Cuối Năm Rộ Các Vụ Thôi Miên Lừa Tiền ở Hà Nội

Chiều 7/1 trong lúc đi chợ, chị Nguyễn Ly ở khu tập thể  Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ bị người phụ nữ ngoài 40 tuổi nhờ đổi tiền lẻ. Sau khi cầm tờ tiền của người phụ nữ, chị Ly thấy choáng váng, khó thở,  rút hết tiền trong ví đưa cho người phụ nữ đó. Sau đó, chị thấy mệt nên về nhà. Vài chục phút sau khi hết nhức đầu, chị Ly kiểm tra ví thì hơn 2 triệu đồng đã biến mất.

Bà Minh, chủ cửa hàng bán thẻ điện thoại ở ngõ số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, lúc 15h ngày 6/1, một thanh niên cao to vào cửa hàng hỏi mua nhiều loại thẻ mệnh giá khác nhau của Viettel, MobiFone, VinaPhone. Mang các tập thẻ nhiều mệnh giá cho nam thanh niên chọn, bà Minh bỗng đứng sững người, không thể phản ứng, đưa hết những gì cầm trong tay cho người thanh niên.

Thấy lạ, chị Lan, chủ cửa hàng bán chè và hoa quả, hàng xóm của bà Minh liền chạy lại can thiệp, giúp đỡ. Chị Lan phát hiện người thanh niên kia cầm nhiều tập thẻ và đè trên bằng vài tờ tiền mệnh giá 100 nghìn, đang liến thoắng khua tay cho đồ vào túi, chuẩn bị ra xe tẩu thoát. Chị Lan hỏi giá và yêu cầu vị khách kia trả tiền. Thấy vậy, người này quay sang yêu cầu chị Lan bán cho mấy cốc chè và gắt: “Chị đừng thọc mạch việc của người khác, tập trung vào bán hàng cho khách!”.

Thấy chưa thể lừa được, gã thanh niên cầm lấy cốc chè ăn vội và lấy cớ ra dựng lại xe đang dựng bên lề đường rồi tẩu thoát, quỵt luôn tiền chè. “Tôi thấy bà Minh đứng sững không nói, không cử động được nên ra vỗ vai nói chuyện. Tuy nhiên, bà Minh cứ nhìn chằm chằm vào thanh niên kia. May mắn là tôi can thiệp kịp thời. Khi thanh niên kia phóng xe tẩu thoát, bà Minh vẫn trong trạng thái lơ mơ, phải về nhà nằm nghỉ”, chị Lan cho biêt.

“Thời điểm này là “tháng củ mật”, bà con cần phải hết sức cảnh giác với các loại tội phạm, đặc biệt là lừa đảo. Nhiều đối tượng giả vờ vào nhà hoặc tiếp xúc ngoài đường để hỏi thăm, làm quen rồi lợi dụng sơ hở cho thuốc mê vào cốc nước hoặc đồ ăn gì đấy khiến chủ nhà, người đối diện bị ngấm thuốc rồi trộm cắp tài sản”. Theo Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Công an quận Hoàng Mai

Chị Nguyễn Hương Nhu ở tổ 28, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy kể lại, cách đây 2 tuần, chị tan ca chiều và đạp xe về nhà. Trên đường từ Cầu Giấy qua đoạn Xuân Thủy, chị nhìn thấy một sợi dây chuyền rơi từ túi người đi xe máy rất chậm phía trước. Chị dừng lại nhặt và kêu người đánh rơi sợi dây chuyền để trả. Tuy nhiên, khi chị tiếp xúc với người người phụ nữ vừa làm rơi đồ, lập tức bị “thôi miên”, đưa tay lên tháo sợi dây chuyền bằng vàng (trọng lượng 3 chỉ) đưa cho chị ta. Khi người phụ nữ “thôi miên” phóng xe đi, chị Nhu lờ mờ nhận ra mình vừa bị lừa, liền hô và đuổi theo nhưng không kịp.

Ngày 2/1, tại phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, chị Lê Thị Miên, chủ quán bán hàng tạp hóa cũng bị hai cô gái tới mua hàng “thôi miên”. Hai cô gái đứng quanh chị Miên liên tục đốt và hút thuốc khiến chị khó thở. Sau đó, chị Miên thất thần mở két, lấy hết tiền trong két đặt lên mặt kính của quầy hàng cho hai cô gái. May mắn, đúng lúc đó, chồng chị Miên ở trong nhà đi ra thấy vợ hành động kỳ lạ liền thu hết số tiền và yêu cầu 2 cô gái ra khỏi cửa hàng.

Cần cảnh giác trong “tháng củ mật”

Liên quan đến các hiện tượng bị (nghi bị) thôi miên lừa đảo, đại úy Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khẳng định chưa có trường hợp nào thực tế bị thôi miên đến cơ quan điều tra trình báo.

Theo đại uý Cường, tất cả những trường hợp từ trước tới nay chủ yếu là thông tin một phía, một chiều từ bị hại cung cấp cho báo chí hoặc người ngoài rồi lan truyền. “Những trường hợp tố bị thôi miên chủ yếu đánh vào lòng tham của người dân. Điển hình như mới đây trên mạng lan truyền clip một người đàn ông giả vờ vào mua hàng rồi dùng điện thoại iphone thôi miên, thuyết phục chủ cửa hàng “Sản vật dân tộc” trên đường Lương Thế Vinh đưa tiền trong ví. Tuy nhiên, chủ cửa hàng này đến nay vẫn chưa tới công an quận Nam Từ Liêm trình báo”, đại úy Cường cho biết.

Theo Phương Hiếu-Tuấn Nguyễn/TPO

Từ khóa » Thôi Miên Vỗ Vai