Da Chân Bị Tróc Vảy Trắng Nguyên Nhân Do Đâu? Xử Lý Thế Nào?

Da chân bị tróc vảy trắng là tình trạng khá nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể do thời tiết thay đổi, thói quen rửa chân liên tục, cháy nắng,…. hoặc do một số bệnh da liễu như á sừng, vảy nến, chàm khô… Để cải thiện, điều quan trọng là bạn cần hiểu đúng về bệnh và có phương pháp chăm sóc da đúng cách. 

Da chân bị tróc vảy trắng là do đâu?

Da chân có tần suất tiếp xúc cao rất dễ bị khô, bong tróc vảy trắng nếu không chăm sóc các vùng da đúng cách hay dưỡng ẩm thường xuyên. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ tuy nhiên tình trạng này lại có thể gây ra những tác động tiêu cực tới tâm lý, ngoại hình của người mắc. Hơn nữa, việc da chân bong tróc vảy trắng liên tục còn có thể là triệu chứng của một số bệnh da liễu cần được điều trị, chăm sóc. 

Da chân bị tróc vảy trắng là hiện tượng khá phổ biến
Da chân bị tróc vảy trắng là hiện tượng khá phổ biến

Do đó, nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên xác định nguyên nhân, cách chăm sóc và xử lý bệnh hiệu quả. 

Hiện tượng da chân bong tróc có thể gây ra bởi một số nguyên nhân như: 

Nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp

Môi trường là yếu tố có tác động lớn tới da, nhất là những vùng da hở trong đó có da chân. Nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp khiến da mất nước, bị khô, nứt nẻ và bong tróc. Nếu không được dưỡng ẩm đúng cách, kịp thời, tình trạng thoát hơi nước nhanh có thể gây ra hiện tượng da nứt nẻ, bong vảy trắng, hoặc thậm chí là chảy máu. Da chân bong tróc vảy trắng thường xuyên còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh da liễu. Vì thế, không nên chủ quan khi gặp hiện tượng này. 

Liên tục rửa chân

Việc rửa chân liên tục, da tiếp xúc với xà phòng hay các chất tẩy rửa có thể khiến lớp sừng bên ngoài bị hư hại. Kết quả là da bị mất nước, dẫn tới khô và bong tróc. 

Cháy nắng

Cháy nắng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bong tróc, sạm đen và thô ráp da. Khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài, lớp mô bên ngoài da bị tổn thương, kích ứng và có thể dẫn tới hiện tượng bong tróc thành từng mảng lớn. 

Xem thêm: Da Đầu Bị Tróc Vảy Trắng Có Sao Không? Điều Trị Thế Nào?

Dấu hiệu của một số bệnh lý liên quan đến da liễu

Bên cạnh các yếu tố môi trường, tình trạng da chân bị tróc vảy trắng còn có thể xuất hiện do một số bệnh lý. Những bệnh da liễu có thể gây bong tróc da chân thường gặp phải kể tới:

  • Viêm da tiếp xúc: Bàn chân tiếp xúc với các yếu tố như hoá chất, nước tẩy rửa, xà phòng, xi măng,… trong thời gian dài có thể bị viêm, kích ứng. Viêm da tiếp xúc ở chân khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, da bị bong tróc, một số trường hợp còn bị rỉ nước. 
  • Viêm da cơ địa: Người bị viêm da cơ địa cũng có thể thường xuyên bị bong tróc da chân. Tình trạng này không khiến bệnh nhân cảm thấy đau rát nhiều như viêm da tiếp xúc nhưng lại khiến da khô ngứa và tróc vảy trắng nhiều hơn. 
  • Vảy nến: Đây là bệnh lý da liễu khiến da chân xuất hiện lớp sừng dày, từng lớp da đùn lên thành từng mảng, gây cảm giác hơi bết, bề mặt bị bong tróc vảy trắng. Vảy nến khiến người bệnh ngứa ngáy dữ dội, đau rát nhiều nhất là khi cố gãi. 
  • Nấm da: Nấm da do vệ sinh da chân không đúng cách hoặc do điều kiện làm việc không tốt khiến các loại nấm men gây bệnh phát triển. Người bị nấm da đổ mồ hôi nhiều hơn ở vùng chân, điều này khiến da chân khô, tróc vảy và ngứa ngáy khó chịu. 
  • Ghẻ: Ghẻ là bệnh da liễu thường gặp khiến da chân bị bong tróc vảy trắng. Căn bệnh này đi kèm với các cơn ngứa ngáy dữ dội, nhất là trường hợp bị ghẻ ký sinh. Ghẻ trông giống như mọc mụn nước ở chân tuy nhiên nếu gãi nhiều, da càng bị tổn thương, trở nên xù xì, thô ráp và bong tróc. 
  • Chàm: Chàm hay còn được biết đến là tổ đỉa ở chân cũng là một trong những nguyên nhân gây bong tróc da chân. Căn bệnh này có thể gây ra các ổ nước lớn, mọc thành cụm, gây ngứa ngáy vô cùng khó chịu. 

