Đặc Công Việt Nam Trong Cuộc Chiến Bảo Vệ Biên Giới 1979

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày truyền thống Bộ đội Đặc công (19/3/1967 – 19/3/2016), đại tá Đặng Trung Thành, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Đặc công, nhận xét: “Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ở cả biên giới phía Bắc và Tây Nam, Bộ đội ĐC đã tiếp tục phát huy truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ/ Anh dũng tuyệt vời/ Mưu trí táo bạo/ Đánh hiểm thắng lớn”. Trong khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế của quân và dân ta đã giành được thắng lợi quyết định thì tình hình biên giới phía Bắc lại diễn biến xấu thêm. Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra trên suốt dải biên giới từ Móng Cái tới Lai Châu. Trước tình hình đó, lực lượng đặc công (ĐC) được Bộ Quốc phòng (BQP) điều động gấp tăng cường cho các đơn vị chiến đấu… Phản kích và tập kích bí mật

Tháng 2/1979, BQP lệnh cho Bộ Tư lệnh Đặc công (BTLĐC) điều động Tiểu đoàn ĐC45 phối thuộc cho BTL Quân khu 1 tham gia chiến đấu. Hành quân từ đêm 17/2 đến 22 giờ ngày 19/2, tiểu đoàn ĐC 45 đã đến được vị trí tập kết. Tiểu đoàn lúc đầu do đại úy Phạm Xuân Trường chỉ huy, sau đó do thượng úy Hoàng Mạnh Thời chỉ huy. Cùng đi với tiểu đoàn có trưởng phòng đặc công Quân khu 1, một số phái viên của BTLĐC và trợ lý đặc công quân khu.

Đại tá Đặng Trung Thành, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tham mưu trưởng BTLĐC, nhận xét: “Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ở cả biên giới phía Bắc và Tây Nam, Bộ đội ĐC đã tiếp tục phát huy truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ/ Anh dũng tuyệt vời/ Mưu trí táo bạo/ Đánh hiểm thắng lớn”; đã biết vận dụng sáng tạo cách đánh ĐC để tiêu diệt những mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, góp phần thắng lợi trên các chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Tiểu đoàn nhận lệnh chiến đấu gấp, đơn vị đang huấn luyện phải cơ động hàng trăm cây số nên sức khỏe giảm sút, địa bàn tác chiến mới lạ nên chưa quen địa hình. Trong khi đó, đối tượng tác chiến cũng mới lạ, nên ta cũng chưa rõ trình độ và khả năng chiến đấu của đối phương. Hơn nữa, tiểu đoàn ĐC 45 là đơn vị mới được thành lập, chưa tham gia chiến đấu trận nào nên còn thiếu kinh nghiệm.

5giờ sáng ngày 20/2, tất cả cán bộ, chiến sỹ của tiểu đoàn đã vào vị trí sẵn sàng, triển khai đào hầm hào, công sự chiến đấu. Trong đợt 1, từ ngày 20/2 đến 4/3, tiểu đoàn thực hiện đánh phòng ngự chốt giữ mục tiêu kết hợp với phản kích. Đợt hoạt động thứ 2 của tiểu đoàn diễn ra từ ngày 9/3 đến 14/3. Tiểu đoàn tổ chức đi trinh sát 4 điểm, đánh 2 trận, 1 trận phục kích, 1 trận tập kích.

Đặc công Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 ảnh 1 Bộ đội ĐC hôm nay luyện tập chống khủng bố giải thoát con tin (ảnh Băng Phương).

Ngày 10/3/1979, tiểu đoàn tổ chức phục kích nhằm tiêu diệt đoàn xe cơ giới của đối phương trên quốc lộ 3. Lực lượng luồn sâu của tiểu đoàn có 3 mũi phối hợp với dân quân du kích địa phương bí mật áp sát phục kích địch ở khu vực đồi Nà Cay. Mũi 1 có 20 chiến sỹ do đồng chí Đào Văn Quân chỉ huy trưởng, đồng chí Tường Duy Chính là chỉ huy phó. Mũi 2 có 19 chiến sỹ là mũi phụ. Mũi 3 là bộ phận cối 82mm do anh Dương chỉ huy có nhiệm vụ bắn kiềm chế địch, đề phòng chúng phản ứng vào đội hình của đơn vị.

