Đã Phát Hiện ổ Dịch Cúm Gia Cầm Chủng Mới Do Vi Rút Cúm A/H5N6 ...
Có thể bạn quan tâm
Trong khi đang phải căng mình đối phó với bệnh Dịch tả heo châu Phi thì các cơ quan chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại phải tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát và lây lan của bệnh cúm gia cầm A/H5N6. Ổ dịch đã được phát hiện tại trại chăn nuôi gà của ông Trần Ngọc Thọ, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (thông báo kết quả xét nghiệm số 6475/TYV6-TH ngày 03/8/2019 của Chi cục Thú y vùng VI). Đây là ổ dịch cúm gia cầm chủng mới do vi rút cúm A/H5N6, lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đàn gà bị bệnh cúm A/H5N6 lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Bệnh cúm gia cầm A/H5N6 nguy hiểm như thế nào? Đường truyền lây, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi như thế nào cho hiệu quả? Bài viết này sẽ cung cấp cho người chăn nuôi và Thú y cơ sở những hiểu biết cơ bản về các vấn đề trên.
1. Sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm A/H5N6:
Bệnh Cúm gia cầm A/H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A, subtype H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, bồ câu, chim cút…gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người gây tử vong.
2. Đường truyền lây của bệnh cúm gia cầm A/H5N6:
Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.
- Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vi rút cúm.
- Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm vi rút cúm.
Đặc biệt bệnh cúm gia cầm A/H5N6 có thể lây qua không khí làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh (vi rút cúm phát tán vào không khí và gia cầm hít phải sẽ có nguy cơ phát bệnh cao)
3. Cách nhận biết bệnh cúm gia cầmA/H5N6:
Gia cầm bị bệnh cúm A/H5N6, tùy theo độc lực vi rút và sức đề kháng của đàn gia cầm mà có các triệu chứng lâm sàng, bệnh tích khác nhau
Vì bệnh cúm gia cầm A/H5N6 là bệnh mới lần đầu xuất hiện tại tỉnh ta, do đó đại đa số gia cầm mắc bệnh với thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và thường có các biểu hiện đặc trưng: Chết đột ngột hàng loạt, mệt mỏi, nằm tụ thành từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi, thở khò khè, chảy nhiều nước mắt, sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt da chân xuất huyết tím thành vệt; ỉa chảy nặng, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh; ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt.
Khi mổ khám gia cầm bệnh thấy: Xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.
Tuy nhiên về triệu chứng lâm sàng, bệnh tích của bệnh cúm gia cầm rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác nhất là bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro (đối với gà) hoặc Dịch tả vịt. Do vậy người chăn nuôi khi thấy gia cầm, thủy cầm nuôi bị bệnh chết nhanh, tỷ lệ chết cao cần báo ngay cho cơ quan Thú y hoặc chính quyền đọc phương để phối hợp chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm xác định chính xác bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời (phát hiện vi rút cúm gia cầm A/H5N6 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR).
4. Các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầmA/H5N6:
Để phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đạt hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc sát trùng, tăng cường nuôi dưỡng chăm sóc, thực hiện tiêm phòng vắc xin, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Cụ thể
a) Phòng chốngbệnh cúm gia cầmA/H5N6 cho đàn vật nuôi:
Người chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như sau:
- Mua gia cầm về nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch, không mua gia cầm bán rong ngoài đường. Gia cầm mới mua phải nuôi cách ly ít nhất 3 tuần và theo dõi hàng ngày. Tốt nhất nuôi theo công thức “cùng vào, cùng ra”.
- Không nuôi thả rông gia cầm, thực hiện nuôi nhốt gia cầm trong chuồng, trong khu vực hàng rào bao quanh. Không cho người lạ và các loại gia súc, gia cầm khác vào khu vực chăn nuôi.
- Cung cấp thức ăn đủ dưỡng chất để gia cầm khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng.
- Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ (Tổng đàn từ 2.000 con trở xuống): Phải chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm do cơ quan Thú y và chính quyền địa phương thực hiện.
- Đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm (tổng đàn trên 2.000 con): Cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Cụ thể, cần lựa chọn sử dụng vắc xin Navet - Vifluvac do công ty Navetco sản xuất để phòng bệnh cúm A/H5N6 để đạt hiệu quả cao (theo hướng dẫn của Cục Thú y tại Công văn số 2904 /TY-DT ngày 28/12/2017: Tỷ lệ bảo hộ đổi với vi rút cúm A/H5N6 của vắc xin cúm H5N1 Navet-Viíluvac đạt 80%, của vắc xin cúm H5N1 Re-5 đạt 60% và của vắc xin cúm H5N1 Re-6 đạt 20%)
+ Đối với gà: Tiêm cho gà trên 14 ngày tuổi, liều 0,5ml/con. Tiêm định kỳ 4-6 tháng/lần.
