Cuộc Khủng Hoảng đặt Bẫy ở Những Khu Rừng Việt Nam

Cuộc khủng hoảng đặt bẫy ở những khu rừng Việt Nam

05/08/2020

    Mỗi năm ước tính có hàng triệu chiếc bẫy được đặt trong những cánh rừng của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đặc biệt là ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Cuộc khủng hoảng đặt bẫy đang dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng về số lượng và tuyệt chủng cục bộ nhiều loài, bao gồm các loài động vật săn mồi như hổ, báo, báo đốm và con mồi của chúng như bò tót, bò rừng, mang và hươu. Điều này được cảnh báo trong Báo cáo Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Khủng hoảng đặt bẫy dây ở Đông Nam Á được WWF công bố mới đây.

Những chiếc bẫy dây khiến cho các khu rừng trở lên yên lặng

    Trong những năm gần đây, hàng triệu chiếc bẫy dây được đặt trong các khu rừng đang tàn sát các loài hoang dã tại khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo, ước tính có khoảng 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa các loài động vật hoang dã (ĐVHD) trong các khu bảo tồn (KBT) ở Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam, những quốc gia có nạn đặt bẫy nghiêm trọng nhất trong khu vực. Những chiếc bẫy thô sơ này, thường được làm từ dây phanh xe đạp hay dây cáp, đang càn quét các khu rừng, khiến chúng trở lên yên lặng tiếng chim, tiếng thú.

    Để ngăn chặn tình trạng này, WWF đã hỗ trợ các đội kiểm lâm tuần tra tại khoảng 10% các KBT ở Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam thường xuyên kiểm tra, tháo dỡ, tịch thu, tiêu hủy các loại bẫy nhằm giảm nguy cơ mắc bẫy, giải cứu cho các loài động vật rừng quý hiếm. Chỉ riêng trong năm 2019, khoảng 15.000 bẫy đã được tháo gỡ trong 4 KBT thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Dựa vào những con số trên và số bẫy được gỡ tại các KBT khác, cũng như mức độ phổ biến của việc buôn bán thịt ĐVHD trong khu vực, có thể ước tính có hàng triệu bẫy đang tồn tại trong các KBT của ba quốc gia. Những chiếc bẫy phần lớn do bọn săn trộm đặt đang cung cấp nguồn ĐVHD cả hợp pháp và bất hợp pháp cho các trung tâm đô thị và thậm chí xuyên quốc gia.

    Tại Việt Nam, chỉ riêng trong hai KBT Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Nam đã có 127.857 bẫy thú được tháo gỡ trong giai đoạn năm 2011-2019, trung bình mỗi năm tháo gỡ được 14.206. Mật độ bẫy tại KBT Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam là 880 bẫy/km2, cao nhất trong khu vực. Số lượng bẫy ước tính tại Việt Nam, tại bất kỳ một thời điểm nào, là hơn 5 triệu bẫy, dựa trên mật độ bẫy ước tính trong KBT là 110,7 bẫy/km2 với số liệu được coi như tương đồng giữa tất cả các KBT. Các loài quan trọng tại Việt Nam bị đe dọa bởi hoạt động đặt bẫy bao gồm có sao la, mang lớn (loài cực kỳ nguy cấp), thỏ vằn Trường Sơn, bò rừng, cầy vằn bắc (loài nguy cấp).

    Việc tiêu thụ thịt và sản phẩm từ các loại ĐVHD quý hiếm như tê tê hay hổ được coi là sự thể hiện đẳng cấp của những người giàu có, trong khi phần lớn động vật ăn thịt và động vật móng guốc nhỏ được tầng lớp trung lưu xem như đặc sản. Khảo sát cho thấy, nhiều người dân sống tại các đô thị của Việt Nam (20 - 80% tùy vào địa điểm) sử dụng các sản phẩm từ thịt ĐVHD ít nhất một lần mỗi năm. 60% - 80% việc sử dụng thịt ĐVHD tại các trung tâm đô thị xảy ra tại nhà hàng. Loài được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm gần 75% tổng lượng tiêu thụ là lợn rừng.

 

Lực lượng kiểm lâm tuần tra tháo dỡ bẫy thú

 

Các mối quan ngại về bệnh lây truyền qua động vật

    Việc đặt bẫy và tiêu thụ ĐVHD còn làm tăng nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ động vật sang người. Các nhà nghiên cứu đã xác định rất nhiều loài mục tiêu của hoạt động đặt bẫy như lợn rừng, cầy, tê tê thuộc nhóm các loài có nguy cơ cao mang các bệnh truyền nhiễm. Theo báo cáo, 58% trong số tất cả các mầm bệnh được phát hiện ở người được cho là có nguồn gốc từ động vật, bao gồm 60% - 73% các bệnh truyền nhiễm mới bùng phát. 71% các bệnh xuất hiện trong thời gian gần đây (từ năm 1940 - 2004) có nguồn gốc từ động vật và vật chủ là ĐVHD. 