Các biểu hiện của bệnh da liễu thường khó phân biệt do đều gây ra hiện tượng khô, ngứa, bong tróc da. Do đó, nếu muốn đẩy lùi tình trạng hiệu quả và an toàn nhất, người bệnh cần được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh từ đó áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. 

Da chân bong tróc vảy trắng có sao không?

Da chân khô bong tróc vảy trắng chủ yếu do các nguyên nhân sinh hoạt, một số bệnh da liễu lành tính. Vì thế, người bệnh không cần quá lo lắng bởi nó không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Da chân bị bong tróc thường là tổn thương lành tính, không quá nguy hiểm tới người bệnh
Da chân bị bong tróc thường là tổn thương lành tính, không quá nguy hiểm tới người bệnh

Tuy nhiên, tổn thương vùng da chân có thể khiến người bệnh bị “tâm lý” do chức năng thẩm mỹ, ngoại hình bị ảnh hưởng. Nhiều người có xu hướng mất tự tin, ngại giao tiếp khi gặp phải hiện tượng này. Trong một số trường hợp, nếu không được xử lý kịp thời, bong tróc da chân có thể tiến triển và dẫn tới một số vấn đề nghiêm trọng hơn như:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng da: Da khô, bong tróc trong thời gian dài khiến màng lipid bảo vệ da bị phá vỡ. Khi đó, vi khuẩn, virus cùng nấm men dễ có cơ hội xâm nhập và gây viêm nhiễm. 
  • Biến dạng móng: Trường hợp bong tróc da do các bệnh da liễu mãn tính, tổn thương da nếu không được xử lý kịp thời có thể lan đến vùng da dưới móng, khiến móng đổi màu, nứt nẻ, biến dạng. 

Một số trường hợp khác ngứa ngáy, bong tróc kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, sinh hoạt của người bệnh làm suy giảm chất lượng cuộc sống. 

Thông tin hữu ích: Da Mũi Bị Khô Nguyên Nhân Do Đâu? Giải Pháp Khắc Phục Hiệu Quả

Cách khắc phục tình trạng da chân bong tróc vảy trắng

Để cải thiện tình trạng da chân bong tróc, khô ráp, trước hết cần xác định được nguyên nhân và mức độ da bị tổn thương. Từ đó, bạn có thể áp dụng một số các cải thiện, xử lý như sau:

Chăm sóc da chân bị tróc vảy trắng đúng cách

Việc chăm sóc da đúng cách đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng da chân bị tróc vảy. Các biện pháp dưỡng da chân hiệu quả phải kể tới:

  • Sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng có độ pH dịu nhẹ, tránh các sản phẩm có hương liệu và độ pH cao. 
  • Dùng kem dưỡng thường xuyên từ 2-4 lần/ngày tuỳ thuộc vào mức độ bong tróc của da. Nếu thời tiết khô lạnh, có thể sử dụng tất để hạn chế tình trạng thoát hơi nước, gây khô ráp da. 
  • Không gãi, cào các mảng da bị bong tróc ở chân bởi thói quen này có thể khiến tình trạng tổn thương da trầm trọng hơn, gây xước, chảy máu và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. 
  • Uống nhiều nước, có thể sử dụng thêm máy tạo độ ẩm. 
  • Hạn chế chà xát vào da khi tắm, nên sử dụng bông tắm có chất liệu mềm để làm sạch da. 
  • Không nên tắm quá nhiều hay quá lâu, mỗi ngày chỉ nên tắm 1 lần 15 phút là đủ. Tắm lâu có thể khiến da mất nước nhanh hơn và khiến tình trạng khô ráp, bong tróc nghiêm trọng hơn. 
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, nên tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, chọn thực phẩm tốt cho da như rau củ, hoa quả, ngũ cốc….

