Cuộc Sống Của Những Người Thân Trong Gia đình Đặng Tiểu Bình

Bà Trác Lâm - nhà “Hồng học” của Trung Quốc

Nếu so sánh giữa phu nhân Chu Ân Lai và phu nhân Mao Trạch Đông, phu nhân của Đặng Tiểu Bình - bà Trác Lâm là người sống vô cùng kín đáo, nhẹ nhàng.

Tuy phu quân bà là một trong những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa hiện đại, người kế tục sự nghiệp của Mao Trạch Đông, là cốt cán trong thế hệ lãnh đạo thứ hai và là người khởi xướng chủ trương cải cách đem lại cuộc sống và vị thế mới cho toàn bộ người dân Trung Quốc, nhưng bà không vì thế mà tranh giành chức vị cao sang trong đảng hay trong chính quyền, mà thực sự là tấm gương điển hình với vai trò “vợ hiền mẹ đảm”.

Trước kia, Đặng Tiểu Bình từng đưa ra yêu cầu với Trác Lâm rằng: “Khi ra công tác bên ngoài, nói năng ngôn từ phải cẩn trọng”. Yêu cầu này với một người vợ bình thường như bao người phụ nữ khác khi không phải chịu áp lực gì và thực thi nó có lẽ cũng tương đối đơn giản, nhưng theo sự phân tích đánh giá của các chuyên gia với cương vị của bà, với áp lực lớn trong gia đình họ Đặng, thực hiện được không hề đơn giản. Bà càng cố thì càng làm khó cho bà rất nhiều.

Năm 1977, gia đình bà đã chuyển tới ở trong một phố nhỏ thuộc Cảnh Sơn, Bắc Kinh. Trước khi Đặng Tiểu Bình ra đi, họ đã sống với nhau 20 năm ở đó.

Theo lời bà Trác Lâm, bà rất thích kinh kịch, hàng ngày sau bữa sáng, bà đều nghe kinh kịch. Bà còn rất thích đọc các tác phẩm kinh điển và bình sách, đặc biệt là các tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tùy Đường diễn nghĩa”. Với bà, tác phẩm “Hồng lâu mộng” đã gắn vào máu thịt, bà được mệnh danh là nhà “Hồng học” của Trung Quốc. Toàn bộ số tiền những lần đi thuyết giảng về sách và “Hồng lâu mộng” đều được bà dành để làm từ thiện.

Đặng Tiểu Bình cùng vợ và những người con, cháu.

Trác Lâm vốn có nguyên danh là Bồ Quỳnh Anh, là con gái của tuyên úy Vân Nam - Bồ Tại Diên, với biệt hiệu “Hỏa thoái đại vương”. Bà từng đạt điểm xuất sắc khi thi vào Khoa Vật lý, Đại học Bắc Kinh.

Theo nhiều tư liệu sử thì bà là cô gái duy nhất của Vân Nam thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh thời bấy giờ. Về phần Đặng Tiểu Bình sau hai lần hôn nhân không hạnh phúc, đã tìm đến với bà.

Bà Trác Lâm kể rằng: Thuở ban đầu, bà cho rằng ông là một cán bộ công nông không có trình độ, chính vì vậy bà đã thẳng thừng từ chối, nhưng cuối cùng duyên số cũng gắn họ lại với nhau.

Bà Trác Lâm ít hơn Đặng Tiểu Bình 12 tuổi, nhưng họ đã sống với nhau những năm tháng vô cùng hạnh phúc. Bà đã sinh cho họ Đặng tổng cộng 5 người con. Tháng 10/1969, Đặng Tiểu Bình bị cưỡng bức lao động cải tạo tại Giang Tây, bà Trác cũng quyết tâm theo chồng, đó là những năm tháng khó khăn và quẫn bách của hai vợ chồng họ Đặng.

Sau khi Đặng Tiểu Bình mất, chính bà là người ngồi trên máy bay, tự mình rắc toàn bộ tro cốt của phu quân tới khắp lãnh thổ, lãnh hải Trung Hoa, việc làm của bà đã gây xúc động cho toàn thể người dân Trung Quốc.

