Đã đến Lúc Cần Rút Ra Những Bài Học Từ Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới

TS. Trương Quốc Cường Học viện Ngân hàng

1 - Nguyên nhân sâu xa của suy thoái và diễn biến chính của khủng hoảng kinh tế thế giới

Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế thường do nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung những nguyên nhân sâu xa, chủ yếu bao gồm: Tính chu kỳ trong kinh doanh; sự không ổn định trong nền kinh tế tư nhân; sự lựa chọn chính sách và cái giá của sự lựa chọn đó.

Tính chu kỳ trong kinh doanh. Chu kỳ kinh doanh là một sự dao động của tổng sản lượng quốc dân, của thu nhập và việc làm, thường kéo dài trong một giai đoạn từ 2 đến 10 năm, được đánh dấu bằng sự mở rộng hay thu hẹp trên quy mô lớn trong hầu hết các khu vực của nền kinh tế. Các nhà kinh tế học thường chia chu kỳ kinh doanh thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn suy thoái và giai đoạn mở rộng.

"Suy thoái" là sự đi xuống của một chu kỳ kinh doanh, bắt đầu tại một đỉnh và kết thúc tại một đáy. Những biểu hiện của suy thoái thông thường là: Việc mua sắm của người tiêu dùng thường giảm mạnh trong khi dự trữ tồn kho của các doanh nghiệp ô-tô và hàng hóa lâu bền khác tăng lên ngoài dự kiến; sản lượng giảm, kéo theo giá nguyên vật liệu thô giảm mạnh; cầu về lao động giảm dẫn đến sa thải và thất nghiệp cao; cầu về tín dụng và giá chứng khoán thường giảm xuống; lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.

"Mở rộng" tựa hồ như là hình ảnh phản chiếu của suy thoái và do đó có các biểu hiện ngược lại với suy thoái. Mọi sự mở rộng đều nuôi dưỡng sự suy thoái và thu hẹp, ngược lại mọi sự thu hẹp đều nuôi dưỡng sự hồi sinh và mở rộng. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng: Không có 2 chu kỳ kinh doanh nào hoàn toàn giống nhau và cũng không có một công thức chính xác nào có thể sử dụng để dự báo thời gian và thời điểm của chu kỳ kinh doanh. Nói một cách hình ảnh, chu kỳ kinh doanh như "những dãy núi với những ngọn núi và thung lũng cao thấp khác nhau". Một thung lũng rất sâu và rộng như thời kỳ Đại suy thoái sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1929 - 1933) và những thung lũng khác lại hẹp và nông như suy thoái những năm 70 thế kỷ XX.

Sự không ổn định trong nền kinh tế tư nhân. Hằng ngày, mỗi cá nhân đều có những quyết định, trong đó có quyết định phân bổ số tiền bạc khan hiếm của mình như thế nào cho chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Thái độ, hành vi của cá nhân trong chi tiêu tiêu dùng và đầu tư là 2 nhân tố tạo nên sự không ổn định của nền kinh tế tư nhân. Số liệu khảo sát trong những thập kỷ qua cho thấy, chi tiêu tiêu dùng chiếm 66% trong GDP. Có thể xem xét thái độ của cá nhân trong chi tiêu tiêu dùng theo 3 bước như sau: (1) Điều tra sự ưa thích của người tiêu dùng; (2) Tính đến tình hình thu nhập hạn hẹp của người tiêu dùng; (3) Kết hợp sự ưa thích của người tiêu dùng và các hạn hẹp về thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy con người có xu hướng lựa chọn các hàng hóa mà họ đánh giá chúng có độ thỏa dụng cao nhất. Độ thỏa dụng là yếu tố quyết định giá cả và sản lượng trên thị trường.

