Đã Học Nghề Thì Không Cần Theo Học Chương Trình THPT - Công Luận

Trong văn bản số 1528/BGDĐT-GDTX của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có nêu, những khóa học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh từ năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên phải phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy học.

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cũng phải thực hiện với thời lượng đủ ba năm học.

ong le truong tung da hoc nghe thi khong can theo hoc chuong trinh thpt hinh 1

Học sinh THCS theo học nghề không cần thiết phải theo học chương trình phổ thông vì quá nặng, không hiệu quả.

Trong khi, thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ một đến hai năm.

Do đó, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung cấp nghề chỉ học trong thời gian từ một đến hai năm, không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Trước đề xuất này, nhiều người lo lắng hệ 9+ sẽ sụp đổ. Bởi, từ lâu các trường nghề đã rầm rộ tuyển sinh với những lời hứa học sinh tốt nghiệp THCS sẽ chỉ mất tối đa từ 3,5 năm đến 4 năm để có trong tay 3 bằng THPT quốc gia, Trung cấp Chính quy và bằng Cao đẳng (được công nhận kỹ sư, cử nhân thực hành).

Chiếu theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường nghề không được đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên và yêu cầu nếu theo học chương trình giáo dục thường xuyên phải theo 3 năm học thì chương trình 9+ như quảng cáo của các trường nghề rất khó để thực hiện.

Trước thắc mắc này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT.

Theo đó, ông Lê Trường Tùng cho rằng việc phân luồng từ khi học THCS chia làm hai nhánh, một nhánh học THPT và một nhánh theo học trung cấp nghề. Nhánh trung cấp nghề trong quá trình học các em học thêm một số môn văn hóa.

Đầu ra của chương trình THPT là bằng tốt nghiệp THPT, còn học Trung cấp nghề là bằng trung cấp cộng với chứng nhận học xong một số môn văn hóa phổ thông.

Hiện tại, do một số ý kiến cho rằng học trung cấp vẫn học và có bằng tốt nghiệp THPT luôn như 9+ vừa có bằng trung cấp lại vừa có bằng THPT.

“Nhưng cách hiểu như vậy là quá tải, bởi đối với học sinh theo học hệ THPT đã phải học 3 năm mà chương trình đã xem là quá tải. Nếu trường nghề lại bắt học sinh học thêm chương trình phổ thông nữa là quá sức.

Đầu vào trường nghề đã kém một lúc phải học hai nội dung chương trình THPT và chương trình nghề là không kham nổi” – ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, hệ 9+ muốn tuyển sinh thì nêu ra học có hai bằng luôn vừa trung cấp vừa THPT nhưng cách đó chỉ làm khổ cả xã hội. Trường nghề muốn dạy văn hóa, khối lượng kiến thức văn hóa thì chỉ dạy 4 môn như hiện tại các trường vẫn đang dạy.

“Các trường nghề vẫn dạy văn hóa nhưng không dạy để cuối cùng các em thi nhận bằng tốt nghiệp THPT. Bởi vì đó là trách nhiệm của các trường THPT hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên. Các trường nghề không thể ôm đồm hai việc”.

Vị này cho rằng, đừng yêu cầu các em sức học yếu hơn một chút so với sức học bình thường lại phải làm việc gấp đôi. Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận đối tượng học trung cấp nghề và 4 môn văn hóa phổ thông có chứng nhận do trường nghề cấp thì có giá trị tương đương như học sinh tốt nghiệp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã gửi tất cả các cơ quan theo đường Bộ Nội vụ, khi tuyển nhân sự không được phân biệt. Nếu ai đã có bằng trung cấp và kiến thức văn hóa phổ thông 4 môn thì sẽ sử dụng tương đương với bằng tốt nghiệp THPT.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo trong thi đại học hàng năm chấp nhận bằng trung cấp và chứng nhận học 4 môn văn hóa phổ thông  vẫn được tham gia thi.

“Việc học sinh buổi sáng học trung cấp, buổi chiều học giáo dục thường xuyên thì sẽ quá tải. Điều này chả để làm gì vì khi có bằng trung cấp, cộng với chứng nhận học 4 môn cũng được thi đại học.

Còn những em thích học trung học phổ thông thì nên chỉ học trung học phổ thông, không nên kèm theo học nghề”.

Ông Lê Trường Tùng một lần nữa nhấn mạnh: “Việc học trung cấp nghề và có 4 môn văn hóa được thi đại học nhưng đậu hay không đậu lại là một chuyện khác. Đây mới chỉ là nhà nước cho phép.

Về mặt pháp lý hiện nay, đầu vào đại học có 3 nguồn là nguồn THPT bình thường; học trung cấp + 4 môn văn hóa phổ thông và học phổ thông do nước ngoài cấp bằng.

Do đó, khi đã đi học trường nghề thì không nên học theo chương trình phổ thông, còn muốn theo học chương trình phổ thông thì nên không đi học theo trường nghề”.

Trinh Phúc

Từ khóa » Học Trung Cấp Nghề Có Cần Bằng 12 Không