Đa Dạng Sinh Học Của Việt Nam: Xu Hướng Suy Giảm Và Giải Pháp

Đa dạng sinh học của Việt Nam

Theo thông tin từ Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, sự đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu đã tạo nên tính đa dạng sinh học vô cùng phong phú và đặc sắc của Việt Nam. Sự đa dạng về các hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái trên cạn (đồng cỏ, rừng, savan...), hệ sinh thái đất ngập nước (rừng ngập mặn, rạn san hô, hồ chứa...) và hệ sinh thái biển đã tạo nên môi trường sống quan trọng cho 13.766 loài, động vật trên cạn 10.300 loài, vi sinh vật 7.500 loài, sinh vật nước ngọt với 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt và 11.000 loài sinh vật biển. Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu...

Việt Nam có hệ sinh thái đất ngập nước phong phú

Đa dạng sinh học ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản khai thác từ vùng biển ven bờ và đáp ứng gần 40% lượng protein cho người dân. Nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 8 triệu người và một phần thu nhập cho khoảng 12 triệu người. Khoảng 70% tăng trưởng du lịch là từ các vùng duyên hải có các hệ sinh thái tự nhiên giàu đa dạng sinh học. Các nghiên cứu cho thấy, những dải rừng ngập mặn ven biển Việt Nam góp phần giảm ít nhất 20-50% thiệt hại do bão, nước biển dâng và sóng thần gây ra. Đặc biệt, hệ thống rừng ngập mặn trồng ven đê còn đóng vai trò là tấm lá chắn xanh, giảm 20-70% năng lượng của sóng biển, đảm bảo an toàn cho các con đê biển, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho việc duy tu, sửa chữa đê biển... Bảo tồn đa dạng sinh học đã được Đảng và Nhà nước được coi là một trong những giải pháp để thực hiện phát triển bền vững đất nước.

Xu hướng suy giảm

Mặc dù có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú, nhưng trong bối cảnh dân số đông, nhu cầu tiêu thụ tài nguyên lớn, các phương thức tiêu thụ, sử dụng tài nguyên vẫn còn chưa bền vững... đang khiến cho đa dạng sinh học của Việt Nam bị suy giảm với tốc độ nhanh. Nạn phá rừng, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra, ô nhiễm môi trường ở các điểm nóng tiếp tục là những mối đe dọa tới đa dạng sinh học.

Các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp diện tích, xuống cấp về chất lượng, đặc biệt là các hệ sinh thái đất ngập nước, núi đá vôi, bãi bồi cửa sông ven biển... làm mất nguồn cung cấp nước ngầm, nơi sinh sản, phát triển, cư trú của các loài sinh vật. Từ năm 2014 đến nay, đã phát hiện 344 loài mới gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật nhưng các loài này đang phải đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Theo đó, số loài cần được ưu tiên bảo vệ đang tiếp tục gia tăng. Trong phạm vi đề tài khoa học cấp nhà nước “Điều tra, đánh giá các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ nhằm tu chỉnh Sách đỏ Việt Nam”, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (2015) đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài, gồm 600 loài thực vật và nấm; 611 loài động vật là thú, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng, động vật không xương sống nước ngọt và biển. Như vậy, so với Sách đỏ Việt Nam 2007 thì số lượng loài đề xuất vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn mới này tăng hơn nhiều.

Theo thông tin từ Ủy ban Bảo tồn Thiên nhiên Chung (JNCC), ảnh hưởng đa dạng sinh học của Việt Nam chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường. Trong đó, các mối đe dọa hàng đầu đến từ: nguồn thải nông nghiệp và lâm nghiệp (ảnh hưởng tới 298 loài); nước thải sinh hoạt và đô thị (tác động đến 258 loài); nguồn thải công nghiệp và quân sự (ảnh hưởng đến 245 loài). Ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, rác thải, biến đổi khí hậu... đang đe dọa 236 loài.

Những giải pháp trong thời gian tới

Tại Nghị quyết số A/RES/73/284, diễn ra ngày 6/3/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra quyết định tuyên bố Thập kỷ 2021- 2030 là Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái. Thập kỷ về Phục hồi hệ sinh thái được chính thức giới thiệu và khởi động vào Ngày Môi trường thế giới (ngày 5/6/2021) nhằm kêu gọi các quốc gia hành động khẩn trương, quyết liệt, trên tinh thần cùng chung tay nỗ lực xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch và sáng kiến ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái vì tương lai của toàn thể nhân loại. Ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6/2022) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth), hướng đến truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh, sạch hơn.

Cùng với các giải pháp mang tính toàn cầu, theo các nhà quản lý, nhà khoa học về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học: hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về đa dạng sinh học; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ quản lý đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương; đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học các cấp. Bên cạnh đó, cần lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh.

Hai là, huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; tạo cơ chế để có thể huy động các lực lượng tham gia vào công tác bảo tồn, thông qua các cơ chế đồng quản lý, cơ chế tự quản và các mô hình hợp tác công tư nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững thiên nhiên, đa dạng sinh học. Nghiên cứu các giải pháp phục hồi hệ sinh thái.

Ba là, thiết lập, củng cố hệ thống thông tin về đa dạng sinh học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, với từng di sản thiên nhiên, xây dựng và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi số, tăng cường năng lực; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ và thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học.

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm hướng tới mẫu hình tiêu thụ bền vững đối với tài nguyên sinh vật, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế, huy động, trợ và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.

Minh Nguyệt

Từ khóa » Giải Pháp Của Suy Giảm đa Dạng Sinh Vật