Cưỡng ép Hoặc Lừa Dối Kết Hôn Thì Bị Xử Lý Như Thế Nào - THAIHA LAW

MỤC LỤC

  • 1. Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật ?
  • 2. Thế nào là kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật ?
  • 3. Cưỡng ép kết hôn bị xử lý như thế nào ?
  • 4. Kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh bị xử lý như thế nào ?
  • 5. Lừa dối kết hôn bị xử lý như thế nào ?
  • 6. Hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện kết hôn ?

1. Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật ?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây :

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau :

– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

2. Thế nào là kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật ?

Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn.

Xem thêm : Tải về mẫu đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật mới nhất

3. Cưỡng ép kết hôn bị xử lý như thế nào ?

Câu hỏi : Ông bà B có con trai đã 25 tuổi, bị bệnh đao bẩm sinh. Vì muốn lấy vợ cho con trai, bà B đã tìm cách vu cáo cho chị Y – người giúp việc lấy trộm số tiền 1.000.000 đồng. Bà B  đe dọa nếu chị Y không muốn bị báo công an, không muốn bị đi tù thì phải lấy con trai bà, vừa được làm chủ nhà, không phải làm người giúp việc lại có cuộc sống sung túc. Vì nhận thức hạn chế, trình độ văn hóa thấp nên chị Y đã đồng ý lấy con trai bà B. Hôn lễ chỉ tổ chức giữa hai gia đình mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phường. Việc làm của bà B có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Luật sư tư vấn :

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Như vậy bà B đã thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn.

Hành vi cưỡng ép kết hôn bị cấm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Theo Điểm c Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi cưỡng ép người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 181 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, Bà B đã dùng thủ đoạn gian dối để vu cáo cho chị Y là có hành vi trộm cắp tài sản, từ đó uy hiếp tinh thần chị Y và đe dọa, buộc chị phải kết hôn với con trai mình. Hành vi của bà B là vi phạm pháp luật và tùy tính chất, mức độ vi phạm, bà B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định trên.

Câu hỏi : Theo lời thầy tử vi, nếu chị H kết hôn với anh P thì sẽ có cuộc sống sung túc, anh P cũng thăng tiến trên đường công danh. Biết thế, bố chị H yêu cầu chị phải lấy anh P, mặc dù anh P theo đuổi chị đã lâu, nhưng chị H không có tình cảm gì và cũng không muốn kết hôn. Thấy con gái không chịu kết hôn với P, bố chị H đã nổi giận và nói sẽ “từ” con. Không khí gia đình nặng nề, căng thẳng, chị H sợ mang tiếng là bất hiếu nên cuối cùng đồng ý lấy P làm chồng. Hỏi, bố chị H có vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình không? Nếu có thì hành vi này bị xử lý như thế nào?

Luật sư tư vấn :

Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ (Khoản 9 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Như vậy, trong vụ việc trên, hành vi của bố chị H là hành vi cưỡng ép kết hôn.

Hành vi cưỡng ép kết hôn bị cấm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Theo Điểm c Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi cưỡng ép người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 181 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

4. Kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh bị xử lý như thế nào ?

Câu hỏi : Anh J và chị O học tiểu học cùng nhau, anh J theo bố mẹ sang định cư tại Đan Mạch. Khi về thăm quê, anh J có gặp lại chị O, từ đó cả hai nối lại tình bạn. Sau một thời gian trao đổi, liên hệ với nhau qua điện thoại, mạng xã hội, chị O tỏ ý muốn sang định cư tại Đan Mạch và nhờ anh J giúp đỡ bằng cách đồng ý kết hôn với chị. Hai bên sẽ ly hôn sau khi chị O được nhập quốc tịch và đã sang cư trú tại Đan Mạch. Trường hợp kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh và nhập quốc tịch nước ngoài này pháp luật có nghiêm cấm không và nếu J và O vẫn thực hiện thì xử lý như thế nào ?

Luật sư tư vấn :

Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình là kết hôn giả tạo. Như vậy, thỏa thuận giữa chị O và anh J là hành vi vi phạm pháp luật, bị coi là kết hôn giả tạo.