Trưởng nữ Đặng Lâm: “Đặng Tiểu Bình là người chứ không phải là thần”

Vào năm 2004, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc, đất nước Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đặng Tiểu Bình, trưởng nữ Đặng Lâm có phương thức kỷ niệm độc đáo của mình.

Bà chuyên tâm sáng tác một bức tranh hoa mai với chủ đề “Xuân thiên trường tồn” trên có khảm 101 viên đá quý tử sa, rồi từ hơn 1.000 bức ảnh quý về người cha bà đã chọn ra hơn 100 bức để làm thành một cuộc triển lãm với chủ đề “Đặng Tiểu Bình - Người cha trong trái tim con gái”, mở cửa phục vụ tất cả mọi người.

Năm nay, trưởng nữ Đặng Lâm đã 65 tuổi, do trong thời kỳ niên thiếu sinh ra và lớn lên tại Thái Hành Sơn gian khổ, cha mẹ lại vô cùng bận việc, vì vậy từ khi 4 tuổi, bà đã phải vào Viện nuôi dưỡng Diên An, không được sự chăm sóc của cha mẹ.

Chính sự tự lập từ bé này đã làm bà bộc lộ rất nhiều tài lẻ và sự thông minh ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là những năng khiếu về nghệ thuật. Năm 1961, khi 20 tuổi bà thi đỗ vào hệ trung học Học viện Mỹ thuật Trung ương, tốt nghiệp năm 1967, là chuyên gia nghiên cứu hội họa Trung Hoa, là thành viên Hiệp hội Mỹ thuật Trung Quốc. Bà tâm sự với các nhà báo rằng, bà rất tâm đắc với câu nói của người cha rằng: “Con đường đi luôn ở dưới chân mình”.

Trong một cuộc họp báo tại Trung Quốc khi chuẩn bị cho công bố một cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình, bà đã phát biểu rằng: “Đặng Tiểu Bình là người chứ không phải là thần”.

Trưởng nam Đặng Phương - Người Trung Quốc đầu tiên giành được giải thưởng lớn về nhân quyền

Năm 2006, ông vừa tròn 62 tuổi, là con trai trưởng của Đặng Tiểu Bình. Ông được coi là người con chịu cảnh bất hạnh và vất vả nhất trong 5 người con của Đặng Tiểu Bình, do trong cuộc Đại cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình là người bị phê phán rất ghê gớm.

Ngay từ khi còn là sinh viên của Trường đại học Bắc Kinh, đã có lần Đặng Phương bị nhốt vào trong căn phòng thí nghiệm nhiễm đầy chất phóng xạ của Khoa Vật lý.

Do không chịu được ông đã mở cửa sổ cách mặt đất 8m, nhảy ra ngoài. Kết quả là ông bị thương dẫn đến bị liệt phần dưới cột sống. Cha mẹ ông ở Giang Tây biết chuyện, họ đã không thể khóc nổi, chỉ còn biết cố gắng bằng mọi cách để có thể chăm sóc cho đứa con bất hạnh.

Hiện Đặng Phương đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên hiệp Hội người tàn tật Trung Quốc. Tháng 12-2003, ông đã giành được giải thưởng về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, trở thành người Trung Quốc đầu tiên và người tàn tật đầu tiên trên thế giới giành được giải thưởng này.

Trong Liên hiệp Hội người tàn tật, dưới sự lãnh đạo của ông, công việc hoạt động của những người tàn tật đã có nhiều đổi mới, rất có ý nghĩa. Nhiều hoạt động từ thiện được tổ chức, nhiều ca chữa bệnh được ông vận động các tổ chức đóng góp miễn phí.

Nhiều người tàn tật đã được cứu sống, được dạy nghề, được trang bị các kỹ năng sống cần thiết để hòa nhập thực sự với xã hội đương đại. Nhờ có hoạt động tích cực của ông mà vai trò của người tàn tật đã được nhìn nhận một cách tích cực hơn, không còn cảnh bị kỳ thị.

Vì những thành tích đóng góp đặc biệt năm 1988 ông đã nhận được giải thưởng đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Chỉ có một điều đáng buồn và bất hạnh là do vết thương cột sống mà ông không thể có con với người vợ hiền - bác sĩ Cao Phương Ninh.

