Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind) » Giới Thiệu

Vào năm thứ ba mươi sáu của thế kỷ XX, một sự kiện được ghi lại trong lịch sử văn học hiện đại nước Mỹ. Đó là sự ra đời của một tác phẩm văn học chẳng những mau chóng thu phục được tấm lòng người dân Mỹ mà còn cả trái tim của hàng triệu người trên khắp các lục địa. Tác phẩm ấy mang tên Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind).

Chỉ ba tuần sau khi được xuất bản Cuốn theo chiều gió đã thu hút ngay sự chú ý của hơn mười bảy vạn độc giả. Và liền năm sau 1937, nó được tặng giải thưởng Pulitzer, một giải thưởng được nhiều nhà văn ao ước. Đến tháng Mười hai cây Sồi năm 1938 hơn một triệu bảy bản đã được ấn hành tại nước Mỹ. Sau đó đúng một năm khi bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết này lần đầu tiên ra mắt khán giả Mỹ, hơn hai triệu bản Cuốn theo chiều gió đã được in và dịch ra mười sáu thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tính đến năm 1962 thì lên tới hơn mười triệu bản và cuốn sách được dịch ra hơn ba chục thứ tiếng và đã được chuyển thể thành sách cho người mù đọc.

Cuốn theo chiều gió là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ tác giả Margarett Mitchell. Bà sinh năm 1900 tại Atlanta (bang Georgia, Mỹ) và cũng qua đời tại thành phố này ngày 16 tháng 8 năm 1949. Cha bà là một luật gia nổi tiếng chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử Atlanta. Mẹ và anh Margarett Mitchell cũng rất thích lịch sử. Sống trong một bầu không khí như thế, cô bé Margarett ham say nghe những chuyện kể về cuộc Chiến tranh Ly khai Nam Bắc. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Atlanta, Margarett theo học y khoa tai trường Đại học Smith. Nhưng cái chết đột ngột của mẹ đã thay đổi hoàn toàn hướng đi của Margarett. Cô trở về quê hương sống với cha và anh. Sau đó cô bắt đầu nghề báo dưới bút danh Peggy Mitchell. Nhưng một tai nạn đã là Margarett giập mắt cá và buộc phải bỏ nghề làm báo. Năm trước, 1925 cô đã kết hôn với John.R.March, giám đốc phụ trách quảng cáo cho Công ty Điện lực Georgia.

Trước đó nhiều lần Margarett Mitchell đã thử viết tiểu thuyết và một số truyện ngắn. Nhưng lần nào bản thảo cũng bị trả lại với một lời xin lỗi và nhận xét gần như muôn thuở: “Sách của bà khá lý thú, nhưng đăng vào lúc này không thích hợp”. Nhưng Margarett Mitchell không hề nản chí mà vẫn kiên trì sáng tác. Cũng vào năm 1936 bà bắt tay thật sự vào cuốn tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Cuốn theo chiều gió. Bà đã viết trong mười năm ròng trong một tâm trạng gần như bệnh hoạn. Cung cách là việc của Margarett Mitchell khá là độc đáo. Chẳng hạn bà đã viết kết luận trước khi triển khai cốt truyện. Bà thu thập các tình tiết, góp nhặt những tư liệu mới, phát triển tính cách các nhân vật của mình, thậm chí sống cuộc sống của họ. Người ta kể lại rằng, một đêm Margarett ngồi cặm cụi viết trong căn phòng nhỏ của mình. Bỗng nhiên ngưòi nhà nghe thấy tiếng nức nở của bà. Người ta gõ cửa phòng nhưng Margarett nhất định không chịu mở cửa. Sáng hôm sau, đầu tóc rối bù, mắt thâm quầng vì qua một đêm không ngủ, Margarett Mitchell hét lên “Melannie đã chết rồi!” Lời nói đó thốt ra từ trái tim nặng trĩu của tác giả khóc than cho số phận một nhân vật mà bà vô cùng yêu mến. Nỗi đau khổ tột cùng này, gợi cho ta nhớ lại tâm trạng của L.Tolstoy hay của G.Flaubert trước cái chết thảm thương của Anna Karenina và của bà Bovary.

Năm 1935, H.S.Latham, phó giám đốc nhà xuất bản MacMilian, một nhà xuất bản lớn của Mỹ, đến Atlanta, ông đã xem qua công trình đồ sộ nhưng còn dị dạng kia. Ông đã ấn định một thời hạn và vào mùa xuân năm 1936 cuốn tiểu thuyết ra đời. Nó đã thu được một thắng lợi vang lừng. Có những ngày năm vạn cuốn sách bán hết tại nước Mỹ. Vinh quang rực rỡ đó không hề thay đổi bản chất của Margarett Mitchell. Bà vẫn tiếp tục tự do sống trong ngôi nhà nhỏ tại Atlanta, tiếp tục một cuộc sống vô cùng giản dị. Thư từ và hàng vạn điện tín của độc giả tới tấp gửi đến ca ngợi bà. Ngày ngày Margarett Mitchell đã ngồi trong phòng kiên nhẫn và hòa nhã trả lời thư tín của các độc giả ngưỡng mộ bà. Tuy nhiên bà đã buộc phải ra mắt công chúng nhân dịp cuốn phim cùng tên Cuốn theo chiều gió được chiếu lần đầu, vì có nhiều kẻ gian dối đã mạo danh bà làm điều xằng bậy. Năm bốn mươi chín tuổi, trong khi cùng chồng đi qua một đường phố Atlanta, bà bị một chiếc xe tải đâm phải. Năm ngày sau bà qua đời giữa muôn vàn thương tiếc của người thân và bạn đọc. Người phụ nữ nhỏ bé, duyên dáng và khiêm nhường có đôi mắt màu xanh xinh đẹp đó đã từng nói: “Tôi chỉ tìm thấy mình trong công việc và tác phẩm mà thôi; còn cái riêng tôi thì chẳng là gì cả.”

