Cửu Âm Chân Kinh | Tụ Hiền Trang Wiki

Cửu Âm Chân Kinh
Cửu Âm bản thảo
Cửu Âm Chân Kinh bản thảo
Hán tự 九陰真經
Loại Võ học bảo điển
Sáng tạo Hoàng Thường
Xuất hiện "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện""Thần Điêu Hiệp Lữ""Ỷ Thiên Đồ Long Ký"

Cửu Âm Chân Kinh (九陰真經), là bộ võ công thượng thừa của "Đạo gia", xuất hiện trong tiểu thuyết "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện", "Thần Điêu Hiệp Lữ""Ỷ Thiên Đồ Long Ký" của nhà văn Kim Dung.

Mục lục

  • 1 Nguồn gốc
  • 2 Xuất hiện
    • 2.1 Tiểu thuyết "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện"
    • 2.2 Tiểu thuyết "Thần Điêu Hiệp Lữ"
    • 2.3 Tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long Ký"
  • 3 Nội dung kinh văn
  • 4 Nội dung võ công
  • 5 Người luyện
  • 6 Thông tin ngoài lề
  • 7 Thư viện ảnh

Nguồn gốc[]

Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, người viết nên "Cửu Âm Chân Kinh" là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.

Hoàng Thường vốn là một quan văn trong triều đình dưới thời đại triều Tống của "Huy Tông Hoàng Đế", theo lệnh của hoàng đế đã thu thập hết những quyển kinh thư của Đạo gia, tổng cộng 5481 quyển, theo mệnh lệnh Hoàng Thường đã tổng hợp tinh hoa của các quyển kinh thư, viết thành bộ sách "Vạn Thọ Đạo Tạng" (theo lời Chu Bá Thông thì việc này diễn ra vào năm Chính Hòa thứ năm, vua Huy Tông). Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo, do người của Minh Giáo cao thủ quá nhiều nên quân của Hoàng Thường bị đại bại, lúc này ông đã tự thân xuất chiến giết được nhiều cao thủ và sứ giả của Minh Giáo, chuyện này đã làm kinh động nhân sĩ võ lâm. Thì ra, nhờ trí thông minh và tính kiên trì, Hoàng Thường đã dung hội toàn bộ yếu quyết tinh hoa võ học từ các bí tịch Đạo gia và trở thành một cao thủ võ thuật mà không hề hay biết. Sau đó, Hoàng Thường bị người thân của các cao thủ mà ông đã giết cùng lúc kéo đến trả thù, mặc dù võ công cao cường nhưng do kẻ thù quá đông nên ông đã không chống nổi, kết quả là cả nhà Hoàng Thường bị sát hại, chỉ còn một mình ông thoát nạn, chạy vào sơn lâm ẩn náu quyết tâm tu luyện võ công để trả thù.

Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường xuống núi với ý định trả thù nhưng ông nhận ra tất cả các đối thủ đều đã chết hết, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học nên ông đã viết thành bộ Cửu Âm Chân Kinh gồm 2 quyển: "Quyển Thượng" ghi chép các phương pháp tu luyện nội công và một số bí thuật; "Quyển Hạ" bao gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ bản thân.

Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu Âm Chân Kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra một trận chém giết để giành lấy bí kíp này, cũng chính quyển chân kinh này đã dẫn đến Hoa Sơn Luận Kiếm sau này.

Xuất hiện[]

Cửu Âm Chân Kinh xuất hiện trong cả 3 bộ của Xạ Điêu tam bộ khúc, mà trọng tâm là trong Anh Hùng Xạ Điêu.

Tiểu thuyết "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện"[]

Trước khi bắt đầu nội dung của "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện", có năm người võ công cao siêu nhất ("Thiên Hạ Ngũ Tuyệt") cùng đấu với nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tranh nhau Cửu Âm Chân Kinh. Võ công của Vương Trùng Dương cao nhất và giành được Cửu Âm Chân Kinh. Ông định đốt sách để tránh chuyện tàn sát trong võ lâm, nhưng lại tiếc công người xưa nên giấu quyển sách đi. Trước khi chết, ông đã giao cho Chu Bá Thông là sư đệ của mình đi giấu hai quyển sách ở hai nơi nhằm tránh cho quyển sách rơi vào tay kẻ xấu.

Trên đường đi giấu sách, Lão Ngoan Đồng bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm đọc lại một lần nhớ hết quyển hạ. Bà về viết lại cho chồng, nhưng Hoàng Dược Sư chưa tu luyện thì bị học trò là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong lấy trộm trốn đi, luyện ra những võ công âm độc là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Tồi Tâm Chưởng. Hoàng Dược Sư nổi giận đánh gãy chân các học trò còn lại và đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa. Vợ Hoàng Dược Sư lúc đó mang thai cố gắng nhớ lại viết lại sách cho chồng nên bị kiệt sức và mất sau khi sinh con. Chu Bá Thông thấy vậy đến Đào Hoa đảo đòi sách và đánh nhau với Hoàng Dược Sư, thua trận bị nhốt trong động đá.

