ĐẶC ĐIỂM CỦA THẦN THOẠI HY LẠP QUA “CHUYỆN TÌNH CỦA ...

I. Mở đầu

Văn học cổ đại Hy Lạp từ lâu đã trở thành một giá trị văn hóa phi vật thể quí giá của nhân loại. Nó là nguồn cảm hứng không hề vơi cạn của sáng tạo nghệ thuật. Hiếm có một thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn được tái sinh và thường xuyên có mặt trong đời sống như thần thoại Hy Lạp. Karl Marx từng nói: “ Không có cơ sở văn minh Hy Lạp cổ đại và đế quốc La Mã thì không có Châu Âu hiện đại”. Marx đã khẳng định vị trí không thể thiếu của văn hóa Hy Lạp trong quá trình phát triển của văn minh nhân loại. Hy Lạp được coi là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại. Đó là nền văn minh đảo Cret_Misen chấm dứt thời tiền sử chuyển sang thời đại văn minh của con người.

Thần thoại Hy Lạp là một hệ thống các truyện kể phong phú, đẹp đẽ được xếp vào hàng những câu chuyện hay nhất thế giới. Đó là cả một quá trình chinh phục thiên nhiên kéo dài vô cùng chậm chạp từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Trước khi có chữ viết, người Hy Lạp đã sáng tác ra những câu chuyện kì diệu để gửi vào đó nhận thức về thế giới, kinh nghiệm sống và mơ ước khát vọng của họ. Qua những câu chuyện, người Hy Lạp lấy mình làm thước đo vũ trụ, họ dùng trí tưởng tượng phong phong phú để giải thích các hiện tượng tự nhiên và chinh phục tự nhiên cho thỏa nguyện vọng của mình. Người Hy Lạp đã khéo léo xây dựng những vị thần vĩ đại của họ, mọi sự vật, hiện tượng đều được gán cho những sức mạnh thần bí, phi thường. Tuy nhiên bên cạnh màu sắc kì diệu thần bí, thần thoại cũng đậm màu sắc hiện thực và tư duy thô sơ của con người thời cổ. Đó là những triết lí thủa sơ khai về cuộc sống.

Các câu chuyện thần thoại được chia làm ba loại: loại thứ nhất là những câu chuyện về gia hệ các thần (giải thích sự hình thành của thế giới và loài người); loại thứ hai là các câu chuyện về các thành bang và các vị vua (kể về cuộc chiến đấu giữa các thành bang Hy Lạp) và loại thứ ba là các cau chuyện về những người anh hùng. Mỗi câu chuyện trong thần thoại lại mang một ý nghĩa riêng, một sức hấp dẫn riêng, nó phản ánh sự tiến hóa của con người. Con người thủa sơ khai giải thích thế giới được sinh ra từng các cuộc tình của những vị thần. Bắt đầu từ Khaos-khối hỗn mang mù mịt và đến thời kì của Zeus vĩ đại, tất cả đều xoay quanh những cuộc tình nảy lửa giữa thần linh với thần linh và thần linh với người trần. Cậu bé Erox nghịch ngợm với chiếc cung tên ái tình đã làm cho con người xích lại với nhau bằng thứ tình cảm vốn rất tự nhiên nhưng lại vô cùng thiêng liêng ấy. Thứ tình cảm vốn rất đỗi gần gũi, bởi ai trong chúng ta cũng có, song từ đó đến giờ chúng ta vẫn chẳng thể định nghĩa nổi. Người ta vẫn đặt nó vào một lĩnh vực thần bí chưa thể giải thích và cậu thiếu niên Erox vẫn cứ tiếp tục công việc của mình, bắn những mũi tên tình yêu và đem những mảnh ghép còn thiếu lại gần với nhau.

“Chuyện tình của Aphrodito và Adonix” là một câu chuyện nằm trong phần truyện về các vị thần.

II. Chuyện tình của Aphrodito và chàng Adonix

1. Tóm tắt

Nữ thần Tình Yêu và Sắc Đẹp Aphrodito đã nhiều lần khiến các thần linh, từ thần Dớt đến những người trần đều bị tình yêu và sắc đẹp làm cho khổ sở. Nhưng chình bản thân nàng cũng không tránh khỏi tai họa đó và chính nàng cũng không thể chế ngự được quyền lực của mình đến nỗi bản thân nàng cũng đau khổ về sắc đẹp và tình yêu. Dù đã là vợ của thần Chiến Tranh Arex (con trai của Dớt) nhưng nàng lại yêu say đắm Adonix_ hoàng tử đảo Síp, chàng trai có vẻ bề ngoài đẹp hơn cả thần linh. Vì chàng mà nàng đã quên đi tất cả.

