Cười Càng Nhiều, Càng Có Thêm Hormone Hạnh Phúc - Báo Tuổi Trẻ
Có thể bạn quan tâm
Người dân tập yoga cười vào mỗi buổi sáng sớm tại khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Khi cười, não bộ ở trạng thái thoải mái nhất, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Mỗi người phải luôn giữ tâm trạng vui vẻ để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới công việc, tới người khác. Phải tập suy nghĩ rằng mọi chuyện phức tạp đều có cách giải quyết để không còn căng thẳng, lo âu
PGS.TS TRẦN VĂN CƯỜNG (chủ tịch Hội Tâm thần học VN)
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em cười trung bình 300-400 lần/ngày, trong khi con số này ở người lớn chỉ 15-20 lần/ngày. Đáng lưu ý là với áp lực ngày càng lớn từ công việc, cuộc sống, con người đang cười ít dần.
Hãy cười, nhưng đừng chiếu lệ!
Tại buổi giao lưu "Nụ cười và sức khỏe" do Trung tâm Làm giàu thế giới nội tâm (Inner Space) tổ chức ở TP.HCM mới đây, bà Phạm Thị Sen - giám đốc đào tạo Inner Space - cho rằng bây giờ nhiều người lớn có cười, nhưng không nhiều người cười thật sự. Nụ cười ngày càng xuất hiện ít dần và không khởi nguồn từ sự hạnh phúc của chính họ.
PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần học VN - cho rằng trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều khó khăn, áp lực. Điều này dẫn tới việc bạn thường cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, không thấy cuộc sống còn ý nghĩa gì.
"Các em nhỏ cũng khác ngày xưa. Thời gian dành cho những sân chơi, những hoạt động ít hơn, thay vào đó là các giờ học từ kiến thức đến năng khiếu, ngoại ngữ. Phụ huynh cũng không có thời gian nhiều dành cho con cái, mỗi ngày chỉ gặp mặt nhau được buổi đêm" - ông Cường phân tích.
Khuyến khích mọi người cười nhiều hơn nhưng ông Letchumanan Ramatha - Cục An toàn sinh học, Bộ Tài nguyên và môi trường Malaysia, điều phối chương trình Inner Space tại Malaysia, người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về thiền định và các liệu pháp tinh thần - lưu ý:
"Nụ cười thật sự phải là nụ cười của hạnh phúc, của sự hân hoan bên trong bạn, chứ không phải là nụ cười bên ngoài mang tính "chiếu lệ" để chào sếp khi ở cơ quan hay để lấy lòng người đối diện".
Các bạn trẻ ở TP.HCM vui cười trong buổi học tâm lý về hạnh phúc, tình yêu hôn nhân và gia đình - Ảnh: Quang Định
Sản sinh "hormone hạnh phúc"
Ông Letchumanan Ramatha cho rằng khi tâm trí vui vẻ thì cơ thể khỏe mạnh. Chẳng ai cảm thấy thoải mái nếu suốt ngày cứ buồn phiền hay tức giận. Niềm vui và sự hạnh phúc chính là động lực để mọi người hoàn thành tốt các công việc của mình, lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người xung quanh.
"Một phụ huynh có tâm trạng vui vẻ thì khi vui chơi với con cái cũng sẽ rất thoải mái. Ngược lại, phụ huynh đang căng thẳng có thể sẽ không có tâm trạng vui chơi cùng con, hoặc nếu có cũng vui đùa qua loa và đứa bé không cảm thấy niềm vui thật sự" - ông Ramatha nhấn mạnh.
Theo bà Sen, khi chúng ta cười hay nói khác hơn là có trạng thái tâm lý tích cực, vui vẻ thì cơ thể sẽ giải phóng endorphin (được xem là "hormone hạnh phúc" vì giúp cơ thể tập trung hơn, hưng phấn và hạnh phúc hơn, giải tỏa căng thẳng, lo âu và chống sự mệt mỏi).
Một nghiên cứu cũng cho thấy khi cười thì lượng hormone cortisol và epinephrine tiết ra có khuynh hướng giảm. Đây là những hormone gây căng thẳng, ức chế hệ miễn dịch, tạo kẽ hở cho các viêm nhiễm, bệnh tật.
Buổi tập thể dục khuyến mãi nụ cười
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, người Việt có câu "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", khi cười người ta thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, làm những người xung quanh thấy vui hơn…
"Không ai chê người làm cho người xung quanh luôn vui, vậy tại sao mọi người lại ít cười?" - ông Chất đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo ông Chất, có hàng trăm kiểu cười, những nụ cười nhạt, cười nhếch mép, cười lớn tiếng bất kể môi trường xung quanh thì không thể đáng yêu bằng những nụ cười vui tươi, sảng khoái nhưng duyên dáng và đúng lúc đúng chỗ.
"Những nụ cười ấy luôn mang lại những điều tốt đẹp" - ông Chất nói.
Ở góc độ y khoa, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho rằng cười cũng là một hình thức vận động.
