyễn và kêu gọi mọi người đứng lên chiến đấu. Sinh trưởng ở xứ Bắc nhưng thực ra chỉ tới xứ Đoài, Chu Thần mới tìm ra cách giải quyết triệt để mối mâu thuẫn bấy lâu dày vò tâm hồn mình. Cao Bá Quát Bá Quát, hiệu là Chu Thần, tự là Mẫn Hiên, sinh năm 1808, quê ở làng Phú Thị, tên nôm là làng Sủi, trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay là ngoại thành Hà Nội. Ông cùng với người anh sinh đôi là Cao Bá Đạt nổi tiếng thông minh, hay chữ. Người đương thời đã tôn là Thánh Quát tức là văn thơ hay vào bậc thánh. Năm 1821, mới 13 tuổi, ông đã trúng tuyển kỳ thi khảo hạch ở tỉnh Bắc, được dự thi Hương. Tuy khoa này ông hỏng, và còn hỏng nhiều khoa khác nữa nhưng tài học của ông thì vang đồn khắp Bắc Hà. Người đương thời giải thích rằng sở dĩ ông hỏng nhiều khoa chỉ vì ông quá phòng túng, không tuân theo những qui định của trường thi, không chịu chiều theo ý kiến chính thống của triều đình. Mãi tới năm 1831, lúc đó đã 23 tuổi, ông mới đỗ cử nhân. Chính ra là đỗ á nguyên - tức cử nhân thứ hai- nhưng khi duyệt kết quả, triều đình Huế đã truất ông xuống cuối bảng - tức là cử nhân đội sổ - không có lý do giải thích. Sau đó, ông có vào Huế thi Hội vài khoa nhưng đều không đỗ được tiến sĩ. Ai cũng biết rằng, ông dư tài để đỗ đạt nhưng hẩm hiu như vậy là do triều đình không muốn cho ông đỗ đại khoa. Và để tiện sự kiểm tra, giám sát, năm 1840, triều đình gọi ông vào kinh, cho làm Hành tẩu ở Bộ Lễ. Hành tẩu là một chức quan nhỏ, không có phần việc cụ thể, chỉ làm những việc giấy tờ lặt vặt do các quan cấp trên giao cho.

Tuy địa vị thấp kém như vậy song do học vấn uyên bác, tài văn thơ hơn đời, nên biết bao hoàng thân, quốc thích và quan đại thần đã kết giao với Cao Bá Quát. Các tước vương như Tuy Lý, Tùng Thiện... các đại thần như Nguyễn Công Trứ, Hà Tông Quyền... đã mời ông tham gia vào hội thơ của họ gọi là “Mặc vân thi xã”. Mà ngay cả Tự Đức nữa, tuy rất tự kiêu về tài văn của mình, cũng phải thốt ra lời kính phục:

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,

Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường (1)

