Đa Lộc Khởi Sắc | Báo Dân Tộc Và Phát Triển

Giao thông nông thôn ở xã Đa Lộc đã hoàn thiện và khang trang
Giao thông nông thôn ở xã Đa Lộc đã hoàn thiện và khang trang

Khởi sắc từ những chương trình dự án

Từ một xã nghèo, đến nay đời sống người dân xã Đa Lộc ngày một phát triển cả vật chất lẫn tinh thần. Những đổi thay ấy đã nói lên sự đồng thuận ý Đảng - lòng dân, sự đầu tư kịp thời của những chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng đất này.

Công trình hồ chứa nước Kỳ Châu (thôn 3, xã Đa Lộc) có tổng dung lượng nước 3,5 triệu m3, với hệ thống kênh dài khoảng 20km, được đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, đã phục vụ tưới hơn 970ha cây trồng hằng năm. Ngoài phục vụ sản xuất, hồ Kỳ Châu còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân của xã, góp phần cải thiện môi trường sinh thái Đa Lộc.

Dự án đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (ĐT 644) đoạn qua khu dân cư xã Đa Lộc dài gần 5km theo tiêu chuẩn đường cấp 4 với mặt đường rộng 5,5m... Từ khi có con đường, đã tạo “cú hích” cho xã phát triển KT-XH.

Hiện, xã Đa Lộc có 5 thôn, mỗi thôn đều có Nhà văn hóa; hệ thống trường từ mẫu giáo, tiểu học và THCS đều được xây dựng khang trang. Đến nay, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã đã xây dựng mới thư viện Trường THCS Nguyễn Viết Xuân; 2 phòng học, cổng tường rào, sân bê tông của Trường Mầm non Đa Lộc.

Ngoài ra, xã triển khai các dự án do Nhà nước đầu tư như: Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững”, có 9 hộ tham gia (4 hộ nghèo; 5 hộ cận nghèo) tham gia mô hình trồng mía và sắn cao sản trên diện tích 1,8ha, tổng vốn hỗ trợ 100 triệu đồng; Dự án “Đa dạng hóa sinh kế” với 15 hộ tham gia (7 hộ nghèo; 8 hộ cận nghèo) tham gia trồng sắn và nuôi bò với tổng vốn hỗ trợ trên 171 triệu đồng và Dự án “Hỗ trợ giống cây ăn quả” thực hiện 5,4ha với 8 hộ tham gia, vốn hỗ trợ gần 80 triệu đồng.

Cụ Nguyễn Văn Kẻng 87 tuổi phấn khởi chia sẻ: “Đa Lộc hôm nay so với trước đây thì quá phát triển, giao thông đi lại thuận tiện, điện đường sáng choang; nhà cửa xây dựng khang trang. Cuộc sống người dân đã khấm khá. Gia đình tôi cũng đã thoát nghèo rồi!”.

Một góc cánh đồng hưởng lợi từ hồ nước Kỳ Châu
Một góc cánh đồng hưởng lợi từ hồ nước Kỳ Châu

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, cùng với định hướng của chính quyền địa phương, người dân Đa Lộc đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng (keo, mía; sắn, dưa…) và chăn nuôi theo mô hình trang trại… Những năm 2010 - 2012, thu nhập bình quân đầu người chỉ 14 -16 triệu đồng/năm, thì nay đã tăng lên gần 30 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục ở xã tiếp tục được nâng cao. Năm học 2020 - 2021, kết quả xét công nhận hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 100%, bậc THCS được công nhận tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng được quan tâm. Tình hình phòng, chống đại dịch Covid-19 ở xã đang được kiểm soát tốt.

Về với Đa Lộc hôm nay không còn những con đường đất đá gồ ghề, bụi mù khi trời nắng và trơn trượt khi trời mưa. Không còn những căn nhà ở xập xệ hay trường học dột nát, lớp ghép… Cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa…” của xã nay rất khang trang, cuộc sống của người dân đầy đủ tiện nghi.

Người dân xã Đa Lộc thu hoạch sắn (mì)
Người dân xã Đa Lộc thu hoạch sắn (mì)

Anh Nguyễn Mầm (48 tuổi) ở thôn 2, xã Đa Lộc là 1 trong 15 hộ gia đình nuôi heo theo mô hình trang trại cho biết: “Kinh tế gia đình tôi có phần khấm khá, con cái được ăn học đàng hoàng… cũng nhờ từ nuôi heo. Trong 2 năm 2019, 2020, tôi xuất chuồng mỗi lứa 1.200 con heo thịt, trừ chi phí còn lãi ròng 200 triệu đồng”.

Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Châu Văn Hiền cho biết: “Đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản đạt 15 tiêu chí NTM, phấn đấu năm 2021 đạt tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm), từng bước phấn đấu các tiêu chí còn lại để sớm hoàn thành về đích NTM”.

Khởi sắc ở một xã vùng biên

Từ khóa » đa Lộc đồng Xuân Phú Yên