Khi cười thì cơ mặt giãn ra, tinh thần sảng khoái, nếu cười kết hợp với các động tác tay, chân, hông… thì tác dụng như buổi tập thể dục có khuyến mãi nụ cười, chắc chắn giúp cải thiện sức khỏe.
Cho nên thông điệp của các chuyên gia tâm lý và sức khỏe là hãy cười nhiều hơn mỗi ngày!
Người bán hàng và công chức ít cười nhất?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, hiện có hai nhóm ngành nghề hay giao tiếp, những người làm nghề đó ít cười là người bán hàng và công chức, viên chức.
"Bây giờ nhiều cửa hàng nếu mình vào xem mà không mua thì họ khó chịu, nói những câu tổn thương khách hàng, có khi lúc khách ra họ còn đốt vía nữa. Có những cửa hàng được đặt tên là cháo chửi, bún chửi…, chửi chứ không cười, người ta vẫn đến ăn rất đông" - ông Chất nói.
Ở nhóm công chức, ông Chất lý giải người Việt đã có câu "hành là chính", hơn nữa do nhiều dịch vụ công vẫn còn mang nặng tính "xin - cho" mà dân ở vị trí người đi xin nên người "cho" không mấy khi tươi tỉnh, luôn mặt nặng mày nhẹ với người họ tiếp xúc.
"Nếu họ nghĩ mỗi việc làm của mình là phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, nếu người bán hàng nghĩ khách hàng đã mang đến cơm ăn và việc làm cho họ, họ sẽ cười nhiều hơn" - ông Chất nói.
Một giờ hạnh phúc mỗi ngày
Tại một hội thảo mới đây về vận động thể lực và dinh dưỡng phòng chống lão hóa, GS.TS Danielle Gallegos - Trường đại học Công nghệ Queensland (Úc) - nói một trong những việc cần phải làm để kéo dài tuổi thọ là tổ chức một giờ hạnh phúc mỗi ngày.
Theo GS Gallegos, "một giờ hạnh phúc" nghĩa là chúng ta dành ra ít nhất một giờ mỗi ngày làm những điều mình muốn, tận hưởng những hoạt động mang lại cho chúng ta niềm vui, khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
GS Gallegos cho rằng với mỗi người khác nhau, giờ hạnh phúc chắc hẳn sẽ có những sự khác biệt, phụ thuộc vào độ tuổi, sở thích và điều kiện sống của mỗi người.
Giờ hạnh phúc với từng người cũng có thể thay đổi hằng ngày trong tuần tùy theo cảm hứng, hoặc có thể tuân theo những thói quen mà chúng ta xây dựng hằng ngày.
Ví dụ, mỗi người có thể gặp gỡ, ngồi cà phê với bạn bè hay cùng nhau chơi thể thao để rèn luyện thể lực như đi bộ, chơi cầu lông, đá bóng… và nhất là tập yoga với hiệu quả gấp đôi. Đặc biệt, yoga cười là một hoạt động rất tốt.
Hình thức yoga này được thực hiện trong một nhóm người nhằm tạo ra tiếng cười thông qua sự tương tác của ánh mắt, thông qua những câu chuyện vui và qua sự khôi hài giữa những người tham gia, dựa trên ý tưởng rằng tiếng cười giả cũng có lợi không khác gì tiếng cười tự nhiên.
Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động khác có thể lựa chọn mỗi ngày cho giờ hạnh phúc của mình như chơi cờ, khiêu vũ, hát karaoke. Chúng ta cũng có thể hẹn bạn bè đi ăn trưa, ăn tối và ngồi ăn cùng với nhau. Hay đơn giản là chơi đùa hết mình với con cái, người thân…
GS Danielle Gallegos chia sẻ: "Những giờ phút vui vẻ rất quan trọng và có ích trong việc giảm stress, căng thẳng, mệt mỏi và điều quan trọng hơn là giữ vững các mối quan hệ bạn bè. Giữ được niềm vui, cho đi và nhận lại hạnh phúc mỗi ngày có tác dụng tốt hệt như các chất bổ dinh dưỡng cho cơ thể, hay việc luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày".
Theo PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần học VN, để có trạng thái tâm lý thoải mái, có nụ cười thật sự, mỗi người cần tạo ra ít nhất một giờ hạnh phúc mỗi ngày. Nói một giờ hạnh phúc không phải là đề cập tới dung lượng về thời gian, mà là lưu ý để mỗi người biết cách tự tạo những khoảnh khắc vui vẻ cho chính mình dù là rất ngắn.
NGỌC LOAN
* Bác sĩ ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP (giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):
Tránh lạm dụng thiết bị công nghệ
Thực hành "một giờ hạnh phúc" sẽ giúp chúng ta bảo vệ, duy trì và nâng cao sức khỏe. Trước hết là phòng chống bệnh tật và làm chậm quá trình lão hóa. Thứ hai là giảm thiểu những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Thứ ba là tăng thêm giao tiếp xã hội.