Nhưng mới vào kinh được một năm thì tai họa giáng xuống đầu ông. Năm 1841, ông được cử làm sơ khảo (người chấm bài lượt đầu) ở trường thi Thừa Thiên. Khi chấm bài, gặp một số quyển thi rất khá song có chữ phạm húy, ông thương tài bèn dùng muội đèn chữa cho. (Ngày trước các quan chấm thi không được đem mực đèn vào chỗ làm việc). Ai dè việc đó bị phát hiện, ông bị bắt, bị tra tấn khá tàn nhẫn và bị giam trong nhà lao phủ Thừa tới hai năm. Tới đầu năm 1843, nhân có một phái đoàn vượt biển sang In-đô-nê-xi-a mua hàng cho nhà vua, ông được tạm tha, cho phép đi theo phái đoàn này làm chân phục dịch, gọi là đi “dương trình hiệu lực” để chuộc tội. (Thời xưa, đi ra nước ngoài là một việc nguy hiểm, nhất là đi “hiệu lực” thì rất vất vả). Đi gần một năm thì phái đoàn trở về bình yên. Cao Bá Quát được xét tha tội, nhưng chưa được trọng dụng lại. Ông trở về Bắc sống với gia đình, khi đó ở mé ngoài của Bắc thành Thăng Long, gần hồ Trúc Bạch. Mãi tới năm 1847, ông mới được gọi lại vào Huế và phục hồi chức cũ, tức là vẫn làm hành tẩu ở Bộ Lễ. Ít lâu sau, được thăng lên làm Chủ sự, nhưng cũng chỉ là một chức thuộc viên thấp kém thôi. Ba năm sau, có lẽ thấy không sao khuất phục được con người góc cạnh này, triều đình đã đuổi khéo ông ra Bắc, cho làm Giáo thụ phủ Quốc Oai. Nói là đuổi cũng phải mà nói là đầy thì cũng không sai, vì khi đó, phủ Quốc Oai chưa được mở mang, là một hạt nghèo, lại là miền sơn cước, nhiều lam sơn chướng khí. Quan lại có bị cữu, bị biếm thì mới phải về nơi này. Nhưng triều đình Huế đâu có ngờ rằng, chính nhờ những tháng ngày sống ở đất phủ Quốc nghèo nàn này mà Cao Bá Quát đã tím ra lối giải thoát cho sự bế tắc bấy nay của tâm hồn mình. Kể ra thì không phải chỉ từ khi ra phủ Quốc, Cao Bá Quát mới chán ghét chế độ vua quan thối nát đương thời. Ngay từ thời vừa đỗ cử nhân ở trường Hà Nội, khi đó mới ngoài hai mươi, Cao Bá Quát đã nói lên sự ngán ngẩm của mình trước công danh trói buộc: Ngán nhẽ kẻ tham bề khoa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn, Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân trường phủ, (Tài tử đa cùng phú)

Sau đó, từng trải hơn, lại thêm hàng chục năm trời sống trong lòng cái xã hội “mũ cánh chuồn áo giới lân”, Cao Bá Quát càng nhận thức rõ chân tướng của cuộc sống đương thời. Trong thời gian này, ông đã viết hàng ngàn bài văn, thơ bày tỏ tâm trạng “ngổn ngang trăm mối”, bất bình đối với những “hầu môn, tướng phủ”. Kể sao xiết được bao ý, tình trong áng thơ văn của Chu Thần! Nhưng cũng phải nêu qua vài hình ảnh trong những bài sáng tác lúc Cao ở phủ Quốc.

Nhìn vầng trăng thu, ông viết: Người buồn vẫn thích ngồi khuya, Nhìn trăng cả hai đều không nói... Nhân lúc đêm thanh nhắp chén rượu, Để an ủi tâm hồn chói buộc. (Thu dạ độc tọa tức sự)

Đến bài thơ đề sau khúc “Yên Đài anh ngữ” của người bạn họ Bùi, ông tự kiểm điểm đồng thời là phê phán mọi kẻ tự coi là bậc thức giả đương thời: Đáng ngán cho mình chỉ đóng cửa mà gọt rũa câu văn, Lải nhải nhai lại từng chữ từng câu, Có khác chi con sâu đo muốn đo cả trời đất!

Có lần lòng ông sôi lên như giông bão: Mưa dữ dội như nghiêng trời đổ nước Sóng tung tóe tràn ngập đất đai... Mặt trời đỏ lẩn đi đâu? Để dân đen than thở mãi

(Đối vũ)

“Mặt trời đỏ” ở đây là lẽ phải, là công lý. Đã đến lúc phải làm bật sáng lên “Mặt trời đỏ”. Có thể là từ lâu, Cao Bá Quát đã nghĩ như vậy, nhưng chỉ từ khi đến phủ Quốc Oai ông mới bắt tay vào làm.

