Cuốn Tiểu Thuyết để đời Của Một Cây Bút Trí Thức
Có thể bạn quan tâm
Cuốn tiểu thuyết để đời của một cây bút trí thức
Số phận đặc biệt của cuốn sách Tiền Chung Thư . Vòng đời vây bủa ( chữ Hán trong nguyên văn : Vi thành )… Có lẽ đối với nhiều bạn đọc Việt Nam hôm nay , kể cả các thày giáo các sinh viên , những người có yêu và tìm hiểu văn học Trung quốc , cái tên đó chưa gợi ra một ý niệm gì cả . Thế nhưng chúng ta hãy cùng đọc lại một ít tài liệu đăng tải trên chính báo chí in ở Hà Nội . Báo Văn hoá số ra 10-6 -2001 dẫn lại nguồn tin của tờ báo tiếng Anh Tuần châu á : Một hội đồng gồm 14 nhà văn và giáo sư hiện sống ở đại lục cũng như Đài Loan , Hồng Kông , Malaysia đã thử tổng kết văn học thế kỷ XX bằng cách chọn ra 100 tác phẩm tiểu thuyết viết bằng Trung văn được xem là hay nhất , được bạn đọc yêu mến nhất . Trong danh sách này có Vòng đời vây bủa . Còn đây là tin trên báo Văn nghệ số ra 25-10-2003 : Mạng Tân lãng ( làn sóng mới ) mở cuộc bình chọn qua mạng một danh sách những cuốn gây ảnh hưởng nhất đến người Trung quốc thế kỷ XX . Cuộc bình chọn lần này không chỉ bao gồm tiểu thuyết mà cả sách nghiên cứu khảo luận . Bên cạnh những Gào thét , Nửa đêm , Một nửa đàn ông là đàn bà , Phế đô ….thì Vòng đời vây bủa lại có mặt . Qua các tài liệu Trung văn , in ở Bắc Kinh , Thượng Hải v..v.. người ta được biết thêm : Tác phẩm này thường được đưa vào thành mục riêng trong các bộ từ điển văn học mới xuất bản . Lại cũng thường được miêu tả như một sự kiện quan trọng của cái năm mà nó ra đời . Theo cuốn Trung học sinh trung ngoại văn học danh trứ đạo độc (NXB Hoa Kiều , Bắc Kinh , 2001), , Vòng đời vây bủa nằm trong danh sách những cuốn tiểu thuyết kinh điển mà từ sau 1976 , Bộ giáo dục Trung quốc quy định học sinh bắt buộc phải đọc ( cả thảy chỉ có hơn chục cuốn được xếp hạng như vậy , chứ không phải nhà văn nào cũng tràn vào nhà trường như bên ta ) . Trong thực tế xuất bản , từ 1980 tới 2003, riêng nhà xuất bản Văn học nhân dân đã in và phát hành 24 lần tổng số bản in lên tới 710.000 bản Ngược lại quá khứ : Ra đời 1947 , Vòng đời vây bủa được in lại liên tục trong các năm 1948-1949 . Chẳng những thế , tác phẩm cũng sớm được giới nghiên cứu ngoài nước chú ý . Trong cuốn A History of modern Chinese Fiction (Lịch sử tiểu thuyết hiện đại Trung quốc ) , in ra ở Yale University Press , New Haven 1961 bên Mỹ , Vòng đời vây bủa được tác giả là nhà nghiên cứu gốc Hoa là Hạ Chí Thanh (C.T.Hsia ) đặc biệt ưu ái . Ông cho rằng đây “ có lẽ là truyện dài có giá trị nhất trong văn học Trung Hoa hiện đại : truyện hấp dẫn , văn điêu luyện , mỉa mai thú vị , tính cách nhất trí , bố cục chặt chẽ “ ( Nguyễn Hiến Lê dẫn lại trong Văn học Trung quốc hiện đại , 1898-1960 , S. 1969 ) Trong sự biến động muôn màu muôn vẻ của đời sống , Vòng đời vây bủa gợi cảm tưởng một giá trị chân chính , có thể do lý do nào đó nhất thời nó bị quên lãng , nhưng về sau lại người ta lại phải nhớ đến nó . Đại khái , so với tình hình bên Việt Nam , thì