Các nhà phê bình văn học đã viết rất nhiều về Cuốn theo chiều gió. Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về tác phẩm văn học này.

Nhưng có một điều không thể chối cãi được là vào bất kì thời nào nó cũng được các bạn đọc trẻ tuổi ham thích. Câu chuyện được đặt trong bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh Nam Bắc phân tranh giữa một bên là Miền Bắc công nghiệp, đại diện cho lực lượng tiến bộ chủ trương thủ tiêu chế độ nông nô, và một bên là Miền Nam – đại diện cho lực lượng bảo thủ phản động ngoan cố duy trì chế độ nô lệ da đen. Nhân vật chủ yếu của cuốn tiểu thuyết hơn một nghìn trang là Scarlett O’Hara. Scarlett là một cô bé xinh đẹp, con gái một điền chủ giàu có. Được nuông chiều từ bé, Scarlett rất ngang bướng và ích kỷ, nhưng có nhiều nghị lực. Sau khi Atlanta thất thủ, Scarlett quay về trang trại của mình và bắt tay xây dựng lại từ đầu. Nhờ có tính ngoan cường và cách suy nghĩ thực tế, Scarlett đã cứu cửa nhà khỏi sự tàn phá của quân lính tướng Sherman. Những khó khăn khủng khiếp do cuộc chiến tranh tàn khốc gây ra đã rèn luyện tính cách của Scarlett nên đén cuối chiến tranh nàng đã trở thành một con ngưòi hoàn toàn khác hẳn. Song song với Scarlett là một nhân vật rất điển hình; Rhett Butler, một con người hết sức thực dụng và mưu trí. Rhett Butler đã lợi dụng chiến tranh và phong tỏa để thực hiện nhiều vụ áp phe lớn mang lại cho y rất nhiều lợi nhuận. Scarlett và Rhett hợp nhau ở rất nhiều điểm, nhưng vì kiêu căng và ngộ nhận Scarlett đã cự tuyệt tình yêu, mãi đến cuối cùng sau khi đã chia tay với Rhett, nàng mới nhận thức sâu sắc rằng chính Rhett mới là người yêu lý tưởng của mình. Trong khi đó suốt bao nhiêu năm ròng nàng vẫn tưởng mình yêu Ashley Wilkes, chồng Melanie.

…Tuy là nhân vật thứ yếu, Melanie và Ashley đã để lại một ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người đọc. Melanie gợi nhớ lại cho ta hình ảnh của Agnes dịu hiền trong David Copperfield của Dickens. Nhưng nhguời con gái yếu đuối đôn hậu kia trong giây phút quyết liệt đã dám nổ súng vào kẻ thù để cứu bạn. Còn Ashley thì quả là một nhân vật đầy mâu thuẫn. Phải chăng đó là một kẻ hèn nhát, thiếu nghị lực và quyết đoán, một vai trò tẻ nhạt tầm thường? Tuy nhiên khi đi sâu tìm hiểu tâm tư tình cảm của con người hào hoa phong nhã đó, ta sẽ thấy cảm thông với chàng thanh niên dũng cảm, hăm hở lên đường ra trận nhưng hoàn toàn vỡ mộng sau thảm hại ở Appomatto.

Câu chuyện thực ra không có gì là phức tạp, rắc rối cả. Mọi tình tiết đều diễn ra rất logic, ít mang tính kịch cao. Nhưng xoay quanh những tình tiết không mấy li kì đó Margarett Mitchell đã khắc họa nên những nhân vật hết sức điển hình, tiêu biểu cho những cá tính và những quan niệm riêng biệt, độc đáo. Điều này cắt nghĩa tại sao Cuốn theo chiều gió được sự hưởng ứng mạnh mẽ và mau lẹ của độc giả trong và ngoài nước Mỹ. Dĩ nhiên ta không thể phủ nhận là bộ phim phát hành năm 1939 đã góp phần không nhỏ vào hành công to lớn và lâu dài của cuốn sách.

Hơn năm mưới năm đã qua từ ngày Cuốn theo chiều gió xuất hiện trên văn đàn thế giới. Bao nhiêu cuộc chiến tranh đã xảy ra trên hành tinh chúng ta, phi nghĩa cũng như chính nghĩa. Bao nhiêu thế hệ độc giả đã say sưa đọc và xem Cuốn theo chiều gió. Những thế hệ tương lai sẽ tiếp tục say mê Cuốn theo chiều gió. Vì cuốn tiểu thuyết lớn của Margarett Mitchell đã khơi dậy trong lòng các thế hệ độc giả khác nhau tình yêu quê hương xứ sở, tình thương đồn đội. Nó đã tiếp thêm nghị lực và kiên nhẫn để vượt qua mọi đau thương gian khổ mà chiến tranh mang lại cho con người. Và quan trọng nhất là nó đã dựng được những nhân vật điển hình khó lòng quên được.

Vì thế mặc dù Cuốn theo chiều gió còn nhiều thiếu sót về mặt quan điểm lịch sử, mặc dù những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức đối với bọn ba K (KKK – Ku Klux Klan), chúng ta không thể phủ nhận cống hiến của Margarett Mitchell đối với kho tàng văn học thế giới.

Mấy chục năm qua, ở Việt nam đã dịch và xuất bản hơn một lần Cuốn theo chiều gió. Với lần xuất bản này chúng tôi hy vọng đáp ứng lòng mong đợi của độc giả.

Từ khóa » Giới Thiệu Sách Cuốn Theo Chiều Gió