Cuộc Sống Lặng Lẽ Trước Khi Qua đời Của Minh Trí - 'giọng đọc Huyền ...

Cuộc sống lặng lẽ trước khi qua đời của Minh Trí - 'giọng đọc huyền thoại' trên VTV Danviet.vn 01/04/2022 15:04

Sự ra đi của “giọng đọc huyền thoại” - NSƯT Minh Trí ở tuổi 77, sau 15 năm vắng bóng trên truyền hình. Sự ra đi của ông khiến nhiều người tiếc thương bởi thế hệ phát thanh viên của ông là một phần của ký ức tuổi trẻ.

Thông tin từ người thân của "giọng đọc huyền thoại" Minh Trí cho biết, ông qua đời vì tuổi già sức yếu vào 4 giờ 5 phút ngày 31/3/2021 (tức ngày 29/2 âm lịch), hưởng thọ 77 tuổi.

Lễ viếng của ông sẽ diễn ra vào 12 giờ 30 phút ngày 4/4/2022. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra vào 13 giờ 30 phút cùng ngày tại Nhà tang lễ Bệnh viện TW Quân đội 108 (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Ông sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ - Nghĩa trang Văn Điển - Hà Nội.

Sự ra đi của ông khiến nhiều người tiếc thương bởi thế hệ phát thanh viên của ông là một phần của ký ức tuổi trẻ. Thời đó, mọi thứ còn thiếu thốn và truyền hình Việt Nam còn rất sơ khai nhưng NSƯT Minh Trí đã mang đến cho khán giả xem truyền hình rất nhiều ấn tượng.

Giọng đọc "huyền thoại" của phát thanh viên Minh Trí là một phần của ký ức tuổi trẻ

NSƯT Minh Trí tên đầy đủ là Nguyễn Minh Trí, sinh 1945, nguyên Phát thanh viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Với nhiều thế hệ khán giả Việt, giọng đọc của phát thanh viên Minh Trí, Kim Tiến, Mạnh Tường… đã tạo nên những "huyền thoại" trong lòng người.

Hình ảnh thân quen của NSƯT Minh Trí trên sóng truyền hình thập niên 90. Ảnh tư liệu.
Hình ảnh thân quen của NSƯT Minh Trí trên sóng truyền hình thập niên 90. Ảnh tư liệu.

Vào những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, NSƯT Kim Tiến với NSƯT Minh Trí được xem là một cặp phát thanh viên "trời sinh". Họ không chỉ hài hòa nhau về "thanh" mà còn tương xứng nhau về "sắc" trong mỗi khuôn hình. Chính hai giọng đọc này đã làm cho bản tin Thời sự của VTV gần gũi hơn với khán giả truyền hình. Đặc biệt, cả hai cùng tham gia lồng tiếng cho bộ phim truyền hình dài tập của Trung Quốc là "Tây Du Ký" (1986). Và giọng của họ đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ của những ai từng xem bộ phim này.

NSƯT Minh Trí từng cho biết rằng, trước khi thi tuyển làm phát thanh viên của Đài Truyền hình Việt Nam vào năm 1971, ông từng thi tuyển làm diễn viên. Thời ông thi tuyển làm phát thanh viên, mọi thứ đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt và kỹ càng. Từ dáng đi, dáng đứng, dáng ngồi đến cách đọc, cách ngắt nghỉ và cách thể hiện cảm xúc trước ống kính cũng bị soi rất kỹ.

Nhớ lại thời thi tuyển làm phát thanh viên, rút kinh nghiệm lần trước ông muốn chuyển sang làm diễn viên nhưng không được nhà trường – nơi mình đang công tác giải quyết nên ông mới hỏi ban tổ chức rằng: "Nếu tôi trúng tuyển, các ông có xin được cho tôi chuyển nghề không?", một người trong ban tổ chức hỏi lại: "Tại sao anh lại nghĩ mình sẽ trúng tuyển?".

Lúc đó, NSƯT Minh Trí theo phản xạ trả lời rằng: "Ơ hay, anh này buồn cười, ai đi thi mà không mong mình trúng tuyển. Đấy là nguyện vọng của tôi, nếu không được thì thôi". Sau khi nghe ông nói xong, phát thanh viên Kiều Oanh đưa cho Minh Trí hai bài xã luận và cho ông 15 phút chuẩn bị. Nghệ sĩ Minh Trí lúc đó băn khoăn lắm, hai bài xã luận dài ngoằng mà chỉ có 15 phút, ông lập tức bảo: "Thôi, cho tôi thi luôn, đằng nào cũng thế. Trượt đành chịu, đằng nào vẫn có nghề dạy học nếu trượt".

Những phát thanh viên, BTV gắn bó với bản tin Thời sự 19h từ năm 1970 - 1995. Ảnh: VTV.
Những phát thanh viên, BTV gắn bó với bản tin Thời sự 19h từ năm 1970 - 1995. Ảnh: VTV.

Bén duyên với nghiệp phát thanh viên từ những ngày tháng đầu Đài Truyền hình Việt Nam mới thành lập, thế hệ phát thanh viên của ông như: Kiều Oanh, Lan Hương, Hồng Trang, Mạnh Tường, Minh Trí, Bích Ngọc, Kim Tiến… đã phải "đồng cam cộng khổ" để tạo ra được những bản tin "hoàn chỉnh" nhất. Vì thời đó, điều kiện máy móc thiếu thốn, tất cả mọi bản tin đều phải dẫn trực tiếp nên ông luôn phải tập dẫn trước khi bước vào ghi hình.

