Đã Kết Hôn, đứng Tên Nhà đất Một Người được Không? - CIS Law Firm

Nhà đất là một trong những tài sản có giá trị lớn. Khi kết hôn, vợ chồng thường đứng tên chung trên sổ đỏ, tuy nhiên, cũng có những trường hợp đứng tên 1 người.

Vậy, nếu sổ đỏ chỉ đứng tên 1 người, thì khi bán, chuyển nhượng, có phải có sự đồng ý của người còn lại không? Hay khi ly hôn, vợ hoặc chồng có được chia tài sản, khi sổ đỏ chỉ ghi tên 1 người. Hoặc, sau khi kết hôn, có được đứng tên sổ đỏ một mình không?

Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến đất đai, nhà cửa của vợ chồng nói trên.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

  • 1. Quy định của pháp luật về việc đứng tên sổ đỏ của vợ chồng
  • 2. Một người đã kết hôn thì có thể một mình đứng tên trên sổ đỏ không?
  • 3. Thủ tục đứng tên sổ đỏ một mình
  • 4. Nếu Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng hoặc vợ, khi bán đất, người còn lại có phải ký tên không?
  • 5. Vợ hoặc chồng một mình đứng tên sổ đỏ, vậy khi ly hôn, người còn lại có quyền gì, có bị ảnh hưởng gì hay không?
  • 6. Nếu sổ đỏ, sổ hồng chỉ đứng tên một người, người còn lại muốn đứng tên cùng thì phải thực hiện thủ tục gì?

1. Quy định của pháp luật về việc đứng tên sổ đỏ của vợ chồng

Theo quy định của Luật đất đai hiện hành, khi nhà đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả tên vợ và chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hay còn gọi là “sổ đỏ”, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Đây là quy định mới nhất về việc đứng tên trên sổ đỏ.

Tuy nhiên, trước đây, các quy định của pháp luật đất đai chưa ghi nhận nội dung này, nên nhiều trường hợp sổ đỏ chỉ đứng tên một người.  Đối với những trường hợp này, nhà đất đó vẫn được xác định là tài sản chung của cả 2 vợ chồng nếu nhà, đất đó được tạo lập sau khi đăng ký kết hôn, mà không phải do vợ hoặc do chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc mua, nhận chuyển nhượng bằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

2. Một người đã kết hôn thì có thể một mình đứng tên trên sổ đỏ không?

Sau khi kết hôn, vợ hoặc chồng vẫn có thể đứng tên trên sổ đỏ một mình, theo đó, có thể kể ra những trường hợp phổ biến sau đây mà chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên trên sổ đỏ:

Thứ nhất là vợ hoặc chồng được nhận thừa kế riêng là nhà, đất. Khi đó, Người thừa kế là vợ hoặc chồng sẽ đứng tên nhà đất một mình.

Ví dụ: người chồng sau khi kết hôn được cha mẹ để lại thừa kế cho riêng anh ta, thì tài sản đó vẫn là tài sản riêng của người chồng và người chồng được đứng tên một mình trên giấy tờ sở hữu.

Trường hợp thứ hai, là vợ hoặc chồng được tặng cho riêng nhà đất, thì họ cũng đứng tên một mình trên sổ đỏ.

Trường hợp thứ ba là vợ hoặc chồng mua nhà đất bằng tài sản riêng của mình thì cũng đứng tên trên sổ đỏ một mình.

Trường hợp thứ tư là trước khi kết hôn, hai bên có thỏa thuận về tài sản riêng của vợ, chồng sau khi kết hôn, và thỏa thuận này được công chứng hoặc chứng thực, thì tài sản phát sinh sau khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu của từng người theo nội dung đã thỏa thuận và khi đó, sổ đỏ cũng sẽ đứng tên 1 người.

Trường hợp thứ năm là trường hợp vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung và nếu tải sản đó là nhà, đất, thì thỏa thuận này phải được công chứng, khi đó, nhà đất được chia là tài sản riêng theo thỏa thuận. Trường hợp này sổ đỏ cũng đứng tên 1 người.

