Đã Khỏi COVID-19 Vẫn Có Khả Năng Tái Nhiễm, Cần Tiếp Tục Hoàn ...

Đã khỏi COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm, cần tiếp tục hoàn thành tiêm vaccine mũi 3

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19, khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3, tuy nhiên đã khỏi COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm, cần tiếp tục hoàn thành tiêm vaccine mũi 3

Đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên

Đến nay cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên: mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 99%, và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi mũi 1 là 99% và mũi 2 là 94%.

Về tiêm mũi 3, Bộ Y tế cho hay, đến ngày 31/3/2022, ước tính có khoảng 60% đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm mũi 3. Như vậy hiện tại đã tiêm mũi 3 cho khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm. Số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do như: Số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vaccine sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19,khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3.

Bộ Y tế cũng cho rằng do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vaccine mũi 3; triển khai các biện pháp ưu tiên quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; nhất là thực hiện nghiêm thông điệp “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác” là rất quan trọng trong việc kiểm soát ca lây nhiễm, hạn chế bệnh tăng nặng, tử vong.

Chỉ sử dụng cùng loại vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi

Theo thông tin của Bộ Y tế, trong đầu tháng 4/2022 khi có vaccine, sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi theo hình thức chiến dịch. Tiêm trước cho trẻ lớp 6, sau đó hạ dần đối tượng tiêm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi sẽ sử dụng 2 loại vaccine là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Chỉ sử dụng một loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 đối tượng. Cả 2 loại vaccine này đều có thể gặp các tác dụng phụ phổ biến tương tự như đối với người lớn sau khi tiêm như đau đầu, ớn lạnh, sốt… và rất hiếm gặp các phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Sau buổi tiêm chủng, trẻ sẽ được yêu cầu theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Qua đó, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm nhằm có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả.

Nỗ lực cứu sống trẻ 14 tuổi sau hơn 3,5 tháng mắc COVID-19

Sáng 2/4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cho hay, vừa cứu sống bé gái 14 tuổi sau suốt hơn 3,5 tháng ‘chiến đấu’ với COVID-19

Bệnh nhân này được chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM tháng 12/2021. Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ nhanh chóng ghi nhận Q. viêm phổi nặng – nhiễm trùng huyết – suy hô hấp rất nặng phải thở máy thông số cao ngay.

Diễn tiến bệnh xấu, nhanh, tổn thương đa cơ quan rất nặng nên được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục hỗ trợ hô hấp, lọc máu liên tục và điều trị kháng sinh phổ rộng, kháng đông, kháng viêm theo phác đồ COVID-19 nguy kịch.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng phổi của Q. tiếp tục diễn tiến xấu, tổn thương nặng lan tỏa 2 bên, thở máy thông số cao, có chỉ định sử dụng ECMO.

Trải qua 80 ngày chạy ECMO, có những lúc tình trạng Q. quá nặng tưởng chừng như không thể qua khỏi, nhưng bằng sự cố gắng hết mình, chăm sóc tận tình, theo dõi sát từng giây phút bên giường bệnh của các y bác sĩ – điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, đặc biệt là ekip chạy ECMO, bệnh tình Q. tiến triển tốt hơn, dần hồi phục, ngưng được ECMO và cai máy thở một cách thần kỳ. Tuy nhiên, Q. còn viêm phổi nặng phải thở áp lực dương liên tục qua mũi nên được chuyển đến Khoa Hô hấp 1 tiếp tục điều trị.

Trong quá trình điều trị, Q. có nhiều tổn thương về thể chất cũng như tâm lý, các bác sĩ liên chuyên khoa hô hấp, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tâm lý xây dựng các liệu pháp phục hồi chức năng tối ưu nhất.

Sau hơn 3,5 tháng điều trị, Q. đã được xuất viện về nhà đoàn tụ trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Từ khóa » Fo Tiêm 3 Mũi Cách Ly Mấy Ngày