Đà Nẵng - Wikivoyage

Giới thiệu

[sửa]

Tọa độ phần đất liền của thành phố Đà Nẵng từ 15°15' đến 16°40' Bắc và từ 107°17' đến 108°20' Đông. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Thành phố nằm ở trung độ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 764 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam, cách kinh đô thời cận đại của Việt Nam là thành phố Huế 108 km về hướng Tây Bắc.Đà Nẵng còn là trung điểm của các di sản thế giới: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ "DAKNAN", nghĩa là vùng nước rộng lớn hay "sông lớn", "cửa sông cái". Năm 1835, với chỉ dụ của vua Minh Mạng, Cửa Hàn (tên gọi Đà Nẵng khi đó) trở thành thương cảng lớn nhất Miền Trung. Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam vào năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane đánh dấu sự ra đời thành phố. Sau Cách mạng tháng tám, thành phố được mang tên nhà yêu nước Thái Phiên. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại. Năm 1967, Đà Nẵng được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương. Sau năm 1975, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Theo đó thành phố Đà Nẵng ngoài phần đất liền còn bao gồm huyện Hoàng Sa. Tuy nhiên trên thực tế, từ sau sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974 thì Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa và tuyên bố là lãnh thổ của họ. Hiện nay, cả Việt Nam, Trung Quốc và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đều đòi chủ quyền đối với quần đảo này.

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông. Đà Nẵng hiện nay có tám quận, huyện với tổng diện tích là 1285,4 km². Theo kết quả điều tra năm 2009 thì dân số thành phố là 887.435 người. Năm 2011, dân số thành phố là 951.700 người. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn năm 2012 là 46.368,6 tỷ đồng. Trong ba năm liền từ 2008-2010, Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu cả nước. Tuy nhiên năm 2012, PCI của Đà Nẵng tụt xuống thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Trong những năm gần đây (2013), Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "thành phố đáng sống" của Việt Nam.

Đà Nẵng là một thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Phía bắc thành phố được bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Phía tây là khu du lịch Bà Nà nằm ở độ cao trên 1000m với hệ thống cáp treo đạt bốn kỷ lục thế giới (dài nhất, độ chênh lớn nhất, tổng chiều dài cáp dài nhất và sợi cáp nặng nhất) cùng khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy Park lớn nhất Đông Nam Á. Phía đông bắc là bán đảo Sơn Trà với 400 ha rừng nguyên sinh gồm nhiều động thực vật phong phú. Phía đông nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trên địa bàn thành phố còn có một hệ thống các đình, chùa, miếu theo kiến trúc Á Đông, các nhà thờ theo kiến trúc phương Tây như Nhà thờ Con Gà,...các bảo tàng mà tiêu biểu nhất là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đây là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam.

Đà Nẵng đã xây dựng các sự kiện du lịch lớn, trong đó Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa Quốc tế được tổ chức liên tục từ năm 2008. Vào tháng 5 năm 2012, Đà Nẵng lần đầu triển khai Cuộc thi dù bay Quốc tế. Tháng 6 là sự kiện "Điểm hẹn mùa hè" thường niên, quy tụ những hoạt động giải trí biển.[151] Ngoài ra thành phố còn được bao bọc bởi 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là Vườn Quốc gia Bạch Mã, và di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên Con đường di sản miền Trung.

Ước tính tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong năm 2012 đạt hơn 2,6 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2011 và đạt 103% kế hoạch đề ra. Trong đó khách quốc tế ước đạt 631.000 lượt, tăng 18%; khách nội địa ước đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 10%; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 6.000 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2011 và đạt 119% kế hoạch. Tính đến tháng 5 năm 2009, Đà Nẵng có 145 khách sạn với khoảng 4.383 phòng lưu trú, trong đó khoảng trên 700 phòng lưu trú ven biển thuộc các khách sạn 2 đến 5 sao như Furama (198 phòng), Sandy Beach (123 phòng), Tourane (69 phòng), Công đoàn (125 phòng), cụm ba khách sạn Mỹ Khê (142 phòng),... Tính đến đầu năm 2013, Đà Nẵng có 60 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn 4.004 triệu đô la Mỹ. Trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1.457 triệu đô la Mỹ và 47 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 2.546 triệu đô la Mỹ.

Địa lý

[sửa]
Cảnh quan vùng núi Bà Nà

Về mặt địa chất, Đà Nẵng nằm ở rìa của miền uốn nếp đại Cổ sinh được biết đến với tên gọi Đới tạo núi Trường Sơn, nơi mà những biến dạng chính đã xảy ra trong kỷ Than đá sớm. Cấu trúc địa chất khu vực Đà Nẵng gồm có năm đơn vị địa tầng chủ yếu, lần lượt từ dưới lên là: hệ tầng A Vương, hệ tầng Long Đại, hệ tầng Tân Lâm, hệ tầng Ngũ Hành Sơn và trầm tích Kỷ Đệ tứ. Trong đó các hệ tầng A Vương, Long Đại, Tân Lâm có thành phần thạch học chủ yếu là đá phiến và cát kết. Hệ tầng Ngũ Hành Sơn chủ yếu là đá vôi hoa hóa màu xám trắng. Trầm tích Đệ tứ bao gồm các thành tạo sông, sông - biển, biển, biển - đầm lầy có tuổi từ Pleistocen sớm đến Thế Holocen muộn, chủ yếu là cát, cuội, sỏi, cát pha, sét pha,...Vỏ Trái Đất tại lãnh thổ thành phố Đà Nẵng bị nhiều hệ thống đứt gãy theo phương gần á vĩ tuyến và phương kinh tuyến chia cắt, làm giảm tính liên tục của đá, giảm độ bền của chúng, nhất là tạo nên các đới nứt nẻ tăng cao độ chứa nước. Đây là hiểm hoạ trong khi xây dựng các công trình.

Địa hình thành phố Đà Nẵng vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có đồi núi. Vùng núi cao và dốc tập trung ở phía tây và tây bắc, từ đây có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp. Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, độ cao khoảng từ 700 - 1.500 m, độ dốc lớn (>40o), là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn và có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố. Đồng bằng ven biển là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của biển bị nhiễm mặn, là vùng tập trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự, đất ở và các khu chức năng của thành phố. Ở khu vực cửa sông Hàn và sông Cu Đê địa hình đáy biển bị phức tạp và tạo ra một số bãi cạn, trũng ngầm (lòng sông).Khu vực cửa vịnh ra ngoài khơi địa hình nhìn chung là nghiêng thoải về phía đông bắc. Khoảng cách các đường đẳng sâu khá đều đặn.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía tây và cụm An Vĩnh ở phía đông. Cụm Lưỡi Liềm nằm về phía tây, có hình cánh cung hay lưỡi liềm, bao gồm các đảo là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn cùng các mỏm đá, bãi ngầm. Cụm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam và cồn cát Tây. Nhiều thực thể trong quần đảo biểu hiện dạng vành khuyên cổ của các rạn san hô vòng Thái Bình Dương, vốn dĩ là kết quả phát triển của san hô cộng với sự lún chìm của vỏ Trái Đất. Hình thái địa hình các đảo tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình rạn san hô vùng nhiệt đới có cấu tạo ba phần khác nhau đó là phần đảo nổi, hành lang bãi triều (thềm san hô) bao quanh đảo và sườn bờ ngầm dốc đứng. Đa số các đảo nổi có độ cao dưới 10 m.

Từ khóa » Tỉnh đà Nẵng