Hành vi kết hôn giả tạo là hành vi bị Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm (Điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Theo Điểm d Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, hành vi kết hôn giả tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

5. Lừa dối kết hôn bị xử lý như thế nào ?

Câu hỏi : Sau khi kết hôn được 01 năm, tôi và gia đình mới biết vợ mình trước đây là gái mại dâm chứ không phải là giáo viên tiểu học như thông tin ban dầu do vợ tôi cung cấp. Biết chuyện, mẹ tôi bắt tôi phải ly hôn, nếu không bà sẽ yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn này, mặc dù tôi rất yêu vợ và không muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Việc kết hôn của tôi với cô ấy có bị coi là trái pháp luật không? Việc làm của mẹ tôi đúng hay sai? Nếu có thì cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể bị hủy không?

Luật sư tư vấn :

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một trong những điều kiện để được kết hôn là không được lừa dối kết hôn. Việc vợ bạn đã từng là gái mại dâm nhưng cố tình giấu giếm quá khứ đồng thời còn nói dối là giáo viên tiểu học thì thuộc trường hợp lừa dối kết hôn. Lừa dối kết hôn là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn (Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp. Tuy nhiên bạn cũng có lỗi trong việc tìm hiểu chưa kỹ khi quyết định việc kết hôn với vợ.

Căn cứ quy định trên, trường hợp của vợ chồng bạn có thể coi là vi phạm điều kiện kết hôn. Theo quy định của pháp luật thì người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức theo quy định yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn (Khoản 1 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Mẹ bạn cũng có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của vợ chồng bạn do bạn bị lừa dối kết hôn. Căn cứ vào Khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các Điểm a, c và d Khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 :

– Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

– Hội liên hiệp phụ nữ.

Tuy nhiên, do bạn và vợ bạn đang còn rất yêu nhau, bạn cũng đã bỏ qua quá khứ của cô ấy và không muốn ly hôn thì theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép là vi phạm điều kiện kết hôn, tuỳ từng trường hợp mà quyết định như sau:

– Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

– Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

Như vậy, bạn đã biết bị cô ấy lừa dối nhưng đã thông cảm và không muốn ly hôn thì trong trường hợp mẹ bạn có yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn của vợ chồng bạn thì Tòa án cũng có thể sẽ không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật của vợ chồng bạn.

6. Hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện kết hôn ?

Câu hỏi : Chị H và anh D là bạn học Đại học với nhau, sau 15 năm ra trường họ đã gặp nhau tại buổi họp lớp, từ đó hai bên nảy sinh tình cảm. Chị H chưa kết hôn, còn anh D đã kết hôn và có 01 con. Từ ngày gặp lại H, anh D bỏ bê gia đình, không biết bằng cách nào anh D xin được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là chưa kết hôn lần nào để đi đăng ký kết hôn với chị H tại UBND xã nơi thường trú của chị H. Anh D đã thuê 01 căn nhà để cùng chị H sinh sống. Khi chị H có thai được 06 tháng thì vợ anh D phát hiện mối quan hệ của chồng. Vợ anh D yêu cầu tòa án hủy hôn nhân giữa D và H, xin hỏi con chung của anh D và chị H sẽ xử lý như thế nào nếu Tòa án ra quyết định việc kết hôn là trái pháp luật và hủy hôn nhân của họ?

Luật sư tư vấn :

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc kết hôn giữa anh D và chị H là kết hôn trái pháp luật. Khoản 6 Điều 3 quy định: kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn. Theo đó luật cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Đối chiếu quy định trên, anh D là người đang có vợ mà kết hôn với chị H là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, hoặc người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Vợ anh D có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của chồng mình với chị H theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trong trường hợp Tòa án ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh D và chị H thì hai bên phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Đối với con chung giữa anh D và chị H giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau “Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn”.

Do chị H đang mang thai, nên sau khi đứa trẻ được sinh ra thì anh D có quyền nhận con, anh D có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn ly hôn hoặc liên hệ luật sư tư vấn thủ tục ly hôn : 0904 902 429 

Từ khóa » Cưỡng ép Kết Hôn Là Gì