Cướp Biển Nổi Lên Giữa Mùa COVID-19 - Báo Cần Thơ

Đầu tháng 4 vừa qua, 8 tay súng đã tấn công tàu container Fouma khi nó tiến vào cảng Guayaquil của Ecuador. Chúng bắn nhiều phát súng cảnh báo, lên tàu rồi mở một số container, lấy đi một số hàng trước khi tẩu thoát.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ vây bắt một nhóm cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia. Ảnh: U.S. Coast Guard

Dù Ecuador không phải là điểm nóng của nạn cướp biển toàn cầu nhưng những tên cướp vũ trang thường xuyên tấn công các tàu bên trong và xung quanh cảng Guayaquil - một trong những cảng nhộn nhịp nhất Mỹ Latinh. Các tàu neo đậu dọc theo bến cảng, chẳng hạn như Fouma, vốn thường đi qua các khúc sông hẹp là “con mồi ngon” của các băng đảng tội phạm địa phương.

Hôm 19-4, một tàu container mang cờ Bồ Đào Nha cũng bị cướp biển tấn công tại cảng Cotonou ở Vịnh Guinea. Những tên cướp biển đã tràn lên con tàu có sức chở 4.785 TEU từ một xuồng cao tốc, sau đó rời khỏi hiện trường khi tàu hải quân xuất hiện. 8 thủy thủ được cho đã bị cướp biển bắt giữ. Đây là vụ cướp biển thứ 2 xảy ra tại khu vực trong năm nay và là vụ thứ 5 trong vòng 12 tháng qua.

Cách đây vài năm, cộng đồng quốc tế hớn hở ăn mừng bởi nạn cướp biển giảm đi rõ rệt. Năm 2019, số vụ cướp biển trên toàn thế giới giảm mạnh, phần lớn là nhờ vào nỗ lực hợp tác của hải quân quốc tế. Các nỗ lực này giúp các tàu trở nên khó bị tấn công trong khi dễ phòng thủ hơn, làm giảm mối đe dọa từ những tên cướp biển. Năm 2019, Cục Hàng hải Quốc tế cho biết không có vụ cướp biển nào thành công ở Vịnh Aden. Còn tại khu vực Đông Nam Á, chính công tác giám sát trên không và hải quân tốt đã giúp giảm thiểu các mối đe dọa trên biển, đặc biệt là nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính phủ các nước có chung thẩm quyền đối với các tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp của khu vực.

Với những nỗ lực trên, số vụ cướp biển trên toàn cầu đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, từ mức gần 450 vụ trong năm 2010 xuống còn 165 vụ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1994. Các vụ đánh cướp tàu cũng giảm đáng kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, các vụ tấn công vừa qua tại cảng Guayaquil và Cotonou là chỉ dấu cho thấy cướp biển có thể sẽ hoạt động mạnh mẽ trở lại. Trong 3 tháng đầu năm 2020, số vụ cướp biển tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu xảy ra ở các “điểm nóng” truyền thống như Eo biển Malacca, Vịnh Bengal, Biển Sulu và Biển Celebes. Đặc biệt, các vụ cướp biển ở vùng biển ngoài khơi khu vực Nam Mỹ và Tây Phi đã gia tăng trở lại trong những năm gần đây. Sở dĩ những khu vực này chứng kiến nạn cướp biển gia tăng là bởi chính quyền yếu kém và đấu đá chính trị nội bộ, trong khi các khó khăn về kinh tế lan rộng, tình trạng quản lý vũ khí lỏng lẻo dễ rơi vào tay tội phạm.

Giới chuyên gia lo ngại đại dịch COVID-19 có thể khiến vấn nạn cướp biển trở nên nguy hiểm hơn trong những tháng tới. Sự sụp đổ về y tế và kinh tế do SARS-CoV-2 gây ra dường như đặt ra nhiều thách thức đối với các nước có ít tài nguyên và chính phủ yếu kém. Giữa lúc các bệnh viện chứa đầy bệnh nhân COVID-19, chính phủ các nước gần như tập trung toàn lực chống dịch mà lơ đi nạn cướp biển, tạo cơ hội cho bọn chúng tung hoành. Trong khi đó, dịch bệnh làm giảm chi tiêu toàn cầu, giao dịch thương mại giảm sút, doanh thu của các công ty vận tải cũng trở nên ít hơn. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các công ty vận tải cắt giảm thủy thủ đoàn cũng như các biện pháp an ninh để tiết kiệm chi phí. Do đó, các tàu có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của bọn cướp biển.

TRÍ VĂN (Theo The Conversation, The Maritime Executive)

Từ khóa » Cảng Biển Cotonou