Sau 2 đêm hành quân đến bản Nà Toòng thì đơn vị được lệnh dừng lại để trinh sát. Có 3 dân quân khu Thanh Sơn là Phan Thị Hoa, Lã Thị Sự và Vương Văn Ngô được điều đến dẫn đường cho đơn vị. Tất cả được lệnh đi sâu vào khu chiến, nơi địch đóng dày đặc trên các đồi Thiên Văn, Pháo Đài... Riêng ở đồi Thiên Văn có tới 1 trung đoàn, hàng ngày chúng canh gác trên đoạn đường ra vào cửa ngõ thị xã. Nhiệm vụ của tiểu đoàn ĐC 45 là phải đánh nhanh rồi tản nhanh, nếu không sẽ bị hãm trong vòng vây của địch.

Đặc công Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 ảnh 2 Tiểu đoàn ĐC 45 cơ động tập kích địch trên mặt trận Cao Bằng 1979. (ảnh tư liệu).

Trời vừa sáng thì đơn vị cũng đào xong công sự và địch bắt đầu xuất hiện. Lúc đầu chỉ là 1 chiếc xe tải từ Tài Hồ Xìn chạy tới. Đến chân đồi Nà Cay, chiếc xe dừng lại để những tên lính đối phương bốc hàng rồi vào bản vơ vét gà, vịt, lợn của dân ta. Đến 8 giờ 30 phút, 8 chiếc xe tải khác chứa đầy hàng và xe đạp hỏng vẫn từ Tài Hồ Xìn chạy về thị xã. Nửa giờ sau có 17 chiếc xe chở đầy quân địch và đạn tên lửa H12 từ thị xã Cao Bằng chạy qua trận địa.

Nguyễn Văn Thành, nguyên chiến sỹ Đại đội 1, tiểu đoàn ĐC45, kể: Khi chiếc xe cuối cùng vào đúng vị trí khoá đuôi thì đồng chí Nguyễn Văn Sinh được lệnh nổ súng. Trên vai anh, quả đạn B41 vọt ra khỏi nòng, cắm vào thùng xe nổ tung. Tiếp đó là tiếng thủ pháo, lựu đạn nổ xen lẫn từng tràng liên thanh của AK dồn dập đánh địch. Ở vị trí phía trước chặn đầu, chiến sỹ Hà Văn Nhạc bắn 3 viên AK báng gấp tiêu diệt tên cầm lái. Chiếc xe thứ 2 bị Đại đội phó Tường Duy Chính tiêu diệt bằng 1 quả B41.

Đạn tên lửa H12 trên xe bị đốt cháy nổ tung liên tiếp. Thế là cả đội hình 14 chiếc còn lại với hơn 200 tên địch nằm gọn trong tầm súng và biển lửa. Chỉ huy trưởng Đào Văn Quân chỉ huy các chiến sĩ Lợi, Công, Đề và anh dân quân Vương Văn Ngô đánh tạt sườn. Đồng chí Quân bắn luôn 6 phát B41 vào 6 chiếc xe đang nối nhau, bóp còi inh ỏi để tìm đường tẩu thoát. Địch từ trên xe nhảy xuống chỉ kịp giúi đầu xuống sàn xe hoặc nằm rạp xuống 2 bên rãnh thoát nước. Từ trên cao, chiến sĩ ta chỉ việc bỏ lựu đạn, thủ pháo, bắn AK xuống tiêu diệt hết quân địch”.

Đặc công Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 ảnh 3 Chiếc xe tăng của địch bị quân dân ta tiêu diệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.(ảnh tư liệu).

Trong lúc đơn vị đang tiêu diệt đoàn xe của đối phương thì hàng trăm tên địch chốt trên các đồi Thiên Văn và Yên Ngựa nghe thấy tiếng súng nổ đã bỏ súng, vội vã chạy lên đồi cao nhìn ngọn lửa đang bốc nghi ngút từ mặt quốc lộ 3. Chớp thời cơ, trung đội trưởng cối 82 mm ra lệnh đánh. Hàng chục quả đạn đã được tính toán kĩ lưỡng phần tử bắn nối đuôi nhau giội lửa xuống đầu địch, tiêu diệt hơn 100 tên nữa.

Tất cả trận đánh chỉ diễn ra trên 20 phút. Khi bọn địch phản ứng thì đơn vị đã nhanh chóng theo 3 chiến sĩ dân quân thọc qua bản Nà Cay, trở về vị trí tập kết.

Có thể nói trận đánh phục kích trên quốc lộ 3 đã đạt hiệu suất cao, thắng lợi giòn giã. Tiểu đoàn ĐC 45 được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất; nhiều tập thể đại đội và cá nhận được tặng thưởng huân chương và bằng khen.