Để có "một giờ hạnh phúc mỗi ngày", chúng ta nên dành thời gian tập luyện thể dục thể thao, các hoạt động rèn luyện thể chất, chế biến những bữa ăn cho gia đình và ngồi ăn cùng nhau. Chúng ta cũng nên dành thời gian giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, người thân...
Để hạn chế không chăm sóc được sức khỏe cho bản thân, chúng ta nên tránh lạm dụng các thiết bị công nghệ, những hoạt động không có sự giao tiếp tiếp xúc như lướt web, chơi điện tử…, tránh ôm đồm công việc, làm việc quên ngày quên đêm và hạn chế mua đồ ăn sẵn, không chăm sóc cho bữa ăn gia đình.
Về giao tiếp xã hội, nên khuyến khích những hoạt động vì cộng đồng.
ThS tâm lý VÕ THỊ MINH HUỆ:
Nên có trạng thái dễ chịu nhất
Trong 24 giờ mỗi ngày, mỗi người nên dành cho mình một khoảng thời gian nhất định để có được trạng thái dễ chịu nhất theo cách mà mình mong muốn. Bởi cơ thể hay tâm trí cũng sẽ bị quá tải khi đạt đến một mức độ nhất định.
Chúng ta không có định nghĩa cụ thể nào về hạnh phúc, cũng không có một mẫu số chung nào cho trạng thái đó. Tất cả là tùy ở mình. Đó là bất cứ điều gì làm mình thấy thực sự thư giãn, tái tạo năng lượng.
Chỉ cần đạt đến trạng thái "dễ chịu" đã là đem đến năng lượng tích cực cho mình rồi, đó cũng đồng nghĩa với việc đem đến năng lượng và chất lượng cuộc sống tốt đẹp. Để chúng ta hứng thú cho công việc, vui sống với gia đình…
Ông QUANG PHÚ (phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM):
"Cười để giấu những dòng lệ rơi…"
Càng có tuổi tôi càng cười nhiều, vì càng có tuổi tôi càng hiểu rằng cách sống vui, sống khỏe là gác ưu phiền, cười nhiều hơn. Dù trong những hoàn cảnh rắc rối hay gặp khó khăn, nếu tôi nghĩ đến giải pháp tích cực thì kết quả sẽ tốt hơn.
Trong nhiều trường hợp rắc rối, thay vì cau có, tôi đùa dí dỏm, cười vui, như vậy ít ra cũng vơi phần nào rắc rối và mọi người đỡ căng thẳng.
Lấy ví dụ khi đi thăm người đau ốm ở bệnh viện hay ở nhà, tôi không hỏi han bệnh mà luôn chọc cười. Hỏi bệnh thì nhiều người đến thăm đã hỏi và người bệnh trả lời nhiều, mệt mỏi rồi.
Tôi muốn nói điều gì đó vui để họ cười, như thế sẽ tốt hơn rất nhiều, xua đi ưu phiền. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã có câu rất hay đó thôi: "Cười lên đi em ơi, cười để giấu những dòng lệ rơi…".
NGUYỄN THẢO DUY (nhân viên Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM):
Cười trên môi, tình yêu nở trong tim
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười...". Chỉ cần những việc làm nhỏ nhưng tâm ta thấy thanh thản, nghĩ tích cực về mọi việc thì ắt niềm vui sẽ ở bên chúng ta.
Tôi rất thích câu: "Chỉ cần nụ cười nở trên môi thì tình yêu sẽ nở trong tim". Nụ cười là liều thuốc an toàn nhất cho mỗi người sau những áp lực, biến cố. Tôi nghĩ tạo ra niềm vui mỗi ngày không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân, mà nó còn lan tỏa những giá trị tích cực đến với mọi người.
Từ khóa » Nụ Cười Dính Lông
-
Sống Ảo - Nụ Cười Của Các Cô Gái đêm 14/2 Này 😂 Cre: K Nhớ...
-
TOP TROLL - Nụ Cười Em Vẫn Như Xưa Mà Lòng Em Sao đã Khác...
-
9 Nét Duyên ở Phái đẹp Mà đàn ông Quan Tâm Nhất
-
Răng Dính Rau, Mắt Như Sắp Rơi Lông Mi Giả: 1001 Tình Huống Khiến ...
-
Day Dứt Một Nụ Cười - Báo Cà Mau
-
Bật Cười Trước Những Khoảnh Khắc Khó đỡ Của Loài Mèo | VOV.VN
-
10 Mẹo Cho Hơi Thở Thơm Mát Và Nụ Cười Rạng Rỡ | Colgate®
-
Những Câu Thả Thính Vui Nhộn MAX Hài Hước Gây ẤN TƯỢNG Mạnh ...
-
Tôi đi Mua...lông đuôi Voi
-
Phẫu Thuật Tạo Khóe Môi Cười - Chi Phí
-
Má Lúm đống điếu Là Gì? Ý Nghĩa Phong Thủy, Nhân Tướng Học
-
Truyện Ngắn: Cỏ Lông Chông - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Jun Phạm Rụng Mớ Lông Vì Pha Wax Bằng Băng Dính, “giận” Lan ...