Cấu thành quan trọng thứ hai trong chi tiêu của mỗi cá nhân là đầu tư. Thực tiễn hành vi đầu tư của cá nhân cho thấy: Cũng như các doanh nghiệp, quyết định đầu tư của mỗi cá nhân cũng dựa trên nguyên tắc khả năng sinh lời trên cơ sở so sánh giữa giá trị hiện tại với giá trị tương lai và các lĩnh vực thường thu hút sự quan tâm của họ là bất động sản và cổ phiếu. Đầu tư vận động theo hướng không thể dự đoán được vì nó phụ thuộc vào nhiều nhân tố không chắc chắn, như các biến số đầu vào và đầu ra của sản xuất, quan điểm chính trị và sự thay đổi trong cơ chế kinh tế, chính sách về thuế và lãi suất, sự kỳ vọng và tâm lý của công chúng. Thực trạng đầu tư ở nước Mỹ cho thấy, trong hầu hết mọi chu kỳ kinh doanh, sự sụt giảm bắt đầu sớm hơn đối với đầu tư vào nhà ở. Độ trượt dốc của đầu tư vào nhà ở giai đoạn 1973 - 1975 là - 50,4% và giai đoạn 1978 - 1982 là - 53,4%. Điều quan trọng khác là tình trạng đi vay để đầu tư nhà ở, trong khi giá trị nhà ở bị sụt giảm từ 20.160 tỉ USD (vào giữa năm 2007) xuống còn 19.430 tỉ USD (vào giữa năm 2008) đã kéo theo gần 2 triệu người mất khả năng thanh toán các khoản nợ vay.

Thị trường chứng khoán là nơi mua bán các cổ phiếu, là trung tâm của kinh tế doanh nghiệp và là chiếc gương phản chiếu về tình hình kinh tế cơ bản. Lịch sử hình thành và phát triển của thị trường này đã cho thấy đầy những biến cố dữ dội, dễ "bùng nổ và xì hơi", bởi một điều phổ biến là giá cổ phiếu lên xuống rất thất thường. Khi thị trường bùng nổ, nhiều người bị cuốn vào cuộc chơi, xuất hiện sự đua nhau đầu cơ chứng khoán theo kiểu "bầy đàn", đẩy giá chứng khoán tăng lên, đáp ứng được lòng mong đợi, song chỉ là phần thưởng trên giấy tờ. Trên thị trường không phải dễ dàng kiếm được lợi nhuận, bởi diễn biến của giá cả chứng khoán rất thất thường và như những bước ngẫu nhiên. Do đó, nếu giá chứng khoán bất ngờ tăng lên do hy vọng và mơ tưởng sẽ dễ sụp đổ, đưa nhiều người tham gia thị trường chứng khoán gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 - 1933, và việc giảm 85% trên thị trường chứng khoán phố Uôn năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là những minh chứng cụ thể.

Sự lựa chọn chính sách và cái giá của sự lựa chọn đó. Các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ luôn có tác động lớn đến sự tăng trưởng, ổn định của nền kinh tế. Chính sách tài khóa của chính phủ bao gồm chi tiêu của chính phủ và thuế. Thông qua chính sách tài khóa, chính phủ sẽ quyết định nên phân chia sản lượng quốc dân như thế nào và có ảnh hưởng lớn đến sự vận động trong ngắn hạn của sản lượng, việc làm và giá cả, do đó, tác động đến chu kỳ kinh doanh. Thuế khóa của chính phủ có xu hướng làm giảm tổng cầu, phần thuế tăng thêm sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của công chúng và điều đó làm giảm chi tiêu cho tiêu dùng, ngược lại việc giảm thuế sẽ đưa nền kinh tế ra khỏi đình trệ, tạo sự tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa được mở rộng dễ dẫn đến sản lượng tăng vượt quá GDP tiềm năng và lạm phát bắt đầu được hâm nóng. Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, trong đó ngân hàng trung ương thông qua các công cụ chủ yếu như dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở để thực hiện việc kiểm soát và điều tiết khối lượng tiền cần thiết cung ứng vào lưu thông. Ngân hàng trung ương có chức năng phân tích và dự báo định kỳ về các diễn biến kinh tế vĩ mô, từ đó bằng cách tạo ra sự biến động (mở rộng hay thu hẹp) về tiền tệ sẽ dẫn đến những tác động đến giá cả, việc làm và sản lượng của nền kinh tế. Khi ngân hàng trung ương phát hiện có dấu hiệu của lạm phát tăng cao sẽ đi đến quyết định tiến hành các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Việc giảm cung tiền có xu hướng làm tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tín dụng, giảm đầu tư, thu nhập và sản lượng. Việc tăng cung tiền sẽ dẫn đến các diễn biến theo chiều ngược lại.

Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sôi động với quy mô toàn cầu và cùng với nó là quá trình tự do hóa về thương mại, tự do hóa về tài chính - ngân hàng, mang lại nhiều tác động tích cực trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia trên thế giới. Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cho thấy, nền kinh tế của mỗi quốc gia trở thành "một mắt xích" không thể tách rời của nền kinh tế thế giới, tùy thuộc vào nhau trong một nền kinh tế toàn cầu. Mỗi sự biến động của nền kinh tế thế giới đều tạo ra sự biến động của nền kinh tế trong nước. Mức độ phụ thuộc và ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới đối với mỗi quốc gia thường "đồng biến" với mức độ hội nhập của quốc gia đó.