Chuyện về gia đình Adonix cũng khá phức tạp. Cha của Adonix là Kinirax, vua của đảo Síp. Kinirax sinh được một người con gái vô cùng xinh đẹp, tên gọi là Maria. Vì quá tự hào về sắc đẹp của cô gái, ông ta luôn tự phụ con gái mình là người đẹp nhất thế gian và còn đi khoe khoang khắp nơi một cách vô lối rằng con gái mình còn đẹp hơn cả nữ thần Tình Yêu và Sắc đẹp Aphrodito. Vì thế ông ta không thể tránh khỏi hình phạt của nữ thần. Aphrodito đã phù phép khiến cho Kinirax lú lẫn nhầm tưởng con gái là vợ mình. Và thế là Adonix ra đời sau cuộc loạn luân đó. Ngay sau khi Adonix chào đời, Kinirax đã đuổi hai mẹ con Maria ra khỏi nhà. Maria và con trai phải lang thang khắp nơi, và cuối cùng Maria đã chết vì kiệt sức và biến thành một thứ cây có nhựa thơm, sau này người ta gọi là cây Miaro. Lúc này, nữ thần Aphrodito động lòng trắc ẩn đón cậu bé về nuôi, nhưng lại nhờ nữ thần Pherxephon vợ của thần Hadex dưới âm phủ nuôi hộ.

Ít lâu sau, Aphrodito xuống xin lại nhưng Perxephon nhất quyết không trả. Bởi một lẽ rất đơn giản: Adonix đẹp quá, đẹp đến nỗi Pexephon đã yêu chàng và muốn sở hữu chàng. Thành ra hai giữa hai nữ thần xảy ra một cuộc tranh giành và phải nhờ đến sự phân giải của người đứng đầu đỉnh Olympus là thần Zeus vĩ đại phân xử. Zeus quả là thông minh, người phán xét cho Adonix luân phiên ở với hai nữ thần. Xuân, hạ thì chàng ở bên nữ thần Aphrodito còn thu và đông thì lại trở về với Perxephon.

Năm ấy là vào mùa xuân, lúc Adonix đang chung sống với Aphrodito. Khó có thể diễn tả vị nữ thần này yêu chàng đến độ nào. Nàng yêu say đắm đến quyên cả đường về cung điện Olimpox, quên cả đảo Kiter đầy hoa nở và biết bao các lễ hội từ nơi này đến nơi khác. Aphrodito lúc nào cũng quấn quýt bên chàng trai đẹp Adonix, nàng yêu chàng quá đỗi đến mức rời xa chàng nàng luôn nơm nớp lo sợ và tưởng tưởng những điều rủi ro sẽ đến với chàng nếu nàng không bên cạnh bảo vệ. Mỗi khi Adonix đi săn nang cũng đi theo cho dù việc đi săn chẳng mấy lí thú với nàng. Nàng quên cả việc giữ gìn sắc đẹp, theo bước chân Adonix vào rừng săn bắt, nàng luôn căn dặn Adonix không được săn bắt những thú dữ mà chỉ săn nhưng con thú nhỏ bé. Nàng luôn cầu khấn các vị thần Olimpox phù hộ cho Adonix thoát khỏi những điều không may.

Nhưng cái gì đến rồi sẽ đến, những toan tính, dự cảm của nàng cũng không thể giúp Adonix thoát khỏi tai nạn. Và xót xa thay đây lại là tai nạn mà Aphrodito đã lường trước. Lần đó Adonix đi săn mà không có Aphrodito đi cùng. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng làm Adonix buồn, kém say sưa, hăng hái. Chàng săn được rất nhiều thú rừng. Bỗng nhiên từ trong một bụi rậm, một con lợn rừng chạy xồ ra, hộc qua trước mặt chàng. Bầy chó sủa ầm lên đuổi theo. Adonix chắc mẩm sẽ hạ được một con mồi béo bở. Đàn chó lao vút đi chẳng mấy chốc đã vây quanh con lợn, Adonix chạy tới, tay cầm lao nhọn. Vào lúc chàng nghiêng người lấy đà phóng lao thì con lợn lao mạnh ra, húc đi một con chó lao thẳng vào người chàng. Đầu lợn rắn như đúc với những chiếc rang nhọn hoắt đâm thẳng vào đùi chàng, rục vào bụng chàng. Adonix ngã vật ra, máu đỏ phun lênh láng khắp mặt đất. Con lợn lao vụt đi thoát nạn còn chàng thì nằm đó, bóng tối dần phủ kín mắt chàng.