Phủ Quốc Oai Đời Tự Đức, tức là vào giữa thế kỷ 19, phủ Quốc Oai gồm 4 huyện: Yên Sơn, Mỹ Lương, Đan Phượng và Thạch Thất. Hai huyện Đan Phượng và Thạch Thất thì địa giới tương tự như ngày nay. Huyện Mỹ Lương như trên đã nói, bao gồm huyện Mỹ Đức ngày nay và một phần huyện Chương Mỹ cùng huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Huyện Yên Sơn thì nay tương đương với vị trí huyện Quốc Oai. Như vậy phủ Quốc Oai hồi đó là phần lớn miền Tây của tỉnh Hà Tây cũ. “Phủ lỵ Quốc oai đời Gia Long đặt ở xã Thụy Ứng, đời Minh Mạng dời về xã Hoàng Xá” (Đại Nam nhất thống chí Q.21). Xã Thụy Ứng nay là thôn Thụy Ứng ở cạnh chợ Phùng, huyện lỵ huyện Đan Phượng. Xã Hoàng Xá nay là thôn Hoàng Xá, là huyện lỵ huyện Quốc Oai. Nhưng trường học của phủ Quốc lúc đó lại đặt ở Thạch Thán, một làng láng giềng của Hoàng Xá. Cao Bá Quát đã ở Thạch Thấn này để dậy học. Ông dán trước của trường học đôi câu đối: Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng, Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng. Trước của nhà ở, ông cũng dán đôi câu đối: Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Ngạo đời thì nói đùa thế chơi, chứ thực ra phủ Quốc đã để lại trong thơ Cao Bá Quát nhiều tuyệt tác. Chỉ một buổi chiều đi chơi núi Sài Sơn, Cao Bá Quát đã làm bốn bài bát cú, lời đẹp mà ý sâu. Đây là cái thế của núi Sài: Ven sông bao ngọn núi tản xòe ra, Riêng phong cảnh núi này là bậc nhất xứ Đoài.

Đây là cái cảnh của núi Sài: Trận mưa nhỏ vừa qua, bến nước đầy sen thắm, Tiếng chuông lạnh bỗng ngân, ngôi lầu tràn bóng chiếu. ... Trong khóe mắt, thu gọn nước non hàng ngàn dặm, Dưới ngòi bút, hiện ra mây khói của mười sáu ngọn núi.

Và đây là cảm hứng hào hùng khi đứng trên đỉnh núi: Không còn nghe tiếng hạc ốm kêu ở đền cổ, Vì đâu con rồng bướng bỉnh trỗi dậy lưng sườn núi. Cũng nên đem ống sao lên chợ Trời, Cười hỏi còn mấy vùng trời xa nữa. Còn bao nhiêu vùng trời xa?

Đứng trên đỉnh núi Sài, Cao Bá Quát hy vọng có thể tìm ra những vùng trời sáng sủa hơn. Lần khác, nhìn đám mây bay trên đỉnh núi, Cao Bá Quát còn đặt ra một câu hỏi cụ thể hơn và bày tỏ ước mơ rõ rệt hơn: Bốn bể đã mong mưa, Sao phép ngũ lôi còn giữ kín trong núi? Ta ngẩng đầu nhìn lên tận ngoài trời, Những muốn vin mây mà lên cao mãi.

Cho nên chính ở đất Quốc Oai này, Chu Thần đã tỉnh ngộ, đã tìm ra hướng đi. Ông tự trách: Cổ kim man mác tình non nước, Sao mình làm mãi một nhà thơ?

Rõ ràng là không thể chỉ làm thơ mà cứu được đời, phải hành động, hành động quyết liệt. Và Cao Bá Quát đã cầm gươm đứng lên: Vũ phi Tổ Địch không đề kiếm. (Múa gươm không giỏi như Tổ Địch cũng cứ khoa gươm) (2). Đó là vào mùa thu năm 1854.