3. Thủ tục đứng tên sổ đỏ một mình

Thủ tục để đứng tên sổ đỏ một mình vẫn thực hiện theo trình tự bình thường, tuy nhiên, hồ sơ nộp để cấp sổ đỏ đứng tên một người thì cần phải cung cấp các giấy tờ tương ứng với từng trường hợp đề cập ở mục 2. Cụ thể, thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ.

Theo đó, hồ sơ phải nộp để đứng tên sổ sổ một mình, thì ngoài bộ hồ sơ như xin cấp sổ lần đầu hoặc đăng ký biến động, bạn phải cung cấp một trong các giấy tờ sau:

1. Văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế nếu bạn được thừa kế riêng.

2. Hợp đồng tặng cho nhà đất, nếu bạn được tặng cho riêng.

3. Chứng từ chứng minh bạn nhận chuyển nhượng nhà đất bằng tài sản riêng của bạn.

4. Bản Thỏa thuận công chứng về việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn.

5. Bản thỏa thuận công chứng về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Bước 2: Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ, bạn Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ ghi ngày hẹn trả kết quả.

Bước 3: Bạn nộp các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ,…

Và Bước 4: Đến ngày hẹn ghi trên phiếu tiếp nhận, bạn đến Văn phòng đăng ký đất đai đã nộp hồ sơ để nhận sổ đỏ.

4. Nếu Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng hoặc vợ, khi bán đất, người còn lại có phải ký tên không?

Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng, kể cả trường hợp tài sản chung của vợ chồng mà chỉ 1 người đứng tên, thì khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến nhà đất đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

Trường hợp là tài sản riêng của một người thì quyền định đoạt tài sản như thế nào là của riêng người đó, không cần ý kiến của người còn lại.

Và đã đề cập ở các mục trên, sổ đỏ đứng tên một người thì chưa thể khẳng định 100% đó là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng. Do đó, thông thường Văn phòng đăng ký đất đai sẽ yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh đó là tài sản riêng và Giấy “cam kết tài sản riêng” của người không đứng tên.

5. Vợ hoặc chồng một mình đứng tên sổ đỏ, vậy khi ly hôn, người còn lại có quyền gì, có bị ảnh hưởng gì hay không?

Sổ đỏ đứng tên một người thì chưa thể khẳng định 100% đó là tài sản riêng. Do đó, khi ly hôn, người không đứng tên trên sổ đỏ có thể yêu cầu tòa án phân chia tài sản đó nếu có chứng cứ chứng minh đó là tài sản chung.

Và một điều cần đặc biệt lưu ý, khi vợ, chồng đang có tranh chấp nhà đất được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, và nếu cho rằng đó là tài sản riêng của mình thì phải đưa ra căn cứ chứng minh về việc này. Nếu không có căn cứ chứng minh thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng và sẽ được chia theo thỏa thuận hoặc phán quyết của Tòa án.

Nếu một bên chứng minh được nhà đất là tài sản riêng như các trường hợp đã nêu, thì người không đứng tên không có quyền đối với tài sản đó.

6. Nếu sổ đỏ, sổ hồng chỉ đứng tên một người, người còn lại muốn đứng tên cùng thì phải thực hiện thủ tục gì?

Nếu sổ đỏ, sổ hồng chỉ ghi tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu ghi cả tên vợ và chồng thì thực hiện theo thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận.

Theo đó, hai vợ chồng cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ xin cấp đổi Giấy chứng nhận như sau (khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ):

+ Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu.

+ Bản gốc Sổ đỏ.

+ CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cả vợ và chồng.

Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả Giấy chứng nhận cho bạn.

Nhà, đất ở Việt Nam luôn là một trong những tài sản lớn, có giá trị, do đó, những tranh chấp xung quanh đến nhà đất không chỉ giữa người mua, người bán, tranh chấp giáp ranh, mà vợ chồng, đặt biệt khi ly hôn, thì xung đột về tài sản cũng rất gay gắt và nhiều trường hợp không tìm được tiếng nói chung.

Do đó, hiểu biết về chế độ tài sản của vợ chồng nói chung, và việc đứng tên trên sổ đỏ đất nói riêng là vấn đề nên biết, để hạn chế những vướng mắc về sau.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ!

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581 Email: info@cis.vn

Từ khóa » Sổ đỏ đất đứng Tên 1 Người được Không