+ Đối với vịt, ngan: Tiêm cho vịt, ngan trên 14 ngày tuổi.Tiêm định kỳ 4-6 tháng/lần. Trong đó: Từ 14-35 ngày tuổi, tiêm liều 0,5ml/con; trên 35 ngày tuổi, tiêm liều 1ml/con.
- Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh Thú y, thông thoáng, mật độ nuôi hợp lý. Thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải. Tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng các chất sát trùng như vôi bột, Benkocid, Virkon, Xút, Formol… mỗi tuần 1 -2 lần.
- Người giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm phải thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực giết mổ, khu vực nuôi nhốt gia cầm; Mua bán, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch; Nghiêm túc thực hiện việc tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trước và sau mỗi lần sử dụng.
- Người chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia cầm hàng ngày phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn gia cầm; Khi phát hiện gia cầm chết nhanh, chết nhiều, bệnh lây lan nhanh cần khai báo ngay cho Trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra và xử lý kịp thời;
- Thực hiện tốt “5 Không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; Không ăn thịt gia cầm ốm, chết; Không được giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường. Thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy đàn gia cầm bệnh, vệ sinh tiêu độc sát trùng ổ dịch theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc chính quyền địa phương. Số gia cầm bị tiêu hủy do mắc bệnh cúm sẽ được hỗ trợ thiệt hại theo quy định hiện hành trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Các trường hợp cố tình không khai báo dịch; mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh; vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch hợp lệ sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.
b) Phòng tránh bệnh cúm gia cầm A/H5N6 truyền lây sang người:
- Mọi người cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm nhất là khi gia cầm bệnh. Khi tiếp xúc cần có trang bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ. Rửa sạch tay chân bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm, sản phẩm gia cầm.
- Đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai không nên tiếp xúc với gia cầm. Những người đang bị bệnh, đặc biệt bị bệnh cúm tuyệt đối không được tiếp xúc với gia cầm bệnh.
- Người tiêu dùng chỉ nên mua gia cầm và sản phẩm gia cầm biết rõ nguồn gốc, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch; Chỉ ăn thịt, trứng gia cầm đã được nấu chín; Không ăn tiết canh vịt, ngan; Không làm thịt và ăn các loại gia cầm bệnh và chết để tránh nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân. Toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh cần thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm, góp phần bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: sonnptnt.baria-vungtau.gov.vn
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU Đơn vị chủ quản: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ghi rõ nguồn "www.baria-vungtau.gov.vn" khi bạn phát hành thông tin từ website nàyTừ khóa » Cúm Gia Cầm H5n6 Có Lây Sang Người Không
-
Những điều Cần Biết Về Cúm Gia Cầm A(H5N6) - Medinet
-
Cúm Gia Cầm Có Lây Sang Người Không? - Vinmec
-
Virus H5N6 Lây Từ Gia Cầm Sang Người - VnExpress Sức Khỏe
-
Chủ động Phòng, Chống Cúm A (H5N6) Có Thể Lây Sang Người
-
Đề Cao Cảnh Giác Nhiễm Cúm A(H5N8) Từ Gia Cầm Sang Người
-
Cúm Gia Cầm - Bệnh Truyền Nhiễm - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Phòng Chống Bệnh Cúm A(H5N1) Trên Gia Cầm Lây Sang Người
-
Virus H5N6 Và H5N1 Có Lây Từ Gia Cầm Sang Người Không?
-
Cúm A H5N1 Có Lây Trực Tiếp Từ Người Sang Người Không?
-
Xuất Hiện Nhiều ổ Cúm Gia Cầm H5N8 Có Khả Năng Lây Sang Người
-
Chuyên Gia: Nguy Cơ Biến Thể Virus Cúm Gia Cầm Dễ Lây Sang Người ...
-
Virus Cúm Gia Cầm | Vietnam+ (VietnamPlus)
-
Cúm A/H5N6, H5N1 Có Lây Từ Người Sang Người Như Virus Corona ...
-
Cúm Gia Cầm H5N6 Cực độc, Khả Năng Lây Sang Người I VTC16