Aphrodito được tin Adonix chết bủn rủn cả người. Nàng cố nén đau thương lần vào khu rừng trên đảo Sip để tìm xác chàng thanh niên tuấn tú, yêu dấu của mình. Nàng trèo đèo lội suối, len qua rừng cây với những bụi gai sắc nhọn với biết bao khó nhọc. Cuối cùng Aphrodito cũng tìm thấy xác chàng trai yêu dấu của mình. Đau đớn thay cho vị nữ thần ấy, nàng đã khóc than rất nhiều và mình nàng đưa chàng về an táng. Người xưa kể rằng, máu của Adonix chảy xuống đường mọc lên những bông hoa anemone (hoa cỏ chân ngỗng) nở vào mùa xuân rất đẹp, còn máu của Aphrodito do bị gai cào đã nhuộm những bông hồng trắng thành màu hồng thắm và từ đó loài hoa này biểu trưng cho tình yêu.

Trước cái chết bi thương của Adonix, thần Zeus thương tình cho chàng sống lại vào mỗi độ xuân về cùng cỏ cây hoa lá. Vì thế hàng năm trong các thành bang của Hy Lạp, phụ nữ thường làm lễ mừng sự hồi sinh của Adonix.

2. Phân tích truyện

Câu chuyện tình của Aphrodito và chàng trai trần gian Adonix là một trong những câu chuyện tình hay nhất của thần thoại Hy Lạp. Nó vừa mang những nét lãng mạn, huyền ảo lại vừa chân thực, sâu xa. Nữ thần Sắc Đẹp và Tình Yêu tưởng chừng phải khống chế nổi sắc đẹp và tình yêu nhưng cuối cùng nàng cũng không thoát khỏi bùa chú của thứ tình cảm diệu kì đó. Nàng đã hạnh phúc, lo âu, thấp thỏm và khổ đau…những cung bậc của tình yêu được nữ thần tình yêu thể hiện một cách sinh động qua những suy tư, cử chỉ, hành động của nàng. Câu chuyện có bốn nhân vật, ba vị thần: Aphrodito (nữ thần Sắc Đẹp và Tình Yêu); nữ thần Perxephon (vợ của thần địa ngục Hadex và là con gái của Zeus với Demeter- nữ thần mùa màng) và Zeus tối cao; một người trần gian đó là chàng Adonix, người có vẻ ngoài đẹp diệu kì. Còn một nhân vật nữa, tuy chỉ là nhân tố làm câu chuyện của chúng ta kết thúc trong chia lìa nhưng nó lại mang những ý nghĩa sâu xa, đó là con lợn rừng_nguyên nhân dẫn đến cái chết của chàng Adonix.

Hãy khoan bàn đến vấn đề loạn luân hay đạo đức ở đây. Câu chuyện này chỉ là một minh chứng cho tình yêu mãnh liệt. Người Hy Lạp lấy chính họ để xây dựng các vị thần và nhờ các vị thần kể lại câu chuyện của chính họ. Thần thoại chính là những thước phim chân thực về quá trình phát triển của loài người.Từ mông muội, dã man đề có nhà nước, tổ chức. và các nhân vật trong truyện thực chất là những nhân vật chức năng, chuyển tải những mơ ước khao khát của con người mà thôi.

Cuộc sống gắn bó với thiên nhiên làm cho con người ta nảy sinh những xúc cảm thẩm mĩ. Những triết lí sâu xa được gửi gắm qua từng chi tiết nhỏ. Thật khó để diễn tả hết những điều người Hy Lạp muốn gửi gắm chỉ qua một câu chuyện tình nhỏ, song xét ở một phương diện nào đó nó lại mang đến cho chúng ta những cảm nhận nhân sinh sâu sắc.

2.1. Nhân vật Zeus

Zeus vĩ đại, chúa tể của các vị thần, người có quyền năng tối cao nhất trên đỉnh Olimpox. Trong câu chuyện Zeus xuất hiện với vai trò là một vị quan tòa phân xử công minh. Vị thần tối cao luôn xuất hiện đúng lúc trong mọi hoàn cảnh, mọi bế tắc không thể giải quyết người ta đều nghĩ đến Zeus và lần này cũng vậy với sự thông minh và trí tuệ tuyệt vời Zeus đã phân xử công bằng cho cả hai vị nữ thần của chúng ta. Người Hy Lạp ca ngợi Zeus “Zeus quả xứng đáng là bậc phụ vương của các vị thần…” Người chẳng hề đắn đo khi phân xử giữa một bên là Aphrodito người Zeus từng say đắm và bên kia là con gái xinh đẹp Perxephon. Tỷ số hòa luôn là sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên nếu xét thực công bằng, người có công nhiều hơn phải là Perxephon, bởi lẽ nữ thần này không gây cho Adonix bi kịch có nhà mà không được ở và phải sớm lìa xa người mẹ thân yêu, nữ thần còn có công nuôi nấng chàng. Còn Aphrodito thì chính sự tức giận của nàng đã gây ra đau thương cho Adonix, nhưng bù lại nàng yêu Adonix thực sự. Cũng giống như những câu chuyện cổ dân gian của nước ta hay các dân tộc khác, các nhân vật chỉ đóng vai trò là nhân vật chức năng thể hiện ước mơ khát vọng của nhân dân và ước mơ công bằng có lẽ bắt đầu từ xã hội chiếm hữu khi con người đã bắt đầu tư hữu về của cải vật chất.

