Đa Dạng Sinh Học – Thực Phẩm, Sức Khỏe Của Chúng Ta Hôm Nay Và ...

Tại sao là đa dạng sinh học?

Đa dạng sinh học - sự đa dạng của các giống, loài, hệ sinh thái trên trái đất

Bắt đầu từ năm 1993, ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế ĐDSH với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH và phản ánh trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ di sản quý giá này cho các thế hệ tương lai với chủ đề “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”.

Theo Công ước ĐDSH thì “ĐDSH là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong các hệ sinh thái (HST) trên cạn, ở biển và các HST dưới nước khác và mọi tổ hợp sinh thái mà chúng tạo nên; ĐDSH bao gồm sự: đa dạng trong loài (đa dạng di truyền hay còn gọi là đa dạng gen), giữa các loài (đa dạng loài), và các HST (đa dạng HST:

- Đa dạng di truyền được hiểu là tần số và sự đa dạng của các gen và bộ gen trong mỗi quần thể và giữa các quần thể với nhau;

- Đa dạng loài là tần số và sự phong phú về trạng thái của các loài khác nhau;

- Đa dạng HST là sự phong phú về trạng thái và tần số của các HST khác nhau.

Như vậy, ĐDSH là thuật ngữ thể hiện tính đa dạng của các thể sống, loài và quần thể, tính biến động di truyền giữa chúng và tất cả sự tập hợp phức tạp của chúng thành các quần xã và hệ sinh thái.

Sự cân bằng, ổn định của giống loài trong tự nhiên

Giá trị của ĐDSH chính là việc duy trì sự sống trên trái đất vì vậy, vai trò của nó vô cùng to lớn, với hai loại giá trị: giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị kinh tế trực tiếp của nó là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Giá trị gián tiếp gồm những cái mà con người không thể bán, những lợi ích đó bao gồm số lượng và chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu và cung cấp những phương tiện cho tương lai của xã hội loài người.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như thực tiễn đã chứng minh HST đa dạng thể hiện tính ưu việt hơn trong việc cung cấp những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống như thực phẩm và nước sạch. Mặt khác, hệ sinh thái đa dạng cũng phục hồi nhanh hơn sau thiên tai.

Giá trị của đa dạng sinh học

Giá trị của ĐDSH được thể hiện qua các vai trò cơ bản sau:

Thứ nhất: Các HST là cơ sở sinh tồn của sự sống trên trái đất

Các HST đảm bảo sự chu chuyển của các chu trình địa hóa: oxy và các nguyên tố cơ bản khác trên hành tinh như cácbon, nitơ. Chúng duy trì tính ổn định và màu mỡ của đất ở hầu khắp các vùng trên trái đất, làm giảm nhẹ sự ô nhiễm, giảm nhẹ thiên tai.

Để tồn tại và phát triển, loài người luôn dựa trên hai nguồn năng lượng chính mà thiên nhiên phải mất hàng triệu triệu năm để hình thành. Đó là: Năng lượng hóa thạch là nguồn tài nguyên không tái tạo, vì vậy phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm và ĐDSH là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, nhưng không phải là vô hạn, nên cần phải được sử dụng hợp lý.

Thứ hai: Bảo vệ tài nguyên đất và nước

Nguồn nước đảm bảo cho sự sống của muôn loài

ĐDSH còn có các chức năng quan trọng như như điều hoà nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai/các hậu quả cực đoan về khí hậu.

Các quần xã sinh vật bảo vệ rừng đầu nguồn, những hệ sinh thái vùng đệm, giảm nhẹ mức độ lũ lụt và hạn hán cũng như duy trì chất lượng nước. Tán cây và các lớp lá rụng dưới đất ngăn cản sức rơi của những giọt mưa làm giảm tác động của mưa lên đất; rễ cây và các vi sinh vật đất làm thông thoáng không khí trong đất và giảm bớt khả năng xảy ra lũ lụt khi có mưa lớn và làm cho dòng chảy chậm lại đến hàng ngày, hàng tuần sau khi mưa.

Thứ ba, điều hoà khí hậu

Môi trường sống trong lành

Quần xã thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà khí hậu địa phương, khí hậu vùng và ngay cả khí hậu toàn cầu. Trong khuôn khổ địa phương, cây cối cung cấp bóng mát và khuyếch tán hơi nước làm giảm nhiệt độ không khí khi thời tiết nóng nực. Cây cối trong vườn, trong công viên còn có tác dụng chắn gió và hạn chế sự mất nhiệt từ các toà nhà lớn trong điều kiện khí hậu lạnh giá.