Ngay sau trận thắng đó, tiểu đoàn ĐC45 tổ chức tiếp trận tập kích bí mật đối phương tại khu vực đường số 4. Từ ngày 15/3 đến ngày 17/3/1979, tiều đoàn tiếp tục bám trụ, đồng thời tổ chức lực lượng truy kích đối phương trên đường rút chạy. Mặc dù đường hành quân xa, công tác bảo đảm khó khăn nhưng đơn vị vẫn kiên quyết chấp hành nhiệm vụ, hành quân liên tục suốt ngày đêm, đến các khu vực được phân công, sẵn sàng chiến đấu theo nhiệm vụ.

Chuyển mọi hoạt động sang thời chiến Cuối tháng 2/1979, trước tình hình chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, Tổng Tham mưu trưởng ra quyết định điều động Tiểu đoàn 47 (Quân khu 7) về trực thuộc Mặt trận 479, Tiểu đoàn 406 (Quân khu 5) về trực thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, Tiểu đoàn 44 ở lại thuộc đội hình Quân đoàn 4.

Nhận lệnh của BQP, ngày 1/3/1979, Trung đoàn 198b hành quân gấp về nước tăng cường cho Quân khu 1. Tiếp đó, tháng 6/1979, Bộ điều động Trung đoàn ĐC 113 đang ở chiến trường Campuchia về nước làm lực lượng cơ động của Bộ. Tiểu đoàn ĐC45 đã sáp nhập và Trung đoàn ĐC 113.

Đặc công Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 ảnh 4 Chiến sỹ ta đứng trên xác xe tăng địch bị bắn nát trên đồi Nà Toòng 1979 (ảnh tư liệu).

Theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, tháng 12/1979, Tiểu đoàn 1a và Đoàn A54, Đoàn S74 hoạt động ở phía Tây được lệnh về nước, trực thuộc Đoàn ĐC 1 (BTLĐC). Như vậy đến cuối năm 1979, lực lượng cơ động chiến đấu của Binh chủng Đặc công (BCĐC) đang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn đã về nước làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Từ khi chiến sự ở biên giới phía Bắc bùng nổ, BTLĐC đã tổ chức nắm đối tượng tác chiến mới trên các hướng, nắm chắc tình hình mọi mặt (địa hình, thời tiết, …), xây dựng các kế hoạch tác chiến, xác định các hình thức chiến thuật, thế đánh linh hoạt của ĐC. Thường vụ Đảng ủy BCĐC xác định nhiệm vụ trước mắt của Binh chủng là chuyển toàn bộ mọi hoat động của Binh chủng vào thời chiến, xây dựng phương án tác chiến trên mọi hướng, các địa bàn, xây dựng lực lượng luồn sâu.

Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu, đến cuối năm 1979 ở tất các quân khu đều đã tổ chức phòng đặc công, mỗi quân khu có 1 tiểu đoàn đặc công. Ngày 7/5/1979, BQP ra quyết định thành lập các trung đoàn ĐC 779, 780, 114 trực thuộc BTLĐC. Ngày 21/8/1979, Bộ trưởng BQP ký quyết định thành lập Trung đoàn đặc công nước 820 trực thuộc BTLĐC.

Năm 1980 và những năm tiếp theo, đối phương vẫn tiếp tục sử dụng hỏa lực, binh lực đánh phá và lấn chiếm nhiều nơi trong nội địa các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là từ ngày 2/4 đến ngày12/7/1984, đối phương liên tục dùng sinh lực và hỏa lực mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm ở 27 khu vực và 243 điểm cao Trước hành động dùng vũ trang xâm lược, lấn chiếm của đối phương, Bộ đội ĐC đã cùng với quân dân các tỉnh biên giới tiếp tục chiến đấu đánh trả quyết liệt, giữ vững các điểm mà đối phương có ý định lấn chiếm.

Đánh giá về hoạt động chiến đấu của Bộ đội ĐC tại Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu trên địa bàn Quân khu 2 vào cuối năm 1986, Trung tướng Vũ Lập- Tư lệnh Quân khu 2, khẳng định: “Bộ đội ĐC đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới và giúp các đơn vị quân khu tác chiến giành thắng lợi. Các đơn vị ĐC đã thực sự góp phần giữ vững phần đất của Tổ quốc trên địa bàn biên giới”.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân)

Băng Phương - Nguyễn Minh

Từ khóa » đặc Công Việt Nam đánh Trung Quốc