cũng giống như trường hợp cuốn Số đỏ . Xếp xó một thời và tái sinh rực rỡ . Tức thuộc về những gì người ta phải đọc mãi .Một cách tồn tại trong văn học Trong lịch sử văn học Trung quốc từ sau 1949, một thời gian dài , Tiền Chung Thư chỉ được biết đến như một nhà nghiên cứu văn thơ cổ . Năm 1962, một bộ Lịch sử văn học Trung quốc đồ sộ đã được biên soạn và in ra ở Bắc Kinh , sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt (1963) . Người chủ biên phần văn học Đường Tống của bộ sách này chính là Tiền Chung Thư . Kèm bên tên ông, đã có lúc người ta đọc được chức danh : Phó chủ nhiệm Viện khoa học xã hội . Tuy nhiên , với việc đi sâu vào văn học cổ điển , có lẽ cái chính khiến ông tồn tại được là ở phần chuyên môn thuần tuý . Công trình được nhắc nhở nhiều nhất của ông hồi ấy là bộ Tống thi tuyển chú . Một ví dụ cho thấy cách làm của ông : Có một tác giả nổi tiếng là Văn Thiên Tường . Bài thơ Chính khí ca của nhà thơ này , như lời dẫn của Nguyễn Hiến Lê trong Đại cương văn học sử Trung quốc ( in ở Sài gòn trước 1975 và gần đây đã được tái bản ) “ tráng liệt như cầu vồng bắc ngang trời “ . Nhưng lúc làm tuyển tập nói trên , Tiền Chung Thư không chọn . Ông không tuyên bố , nhưng có thể đoán là đối với ông , văn thơ tồn tại là ở chất lượng nghệ thuật chứ không phải cái phần nội dung hôi hổi kích động lòng người . Mười năm động loạn ( Cách mạng văn hoá ) , đã có lúc người ta hạch ông về việc này . Cũng may , nhờ có công lớn trong việc dịch Thơ từ Mao Trạch Đông ra tiếng Anh , mà ông thoát nạn . Cho tới trước 1976 , nếu chỉ đọc các tài liệu chính thức , thì chắc chắn không ai biết đến con người sáng tác ở Tiền Chung Thư . Chúng tôi không có tài liệu nói rõ nội tình của giới văn học đại lục thời gian ấy , chỉ dự đoán tác phẩm của ông không thuộc “ giai điệu chính “ , nên người ta lờ đi coi như không có , phần chủ quan thì ông thây kệ , chẳng buồn đòi hỏi . Mà thế cũng phải . Cùng viết với ông hồi trước 1949, có một nhà văn cũng nổi tiếng là Lý Cật Nhân . Ông này có cuốn Tử thuỷ vi lan ( Nước đọng sóng nhỏ ) viết từ 1937 , nay muốn được in lại , liền mang sửa chữa cho hợp thời , rút cục chỉ gây trò cười cho đồng nghiệp . Tiền Chung Thư có quan niệm khác . Thà sống trong im lặng , thà bị lãng quên , chứ không chịu theo thời . Trong đời sống văn học hiếm có người có được một cuốn sách hay như thế , lại dám từ bỏ việc sáng tác như thế . Từ bỏ vinh quang trước mắt bởi biết rằng tác phẩm của mình là thuộc về cái phần vĩnh viễn lâu dài . Đây là cái điều chỉ những người có niềm tin lớn nơi mình mới làm nổi . Đâu là chỗ không thể thay thế được của Vòng vây cuộc đời ? Từ các tác phẩm Nửa đêm của Mao Thuẫn , Gia đình của Ba Kim , Tứ thế đồng đường của Lão Xá , đến những tác phẩm mới dịch in mấy chục năm gần đây , Biến đổi ở Lý gia trang , Tam Lý loan của Triệu Thụ Lý , Bài ca tuổi trẻ của Dương Mạt , Đá đỏ của La Quảng Bân, Dương ích Ngôn… người ta có thể đọc ra một nét chung của tiểu thuyết Trung quốc thế kỷ XX là sự