Đã Có Hơn 500 Người Tử Vong Vì COVID-19 ở Hà Nội - Tiền Phong

Theo báo cáo, trong ngày 25/1, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.957 ca dương tính với SARS-CoV-2. Số ca mắc mới phân bố tại 358 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 696 ca cộng đồng và 2.261 ca đã được cách ly.

Một số địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều trong ngày như: Gia Lâm (184 ca); Hoàng Mai (146 ca); Đông Anh (128 ca); Đống Đa (107 ca); Nam Từ Liêm (104 ca); Thanh Trì (84 ca)…

Đã có hơn 500 người tử vong vì COVID-19 ở Hà Nội ảnh 1

Biểu đồ thể hiện tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội. Nguồn: CDC Hà Nội

Như vậy, tính trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 29/4/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 117.535 ca dương tính với SARS-CoV-2 (không tính ca ghi nhận tại các bệnh viện trước ngày 30/9/2021 và các ca nhập cảnh), trong đó có 31.930 ca cộng đồng và 85.605 ca khu cách ly.

Trong ngày ghi nhận thêm 461 trường hợp F1 qua công tác điều tra truy vết. Các ca bệnh và khu vực liên quan đến các bệnh nhân đều được tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trên địa bàn thành phố có 69.075 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 142 trường hợp; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 223 trường hợp; tại các bệnh viện của Hà Nội 3.394 trường hợp; tại cơ sở thu dung điều trị thành phố 745 trường hợp; cơ sở thu dung quận, huyện 4.956 trường hợp; theo dõi cách ly tại nhà 59.615 trường hợp.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 25/1, thành phố ghi nhận 19 trường hợp tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 506 người.

Trong ngày toàn thành phố tiêm được 82.281 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là 14.541.317 mũi tiêm; 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi vắc xin nhắc lại.

Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ. Có kế hoạch phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh. Đồng thời, các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết.

Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron. Đồng thời có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.

Tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội sáng 26/1, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên).

“Thành phố đã có ca nhiễm Omicron, hoàn toàn có thể có nguy cơ lây lan ra cộng đồng”, ông Cương nêu.

Nhận định và đánh giá tình hình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong kỳ cáo báo Hà Nội trung bình ghi nhận 2.902 ca/ngày; số lượng ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt ở ngưỡng 3.000 ca mắc/ngày. Trong tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm giả tạo do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại ngưỡng 3.000 ca trên ngày sau Tết thậm chí cao hơn nếu người dân không tuân thủ quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt 5K.

Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên những người thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng, nguy kịch rất nhanh gây nên cần theo dõi, kiểm soát thông tin người bệnh để chuyển viện, chuyển tuyển kịp thời, vì vậy cần phải sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp với các lực lượng hỗ trợ y tế.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để cả người dân không chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch theo cấp độ dịch; hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người... Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thành phố cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trường Phong

Từ khóa » Hà Nội Hôm Nay Bao Nhiêu Người Chết Vì Covid