Áp dụng mẹo chữa da chân bị tróc vảy trắng tại nhà

Để giảm mức độ tổn thương, ngăn ngừa nứt nẻ da, cải thiện tình trạng khô da, tróc vảy, bạn có thể áp dụng một số mẹo như sau:

  • Dùng dầu oliu: Dầu oliu giàu acid axit oleic và axit linoleic, là hai thành phần giúp dưỡng ẩm, phục hồi màng lipid da, đồng thời tăng cường sản sinh collagen trong cấu trúc da. Bạn chỉ cần thoa dầu oliu lên da sau khi dùng kem dưỡng có thể giúp cải thiện độ ẩm da và giảm tổn thương da trong thời gian ngắn. 
Dầu oliu giàu acid axit oleic và axit linoleic giúp ngăn ngừa tình trạng tróc vảy da chân
Dầu oliu giàu acid axit oleic và axit linoleic giúp ngăn ngừa tình trạng tróc vảy da chân
  • Ngâm chân với dầu dừa: Nếu bị bong tróc da, không nên dùng tay bóc hay chà xát lên da mà hãy sử dụng dầu dừa và nước ấm. Bạn pha 4 thìa dầu dừa, 2 lít nước ấm rồi ngâm chân từ 5-10 phút. Khi ngâm có thể massage nhẹ nhàng để loại bỏ vảy bong tróc mà không gây xước hay chảy máu da. 
  • Dùng vitamin E: Vitamin E là thành phần giúp dưỡng ẩm, chống oxy hóa, bảo vệ da rất hiệu quả. Sử dụng vitamin E tổng hợp thoa nhẹ lên vùng da chân bị tróc vảy 2-4 lần/ngày để hạn chế tình trạng này. Lưu ý nên dùng vitamin E sau khi thoa kem dưỡng ẩm. 

Sử dụng thuốc nếu cần thiết

Trong trường hợp chân bị tróc vảy là do các bệnh lý da liễu, bạn nên liên hệ với các bác sĩ da liễu để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Các tổn thương da như tróc vảy, khô da thường được điều trị bằng một số loại thuốc như sau:

  • Thuốc mỡ corticoid: Đây là loại thuốc có tác dụng giữ ẩm, hạn chế hiện tượng dày sừng, nứt nẻ. Hoạt chất corticoid còn giúp ức chế hoạt động miễn dịch từ đó giảm tình trạng viêm, kháng dị ứng và ngăn ngừa các tổn thương trên da lan rộng. 
  • Thuốc ức chế calcineurin: Đây là thuốc được chỉ định cho các trường hợp đã sử dụng corticoid 14 ngày nhưng không thấy hiệu quả. Loại thuốc này tương tự corticoid nhưng không làm mỏng da, teo da hay giãn mao mạch. 
  • Kem bôi chứa kẽm: Kem bôi chứa kẽm giúp làm dịu da, giữ ẩm, sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Loại thuốc này cũng giúp hạn chế hiệu quả tình trạng tróc vảy, ngứa da. 
  • Thuốc kháng histamin H1: Với các trường hợp tróc da chân, ngứa nhiều, bác sĩ có thể kê đơn thuốc histamin H1 nhằm kiểm soát và hạn chế hình thành tổn thương mới. 

Sử dụng kem dưỡng ẩm

Tình trạng da chân bị tróc vảy trắng một phần do da mất nước, thiếu độ ẩm. Do đó, muốn ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên giữ ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm body cho da khô. Nên chọn các sản phẩm có thành phần chính như Hyaluronic Acid, Glycerin và Dimethicone, tinh dầu oliu, nước…. Đây đều là những thành phần có tác dụng vượt trội trong việc giữ ẩm, cấp nước cho da. Sử dụng sản phẩm giúp làn da bạn luôn bóng mịn, ngậm nước và mềm mượt cả ngày. 

Dùng kem dưỡng ẩm giúp hạn chế tình trạng bong tróc da chân
Dùng kem dưỡng ẩm giúp hạn chế tình trạng bong tróc da chân

Phòng ngừa da chân bong tróc vảy trắng thế nào?

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý, chăm sóc da chân bị bong tróc, để ngăn ngừa tình trạng này tái phát, người bệnh cũng cần chú ý một số cách phòng tránh như sau:

  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, sữa tắm, xà phòng có độ pH cân bằng, ưu tiên sản phẩm lành tính, an toàn. 
  • Không tắm, rửa chân với nước quá nóng hay quá lạnh và không tắm quá lâu ( hơn 15 phút). 
  • Dưỡng da là điều không thể thiếu nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, trời lạnh, hanh khô. 
  • Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để hạn chế tình trạng mất nước của da. 
  • Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, giúp cải thiện độ ẩm da và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. 
  • Sử dụng kem chống nắng, hạn chế tiếp xúc với nắng mặt trời trong thời gian dài. 

Da bị tróc vảy trắng dù không quá nguy hiểm nhưng bạn cũng không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này. Với các trường hợp bị tróc da chân do bệnh lý, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn giải pháp điều trị phù hợp nhất. 

Từ khóa » Da Chân Bị Khô Ngứa