ưu tiên cho các đề tài đấu tranh xã hội . Kinh nghiệm lịch sử của nước Trung Hoa dạy các nhà văn tập trung vào những vấn đề lớn chi phối vận mệnh con người và xã hội . Đặt trên cái nền chung này , Vòngđời vây bủa hiện ra như một cái gì khác hẳn . Trước câu hỏi thế nào là vấn đề lớn , ông có cách trả lời riêng . Nếu những tác phẩm nói trên chú ý tới cái phần rực rỡ , sôi nổi , những gì nổi lên trên bề mặt ở xã hội và con người ,thì Tiền Chung Thư chú ý tới cái phần bình thường mờ xám khuất lấp nhưng lại dai dẳng tồn tại nơi họ . Cuộc đời trong sách của Tiền Chung Thư gợi ra cảm giác vừa vui vừa buồn vừa hài hước vừa bi thảm , mọi thứ dang dở nhoè nhoẹt mà không sao có được đường viền cho rõ rệt . (Nghe tới chỗ này những người hiểu biết văn học Nga hẳn nhớ trường hợp Tchékhov : người ta bảo rằng ông không miêu tả con người lên bắc cực để đánh nhau với gấu , con người trong tác phẩm của ông chỉ ở nhà ăn xúp và cãi nhau với vợ . Nhưng chính vì thế mà Tchékhov được coi là người đổi mới văn xuôi cổ điển Nga . ) Tuy bối cảnh được miêu tả trong Vòngđời vây bủa là một giai đoạn cực kỳ rối ren trong lịch sử Trung quốc , song nó chỉ hiện ra như một cái nền với những nét phác hoạ sơ sài . Người ta chỉ mang máng cảm thấy nó qua vài câu giao đãi xa xôi. Còn nổi lên rõ hơn cả là sự trôi nổi bất lực cùng cái chán ngán buông trôi của những con người rất bình thường nếu không nói là có nhiều khía cạnh tầm thường . Họ không có cái cuồng nhiệt muốn lý giải đời sống . Càng không có cái ham hố muốn tính chuyện tác động vào nó nhằm thay đổi nó . Trong cảnh long đong lận đận , Phương Hồng Tiệm với vốn kiến thức học ở phương Tây về cũng không biết nên làm gì . Loanh quanh chỉ thấy anh ta phải đối mặt với những chuyện bình thường . Nhu cầu tình cảm ( tình yêu ) . Hoặc quyết liệt hơn là việc kiếm sống ( đi dạy học ). Khía cạnh chính trong con người anh ta chính là cái sự thất bại , sự bất lực . Theo như cách nói của cuốn Trung học sinh Trung ngoại danh trứ đạo độc đã nói ở trên , Vòngđời vây bủa không thuộc loại tiểu thuyết phúng thích như Nho lâm ngoại sử , cũng không thuộc loại ngôn tình ( đi sâu vào tình yêu) , mà phải gọi đây là một thứ tiểu thuyết nhân tình thế thái , nó chủ yếu miêu tả những chỗ yếu và biểu hiện cái hoang lương quạnh quẽ của kiếp nhân sinh . Cần nói thêm là khi miêu tả loại nhân vật như vậy , rõ ràng tác giả không có ý định nêu gương cũng không định đưa nhân vật ra làm mẫu cho mọi người . Ông chỉ ghi nhận anh ta như một con người có thật , hèn kém ư, cao thượng ư, cái gì con người ấy cũng có. Nhưng có lẽ chính vì thế mà cuốn sách và nhân vật trở nên gần gũi với bạn đọc . Phương Hồng Tiệm cũng như các nhân vật khác , bạn của anh ta , người yêu anh ta và vợ anh ta không thuộc riêng về thời nào , mà có tính cách phổ biến , thời nào cũng có . Một hướng phát triển của tiểu thuyết Trong hệ thống tiểu thuyết cổ điển của Trung quốc , nếu những Tam quốc Thuỷ hử tiêu biểu cho loại tiểu thuyết anh hùng thì Kim Bình Mai