Quá trình hội nhập kinh tế diễn ra qua nhiều kênh, trong đó chủ yếu là thương mại, tài chính, vốn và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Riêng về thị trường tài chính, sự hội nhập là tự do hóa cán cân vãng lai và cán cân thanh toán, đồng thời là tự do hóa quá trình tham gia và rút khỏi thị trường tài chính của các định chế tài chính nước ngoài. Điều này sẽ trực tiếp làm giảm đi sự kiểm soát của chính phủ đối với thị trường tài chính và nó sẽ tạo những áp lực rất lớn tới thị trường tài chính trong nước mỗi khi thị trường tài chính quốc tế có biến động. Đây là một trong những lý do hết sức quan trọng và các chính phủ đều hết sức thận trọng khi thực hiện chính sách tự do hóa cán cân vãng lai, cán cân thanh toán và giảm bớt rào cản đối với việc tham gia và rút khỏi thị trường tài chính của các định chế tài chính nước ngoài.

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới đã xảy ra những cuộc khủng hoảng với những quy mô, mức độ và ảnh hưởng khác nhau đến từng khu vực kinh tế. Có những khu vực, những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và cũng có những khu vực, những ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng. Song, hệ thống tài chính - ngân hàng luôn được coi là huyết mạch của nền kinh tế nên thường trở thành khâu dễ bị lây lan và tổn thương nhất khi khủng khoảng kinh tế xảy ra. Mặt khác, sự biến động, khủng hoảng của nền kinh tế các quốc gia lớn thường tạo ra làn sóng lan tỏa nhanh chóng đến nền kinh tế của các quốc gia khác.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, bắt đầu từ nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế số một thế giới với những nguyên nhân chủ yếu là: Do chính sách nới lỏng tiền tệ, duy trì chính sách lãi suất thấp; chính sách "nhà cho người có thu nhập thấp" kéo theo sự sụp đổ của thị trường bất động sản; sự nới lỏng quá mức các khoản tín dụng thế chấp, chứng khoán hóa các khoản vay dẫn đến các khoản nợ dưới chuẩn và rủi ro tín dụng; hoạt động không hiệu quả của hệ thống giám sát tài chính... Có thể điểm lại những diễn biến chính của cuộc khủng hoảng như sau:

Tháng 6-2007, Ngân hàng Đầu tư Bear Steams bị "quỵ ngã" do đầu tư vào các chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản cho vay bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ, ngân hàng này đã phải bán cho JP Morgan Chase (Mỹ) với giá 2 USD/cổ phiếu (tháng 3-2008). Tiếp theo là tổ chức vay thế chấp mua nhà ở Mỹ American Home Mortgage nộp đơn xin phá sản và Citigroup, tập đoàn ngân hàng hàng đầu nước Mỹ công bố lợi nhuận quý 3-2007 giảm 57%.

Đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính được đánh dấu bằng sự kiện "Phố Uôn" diễn ra vào ngày 15-9-2008 với sự sụp đổ của Lehman Brother và mất khả năng thanh toán của American International Group do thua lỗ vì cầm cố, giá cổ phiếu của AIG giảm gần một nửa. Tiếp theo là sự sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual INC do "đánh cược" vào thị trường cho vay thế chấp.

Cơn bão khủng hoảng tài chính đã nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, trong đó đáng chú ý là sự sụp đổ của Ngân hàng IKB (Đức), sự thua lỗ của các ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), Deusche Bank, Tập đoàn Centro Propeties (Ô-xtrây-li-a) và Yamoto Life Insuarance (Nhật Bản). Từ đó, xuất hiện việc sáp nhập, mua bán ngân hàng và những gói "cứu trợ" khổng lồ của các chính phủ.

