Da Mụn Cần Tránh Sử Dụng Sản Phẩm Có Chứa Những Thành Phần Này

Nếu bạn là người sở hữu làn da mụn hoặc da dễ nổi mụn, và với tất cả nỗ lực của bản thân, bạn đã thiết lập một chế độ chăm sóc da nghiêm ngặt, không bao giờ sờ tay lên mặt hay táy máy vào nốt mụn, cũng không bao giờ đi ngủ mà chưa tẩy trang da sạch sẽ.

Nhưng sau tất cả, da bạn vẫn bị tắc nghẽn, mụn vẫn cứ thi nhau nổi lên, vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Rất có thể là do những thành phần gây bí tắc lỗ chân lông có trong mỹ phẩm mà bạn đang dùng!

Thông thường thì khi chọn mua mỹ phẩm, đặc biệt là cho da mụn, mọi người thường hay tìm đến các sản phẩm có dòng chữ “oil-free” (không chứa dầu), hoặc “non-comedogenic” (không gây tắc nghẽn lỗ chân lông). Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào có những dòng chữ đó cũng thân thiện với da mụn và không gây bít tắc da như quảng cáo.

Đối với khái niệm “oil-free”, đây là khái niệm thường gắn liền với những sản phẩm giúp giữ cho lỗ chân lông thông thoáng và ngăn chặn phát sinh mụn. Nhưng sản phẩm không chứa dầu lại thường có chứa các thành phần giúp làm da mềm, mịn mượt, và các thành phần này chính là nguyên nhân gây bí tắc lỗ chân lông. Mặc khác thì sản phẩm có chức năng kiềm dầu, hút dầu trên da thường dẫn đến khô da, từ đó lại càng làm da trở nên bí tắc và sinh mụn nhiều hơn do mất cân bằng độ ẩm.

Đối với khái niệm “non-comedogenic”, đây là khái niệm gắn với mỹ phẩm không chứa các thành phần có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông. Tuy nhiên, đây cũng là một khái niệm khá lập lờ, không được đảm bảo tuyệt đối. Các loại mỹ phẩm đề nhãn “non-comedogenic” nghĩa là đã qua thử nghiệm của hãng và không gây mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng trên da, hoặc ít nguy cơ gây mụn. Nhưng không hề có một cơ quan thẩm quyền, tổ chức nào nghiên cứu và xác nhận, cung cấp các chứng nhận khách quan là mỹ phẩm đó có “non-comedogenic” hay không. Tất cả chỉ là khái niệm đánh tráo, marketing từ các nhãn hàng mỹ phẩm mà thôi.

Vì vậy, khi lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc da hay makeup, không nên quá tin tưởng vào những dòng quảng cáo được ghi trên bao bì. Bạn nên tập tìm hiểu và đọc bảng thành phần của sản phẩm, để tìm ra được những thành phần nào có thể gây kích ứng hoặc bí tắc lỗ chân lông, từ đó tránh được việc làm da nổi thêm mụn. Và bên dưới đây, Happy Skin đã tổng hợp lại những thành phần có trong mỹ phẩm thường gây mụn mà da mụn cần nên tránh. Lưu ý, tất cả chỉ mang tính chất tương đối vì làn da mỗi người mỗi khác, không áp dụng hoàn toàn cho tất cả mọi người bạn nhé!

Silicones

Mỹ phẩm không chứa dầu “oil-free” hay có các thành phần tạo độ mịn mượt và làm mềm da, và thành phần đó thường là gốc silicones. Silicones thường được dùng trong sản phẩm dành cho mặt hay chăm sóc tóc để tạo cảm giác trơn mượt và ngăn chặn sự thất thoát độ ẩm ra bên ngoài, nhưng lại chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn.

Silicones tạo một lớp màng che phủ trên bề mặt da, khiến cho bụi bẩn và vi khuẩn bị mắc kẹt ở bên dưới lỗ chân lông. Nếu bạn không làm sạch da tốt mà bôi các sản phẩm chứa Silicones lên da sẽ rất dễ làm gia tăng mụn, mụn đầu đen và thậm chí là nổi mụn diện rộng (break-out).

Một số ví dụ về các gốc silicones thường gặp trong mỹ phẩm:

  • Dimethicone: dầu silicone
  • Cetearyl Methicone: silicone không tan trong nước
  • Cyclomethicone: dầu silicone tổng hợp

Thay vì sử dụng mỹ phẩm chứa silicones, bạn có thể chọn sử dụng các loại dầu tự nhiên có công dụng dưỡng ẩm, khóa ẩm và tạo độ mịn mượt cho da (như dầu tầm xuân hay dầu jojoba).

Dầu khoáng (Mineral Oil) và Petrolatum

Cũng tương tự như Silicones, dầu khoáng (Mineral Oil) hay các thành phần thuộc gốc dầu hỏa (Petrolatum) giúp tạo lớp màng che phủ trên bề mặt da, ngăn chặn sự mất nước và độ ẩm từ bên trong da ra môi trường bên ngoài.