mở ra một hướng mới là loại tiểu thuyết đời thường . Đến Nho lâm ngoại sử , bản thân cái tên ngoại sử cũng đã xác định một phần nội dung tác phẩm : chữ ngoại sử bao hàm cái ý người viết muốn giao hẹn trước là ở đây không nói những chuyện trong sử sách chính thức đã nói , mà chỉ nói những chuyện lâu nay bị coi là chuyện bên lề , chuyện ngồi lê đôi mách ; không muốn đi vào những cái hùng vĩ cao cả mà chỉ nói những chuyện có vẻ tầm thường , vụn vặt , thường khi là chuyện cười dở khóc dở . Thế nhưng ngẫm cho kỹ , giữa hai cái đó thật ra cái nào là chính cái nào là phụ thì rất khó . Bởi chuyện bên lề chuyện lặt vặt nhiều khi lại ám ảnh con người , chi phối họ , làm cho họ sướng vui đau khổ hơn mọi thứ chuyện gọi là chính của cuộc đời . Theo cách nhìn nhận đó , có thể nói loại tiểu thuyết như Kim Bình Mai là một hướng ghi lại lịch sử theo con mắt dân gian . Nó bổ sung cho thứ lịch sử chính thống khô cứng giả tạo một vẻ sinh động tự nhiên . Và ở giai đoạn cuối của văn học trung đại, hướng ghi chép cuộc đời như thế này đã phát triển thành cả một hướng tư duy văn học , nó cũng là điều kiện tự nhiên để Trung quốc tiếp nhận và làm giàu thêm cho mình những quan niệm tiểu thuyết của phương Tây . Lý do khiến cho trong các tài liệu nghiên cứu về văn học Trung quốc hiện đại nhiều người gọi Vòng đời vây bủa là một thứ Nho lâm ngoại sử hiện đại trước tiên là ở nội dung : Cuốn tiểu thuyết độc đáo của Tiền Chung Thư không chỉ nói đến cái ước vọng cao xa mà cả sự hèn yếu của giới trí thức , sự bất lực đáng thương trong cái đời thường mòn mỏi vô nghĩa của họ . Rồi cái nội dung lùng nhùng làng nhàng đó được chuyển vào hình thức : ở đây , đời sống được kể lại không phải bằng cái giọng vổng lên chói tai kiểu những lời kêu gọi hoặc những lời kết án cay nghiệt và chửi bới tùm lum . Mà bao trùm ở đây là một thứ giọng đều đều của một kẻ bình tĩnh chấp nhận mọi chuyện và không thôi hứng thú khi thấy cuộc đời lại kỳ cục đến thế . Điều này rất đúng với các định nghiã về tiểu thuyết được lưu hành rộng rãi ở phương Tây. (Chẳng hạn , đây là định nghĩa của W. Kayser “Câu chuyện về thế giới nói chung , được kể theo lối cao giọng , được gọi là sử thi . Còn câu chuyện về thế giới riêng tư được kể một cách vui vẻ hồn nhiên , được gọi là tiểu thuyết “ . ) Có điều lạ là đồng thời , trong hình hài của nó , Vòng đời vây bủa lại có dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết đặc Trung quốc . Nặng về kể hơn là tả . Không quá chú trọng tâm lý mà chỉ diễn tả tâm lý qua hành động . Cái hình của truyện cũng không cần phải công phu tạo dựng , đại khái có người là có truyện , kể về người đến đâu , truyện phát triển theo đến đó . Đây là lối viết tiểu thuyết đã thấy từ các bộ truyện cổ điển nay còn tái xuất hiện những cuốn mới nổi trong thế kỷ XX như Rừng thẳm tuyết dày , hoặc gần đây hơn là trường hợp cuốn Phế đô của Giả Bình Ao . Đặt vào cái mạch này , Vòng đời vây bủa là một mắt xích tự nhiên và cũng có thể nói là cần thiết nữa . Một cảm hứng