2 - Nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng gắn kết hơn với nền kinh tế thế giới, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất - nhập khẩu đã vượt lên trên toàn bộ GDP của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung và tài chính nói riêng đã có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể:

Một là, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp khó khăn, sụt giảm. Năm 2008, một số ngành kinh tế phải giảm sản lượng, như khai thác than (giảm 8,5%), dệt may (giảm 5%), thép tròn (giảm hơn 40%)... Thị trường xuất khẩu hàng hóa thu hẹp do những thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam là Mỹ và châu Âu (chiếm tới gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng Mỹ là gần 20%) và một số thị trường châu Á bị khủng hoảng kinh tế. Từ đó, dẫn đến giảm nguồn thu ngoại tệ, kìm hãm sức sản xuất trong nước. Mặt khác, giá cả hàng xuất khẩu giảm do thị trường xuất khẩu thu hẹp cùng với nó là lượng tiền kiều hối giảm theo. Một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, dự kiến hàng triệu lao động mất việc làm.

Hai là, khả năng tài chính của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia bị giảm sút gây khó khăn trong thu hút, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến năm 2009, dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký ước còn khoảng 20 tỉ USD, giảm 44 tỉ USD so với năm 2008. So sánh FDI trong 5 tháng đầu năm 2009 với cùng kỳ năm 2008 cho thấy sự giảm sút đáng kể: Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 2,8 tỉ USD, bằng 70,9%, vốn đăng ký là 2,7 tỉ USD, bằng 10,8%.

Ba là, thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản "đóng băng". Chỉ số VN - Index giảm mạnh từ trên 900 điểm (đầu năm 2008) xuống mức thấp nhất 235,5 điểm (ngày 24-2-2009). Giá cổ phiếu, nhất là cổ phiếu của một số ngân hàng thương mại giảm mạnh, mức vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết năm 2007 là 40% GDP, năm 2008 giảm còn 17,5% GDP, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của một số doanh nghiệp khó khăn, thậm chí phải tạm hoãn. Số lượng các công ty chứng khoán hoạt động kinh doanh thua lỗ trong năm 2008 chiếm 50%, số lượng lao động mất việc làm gia tăng, dự kiến năm 2009 khoảng 400 - 500 ngàn lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm, khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm, nợ xấu có xu hướng tăng.

Bốn là, tăng trưởng kinh tế giảm. Trước diễn biến của khủng hoảng kinh tế thế giới và diễn biến tình hình kinh tế trong nước, Quốc hội đã xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 xuống còn 5%. Đến nay, đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn để cho phép đạt mức tăng trưởng trên 5%. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Việt Nam sẽ thấp hơn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam 2009 tăng trưởng tương ứng là 3,3% - 5,5%. Ngân hàng Châu Á (ADB) dự báo GDP của Việt Nam năm 2009 chỉ vào khoảng 4,5%.

Trước thử thách của khủng hoàng kinh tế toàn cầu, để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có những điều chỉnh chính sách phù hợp: Từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (đến tháng 3-2008) đến kiềm chế lạm phát, ổnđịnh kinh tế vĩ mô (từ tháng 4 đến tháng 11-2008) và từ tháng 12-2008 đến nay là ngăn chặn suy giảm và kích thích tăng trưởng. Đồng thời với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành đã điều chỉnh hoạt động, kịp thời đưa ra nhiều biện pháp phù hợp và thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên tình hình kinh tế đã có những khởi sắc. Trong 8 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2009 ước đạt 82,9 nghìn tỉ đồng, bằng 57,5% kế hoạch năm. Lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng đều tăng mạnh, tuy nhiên giá trị xuất khẩu giảm chủ yếu do giảm giá. Cầu nội địa đã có dấu hiệu phục hồi. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng tăng 9,3%. Thị trường xây dựng, vận tải, dịch vụ và bất động sản đang ấm dần lên. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,24% - là tốc độ tăng hợp lý, có lợi cho tăng trưởng. Thị trường chứng khoán cũng đang dần sôi động trở lại, với ngưỡng 500 điểm.

3 - Những bài học kinh nghiệm cần được rút ra hiện nay

Tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và quá trình hội nhập của Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực nên tác động của tình hình kinh tế thế giới là điều tất yếu. Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong ngăn chặn, hạn chế ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Thứ nhất, mất cân đối vĩ mô luôn là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như từng quốc gia nói riêng. Do đó, quá trình hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô cần kết hợp sự tăng trưởng và ổn định trên cơ sở hiệu quả của nền kinh tế. Bảo đảm sự phát triển bền vững, tính hệ thống, cấu trúc của nền kinh tế trong mỗi thời kỳ theo hướng kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích các khu vực, các ngành kinh tế, lợi ích mỗi cá nhân và cộng đồng.