Cuộc khởi nghĩa Lúc này, Cao Bá Quát xin từ chức, lấy lý do là cần phải về nuôi mẹ già. Đó chỉ là cái cớ. Thực ra mẹ già đã có bà Quát phụng dưỡng. Bà Quát là một người rất mực đảm đang, cần cù chịu khó mà ông đã từng ngợi ca trong nhiều bài thơ. Nay ông xin từ chức chỉ là để có thời gian đi vận động khởi nghĩa. Năm ấy, khắp một vùng Sơn Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, châu chấu bay tới mù trời, cắn phá lúa má tàn tệ. Nạn đói kém lan tràn. Trong khi đó sưu vẫn cao, thuế vẫn nặng. Lòng dân vô cùng căm phẫn đối với bọn vua quan. Trong không khí đó, Cao Bá Quát quyết định khởi nghĩa. Hàng mấy tháng trời, ông không ở nhà, lúc về nhà ở Hà Nội, lúc sang quê bên Bắc Ninh, lúc trở lại Sơn Tây... Cao Bá Quát bôn ba tìm bạn đồng tâm. Khi thăm hỏi bà con, khi gặp gỡ trò cũ, khi tiếp xúc với các cố lão, ở đâu Cao cũng làm bùng lên ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong lòng người, Mùa thu năm 1854 ấy, Hộ đốc Ninh Thái (3) là Nguyễn Quốc Hoan được tin cáo giác là Cao Bá Quát đang ngấm ngầm hoạt động, định nổi loạn đánh cướp Bắc Ninh và Hà Nội. Quốc Hoan dò bắt một số người, tra hỏi, rồi báo về Huế. Tự Đức liền ra lệnh cho Hoan và Tổng đốc Hà Ninh là lâm Duy Hiệp phải kịp thời trấn áp (4). Nhưng cuối năm ấy, cuộc khởi nghĩa không nổ ra ở Bắc Ninh hay Hà Nội mà là ở huyện Mỹ Lương xứ Đoài, ở Rừng Ngang. Lê Duy Cự, còn gọi là Cả Đồng, con cháu nhà Lê, được tôn là minh chủ. Nhưng linh hồn của cuộc khởi nghĩa chính là Cao Bá Quát, lúc đó giữ chức Quốc sự. Và tuy ở bộ máy lãnh đạo trung tâm của nghĩa quân có đủ các chức “thượng thư sáu bộ” và “đô thống năm quận” nhưng giữ các chức này phần lớn là những người ở tầng lớp bình dân, vì trong thực tế lực lượng khởi nghĩa chủ yếu là nông dân và các tầng lớp dân nghèo khác ở các vùng miền tây sông Đáy, sông Tích (sau khi cuộc khởi nghĩa triển khai thì nông dân xứ Đoài xứ Bắc đều tham gia). Cuộc khởi nghĩa quả đã tập hợp được đông đảo nhân dân thuộc nhiều dân tộc. Ví dụ Đinh Công Mỹ là một quan lang người Mường, Bạch Công Trân là một người Thái trắng giữ chức suất đội trong cơ Sơn dũng tỉnh Sơn Tây, Nguyễn Duy Vân là suất đội trong cơ Thủy binh tỉnh Hà Nội... Cuối tháng 11 năm 1854, nghĩa quân tế cờ ở Rừng Ngang, sau đó chia ra ba cánh: hai cánh tiến về xuôi, một đánh vào huyện Kim Bảng (nay thuộc tỉnh Nam Hà), một đánh vào huyện Ứng Hòa, Thanh Oai. Cánh thứ ba đánh ngược lên huyện Yên Sơn rồi sẽ vượt sông Nhị đánh sang Vĩnh Tường, Tam Dương... Nhưng quan lại triều đình đã dự đoán trước và đã bố trí đề phòng. Nhiều ngả đường đã có binh lính chặn gác. Tự Đức đã sai phó lãnh binh Thanh Hóa là Trương Đức đem 500 quân xứ Thanh ra Hà Nội chờ sai phái. Nay lại sai vệ úy Hoàng