ĐÀ NẴNG KHỦNG HOẢNG THỪA KHÁCH SẠN ? | Thiên Kim Real

Với mức công suất buồng phòng chỉ đạt 50% trong năm 2019, Đà Nẵng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa khách sạn, nhất là khách sạn thấp sao.

Tại các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa…, khách sạn mọc lên như nấm. Ảnh: Hoàng Sơn

4 năm, tăng 20.000 phòng

Năm 2019, tổng lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch ước đạt 8,7 triệu lượt, đạt hơn 106% kế hoạch. Lượng khách các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 7,1 triệu lượt, tăng 22%; trong đó khách quốc tế ước đạt 2,17 triệu lượt, tăng 24%. Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, doanh thu mang lại từ lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng chưa tương xứng với tăng lượng khách và đang có xu hướng chậm lại. Số ngày lưu trú bình quân của khách cũng thấp hơn so với năm 2018. Đáng chú ý, năm 2019, TP tăng mạnh số lượng cơ sở lưu trú, tới 158 cơ sở với 4.459 phòng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 28 khách sạn 3 – 5 sao, 130 CSLT du lịch có quy mô nhỏ dưới 2 sao, homestay, căn hộ du lịch mini…

“Công tác quy hoạch, đầu tư các cơ sở lưu trú du lịch vẫn còn thiếu kiểm soát, từ đó đã dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt và chia sẻ lượng khách giữa các cơ sở lưu trú với nhau. Chính vì vậy, mặc dù số lượng khách tiếp tục gia tăng nhưng công suất sử dụng buồng phòng lưu trú du lịch tại Đà Nẵng năm 2019 chỉ đạt 50%”, ông Cường cho biết. Theo số liệu thống kê, hiện nay TP.Đà Nẵng có 943 khách sạn, với số lượng khoảng 40.000 phòng. Trong đó, số khách sạn dưới 2 sao có 795 khách sạn, chiếm 84% số lượng khách sạn trên địa bàn TP nhưng công suất buồng phòng chỉ đạt dưới 40%.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết thêm, từ năm 2016- 2019, thống kê cho thấy, mỗi năm TP tăng khoảng gần 5.000 phòng. Riêng năm 2019, khối khách sạn 4-5 sao tăng 1.000 phòng; khối khách sạn 3 sao tăng 18 khách sạn với 2.000 phòng. “Hiện nay, ngành gặp khó khăn trong việc quy hoạch phát triển cơ sở lưu trú, cơ chế giám sát chưa thực hiện được do luật Quy hoạch không cho phép quy hoạch ngành. TP đang thiếu dữ liệu cảnh báo quá tải hạ tầng để có biện pháp tạm dừng cấp phép xây dựng các CSLT tại một số khu vực”, bà Hạnh phân tích.

Cũng theo bà Hạnh, dịch vụ kinh doanh lưu trú du lịch thuộc ngành nghề nhà nước không cấm nên TP vẫn cấp phép. Việc cấp phép xây dựng CSLT thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng và Sở Du lịch chỉ có thẩm quyền quản lý sau khi đi vào hoạt động theo hình thức hậu kiểm.

Đề xuất tạm dừng cấp phép xây khách sạn

Tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng vừa qua, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung dẫn chứng, đề án phát triển du lịch TP giai đoạn 2016 – 2020 xác định đến năm 2020, số cơ sở lưu trú trên địa bàn khoảng 23.000 phòng. Thế nhưng, đến nay số phòng đã hơn 40.000 phòng (tăng 1,8 lần). Theo số liệu thống kê, những dự án đã được cấp phép thì dự báo đến năm 2025, số lượng phòng lên đến 60.000 (tăng 1,5 lần so với hiện nay). Bà Nhung đề nghị, Sở Du lịch TP cần có giải pháp cảnh báo, tư vấn cho nhà đầu tư. Sở cần sớm có đề án về sức chứa điểm đến để đảm bảo về hạ tầng giao thông, môi trường, nước sạch; đảm bảo đầu tư CSLT có hiệu quả…

Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, thời gian tới, Sở sẽ đề xuất TP cần thực hiện tổng điều tra khảo sát hiện trạng và khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông, xả thải, cấp nước, cấp điện… kết hợp với tiến độ hoàn thành các dự án nâng cấp hạ tầng của TP để xá.c định thực trạng của Đà Nẵng đã quá tải hay chưa và quá tải ở khu vực nào. Từ đó, đề xuất HĐND TP thông qua nghị quyết tạm dừng cấp phép các CSLT cũng như nhà cao tầng, condotel trong một thời hạn nhất định. “Ở Bình Định, họ có quy định tạm dừng cấp phép xây dựng cơ sở lưu trú với lý do chưa hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu các phường nội thị. Đà Nẵng có thể thực hiện việc tạm dừng trên cơ sở khảo sát, chứng minh sự quá tải của hạ tầng và thông qua nghị quyết của HĐND TP để triển khai”, bà Hạnh nói.

Bên cạnh đó, TP cần tăng cường xử lý vi phạm cấp phép và xử lý vi phạm về xây dựng cơ sở lưu trú, công tác nghiệm thu công trình theo đúng quy định, đồng thời siết chặt chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng sang kinh doanh lưu trú; thực hiện nghiêm cấp phép kinh doanh cơ sở lưu trú, như: PCCC, môi trường, an ninh trật tự… trước khi đi vào hoạt động. “Sở phát hiện tình trạng tăng đột biến số phòng từ 2 năm trước và đã liên tục cảnh báo. Tuy nhiên, có thực trạng các nhà đầu tư có tiền xây khách sạn kinh doanh mà không quan tâm đến việc cảnh báo về hiệu quả, phân khúc… Ngoài ra, khách sạn nhỏ tăng nhanh đến 1.300 phòng trong năm 2019. Hiện nay xu hướng khách du lịch thích những nhà du lịch, homestay nhỏ, giá vừa phải…”, bà Hạnh nói thêm.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, vấn đề lớn của ngành du lịch hiện này là chạy theo lượng khách và nhu cầu, trong đó một loạt cơ sở lưu trú mọc ra, đầu tư theo phân khúc thấp. Hiện đã có sự “bão hòa” nên đã xảy ra sự cạnh tranh, thậm chí có thời điểm thu giá dưới trần. “Về mặt quản lý nhà nước TP đã thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, cảnh báo. Tuy nhiên, vì mặt thị trường đã đi vào điều tiết, các dự án đã dừng lại… Thách thức của ngành du lịch TP trong thời gian đến là phải làm sản phẩm từ kinh tế đêm, tạo ra sản phẩm mới… TP phải tập trung tạo nhiều sản phẩm hơn nữa để phát triển ngành du lịch”, ông Thơ nói.

Mất 3 năm để có được sản phẩm du lịch quy mô

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Trương Thị Hồng Hạnh, TP đang gặp vướng mắc phát triển sản phẩm du lịch, mà cụ thể là cần thêm những khu vui chơi, giải trí quy mô lớn. “Thời gian cấp phép một dụ án du lịch mất khoảng 3 năm. Trong đó 2 năm làm công tác chuẩn bị đầu tư và 1 năm dành cho triển khai với hơn 50 thủ tục. Để có được sản phẩm du lịch quy mô lớn thì nhà đầu tư sẽ mất 3 năm và để có những sản phẩm mới cực kỳ khó khăn, mất thời gian”, bà Hạnh đánh giá.

Nguồn: Hoàng Sơn (Theo thanhnien.vn)

Từ khóa » Công Suất Phòng Khách Sạn đà Nẵng