NSƯT Minh Trí bảo rằng, kỷ niệm ngày đầu tiên lên sóng truyền hình ông không bao giờ có thể quên được. Ông ví mình lúc đó như "cậu học trò" chưa chuẩn bị kỹ bài nhưng vẫn phải đứng trước bục để trả bài cho thầy giáo. Tập đứng, tập đi, tập ngồi… trước gương, coi cái gương như một người huấn luyện viên của mình.

Vốn được trời phú cho khuôn mặt điển trai, giọng đọc trầm ấm, văn phong lưu loát, lại từng đã kinh qua nghề dạy học nên lối dẫn của NSƯT Minh Trí rất cuốn hút. Cho đến bây giờ, khán giả truyền hình vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của một phát thanh viên nam có mái tóc rẽ ngôi, khuôn mặt phúc hậu và giọng đọc chuẩn Hà Nội xuất hiện bên cạnh phát thanh viên Kim Tiến có đôi mắt trong trẻo, mái tóc ngắn và nụ cười duyên trong mỗi bản tin Thời sự 19h. Thời đó, NSƯT Minh Trí đảm trách chính là dẫn bản tin Thời sự nhưng cũng được giao đọc lời bình cho nhiều bộ phim tài liệu và phim truyện.

Năm 1993, Minh Trí và Kim Tiến là hai phát thanh viên được phong danh hiệu NSƯT đầu tiên về lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình.

Những năm tháng tuổi già nhiều bệnh tật của NSƯT Minh Trí

Đạo diễn Tạ Huy Cường chia sẻ với Dân Việt rằng, "giọng đọc huyền thoại" Minh Trí có cả con trai lẫn con gái. Những năm tháng về già, ông sống cùng gia đình ở một ngôi nhà trên phố Lê Ngọc Hân (Hà Nội) - nơi ông cho rằng "nhà mặt phố nhưng không bị ồn ào, náo nhiệt quá!". Khoảng 7 – 8 năm nay, ông bị tai biến và bệnh dạ dày nên sức khỏe có phần sa sút. Dẫu vậy, trí tuệ của ông vẫn rất mẫn tiệp. Ông chọn lối sống giản dị, thầm lặng và hàng ngày vẫn theo dõi các bản tin của VTV.

"Trong mắt tôi, chú Minh Trí là một người giản dị, gần gũi và mực thước. Ông mắc bệnh về dạ dày nên không bao giờ uống bia rượu. Đặc biệt, thời còn khỏe, ông được rất nhiều đại gia trả tiền cao mời dẫn đám cưới nhưng tuyệt đối ông không nhận. Vì thế mà trong đời ông, chưa bao giờ ông xuất hiện trong các đám cưới với vai trò là người dẫn chương trình", đạo diễn Tạ Huy Cường cho biết.

Trước khi trở thành phát thanh viên nổi tiếng,
Trước khi trở thành phát thanh viên nổi tiếng, "giọng đọc huyền thoại" Minh Trí là một thầy giáo. Ảnh tư liệu.

Mặc dù được biết đến với tư cách là một phát thanh viên có giọng đọc "huyền thoại" của VTV nhưng NSƯT Minh Trí lại xuất thân là một thầy giáo dạy tiểu học và trung học cơ sở. Ông chia sẻ, ngày xưa ông thi đại học nhưng bị trượt nhiều lần. Sau đó, không hiểu sao ông lại được gọi vào học Sư phạm.

Thời học sư phạm, ông thuộc diện nghịch nhất lớp, khi đi thực tập thì chỉ được 5 điểm, rồi thầy giáo lại nhận xét ông chỉ chơi mà không chịu học… nên bị xếp hạnh kiểm trung bình, ra trường không được cho đi dạy học. Thời điểm này ông phải nhận làm phụ hồ, rửa cát sỏi để kiếm tiền mưu sinh. Một năm sau đó, do thiếu giáo viên, ông được gọi đi dạy lớp 1 tại một trường học cách nhà 20 cây số.

NSƯT Minh Trí nhớ lại, thời ông đi dạy dù ông rất nghiêm nghị nhưng học sinh rất yêu quý ông. Học sinh yêu ông tới độ khi ông bỏ dạy học để chuyển sang lĩnh vực khác, cả lũ học sinh khóc như nhà có đám tang. Hoặc họ bày tỏ tình cảm với ông thành 2 câu vè: "Cả làng em chẳng yêu ai/ Yêu thầy giáo Trí đầu 2 mũ nồi".

Thực tế, sau 15 năm nghỉ hưu, cũng với những lý do riêng mà NSƯT Minh Trí chưa từng một lần quay lại Đài Truyền hình Việt Nam, nơi ông từng làm việc hơn 34 năm. Cũng vì sống khép mình nên khi người viết muốn xin ông chụp ảnh nhưng ông nhất định từ chối. Ông nói không muốn ai nhìn mình trong bộ dạng này, không muốn những ánh mắt thương hại của người đời nhìn vào mình.

Hàng ngày, ông tập đi lại một mình ở cầu thang, đôi lúc thì tự đi ra phố. Mọi ồn ào ngoài cánh cửa như khép lại với ông từ 15 năm trước, ông sống cuộc sống an nhiên, bằng lòng với những gì mình có và thực sự tin con người có số phận.

Từ khóa » Tiểu Sử Phát Thanh Viên Kim Tuyến