Đặc điểm Của ẩm Thực Dân Tộc Thái ở Việt Nam - Mai Chau Ecolodge

Dân tộc Thái ở Việt Nam là những con người vô cùng khéo tay, tài hoa và thú vị. Họ không chỉ là nổi tiếng với tài canh tác nông nghiệp, nghề dệt thổ cẩm hay những áng thơ ca đặc sắc, người Thái khi vào bếp cũng là những nghệ sỹ đích thực. Những món ăn của dân tộc Thái ở Tây Bắc ngon và đẹp mắt không thua kém bất kỳ vùng miền nào trên khắp Việt Nam. Dưới đây là những đặc điểm chính của ẩm thực dân tộc Thái ở Việt Nam.

1.Nguyên liệu

Người Thái Việt Nam định cư chủ yếu ở khu vực miền núi Tây Bắc, các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An. Nhưng khác với người H’Mong hay sống ở những ngọn núi cao heo hút, người Thái chọn những thung lũng thấp, nơi có nguồn nước dồi dào và đất đai màu mỡ để canh tác. Dân tộc Thái cũng là những cư dân nông nghiệp có trình độ cao như người Kinh hay người Kh’mer. Trước đây, nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày và các dịp lễ, tết của người Thái thường là thịt rừng, cá sông và các loại rau, nấm, măng... được săn bắn, hái lượm ngoài tự nhiên. Dọc các sông lớn như sông Đà, sông Mã... người Thái thường bắt cá làm thực phẩm. Ngày nay, khi tài nguyên rừng bị khai thác nhiều, các sông suối cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường hay đập thủy điện, người Thái sử dụng nguồn cung thực phẩm nhờ trồng trọt, chăn nuôi là chủ yếu. Tóm lại, nguyên liệu cho món ăn của người Thái là sự kết hợp giữa sản phẩm nông nghiệp và các loại cây cỏ trong tự nhiên. Đôi khi có cả thịt thú rừng nhưng không được khuyến khích do chính sách bảo vệ động vật hoang dã của Chính Phủ Việt Nam.

2.Cách chế biến

Khác với người Thái ở Thái Lan hay Lào, cách chế biến thực phẩm của người Thái Tây Bắc nhìn chung ít chịu ảnh hưởng của ẩm thực Ấn Độ do ít quan hệ giao lưu buôn bán. Ẩm thực dân tộc Thái Tây Bắc được đánh giá là nguyên bản và chịu ảnh hưởng ít nhiều của người Kinh hay Trung Quốc nhưng không rõ nét. Khi chế biến các món ăn, người Thái ít khi sử dụng tới dầu mỡ. Thay vào đó, người Thái chuộng phương pháp nướng khi chế biến thực phẩm. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán. Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của món nướng. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là “mắc khén” (một loại tiêu rừng), ớt, tỏi, gừng, muối… Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, tỏa mùi thơm. Khác với người Kinh chuộng món ăn có vị cân bằng giữa chua cay mặn ngọt, người Thái thích đẩy độ đậm đà của gia vị lên mức cao, kích thích vị giác đến mức tối đa. Màu sắc của món ăn cũng vô cùng sặc sỡ, tuy nhiên vẫn mang đặc điểm của núi rừng chứ không cầu kỳ về cắt tỉa như ẩm thực Huế hay Hà Nội.

3.Những món ăn chính của người Thái

3.1.Cá

Do ở gần nguồn cung cấp thủy sản dồi dào là sông Đà và các sông suối phụ lưu, cá sông, cá suối là thực phẩm chính của người Thái. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món “pa-giảng” là cá hun khói. Pa pỉnh tộp (cá suối nướng lật úp) là món ăn cổ truyền của người Thái. Đây là món ăn quý, rất được trân trọng.

3.2.Xôi

Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất khéo. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Ngoài ra người Thái còn chế biến cơ lam (cơm nướng trong ống tre) và xôi ngũ sắc để ăn trong các dịp lễ hội.

3.3.Măng chua

Nếu người Kinh có món dưa chua thì người Thái có món măng chua để giảm độ ngấy khi ăn đồ nướng. Cách chế biến món măng của người Thái cũng thật đặc biệt và cầu kỳ. Để có được một bát nước cốt măng chua, họ sẽ ngâm măng vài ba năm để lọc lấy vị ngon lành, chua dịu nhất khi ăn cùng những món ăn khác.

3.4.Chẩm chéo

Chẳm-chéo được làm từ ớt, tỏi, muối và mắc khén. Để có một bát chẳm chéo thơm ngon, ớt phải được đem nướng lên cho giòn, thơm và có vị thật cay, đem trộn với tỏi, muối và mắc khén cho dậy mùi. Tỏi làm chẳm chéo cũng phải là loại tỏi Tây Bắc mới thơm đúng mùi, các loại tỏi khác khó có thể làm nên hương vị chẳm chéo chính gốc. Sau khi trộn 4 loại nguyên liệu với nhau, người ta đem giã nhỏ, vậy là đã có một bát chẳm chéo cơ bản. Từ loại chẳm chéo cơ bản, có thể làm ra nhiều loại chéo khác phù hợp với từng món ăn, làm nên hương vị đặc trung cho mỗi món. Xem thêm: Cẩm nang du lịch Mai Châu Hòa Bình

3.5.Rượu

Rượu được xem là “nguyên bản” dùng men tự chế từ các loại lá, vỏ, rễ cây thuốc ủ với gạo nếp, nếp cẩm. Để có rượu ngon không chỉ cần thời gian ủ, mà tùy vào từng vùng sẽ có các bí quyết riêng trong việc chọn lá và cách ủ làm sao cho rượu có được mùi thơm, độ cay, vị thanh ngọt và đậm đà.

3.6.Các loại thịt gia súc, gia cầm

Để tránh lệ thuộc vào cá hay thịt thú rừng, người Thái cũng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt để phong phú nguồn cung cấp thực phẩm. Người Thái vẫn gìn giữ cách chăn nuôi cổ truyền như gà thả đồi, lợn thả rông và các giống gà, lợn cũ, năng suất thấp nhưng chất lượng thịt ngon. Thịt gia súc gia cầm cũng được nướng hay nấu canh cùng với các loại cây cỏ để giảm độ tanh và bật lên vị đậm đà khó cưỡng. Xem thêm: 10 món ăn nhất định phải thử ở Mai Châu Nguồn: Wikipedia

Xem thêm: Cẩm nang du lịch Mai Châu Hòa Bình

Từ khóa » Các Món ăn Dân Tộc Thái Tây Bắc