Nhưng chính lớp màng này cũng giữ luôn tất cả vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn dư thừa… ở lại lỗ chân lông mà không thoát ra được. Nên mặc dù đây là thành phần hay được gắn mác “non-comedogenic” thì nó vẫn làm da dễ nổi mụn như thường!

Tên thường gặp: Mineral Oil, Petrolatum, Petrolatum Jelly.

Thành phần thay thế: dầu Jojoba hoặc Vitamin E, giúp cấp ẩm nhẹ nhàng, thích hợp cho làn da dầu hoặc dễ bị mụn.

Dầu dưỡng có tỉ lệ Oleic Acid cao

Như đã nêu ở trên thì không phải cứ da dầu hay da mụn là phải chọn mỹ phẩm “oil-free”. Các loại dầu dưỡng từ thiên nhiên vẫn hoàn toàn có thể sử dụng được cho da mụn mà không gây bí tắc, mà còn dưỡng ẩm, khóa ẩm đồng thời chống oxi hóa cực tốt nữa nếu như bạn chọn loại phù hợp.

Yếu tố quan trọng nhất khiến cho một loại dầu có hợp hay không hợp với da dầu/dễ nổi mụn hay không là tỉ lệ linoleic acid và oleic acid trong thành phần của dầu.

  • Oleic Acid (omega-9 fatty acid): Loại acid béo làm cho dầu có kết cấu dày, đặc và cho độ dưỡng ẩm cao. Nhưng acid này sẽ gây mụn cho những loại da dầu bẩm sinh, dầu thiếu nước và hỗn hợp thiên dầu.
  • Linoleic Acid (omega-6 fatty acid): Khi thiếu hụt Linoleic Acid, dầu trên da chúng ta sẽ trở nên dày, dính do tỉ lệ Oleic Acid tăng cao, dẫn đến mụn và bí tắc lỗ chân lông. Nên các loại dầu chứa hàm lượng Linoleic Acid cao là một sự lựa chọn tối ưu cho những ai da dầu và mụn.

Nếu bạn bị mụn nặng, tốt nhất nên tránh xa những loại dầu có tỉ lệ Oleic Acid cao và nên sử dụng những loại dầu tự nhiên giàu Linoleic Acid.

  • Một số loại dầu chứa Oleic Acid cao cần tránh như: dầu quả bơ (Avocado Oil), dầu olive (Olive Oil), dầu hạt mỡ (Shea Nut Oil), dầu hạnh nhân (Sweet Almond Oil), dầu dừa (Coconut Oil),…
  • Một số loại dầu chứa Linoleic Acid cao có thể sử dụng như: dầu hoa anh thảo (Evening Primrose Oil), dầu hạt tầm xuân (Rosehip Oil), dầu hạt nho (Grape Seed Oil), dầu gai dầu (Hemp Seed Oil),…

Bên cạnh đó, cần lưu ý là cần tìm mua được dầu hữu cơ, không bị biến đổi gene và không trộn lẫn các thành phần hóa học gây hại.

Cồn khô (Alcohol)

Cồn là thành phần quen mặt trong các sản phẩm dành cho da dầu, mụn. Cồn được dùng để làm sạch, cân bằng, và tiêu diệt vi khuẩn. Nhiều người rất thích dùng sản phẩm chứa cồn vì cảm giác khô thoáng ngay sau đó.

Tuy nhiên, nó cũng loại bỏ cả dầu tự nhiên trên da và dẫn đến tình trạng da khô, mất nước, mất cân bằng ẩm và dễ bị kích ứng. Da sẽ càng phải tiết thêm nhiều dầu hơn để cân bằng lại, từ đó sinh thêm mụn. Khi mọi người nghĩ rằng các sản phẩm chứa cồn sẽ có hiệu quả trong việc kiểm soát dầu trên da, nhưng thực sự chúng chỉ làm lỗ chân lông phình to thêm và gây mụn mà thôi.

Các gốc cồn khô mà da mụn nên tránh: Alcohol, Ethanol, Alcohol Denat (Denatured Alcohol), Methanol, Methyl Alcohol, Ethyl Alcohol, SD Alcohol,\…

Tuy nhiên thì ngoài cồn khô ra vẫn còn các gốc cồn béo không gây khô da, được sử dụng như chất làm mềm và làm đặc, cải thiện độ nhớt, độ dày của sản phẩm, bên cạnh đó có thể hoạt động như chất nhũ hóa và giúp làm dịu, duy trì độ ẩm cho da. Ví dụ: Cetyl Alcohol, Lauryl Alcohol, Stearyl Alcohol, Cetearyl Alcohol, Oleyl Alcohol…

Bên cạnh đó, thay vì sử dụng cồn để thanh tẩy, làm sạch da, có rất nhiều thành phần có công dụng làm sạch và cân bằng mà không lấy đi độ ẩm hay dầu tự nhiên của da như: Nước cây phỉ, trà xanh, Hydrosol…

Sodium Lauryl Sulfate (SLS)