thống nhất Nhận xét về nhân vật Phương Hồng Tiệm , giáo trình Văn học hiện đại của Đại học nhân dân Trung quốc (in ở Bắc Kinh năm 2001 ) bảo rằng anh ta không phải là anh hùng mà cũng không phải là quỷ ác , anh ta chỉ là người bình thường . Sự bình thường nói ở đây đồng nghĩa với đa dạng , nhiều sắc thái . Vẻ bình thường hiểu theo nghĩa sự thống nhất của những mặt đối lập ấy ở Vòng đời vây bủa còn thấy được lặp lại ở nhiều khía cạnh khác : -- về triết lý nhân sinh , cuộc đời ở đây là thứ vừa khiến người ta chán ngán vừa không thôi quyến rũ , yêu không được mà ghét cũng không được . Cái nhìn của tác giả vừa lạc quan vừa bi quan .-- về sắc thái thẩm mỹ , giọng văn trung hoà , ẩn sau những lời miêu tả vô tình là nụ cười ý nhị . -- trên nét lớn , tác phẩm vừa gợi cảm giác rất tây , vừa Trung quốc một cách tự nhiên , trộn không lẫn như trên vừa nói . Điều này cũng thấy rõ trong vận mệnh ngòi bút tác giả . Tiền Chung Thư vốn có tên tự là Mặc Tồn . Mặc ở đây tức là im hơi lặng tiếng , tồn là còn ( như trong chữ tồn tại ) , có thể bảo mặc tồn là sống trong quên lãng cũng không sai . Nhìn lại cuộc đời tác giả Vòng đời vây bủa, người ta thấy ông đã xếp đặt đời mình đúng như vậy : khiêm cung , lặng lẽ , tưởng như là nhạt nhẽo , tên tuổi không bao giờ thành chuyện thời sự , lại chắc chắn không là cái đích để bàn luận . Song vẫn có thể nói những đỉnh cao chói lọi mà một nhà văn Trung quốc thế kỷ XX có thể đạt tới thì ông cũng đạt tới . Sách văn học sử hiện đại phải có những chương riêng để viết về ông . Ngày ông qua đời được coi như là một sự kiện . Trong lúc cao hứng , có người còn mệnh danh ông là một thứ đỉnh núi Côn Lôn trong văn hoá . Và có điều chắc là những gì ông viết rồi ra còn được đọc mãi . Nhận rằng ông đã miêu tả rất giỏi cái cảm giác về sự phong bế vô tận mà mọi kiếp nhân sinh phải chịu -- tức cũng là nói ông lại đã thoát ra khỏi thứ thiên la địa võng trùng trùng điệp điệp đó để dám là mình , nhởn nhơ là mình . Một cuộc đời như Tiền Chung Thư và một cuốn sách như Vòng đời vây bủa cuối cùng gợi cho người ta cảm tưởng đời sống văn học vốn muôn hình muôn vẻ , nhiều tầng nhiều lớp , luôn luôn người ta có thể nhắc lại câu Kiều ở trong còn lắm điều hay . Mà cái cách tồn tại trong văn học thì chẳng ai giống ai, làm cho người đời phải đọc cố nhiên là khó rồi , làm cho người ta đã định quên đi mà quên không nổi , vẫn phải đọc phải nói tới , lại có phần khó hơn nữa . Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ SỐ TRUY CẬP onlineTừ khóa » Vòng đời Vây Bủa
-
Vòng đời Vây Bủa - Tiểu Thuyết Của Tiền Chung Thư - GIẢM 21%
-
Vòng đời Vây Bủa
-
Vòng đời Vây Bủa : Tiẻ̂u Thuyé̂t (Book, 2004) []
-
Vòng đời Vây Bủa
-
VÒNG ĐỜI VÂY BỦA - VONG DOI VAY BUA - .vn
-
Books By Sơn Lê (Author Of Vòng đời Vây Bủa) - Goodreads
-
Sơn Lê (Translator Of Vòng đời Vây Bủa) - Goodreads
-
Tiền Chung Thư: Vòng đời Bủa Vây
-
Vòng Đời Vây Bủa Giá Rẻ Nhất Tháng 06/2022
-
Võ Ngọc Anh - ở đây Còn Cuốn Tiểu Thuyết "Vòng đời Bủa... | Facebook