Thành đem ngay một vệ tuyển phong (tức lính tinh nhuệ) cũng gồm 500 quân cùng 20 súng thần cơ ra Hà Nội. Ít lâu sau, Tự Đức lại sai phó lãnh binh Nghệ An là Trần Bài đem 1000 quân ra Bắc, một nửa đóng ở Ninh Bình, một nửa đóng ở Hà Nội, lại cử chưởng vệ Nguyễn Trọng Thao đang giữ chức đề đốc kinh thành Huế ra làm đề đốc Hà Nội để tiện phối hợp tác chiến. Thành Sơn Tây cũng được tăng viện thêm 500 quân từ Thanh Hóa điều ra. Rõ ràng là Từ Đức rất sợ người Bắc Hà. Mặt khác, y còn treo giải thưởng 300 lạng bạc cho người nào giết được Cao Bá Quát và 500 lạng bạc cho người nào bắt sống được ông. Do phía triều đình đã bố trí phòng thủ khá chặt chẽ như vậy nên cánh quân thứ nhất có nhiệm vụ đánh huyện thành Kim Bảng, mới tới chân núi Quyển Sơn (bờ sông Đáy) đã bị quân triều đình đánh tan. Cánh quân thứ hai có nhiệm vụ đánh chiếm thành phủ Ứng Hòa và thành huyện Thanh Oai. Nhưng vừa mới tới địa phận hai làng Đồng Dương, Thạch Bích (nay là xã Đồng Mai và xã Bích Hòa của huyện Thanh Oai) thì nghĩa quân chạm trán với quân triều đình do án sát Hà Nội Nguyễn Văn Vỹ và phó lãnh binh Ngô Nghê chỉ huy. Nghĩa quân liền dàn trận tuyến suốt từ Đồng Dương sang tới Thạch Bích, cắt đứt con đường quan lộ từ Ba La đi Vân Đình. Cuộc chiến đấu rất ác liệt. Cả hai bên đều nhiều thương vong. Dân làng Thạch Bích lúc ấy đã là một làng công giáo nhưng giàu lòng yêu nước - đã bí mật tiếp tế cho nghĩa quân, nhất là giúp đỡ tận tình việc tải thương. Cho nên sau khi nghĩa quân rút lui, quân triều đình bắt được quá ít tù nhân. Tên Lãnh Nghê liền bắt luôn một số dân làng Thạch Bích, coi như là tù binh, lập danh sách gửi và Huế xin thưởng công. (Nhưng nhân dân ở đây không cam chịu oan khiên như vậy, đã cử một đoàn hương chức và cố lão vào kinh kêu oan. Tự Đức đã phải ra lệnh thả những người dân làng này ra và bắt tên Nghê chịu tội bị đánh 100 gậy và phạt tù 3 năm). Cánh thứ 3 thì do chính Cao Bá Quát chỉ huy, ban đầu tiến đánh Yên Sở ( tức huyện Quốc Oai ngày nay), vây hãm thành huyện. Ngày nay nhân dân thôn Nghô Tề - thuộc xã Hoàng Ngô - còn cho biết là chỗ sân kho hợp tác xã bây giờ chính là nơi đóng quân của Cao Bá Quát. Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Nguyễn Bá Nghi từ thành Sơn kéo quân tới nghênh chiến. Nghĩa quân sau khi phá huyện thành Yên Sơn, liền vượt sông Nhị sang đánh phủ thành Vĩnh Tường và huyện thành Tam Dương. Ở đây, quân triều không dày đặc như quân Đoài, nhưng nhìn toàn cục thì lục lượng nghĩa quân đã sứt mẻ nhiều. Nhiều vị chỉ huy đã hy sinh hoặc bị bắt. Cao Bá Quát phải rút quân trở lại căn cứ địa Mỹ Lương để cùng Bạch Công Trần chấn chỉnh đội ngũ, bổ sung thêm quân số. Lần này có thêm nhiều trai tráng miền núi tham gia. Đến tháng chạp