Da Hay Vải? - Tạp Chí Đẹp
Có thể bạn quan tâm
Chiếc rương Marilyn đặc biệt chứa 33 chiếc túi Marylin với 33 màu sắc khác nhau trên nền chất liệu canvas Monogram Multicolore ra mắt năm 2007
Vải tráng nhựa?
Cái tên “vải” (canvas) chung chung thực sự khiến nhiều người hoang mang không hiểu thực chất đó là “vải” gì mà làm được túi xách và tại sao “vải” này đắt đến vậy.
Nhắc đến vải canvas, ai cũng nghĩ ngay đến Louis Vuitton, thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới với những thiết kế đa dạng vừa cổ điển, vừa đương đại, cao cấp và được ưa chuộng, sử dụng rộng rãi. Cuối năm 2012, Forbes công bố danh sách những thương hiệu quyền lực nhất thế giới và Louis Vuitton đứng ở vị trí 17 với giá trị thương hiệu vào khoảng 24,5 tỉ đô la, tiếp tục dẫn đầu danh sách Những thương hiệu xa xỉ (luxury brand) hùng mạnh nhất trên thế giới, bỏ xa những thương hiệu xa xỉ khác. Câu chuyện thành công của Louis Vuitton bắt nguồn từ những chiếc rương bằng gỗ được bọc vải canvas. Louis Vuitton Malletier (Malletier – nhà làm rương) được thành lập bởi Louis Vuitton vào năm 1854 và chiếc rương đầu tiên được giới thiệu năm 1858 với chất liệu vải canvas Trianon màu xám. Đây là thiết kế rương đầu tiên trên thế giới có nắp và đáy phẳng (thời đó rương thường có nắp tròn để nước không đọng lại bên trên).
Những đổi mới của Louis Vuitton hướng đến sự tiện dụng dành cho giới quý tộc, những khách hàng thường xuyên di chuyển: rương chứa đồ dễ sắp xếp hơn, có thể chồng lên nhau, tiết kiệm diện tích và vận chuyển đơn giản hơn. Tuy nhiên, với chất liệu vải canvas Trianon được sử dụng từ năm 1858 tới 1876, những sản phẩm của Louis Vuitton phải đối mặt với một vấn đề không mấy dễ chịu – nạn làm hàng giả. Chính vì vậy, Louis Vuitton đã đổi sang chất liệu vải canvas Rayée với những sọc màu beige – nâu và đỏ – beige, tồn tại trong vòng 12 năm cho tới khi chất liệu vải canvas với họa tiết Damier ra đời vào năm 1888. Đây là một trong những họa tiết canvas còn tồn tại cho tới tận ngày nay trong các sản phẩm của Louis Vuitton.
Cùng với chất liệu vải canvas Damier còn có vải canvas họa tiết Monogram, ra đời năm1896 và vẫn có mặt trong các sản phẩm Louis Vuitton hiện nay. Không những vậy, những họa tiết Monogram này còn trở thành biểu tượng dễ nhận biết gắn liền với Louis Vuitton cho đến tận bây giờ và là một trong những biện pháp hữu hiệu của Louis Vuitton trong công cuộc trường kỳ chống hàng giả. Những họa tiết Monogram mang dấu ấn của văn hóa Nhật Bản và phương Đông vào cuối thời kỳ nữ hoàng Victoria cai trị.
Rương bọc chất liệu canvas Trianon
Câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí người tiêu dùng đó là: vải canvas của Louis Vuitton được làm bằng gì và làm như thế nào? Có những thông tin cho rằng đó đơn giản chỉ là vải tráng nhựa với mục đích chống thấm, tạo nên một chất liệu vừa mềm vừa không thấm nước, nhẹ và khá bền, phù hợp cho những chuyến đi. Tuy nhiên, với một thương hiệu xa xỉ cao cấp như Louis Vuitton, lời giải thích này không thỏa đáng. Thông tin chính thức đưa ra thường nói chung chung là “chất liệu vải cotton đã qua xử lý” (treated cotton canvas) nhưng một điều không thể phủ nhận đó là qua quá trình sử dụng thường xuyên, những chất liệu canvas của Louis Vuitton ngả màu rất đẹp. Đó không phải là chuyện thường thấy và không phải chất liệu canvas nào cũng có được những giá trị đó. Đây được coi là bí quyết riêng mang tính tuyệt mật của Louis Vuitton mà không phải ai cũng được biết.
Chất liệu canvas đã trở nên rất phổ biến và thịnh hành bởi những đặc tính của nó. Nhưng nhiều người cho rằng, người ta đổ xô đi mua những chiếc túi của Louis Vuitton vì logo rất rõ ràng, bỏ ra một khoản tiền lớn, họ muốn được người khác ngước nhìn trầm trồ và ghen tị, có như vậy mới đúng là xa xỉ (?!). Thực sự, chuyện có đáng đồng tiền bát gạo hay không thì chỉ sử dụng mới biết. Trong tai nạn kinh hoàng trên chiếc tàu Titanic năm 1912, theo thống kê, chỉ có những chiếc rương đựng hành lý của Louis Vuitton là còn nguyên vẹn sau khi được vớt lên từ đáy biển. Đặc biệt, với những chiếc rương còn nguyên khóa thì đồ đạc bên trong không hề bị hư hại. Chẳng ai nghĩ được đến chuyện này và chắc chắn rằng những người thợ làm rương thời đó cũng không nghĩ xa xôi tới mức làm ra những chiếc rương để bảo quản đồ dưới đáy đại dương.