Vô tình từ những ân oán giữa Giang Nam Thất Quái và vợ chồng Mai Siêu Phong khiến cho Quách Tĩnh có được nội dung Cửu Âm Chân Kinh phần hạ được ghi lại trên da bụng của Trần Huyền Phong. Khi Quách Tỉnh gặp Chu Bá Thông trên Đào Hoa đảo, Chu Bá Thông đã dạy cho Quách Tĩnh thuộc lòng cả bộ Cửu Âm Chân Kinh và cũng vô tình đó, Chu Bá Thông cũng luyện thành và trở thành một nhân vật võ công cao nhất. Một phần của Cửu Âm Chân Kinh viết bằng tiếng Phạn được Nhất Đăng đại sư dịch lại sang Trung văn. Sau này, Quách Tĩnh trở thành một cao thủ nhờ tu luyện Cửu Âm Chân Kinh.

Tiểu thuyết "Thần Điêu Hiệp Lữ"[]

Khi đến bộ truyện "Thần Điêu Hiệp Lữ", Cửu Âm Chân Kinh một lần nữa xuất hiện, là do Vương Trùng Dương trước khi chết đã ghi lại một phần Cửu Âm Chân Kinh trong thạch động của Hoạt Tử Nhân Mộ. Nguyên do là khi ông thăm tổ sư Cổ Mộ Phái là Lâm Triều Anh khi bà qua đời thì thấy Ngọc Nữ Tâm Kinh mà bà để lại có thể khắc chế toàn bộ võ công của mình thì bất giác tái mặt, ông tự giam mình trong núi 3 năm để tìm cách phá giải Ngọc Nữ Tâm Kinh, mặc dù tài hoa nhưng ông không cách nào phá giải được Ngọc Nữ Tâm Kinh, mãi sau này đoạt được Cửu Âm Chân Kinh ông mới phát hiện ra cách phá giải nên đã ghi lại trong mật thất Cổ Mộ. Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai người có duyên luyện được bí kíp này.

Tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long Ký"[]

Trong tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", Cửu Âm Chân Kinh lại xuất hiện một lần nữa, theo lời kể của Diệt Tuyệt sư thái cho Chu Chỉ Nhược, năm xưa khi thành Tương Dương sắp thất thủ, vợ chồng Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã đúc nên hai thanh Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao từ Huyền Thiết Trọng Kiếm của Dương Quá. Trong Ỷ Thiên Kiếm có giấu hai võ công tuyệt diệu: Hàng Long Thập Bát Chưởng và Cửu Âm Chân Kinh, trong Đồ Long Đao chứa Võ Mục Di Thư.

Chu Chỉ Nhược sau khi lấy được bí kíp đã luyện theo, nhưng do tu luyện cấp tốc đó mà không chú trọng căn cơ nên đã theo hướng giống như Mai Siêu Phong năm xưa, luyện nên những võ công âm độc lợi hại như Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Bạch Mãng Tiên Pháp.

Trong truyện còn một nhân vật bí ẩn nữa là Hoàng Sam Nữ Tử họ Dương mà độc giả có thể đoán được đó là hậu duệ của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Nàng còn rất trẻ nhưng đã có một thân võ công thượng thừa, nàng thi triển những chiêu thức trong Cửu Âm Chân Kinh một cách dễ dàng trên cơ Chu Chỉ Nhược gấp nhiều lần. Cửu Âm Thần Trảo mà nàng thi triển là đi theo chính đạo, trái với Chu Chỉ Nhược dùng Cửu Âm Bạch Cốt Trảo âm độc, Hoàng Sam Nữ Tử đã có thể dễ dàng đả bại Chu Chỉ Nhược ngăn cô ta ám toán Tạ Tốn.

Nội dung kinh văn[]

"Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc, thị cố hư thắng thực, bất túc thắng hữu dư. Kỳ ý bác, kỳ lý áo, kỳ thú thâm. Thiên Địa chi tượng phân, âm dương chi hậu liệt, biến hóa chi do biểu, tử sinh chi triệu chương". "Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương, thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hàng". "Thiên hạ chi chí nhu, trì sính thiên hạ chi chí kiên". "Ngũ Chỉ Phát Kình, Vô Kiên Bất Phá, Tồi Địch Thủ Não, Như Xuyên Hủ Thổ". "Nhân đồ tri khô tọa tức tự vi tiến đức chi công, thủ bất tri thượng đạt chi sĩ, viên thông định tuệ, thể dụng song tu, tức động nhi tĩnh, vị anh nhi ninh".