năm 1854, Cao Bá Quát lại xuất quân đánh Yên Sở. Ở đây quân triều đình do lãnh binh Lê Thuận chỉ huy. Cuộc xung sát đang ở thế dằng co thì một chuyện rất không may đã sẩy ra: Cao Bá Quát bị trúng đạn hi sinh ngay tại trận. (Tên suất đội Đinh Thế Quang sử dụng súng thần cơ nhờ có “công” này mà được thăng lên chức cai đội). Thế là nghĩa quân tan tác. Theo dương lịch thì lúc này đã sang tháng giêng năm 1855. Cũng trong khoảng thời gian này, những người thân tín của Cao Bá Quát ở bên tỉnh Bắc vẫn tiếp tục nổi dậy. Hàng bốn năm trăm người về tụ tập ở huyện Từ Sơn nhưng bị hộ đốc Nguyễn Quốc Hoan giải tán. Nguyễn Khắc Quyết ở Thuận Thành định đưa một nghìn quân mới chiêu mộ được sang hội với Cao Bá Quát ở Mỹ Lương nhưng mới tới Đồng Tỉnh, Huê Cầu thì gặp quân của lãnh binh Nguyễn Ngao và ông Quyết sa vào tay địch. Nhưng liền đấy, ở Hải Dương hai ông Nguyễn Quý Phan và Nguyễn Văn Liệu trong một đêm đã đánh úp thành huyện Nam Sách. Ở Hưng Yên, hai học trò của Cao Bá Quát là Vũ Văn Đổng và Vũ Văn Úc đánh phá huyện thành Phù Cừ. Hai toán nghĩa quân này đến mãi tháng 2 âm lịch năm sau (1855) mới bị đánh tan. Tháng 4 năm ấy đến lượt minh chủ Lê Duy Cự bị bắt ở Hải Dương (Duy Cự bị đóng cũi giải vào Huế, nhưng khi qua làng Bố Vệ huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, Cự xin ghé vào lệ tại miếu các vua Lê rồi tự sát). Mặc dầu vậy, nhiều nơi vẫn lẻ tẻ khởi binh, cho tới tháng 10 năm 1856, khi Đinh Công Mỹ, một kiện tướng của Cao Bá Quát bị bắt và xử tử thì phong trào nông dân khởi nghĩa Mỹ Lương mới thật sự chấm dứt. Nguyện vọng không thành, mục đích không đạt, nhưng cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương đã là niềm tự hào của người dân miền Sơn Tây, Quốc Oai nói riêng và của nhân dân Bắc Hà nói chung. Đồng thời cuộc khởi nghĩa nông dân đã giáng một đòn khá mạnh vào chế độ phong kiến nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Truyền thống kiên cường bất khuất mà người Hà Tây nay đang phát huy trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội quang vinh.

Chú thích: (1) Văn hay như ông Siêu, ông Quát làm cho văn đời tiền Hán coi như không có. Thơ hay như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương làm mất thơ hay đời Thịnh Đường. (2) Những đoạn thơ trích này đều có in trong “Thơ văn Cao Bá Quát”, Nxb Văn học 1970. (3) Hộ đốc là chức quan quyền Tổng đốc, Ninh Thái là Bắc Ninh, Thái Nguyên. (4) Hà Ninh là Hà Nội và Ninh Bình. Đời Nguyễn Sơ, thường ghép hai ba tỉnh lại làm một đơn vị hành chính lớn, có chức Tổng đốc đứng đầu (mỗi tỉnh có chức Tuần phủ đứng đầu).

Nguồn tin: Theo Danh nhân quê hương, Ty văn hóa thông tin Hà Tây, 1973 (Thăng Long Hà Nội)

Từ khóa » đền Thờ Cao Bá Quát