Thứ hai, phát huy vai trò của hệ thống giám sát tài chính quốc gia. Hệ thống này với các mục tiêu bảo đảm sự an toàn và lành mạnh của các định chế tài chính, giảm thiểu rủi ro hệ thống, bảo đảm sự công bằng và hiệu quả của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tài chính và nhà đầu tư nên có vai trò quan trọng trong phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống giám sát quốc gia bao gồm các cơ quan giám sát được xây dựng theo các mô hình: Dựa trên cơ sở thể chế; theo hướng chức năng và theo hướng hợp nhất. Mỗi mô hình có những ưu, nhược điểm riêng, được xây dựng gắn với bối cảnh lịch sử về cấu trúc hệ thống tài chính, cấu trúc và truyền thống chính trị, quy mô quốc gia và quy mô lĩnh vực tài chính. Khi các tập đoàn ra đời và phát triển, kinh doanh đa ngành, các sản phẩm tài chính ngày càng trở nên phức tạp hơn thì mô hình thể chế, mô hình theo chức năng sẽ bộc lộ những hạn chế cần được thay thế bằng mô hình theo hướng hợp nhất.

Thứ ba, hệ thống ngân hàng luôn đóng vai trò trụ cột trong thị trường tài chính, vì vậy, cần nâng cao vai trò, vị thế của ngân hàng nhà nước trong việc thực hiện chức năng ngân hàng trung ương và chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở hoàn thiện thể chế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, phối hợp với các cơ quan trong xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, phát triển các công cụ dự báo, phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ tư, coi trọng quản trị rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản đối với các ngân hàng thương mại. Tín dụng là hoạt động cơ bản đem lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với những hậu quả khó lường. Quản trị rủi ro tín dụng trước hết cần tập trung kiểm soát các hoạt động cho vay vào các lĩnh vực mạo hiểm, như bất động sản, chứng khoán, các sản phẩm tín dụng phái sinh. Mặt khác, cần hoàn thiện hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng trên cơ sở liên kết giữa các ngân hàng thương mại để xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu đầy đủ và chính xác nhất về tài chính và quan hệ của khách hàng với các ngân hàng thương mại.

Thanh khoản là khả năng của ngân hàng trong việc bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu về ngân quỹ. Khả năng thanh khoản là một dấu hiệu quan trọng cho biết tình trạng hoạt động của ngân hàng. Quản trị rủi ro thanh khoản cần tập trung vào việc dự tính thay đổi tổng tiền gửi và tổng cho vay trên cơ sở xây dựng các mô hình toán học và phân tích các kịch bản dẫn đến sự thay đổi đó để có những biện pháp phù hợp trong huy động vốn và cho vay.

Thứ năm, chuẩn hóa hệ thống thông tin. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và toàn cầu hóa, hệ thống thông tin ngày càng trở nên quan trọng. Mọi chính sách, quyết định điều tiết nền kinh tế cần dựa trên luồng thông tin chuẩn xác, minh bạch và kịp thời. Vì vậy, cần hình thành các cơ quan chuyên biệt trong việc thu thập, cung cấp thông tin và quy định các tổ chức, cá nhân cần có trách nhiệm cung cấp, công bố thông tin có liên quan, tránh tình trạng thông tin phân tán và thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định.

Thứ sáu, tuy khó tránh khỏi hoàn toàn các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập cũng cần được quan tâm, nhất là coi trọng các yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững của nền kinh tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh phải đi liền với nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, gắn tăng trưởng với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và môi trường. Đẩy mạnh xuất khẩu phải đi liền với phát triển đồng đều thị trường trong nước. Muốn vậy, phải phát triển mạnh hệ thống an sinh xã hội và giám sát các tác động môi trường của quá trình phát triển. Tuy vừa qua có không ít những biểu hiện lệch lạc về phân hóa giàu nghèo, xâm hại môi trường nghiêm trọng..., nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và của dân tộc.

Tóm lại, lịch sử phát triển kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế với quy mô, mức độ khác nhau. Hiện nay toàn cầu hóa đã góp phần làm cho khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh lan tỏa sang các quốc gia khác, tạo nên khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngoài những nỗ lực riêng của mỗi quốc gia, các nước không thể "đơn phương" trước cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu, còn cần có sự phối hợp của cộng đồng thế giới, thông qua các tổ chức quốc tế có đầy đủ năng lực và uy tín để tạo ra sự phối hợp toàn cầu xử lý những vấn đề toàn cầu./.

Từ khóa » Chu Kỳ Khủng Hoảng Kinh Tế