Nội dung võ công[]

Bên trong Cửu Âm Chân Kinh ghi chép rất nhiều môn võ học bao gồm: kiếm pháp, quyền pháp, chưởng pháp, trảo pháp, khinh công, nội công tâm pháp,... Được xem là một quyển võ học toàn diện, trong số đó phần quan trọng nhất là Tổng Cương do Hoàng Thường đúc kết ra từ những nguyên lý võ học của mình, ông viết nó bằng Phạm Văn để đề phòng Cửu Âm Chân Kinh vào tay kẻ gian ác.

Quyển Thượng chuyên ghi chép về các bí kíp rèn luyện nội công như:

  • Dịch Cân Đoán Cốt Thiên
  • Thu Cân Súc Cốt Thiên
  • Liệu Thương Thiên
  • Di Hồn Đại Pháp
  • Bắc Đẩu Đại Pháp
  • Giải Huyệt Đại Pháp
  • Bế Khí Đại Pháp
  • Tổng Cương

Quyển Hạ ghi chép gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể như:

  • Cửu Âm Bạch Cốt Trảo
  • Bạch Mãng Tiên Pháp
  • Tồi Tâm Chưởng
  • Thủ Huy Ngũ Quyền
  • Đại Phục Ma Quyền
  • Loa Toàn Cửu Ảnh
  • Xà Hành Ly Phiên
  • Hoành Không Na Di

Người luyện[]

Cửu Âm Chân Kinh rơi vào tay rất nhiều người, nhưng chưa ai thật sự luyện hết võ công bên trong. Đây là võ học chính tông của Đạo gia, muốn luyện thành thì cần phải am hiểu triết lý của Đạo gia nếu không sẽ luyện sai cách đi vào tà đạo như: Chu Chỉ Nhược, Mai Siêu Phong,... Âu Dương Phong bởi vì bị Hoàng Dung lừa đi luyện bản Cửu Âm Chân Kinh ngược mà trở thành điên dại, lúc tỉnh, lúc mê.