    Tại Việt Nam, lợn rừng được tiêu thụ phổ biến nhất và được chứng minh là loài mang nhiều mầm bệnh lây truyền nhất trong tất cả các loài được buôn bán tại thị trường châu Á, bao gồm cúm lợn, vi-rút Rota (gây ra các bệnh tiêu chảy) và vi-rút Hepatitis E. Cầy vòi mốc được xác định là vật chủ trung gian gây ra bệnh SARS ở người, và cầy thường bị bẫy, gây nuôi để cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Chuột và các loài động vật gặm nhấm khác được tiêu thụ phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng đồng bằng là vật chủ mang vi-rút Hanta gây ra hội chứng sốt xuất huyết kèm theo suy thận (HFRS); vi-rút lymphocytic choriomeningitis (LCMV) gây ra bệnh viêm màng não vô trùng, viêm não và viêm màng não; vi-rút bệnh dại, tất cả những vi-rút này có thể lây truyền trực tiếp giữa động vật gặm nhấm và người. Dịch cúm gia cầm ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2003 và nhanh chóng lan sang Thái Lan, Campuchia, Inđônêxia, Lào và Malaixia.

    Các cuộc phỏng vấn với 16 thợ săn người Cơ Tu tại Việt Nam cho thấy, hơn một nửa trong số này (9 người) đặt bẫy để kiếm thêm thu nhập, không phải để cung cấp thực phẩm cho bản thân họ. Các cuộc khảo sát về kinh tế - xã hội tại các cộng đồng sống xung quanh 3 KBT của Trung Trường Sơn cho thấy khoảng 25%-33% làng bản chủ yếu dùng bẫy để săn bắt thú, không phải vì thức ăn hay để tồn tại mà đó là nguồn thu nhập chủ yếu của gần 40% người sống bằng nghề đi săn.

    Việt Nam là một trong hai nước duy nhất tại Đông Nam Á áp dụng mức phạt tối thiểu nghiêm khắc nhất đối với mọi hình thức săn bắt bằng bẫy trong các KBT. Tuy nhiên, khả năng bị xử phạt vì tội đặt bẫy còn thấp trong khi Việt Nam nằm trong số những quốc gia có lượng bẫy đặt cao nhất tại Đông Nam Á.

Tác động của những chiếc bẫy dây và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng đặt bẫy

    Những chiếc bẫy dây là mối đe dọa lớn đối với các loài ĐVHD. Bên cạnh sự mất mát và suy thoái môi trường sống, việc sử dụng bẫy dây ngày càng nhiều đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng tuyệt chủng ở Đông Nam Á, tác động đến hơn 700 loài động vật trên cạn, bao gồm voi châu Á, hổ, sao la và bò rừng. Khi mắc bẫy, động vật phải chịu đau đớn vài ngày hoặc hàng tuần trước khi chết bởi các vết thương, và rất hiếm khi, nếu chúng có thể thoát khỏi bẫy thì cũng chết bởi các vết thương hoặc do nhiễm trùng. Đối với sức khỏe cộng đồng, việc xử lý đến tiêu thụ ĐVHD, sử dụng bẫy làm tăng sự tiếp xúc của con người với các loài động vật mang bệnh. Trong thực tế, phần lớn các ĐVHD mà các thợ săn nhắm tới, đặc biệt là động vật móng guốc và động vật ăn thịt, được xác định là một trong những nhóm thú rừng có nguy cơ cao nhất có thể truyền bệnh từ động vật sang người. Đối với sinh kế, việc bẫy bắt thú để bán cho các chợ và người tiêu dùng ở thành thị để làm đặc sản hiện là một trong những tác nhân chính thúc đẩy cuộc khủng hoảng đặt bẫy. Tầng lớp trung lưu và thượng lưu là nhóm tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD chứ không phải những người chưa đảm bảo đủ lương thực hàng ngày. 

    Từ thực trạng trên, việc tháo dỡ các bẫy thôi chưa đủ mà Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á cần phải tăng cường thực thi luật pháp, cải thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn đặt bẫy một cách hiệu quả và quan trọng hơn là kêu gọi sự tham gia của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương trong cuộc chiến này. Bên cạnh đó, cần có những hành động cấp bách để giải quyết mối đe dọa này đối với các loài hoang dã, các hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Chính phủ các nước cần ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài ĐVHD có nguy cơ lây truyền dịch bệnh sang người cao, bao gồm hầu hết các loài móng guốc và loài động vật ăn thịt - mục tiêu chính của hoạt động đặt bẫy. Để các biện pháp này đạt được thành công, cả khu vực cũng cần tập trung hơn vào việc tăng cường quản lý các KBT.

 

Nguyễn Thị Phú Hà

WWF tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

Từ khóa » Cách Bẫy Bò Rừng