Đây là chất hoạt động bề mặt giúp tạo bọt rất phổ biến, thường có trong các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, dầu gội đầu, kem đánh răng… Thành phần này được xác định là chất gây kích ứng da vì nó lấy đi hết lượng dầu tự nhiên trên da, khi đó hàng rào bảo vệ da bị đe dọa và theo cơ chế tự nhiên, da sẽ tiết ra nhiều dầu hơn để cân bằng lại.

rong quá trình da sản xuất dầu một cách nhanh chóng, quá mức để bù đắp lại sự thiếu hụt và tổn thương gây ra bởi SLS, cũng là lúc lỗ chân lông dễ dàng bị tắc nghẽn, từ đó sản sinh ra mụn. Ngoài ra, SLS còn để lại một lớp màng trên da ngay cả khi bạn đang cảm thấy da “sạch bong kin kít”. Lớp màng này sẽ tiếp tục bít các lỗ chân lông đã bị quá tải bởi lượng dầu như ở trên đã nói đến, dẫn đến hậu quả là mụn đầu đen, mụn trứng cá.

Giải pháp: Lựa chọn những sản phẩm không chứa SLS, thay vào đó là các chất hoạt động bề mặt nhẹ nhàng hơn như Ammonium Laureth Sulphate (ALS), Sodium Alkyl Sulphate (SAS), Glycerin Glucoside hay Lauryl Glucoside.

Lanolin

Lanolin là chất nhờn được chiết xuất từ lông cừu. Nó được dùng như một loại dưỡng ẩm cho da, giúp tạo hiệu ứng mịn mượt trên bề mặt. Thông thường thì Lanolin không gây kích ứng hoặc nổi mụn trên da bình thường. Nhưng với những người sở hữu làn da dễ nổi mụn, Lanolin có thể gây tắc lỗ chân lông, làm trầm trọng thêm tình trạng mụn hoặc thậm chí gây bùng phát mụn.

Bên cạnh đó, các loại Lanolin tổng hợp nhân tạo như Acetylated Lanolins, Etoxylated Lanolins có khả năng đi sâu hơn vào da so với dầu Lanolin nguyên chất, vì vậy cần cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm có chứa chất này.

Isopropyl Myristate

Thành phần này được đưa vào trong rất nhiều sản phẩm để tạo cảm giác mượt mà, mịn khi thoa lên da. Cảm giác thật tuyệt vời khi bạn sử dụng một sản phẩm nào đó lướt hoàn hảo trên da, không bị vón hay lợn cợn. Nhưng trên thực tế Isopropyl Myristate tại bám dính sâu vào da và bít lỗ chân lông, dẫn đến việc nổi mụn nghiêm trọng.

Một số hợp chất phổ biến có công thức tương tự như: Butyl Stearate, Octyl Stearate, Isocetyl Stearate, Isopropyl Palmitate And Isostearate.

Hương liệu và màu nhân tạo

Hương liệu và màu nhân tạo là những thành phần có tỉ lệ gây kích ứng da cực kì cao cùng với việc làm tăng mức độ nhạy cảm của da, từ đó dễ dẫn đến mụn. Có rất nhiều loại màu nhuộm gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông như FD&C Đỏ 6 hoặc D&C xanh 6. Và chưa hết đâu, đó là họ còn chưa tiết lộ những gì họ dùng để làm nên hương thơm hay màu sắc đó. Chúng có thể chứa đến hơn 200 loại hóa chất khác nhau và thường được làm từ chế phẩm dầu mỏ hay Phthalates.

TỔNG KẾT

Làn da mụn cần có một quy trình chăm sóc da đúng cách và nghiêm ngặt, bao gồm cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Việc lựa chọn mỹ phẩm là rất quan trọng trong quá trình “chiến đấu” với mụn. Bạn cần tìm hiểu thật kĩ thành phần của một sản phẩm trước khi quyết định thoa lên da chứ không chỉ lướt qua những dòng quảng cáo bắt mắt trên bao bì, tránh gây tình trạng kích ứng hay bí tắc lỗ chân lông sinh thêm mụn.

Và bên cạnh việc chăm sóc da tại nhà, thỉnh thoảng bạn nên đến các Spa uy tín để thực hiện các liệu pháp chăm sóc chuyên sâu cho da như lấy nhân mụn, chiếu ánh sáng diệt khuẩn mụn… sẽ giúp da cải thiện tốt hơn, nhanh chóng điều trị dứt điểm mụn, tránh được việc mụn tái đi tái lại hoặc lây lan mụn, viêm nhiễm do nặn mụn không đúng cách.

Bạn có thể ghé HappySkin Beauty Clinic với các liệu trình chăm sóc da chuyên sâu như: điều trị mụn, thâm mụn, sẹo rỗ, nám… với đội ngũ chuyên gia “siêu xịn” cùng máy móc, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là chỉ sử dụng dược mỹ phẩm điều trị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt. Đây sẽ là địa điểm uy tín dành cho các bạn muốn chăm sóc da chuyên sâu nha!

Xem thêm

8 sản phẩm đặc trị mụn đỉnh cao có thể tiêu diệt nhiều loại mụn

Hướng dẫn trị mụn nội tiết bằng dầu hạt lanh

Từ khóa » Thành Phần Nào Trong Mỹ Phẩm Gây Mụn