  • Vương Trùng Dương: Vương Trùng Dương là người đã chiến thắng Hoa Sơn Luận Kiếm lần đầu và đạt được Cửu Âm Chân Kinh, nhưng ông chỉ xem qua và không tu luyện, đồng thời nghiêm cấm đệ tử của Toàn Chân Giáo tu luyện. Bên trong "Thần Điêu Hiệp Lữ" đã tiết lộ Vương Trùng Dương vì phá giải Ngọc Nữ Tâm Kinh của Lâm Triều Anh, đã đem một bộ phận Cửu Âm Chân Kinh khắc tại Hoạt Tử Nhân Mộ.
  • Trần Huyền Phong: Là một trong sáu đệ tử của Hoàng Dược Sư, đã cùng Mai Siêu Phong trộm cắp lấy quyển hạ Cửu Âm Chân Kinh và thoát khỏi Đào Hoa Đảo, nhưng không có luyện tập đúng cách trở thành tà công, tại trên giang hồ cùng với Mai Siêu Phong được xưng là "Hắc Phong Song Sát".
  • Mai Siêu Phong: Là một trong sáu đệ tử của Hoàng Dược Sư, đã cùng Trần Huyền Phong trộm cắp lấy quyển hạ Cửu Âm Chân Kinh và thoát khỏi Đào Hoa Đảo, nhưng không có luyện tập đúng cách trở thành tà công, tại trên giang hồ cùng với Trần Huyền Phong được xưng là "Hắc Phong Song Sát", chuyên sử dụng Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, Bạch Mãng Tiên Pháp, Tồi Tâm Chưởng.
  • Chu Bá Thông: Ông được Vương Trùng Dương mệnh đi cất giấu Cửu Âm Chân Kinh nhưng bị vợ của Hoàng Dược Sư lừa gạt, sau đó bị giam trên Đào Hoa Đảo. Tại Đào Hoa đảo gặp được Quách Tĩnh, vì không muốn vi phạm di mệnh của Vương Trùng Dương, lại muốn nhìn võ học trong Cửu Âm Chân Kinh, nên đã lừa gạt Quách Tĩnh luyện tập, bản thân ở bên cạnh quan sát, cũng vô tình cũng học được Cửu Âm Chân Kinh, nhưng lúc đó ông cùng Quách Tĩnh đều xem không hiểu tổng cương ghi bằng phạn văn, cho nên không có luyện trọn vẹn.
  • Quách Tĩnh: Tại Đào Hoa đảo bị Chu Bá Thông lừa gạt mà luyện tập Cửu Âm Chân Kinh, sau đó mang theo Hoàng Dung trèo non lội suối tìm kiếm Đoàn Trí Hưng chữa thương, được Đoàn Trí Hưng dịch ra tổng cương ghi chép bằng phạn văn, trở thành người biết được toàn bộ nội dung của Cửu Âm Chân Kinh, chỉ sau Hoàng Thường.
  • Hoàng Dung: Sau khi Quách Tĩnh tu luyện Cửu Âm Chân Kinh, cũng đã đem một bộ phận dạy cho Hoàng Dung.
  • Đoàn Trí Hưng: Ông và Thiên Trúc Tăng đã trợ giúp Quách Tĩnh phiên dịch Cửu Âm Chân Kinh tổng cương, từ đó học được tổng cương.
  • Hồng Thất Công: Khi Hồng Thất Công mất hết công lực, Quách Tĩnh đã truyền thụ cho ông Cửu Âm Chân Kinh tổng cương và Liệu Thương Thiên tu luyện để khôi phục công lực.
  • Hoàng Dược Sư: Ông đã được Quách Tĩnh truyền thụ bộ phận dùng cho nghiên cứu.
  • Âu Dương Phong: Ông ta đã bị Quách Tĩnh và Hoàng Dung cùng nhau lừa gạt, đảo ngược nội dung của Cửu Âm Chân Kinh, khiến ông luyện sai mà trở nên điên dại, tại trong Thần Điêu Hiệp Lữ đã khôi phục được một phần thần trí, được Dương Quá chỉ ra chỗ sai luyện tập Cửu Âm Chân Kinh.
  • Dương Quá: Tại trong Hoạt Tử Nhân Mộ nhìn thấy di khắc do Vương Trùng Dương lưu lại, học được một bộ phận Cửu Âm Chân Kinh. Sau này, có suy đoán rằng Quách Tĩnh đã truyền hết nội dung Cửu Âm Chân Kinh cho chàng, đó là nguyên do hậu nhân của Dương Quá là Hoàng Sam nữ tử đã sử dụng Cửu Âm Thần Trảo đánh bại Chu Chỉ Nhược.
  • Tiểu Long Nữ: Tại trong Hoạt Tử Nhân Mộ nhìn thấy di khắc do Vương Trùng Dương lưu lại, học được một bộ phận Cửu Âm Chân Kinh.
  • Chu Chỉ Nhược: Từ trong Ỷ Thiên Kiếm lấy được Cửu Âm Chân Kinh bản tốc thành của Quách Tĩnh và Hoàng Dung biên soạn, bởi vì thời gian cấp bách, chỉ luyện tập bản tốc thành, nội lực đã bị Cửu Dương Thần Công của Trương Vô Kỵ hóa giải, cuối cùng bị Hoàng Sam nữ tử đánh bại.
  • Tống Thanh Thư: Vì muốn đánh bại Trương Vô Kỵ nên Chu Chỉ Nhược đã truyền thụ Cửu Âm Bạch Cốt Trảo cho hắn.
  • Hoàng Sam nữ tử: Hậu nhân của Dương Quá và Tiểu Long Nữ, đã học được Cửu Âm Chân Kinh truyền lại từ tổ tiên, sau đó đã đánh bại Chu Chỉ Nhược.
  • Trương Vô Kỵ: Cuối phần "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", Chu Chỉ Nhược đem Cửu Âm Chân Kinh giao cho hắn, nhưng có luyện tập hay không thì không rõ.

Thông tin ngoài lề[]

  • Trong phiên bản "Anh Hùng Xạ Điêu" cũ của Kim Dung năm 1957, người sáng tạo ra Cửu Âm Chân Kinh là Bồ Đề Đạt Ma, nội dung chủ yếu là các chiêu thức võ công. Trong lần tái bản sửa đổi năm 1980 và lần tái bản mới năm 2003, nó đã được sửa đổi do Hoàng Thường sáng tạo ra từ việc tổng hợp "Vạn Thọ Đạo Tạng" trong thời kỳ Bắc Tống.

Thư viện ảnh[]

Cửu Âm Chân Kinh (2008) - Hoàng Thường (1)Cửu Âm Chân Kinh (2008) - Hoàng Thường (2)Cửu Âm Chân Kinh (2008) - Hoàng Thường (3)Cửu Âm Chân Kinh - Chu Chỉ NhượcCửu Âm Chân Kinh - Chu Chỉ Nhược (2)Cửu Âm Chân Kinh (2003) - Chu Chỉ Nhược (1)Cửu Âm Chân Kinh (2003) - Chu Chỉ Nhược (2)Cửu Âm Chân Kinh (2003) - Chu Chỉ Nhược (3)Cửu Âm Chân Kinh (2003) - Chu Chỉ Nhược (4)

Từ khóa » Hoa Sơn Kiếm Pháp Cửu âm Chân Kinh