Thứ tư, phân huỷ các chất thải

Các quần xã sinh vật có khả năng phân huỷ các chất gây ô nhiễm kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các chất thải sinh hoạt khác đang ngày càng tăng do các hoạt động của con người. Các loài nấm và vi khuẩn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những quá trình phân huỷ này. Khi những HST như vậy bị tổn thương hay bị suy thoái thì cần phải thay thế bằng một hệ thống nhân tạo để kiểm soát ô nhiễm với giá tiền đắt gấp nhiều lần với chức năng tương tự.

Thứ năm, khả năng sản xuất của hệ sinh thái

Khả năng quang hợp của các loài thực vật và các loài tảo lam làm cho năng lượng mặt trời được cố định lại trong những tế bào sống. Năng lượng được tích luỹ trong thực vật được con người thu lượm để sử dụng (thu lượm củi hoặc cắt cỏ làm thức ăn cho gia súc hay hái lượm các loài rau, thực phẩm trong thiên nhiên). Những vật liệu có nguồn gốc thực vật cũng là điểm khởi đầu của các chuỗi thức ăn.

Ở các khu vực cửa sông, dải ven biển là nơi thực vật và tảo thường phát triển rất mạnh. Những thực vật và tảo là mắt xích đầu tiên của hàng loạt các chuỗi thức ăn tạo thành các hải sản như trai, sò, tôm, cua.

Những giá trị kinh tế gián tiếp của ĐDSH như các quá trình xảy ra trong môi trường và các chức năng của HST là những mối lợi không đo đếm được và là vô giá. Do những lợi ích này không phải là hàng hoá hay là dịch vụ nên thường không tính đến trong quá trình tính toán giá trị GDP của quốc gia. Tuy vậy, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các sản phẩm tự nhiên mà nền kinh tế các nước không bị phụ thuộc.

Hậu quả của suy giảm đa dạng sinh học

ĐD10: Voọc Cát Bà – những cá thể còn sót lại trước mối đe dọa phát triển du lịch

Các xu hướng thay đổi của các hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng di truyền cho thấy nguy cơ về một làn sóng tuyệt chủng của các loài sinh vật. Các giống bản địa bị mất dần do sự du nhập của các giống mới hay các động, thực vật ngoại lai. Những mất mát đó rất nghiêm trọng vì các giống bản địa có tính đa dạng di truyền hơn hẳn các giống ngoại lai, các giống mới năng suất cao, vì vậy có khả năng chống chịu với sâu hại và bệnh tật, đây chính là nguồn nguyên liệu quý để lai tạo và cải tiến các giống.

Việc huỷ hoại thảm thực vật trên một khu vực mà nguyên nhân là do chăn thả động vật nuôi, do khai thác gỗ quá mức hoặc do nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên đã huỷ hoại khả năng tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất của các HST, do vậy sẽ dẫn đến việc mất những sản phẩm do thực vật sản sinh nên các quần thể động vật sống trong vùng (kể cả con người) đều phải gánh chịu hậu quả.

Ở Mỹ, mất đi trên 200 triệu đôla mỗi năm do sự đánh bắt quá mức dẫn đến việc huỷ hoại các vùng cửa sông và vùng duyên hải làm cho nước trong đó chủ yếu là mất đi các loài cá thương mại và mất đi những khu vui chơi, giải trí cùng các dịch vụ đánh bắt cá thể thao.

Sự nóng lên của trái đất – hậu quả của suy giảm đa dạng sinh học

Dù cho các HST đã bị huỷ hoại hoặc suy thoái này đều có thể phục hồi nhưng phải trả với cái giá rất đắt và thường là không thể phục hồi đầy đủ được các chức năng sinh thái như đã có, còn tính ĐDSH thì không bao giờ có thể khôi phục được.

Việc huỷ hoại thảm thực vật làm tốc độ xói mòn đất và sạt lở đất tăng lên rất nhanh, làm giảm giá trị sử dụng đất đối với con người. Đất bị suy thoái khiến thảm thực vật không thể phục hồi được và rất có thể làm cho đất không thể dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được nữa. Thêm vào đó tầng đất màu khi bị rửa trôi theo nước sẽ chảy tràn xuống HST thuỷ sinh, có thể gây ra ô nhiễm làm chết các động vật sống trong nước. Phù sa trôi vào sông, suối còn làm đục nước thậm chí gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Việc xói mòn đất cũng gây bồi lấp các hồ chứa nước của các trạm thuỷ điện, làm suy giảm khả năng phát điện hoặc làm cản trở các tàu bè đi lại trên các sông và cảng. Những trận mưa lụt chưa từng thấy ở khắp nơi trên toàn cầu trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng, khai thác quá mức trên các khu vực rừng đầu nguồn. Điều này đã buộc chính phủ nhiều nước phải ra sắc lệnh hạn chế khai thác gỗ hoặc đóng cửa rừng, nhiều nơi phải phát động phong trào trồng cây gây rừng. Giá trị hạn chế lũ lụt của những vùng đầm lầy nói riêng và các vùng ĐNN nói chung cũng hết sức quan trọng.

Biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên do mất cân bằng sinh thái từ sự mất các hệ sinh thái bền vững.

Hậu quả của sự suy giảm đa dạng sinh thái

Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Mặt khác sinh vật và HST là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ, nhiên liệu…

Khi HST bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, con người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo. Suy giảm nguồn gen và đặc biệt là biến đổi khí hậu dẫn đến hàng loạt các thảm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống của con người.

Chúng ta cần làm gì?

Tham gia bảo vệ, chăm sóc và trồng cây xanh ở trường, địa phương là bảo vệ môi trường, giữ gìn đa dạng sinh thái hiệu quả

Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn ÐDSH, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Ðảng và Nhà nước đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm). Quyết tâm và cam kết bảo tồn ÐDSH của Nhà nước được chú trọng hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của các công ước CBD (năm 1992) và CITES (năm 1994), với một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn (VQG và KBT) đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc.

Tính đến nay, Việt Nam có 186 KBT, với hệ thống các KBT đã được thiết lập, nước ta đã được quốc tế công nhận 20 khu có các danh hiệu quốc tế về giá trị ÐDSH, bao gồm năm khu Ramsar, tám khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm khu di sản ASEAN và hai khu di sản thiên nhiên thế giới. Ðáng chú ý, năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật ÐDSH được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ÐDSH. Ðây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH…

Trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động. Các hệ sinh thái bị thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; nguồn gen bị thất thoát, mai một... Nguyên nhân của tình trạng này là do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, khôngbảo đảm cho việc tái tạo lại. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực mạnh mẽ đến ĐDSH.

Bảo tồn ĐDSH có ý nghĩa quan trọng nhằm giữ cho sinh quyển ở trạng thái cân bằng. Để ngăn chặn các yếu tố có hại và phát huy các yếu tố có lợi cho hoạt động của tự nhiên cũng như của con người, cần phải thực hiện những biện pháp nhằm phòng chống suy thoái, bảo vệ ĐDSH.

ĐD9: Các đầm, hồ không chỉ có cây trồng, vật nuôi mà còn có hệ sinh thái quan trọng

Bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là vấn đề của một quốc gia, một địa phương, vùng lãnh thổ hay một cá nhân mà là vấn đề chung của tất cả các nước. Vì vậy, trước hết, mỗi người cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mình về bảo tồn ĐDSH.

Thứ nhất, loại bỏ tư tưởng, quan điểm về việc sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng…Coi đó như là phương thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh và thể hiện sự “giàu có”, “đẳng cấp” của bản thân và gia đình. Cần lên án mạnh mẽ, không tiếp tay cho những hành vi, tư tưởng sai trái này. Hãy nói KHÔNG với việc sử dụng, mua bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.

Thứ hai, không coi bảo vệ, giữ gìn ĐDSH là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chuyên trách. Điều này, dẫn đến sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ chính sự sống của mỗi người và toàn cộng đồng. Sự nóng lên của trái đất, sự biến đổi khí hậu, tình trạng mưa lũ, bão hay nắng hạn… đã và đang ảnh hường trực tiếp đến mỗi cá nhân hàng ngày và hàng giờ chính là hậu quả của sự suy giảm ĐDSH. Hãy là một tuyên truyền viên, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của ĐDSH cũng như tác hại, hậu quả nghiêm trọng của sự suy giảm ĐDSH.

Thứ ba, nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn ĐDSH.

Thứ tư, tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và trồng cây xanh ở trường, địa phương.

Thứ năm, cùng chung tay lên án, tố cáo nạn, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, chặt phá rừng, phá hoại môi trường.

Thứ sáu, cảnh giác với việc mua, bán, sử dụng các loài ngoại lai có thể phá vỡ toàn bộ HST và ảnh hưởng đến các quần thể động vật hoặc thực vật bản địa do sử dụng các loài bản địa làm thức ăn, gây nhiễm độc... hoặc giao phối với chúng làm cho các loài bản địa bị tuyệt chủng hoặc suy thoái (như cây mai dương, hay còn gọi là cây trinh nữ đầm lầy; ốc bưu vàng; tôm hùm đất Trung Quốc…).

Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 đánh dấu mốc quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam. Luật này được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Luật Đa dạng sinh học có riêng Chương 4 (từ điều 37 đến điều 49) quy định về “Bảo vệ động, thực vật hoang dã”. Luật Hình sự sửa đổi qua các năm 2009 và gần đây là năm 2015 đã bổ sung, sửa đổi và tăng nặng hơn các quy định xử phạt đối với các tội săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật.

Ban CTCT&SV

Số lượt đọc: 938

Từ khóa » Những ảnh Hưởng Của Suy Giảm đa Dạng Sinh Học