Rương bọc chất liệu canvas Monogram
Mới đây, để đối mặt với tình trạng “đồng yên Nhật trượt giá”, Louis Vuitton đã đưa ra quyết định tăng giá một số sản phẩm của mình tại đây thêm 12%. Và ngay sau đó, một chuyên gia phân tích tài chính của HSBC đã công bố rằng tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) đồng loạt tăng giá những sản phẩm làm bằng chất liệu vải canvas tại khu vực châu Âu thêm khoảng 10%, tại Anh và Mỹ tăng thêm 10% hoặc hơn thế. Tại các thị trường châu Á (Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore,…) giá của những sản phẩm bằng canvas cũng tăng thêm khoảng từ 5% tới 10%. Đây là lần tăng giá thứ 2 của Louis Vuitton sau khi tăng thêm 8% giá các món đồ phụ kiện (có cả túi xách, giày) tại châu Âu để kiểm soát lượng khách châu Á đổ xô tới châu Âu mua hàng chính gốc với giá rẻ hơn.
Bền bỉ với canvas
Paris có rất nhiều xưởng làm rương lâu năm chứ không chỉ riêng có Louis Vuitton. Một trong những niềm tự hào khác của Paris đó là Goyard.
Rương bọc chất liệu canvas Rayée
Goyard được thành lập năm 1792 bởi Pierre-Francois Martin nhà làm rương lâu đời nhất Paris hiện vẫn còn hoạt động sau nhiều lần đổi tên từ Martin đến Morel và cuối cùng mới là Goyard. Francois Goyard là học trò của Louis-Henri Morel (người kế nhiệm của Pierre-Francois Martin) tại Maison Morel, tiếp quản công việc tại đây và đổi tên thành Goyard sau khi Louis-Henri đột ngột qua đời. Ông đã phát triển công việc kinh doanh một cách thành công cùng với các con cháu của mình. Cho tới năm 1998, một doanh nhân người Pháp tên là Jean-Michel Signoles đã mua lại Goyard và đưa tên tuổi của Goyard trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu với các sản phẩm rương hành lý, túi xách và phụ kiện. Khách hàng của Goyard luôn là giới quý tộc, hoàng gia và đặc biệt Coco Chanel cũng là một trong những khách hàng có tiếng tại cửa hàng ở St. Honore. Bà đã đặt làm riêng cho mình một chiếc rương màu đen với những chi tiết mạ vàng tại đây. Bà chọn hai sọc màu bạc và đỏ thẫm cùng với dấu ấn riêng là hai chữ C viết tắt cách nhau bởi dấu chấm (thay vì đan vào nhau như logo của Chanel). Ngoài ra, Goyard còn có một danh sách những khách hàng đáng nể khác như Pablo Picasso, Estée Lauder, Jeanne Lanvin, Cristobal Balenciaga, Karl Lagerfeld… đều là những tên tuổi có “máu mặt” trong giới thời trang couture và nghệ thuật.
Cửa hàng Goyard tại số nhà 233 phố St. Honore ở Paris
Cửa hàng Louis Vuitton tại số 1 đường Scribe, Paris – ảnh chụp năm 1871
Vẻ quyến rũ trong những sáng tạo của Goyard đó là chất liệu vải canvas Goyardine được Edmond Goyard (con trai của Francois Goyard) tạo ra vào năm 1892. Ông lấy cảm hứng từ truyền thống gia đình (vận chuyển gỗ) với những dấu chấm tạo vân mang đến cảm giác như đang sờ vào chất liệu da thật. Vải canvas Goyardine được dệt từ sợi gai dầu, sợi lanh và sợi bông (giống như chất liệu quần áo của người thợ chở gỗ) mềm mại, bền và chống nước. Đây là đặc điểm nổi trội của Goyard so với những nhà làm rương cùng thời bởi lúc ấy, đa phần các nhà sản xuất chỉ sử dụng vải lanh để bọc bên ngoài rương. Cũng giống như những nhà làm rương khác, quá trình xử lý chất liệu vải canvas Goyardine hoàn toàn được giữ bí mật. Mỗi tấm Goyardine đều trải qua quá trình xử lý tạo màu bằng acid với 3 lớp và chất liệu Goyardine ngày càng ngả màu đẹp hơn qua quá trình sử dụng. Khách hàng có thể lựa chọn vẽ những ký tự viết tắt tên mình trên rương, lựa chọn này vẫn được áp dụng tới tận bây giờ để khách hàng có thể “cá nhân hóa” những món đồ mua tại Goyard.