Thứ nữ Đặng Nam -Người có chức vụ cao nhất trong gia đình họ Đặng

Hiện bà là Thứ trưởng Bộ Khoa học, là người giữ chức vụ cao nhất trong những người con của Đặng Tiểu Bình. Bà cũng như mẹ và hầu hết những người anh em của mình đều tốt nghiệp Khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh.

Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, gia đình họ Đặng về cơ bản vẫn giữ một nếp sống bình lặng, chỉ có hai người là Đặng Phương và Đặng Nam là còn bận bịu nhiều công tác xã hội, do vậy đài, báo, tivi vẫn nhắc tới họ.

Trong 5 người con của Đặng Tiểu Bình thì chỉ có duy nhất Đặng Nam là người giống cha. Theo những người xung quanh và mẹ bà kể lại thì Đặng Nam là người có tư tưởng cởi mở, có tính cách hướng ngoại rất mạnh.

Trong cuộc cách mạng văn hóa, chính Đặng Nam cũng bị đấu tố rất mạnh, nếu không nhờ những người bạn tốt của gia đình có lẽ bà đã không còn tồn tại đến giờ này.

Năm 1986, chính bà là người đầu tiên thay mặt phía Trung Quốc ký với phía Mỹ những văn kiện đầu tiên về vệ tinh và khoa học vũ trụ, mở đường cho những thành công rực rỡ của khoa học kỹ thuật tiên tiến của Trung Quốc.

Chồng bà, ông Trương Hồng, chính là người đã đề ra và kiến nghị Đặng Tiểu Bình phải thực hiện bằng được kế hoạch phát triển khoa học mang bí số “Kế hoạch 863” nổi tiếng.

Thứ nữ Đặng Dung -Người gắn bó với cha trong suốt những ngày cuối đời

Năm nay 56 tuổi, được coi là con người gần gũi với Đặng Tiểu Bình nhất. Trong những năm cuối đời khi thính lực của Đặng Tiểu Bình không còn được tốt nữa, Đặng Dung lúc này dường như là “máy trợ thính” sống của ông vậy.

Đã có rất nhiều tin tức quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế được thông qua bà truyền đạt tới Đặng Tiểu Bình.Bà không như những người anh chị khác học vật lý, bà chọn theo ngành Y tại Đại học Y khoa Bắc Kinh.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, bà được điều động công tác tại Tổng bộ Chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, năm 1979 được cử làm Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, hiện bà là Phó hội trưởng Hội Liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc.

Sau khi Đặng Tiểu Bình mất, chính bà là người đã dồn nhiều tâm huyết để viết cuốn sách nổi tiếng Trung Quốc “Cha tôi Đặng Tiểu Bình” với bút danh Mao Mao. Cuốn sách này cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Năm 2003, khi đi giới thiệu cuốn sách này tại Nga, bà đã được đích thân Tổng thống Nga V.Putin tiếp. Chồng bà là Chúc Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Vệ sinh.

Con út Đặng Chất Phương - Cuộc sống êm đềm và đơn giản

Là con út trong gia đình, năm nay ông 54 tuổi. Từng là một cựu học sinh tại Khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh, đầu những năm 80 của thế kỷ XX ông đã tới Mỹ để hoàn thành luận án tiến sĩ về vật lý lượng tử.

Sau khi bảo vệ thành công ông đã trở lại Trung Quốc, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng công trình sư ở một công ty. Đầu năm 1993, ông chính thức gia nhập Tập đoàn Tứ Phương, làm Tổng giám đốc chi nhánh của tập đoàn này tại Thượng Hải.

Ông được coi là người sống êm đềm nhất trong gia đình họ Đặng. Vợ của ông - Lưu Tiểu Nguyên cùng lấy bằng tiến sĩ với ông trên đất Mỹ. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, họ đã có một con trai, theo luật Mỹ những người sinh ra trên đất Mỹ sẽ mang quốc tịch Mỹ, nhưng sau này cả gia đình họ vẫn quyết định rời Mỹ trở về quê nhà.

Đặng Tiểu Bình từng nói đùa: “Ai bảo cháu tôi là người Mỹ, nó về đến Trung Quốc rồi thì nó là người Trung Quốc chứ”. Được biết con của Đặng Chất Phương chính là đứa cháu đích tôn của Đặng Tiểu Bình

Từ khóa » đặng Chất Phương