Những họa tiết trên nền chất liệu Goyardine
Hoa hậu Pháp năm 1930, Yvette Labrousse, với những chiếc rương đựng đồ của Louis Vuitton được bọc bởi lớp vải canvas họa tiết Monogram cùng dòng chữ Miss France và hình lá cờ Pháp
Chất liệu vải canvas Goyardine tạm ngừng sản xuất sau Thế chiến 2 và mới được áp dụng lại vào năm 1998 khi Jean-Michel Signoles mua lại Goyard. Đồng thời Jean-Michel cũng mang đến những gam màu nền mới ngoài màu đen gắn liền với lịch sử thương hiệu như: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, xanh biển, đỏ burgundy, xám và trắng. Ngoài ra còn có màu bạc và vàng ánh kim nhưng chỉ áp dụng cho những sản phẩm có khung cứng. Bản thân Jean-Michel cũng là người sưu tập và đam mê những sáng tạo của Goyard trong một thời gian dài. Năm 2008, Goyard cho ra mắt dòng sản phẩm với số lượng có hạn sử dụng chất liệu canvas Goyardine trên nền tông màu hồng và ngay lập tức toàn bộ những sản phẩm này được bán sạch, phần lớn khách mua là những nhà sưu tập. Năm 2010, Goyard giới thiệu chất liệu vải canvas dệt trên khung cửi jacquard. Chất liệu này mang đến những nét mới hoàn thiện hơn, đặc biệt chữ “E.Goyard” (viết tắt tên ông Edmond Goyard) sắc nét và tinh tế hơn trên tấm vải canvas, một thành tựu chưa từng đạt được trong ngành công nghiệp dệt vào thời điểm đó.
Những chiếc rương nhiều màu sắc luôn được bày trước cửa hàng Goyard tại phố St. Honore
Chất liệu khởi thủy của hành lý và túi xách không phải là da, khi mà kỹ thuật xử lý da chưa được phát triển như bây giờ. Đó là những dấu ấn in đậm trong lịch sử thương hiệu. Họ đã vượt qua những giai đoạn khó khăn bằng cách trung thành với những gì các bậc tiền bối để lại, tiếp tục chinh phục những vị khách hàng ngày càng khó tính và đưa ra nhiều lựa chọn với những giá trị cốt lõi gắn liền với thương hiệu. Phải chăng sự bền bỉ vẫn luôn là một trong những đặc tính của ngành hàng cao cấp (luxury)?
Chất liệu làm nên thương hiệu Chất liệu là một trong những yếu tố làm nên sự xa xỉ và có thể trở thành linh hồn của thương hiệu. Chất liệu là yếu tố quyết định rất nhiều tới các thiết kế bất kể là quần áo hay túi xách, phụ kiện. Những đặc tính của chất liệu còn là nguồn cảm hứng để những nhà thiết kế, khai thác bằng sức sáng tạo của mình. Mỗi nhà thiết kế có cảm nhận khác nhau về cùng một chất liệu và điều đó làm nên sự đa dạng, phong phú cho thế giới thời trang.
Bài: Tuấn Anh Ảnh: Louis Vuitton, Goyard, Chanel
Bạn là người khéo tay, hay làm? Bạn là người yêu thời trang? Hãy chia sẻ những sản phẩm DIY của bạn với độc giả Đẹp Online bằng cách gửi hướng dẫn kèm hình ảnh chi tiết các công đoạn thực hiện tới địa chỉ email: thoitrang@dep.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Trân trọng!
Từ khóa » Chất Liệu Da Canvas
-
Monogram Canvas Là Gì? Những điều Cần Biết Về Chất Liệu ...
-
Chất Liệu Canvas Có Thật Sự Bền Bỉ Theo Thời Gian? - EFORA
-
Canvas Là Gì Và Chất Liệu Nào XỊN XÒ đến đâu Mà Túi Vải CỰC HOT
-
[Canvas Là Gì] Những Thông Tin Cần Biết Về Chất Liệu Này - Luvinus
-
Chất Liệu Canvas Là Gì ? Những điều Nên Biết Về Loại Vải Này
-
Chất Liệu Canvas Là Gì ? Những Lý Do Bạn Nên Chọn Vải Canvas
-
Chất Liệu Canvas Là Gì? Ứng Dụng Của Canvas Trong đời Sống
-
Top 3 đặc điểm Của Chất Liệu Monogram Canvas Mà Bạn Nên Biết
-
Các Chất Liệu Da Của Thương Hiệu Louis Vuitton
-
Khám Phá 5+ Loại Vải Canvas Phổ Biến Nhất Hiện Nay
-
Vải Canvas Là Gì? 5+ Loại Vải Canvas & Ứng Dụng Của Chúng
-
Chất Liệu Da Của Túi Xách Louis Vuitton - Royal Shop
-
🍃Chất Liệu Da Thật Phối Canvas Dày Bền. Mẫu Không Kén Tuổi, Dễ ...