Lần thứ hai Zeus xuất hiện trong câu chuyện cũng với vai trò người giải quyết những bế tắc. Khi câu chuyện tình yêu dường như rơi vào bi kịch Zeus đã làm theo mơ ước của chúng ta, người đã làm cho chàng Adonix sống lại cùng cỏ cây, hoa lá của mùa xuân, sống lại để làm dịu bớt nỗi đau của nàng Aphrodito. Trong các câu thần thoại, Zeus là vị thần xuất hiện nhiều nhất và hầu như mọi câu chuyện đều có sự can thiệp của vị thần này, nhưng chẳng lần nào Zeus khiến chúng ta thất vọng. Ngay trong việc tìm ra vị nữ thần đẹp nhất (chuyện quả táo vàng) đứng giữa Hera_người vợ có máu ghen nổi tiếng của Zeus và ngai thật thông minh khi đưa ra phán quyết ba nàng xuống gặp hoàng tử thành Troy. Trong bất kì hoàn cảnh nào Zeus đều đưa ra những quyết định đúng đắn. Người Hy Lạp xây dựng hình ảnh Zeus như một vị quan tòa sáng suốt, người dại diện cho công lí và khát vọng vẹn tròn của loài người. Tuy trong câu chuyện này, Zeus không được miêu tả cặn kĩ mà chỉ hiện lên trong vai trò người phán xét công minh và người cứu vớt những linh hồn oan trái. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ niềm tự hào của người dân Hy Lạp dành cho vị thần tối cao này. Mỗi lần Zeus xuất hiện đều là lúc thắt nút câu chuyện, vị trí của Zeus luôn được đề cao và luôn được ngưỡng mộ.

Nhân vật Zeus tuy chỉ hiện lên qua hai sự việc, không được miêu tả kĩ lưỡng nhưng lại mang trong đó ước mơ về chân lí, công bằng xã hội về tình yêu luôn có những kết thúc đẹp, vẹn toàn. Bởi cuộc sống luôn gắn với thiên nhiên, chính thiên nhiên làm nảy sinh những cảm xúc thẩm mĩ trong con người. Từ xa xưa người ta đã khao khát hạnh phúc lứa đôi, khao khát tình yêu và cháy hết mình vì thứ tình cảm muôn thủa này. Bất cứ ai, từ thần linh đến người trần nếu thật lòng thì sẽ được tất cả. Đó là những gì chúng ta cảm nhận được từ nhân vật này.

2.2. Nhân vật Perxephon

Cũng như Zeus, Perxephon là một nhân vật phụ trong câu chuyện tình yêu trên, một nhân vật được xây dựng làm tang thêm tính hấp dẫn của câu chuyện. Nhưng sự xuất hiện của nhân vật này lại đi từ thực tế. Bởi lẽ tình yêu không phải báu vật của riêng ai, ai trong chúng ta cũng có báu vật đó song sự tham lam của con người là không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, họ luôn ghen tị và muốn sở hữu cái của người khác.

Perxephon là con gái của Zeus và nữ thần mùa màng Demete, nàng bị chính cha sắp đặt làm vợ của Hades_thần cai quản địa ngục tối tăm. Cuộc hôn nhân của nàng là một sự định đoạt vô lối thể hiện sức mạnh của người đàn ông được đề cao khi xã hội chuyển từ hái lượm sang săn bắt, người đàn ông dần thay thế vị trí của người phụ nữ. Perxephon thật bất hạnh và việc nàng tìm đến với hạnh phúc khi yêu chàng Adonix là điều dễ hiểu. Perxephon cũng có quyền được hưởng hạnh phúc, sự “vố lối” mà người ta nói khi nàng không chịu trả lại Adonix cho Aphrodito không phải là phi lí. Nàng cũng có trái tim, cũng biết thổn thức, yêu thương và cũng yêu thương chàng Adonix thực sự. Nàng xuất hiện là nút thắt thứ nhất của câu chuyện chúng ta, nút thắt đẩy cao trong của câu chuyện sang một tình huống khác. Sự tranh giành trong tình yêu là luôn có, luôn hiện hữu. Trò đùa con trẻ của Erox tinh nghịch đã đẩy nhiều câu chuyện và cảnh trớ trêu. Tình yêu không của riêng ai, tình yêu của mỗi chúng ta và khi yêu chúng ta biết hi sinh, san sẻ. Perxephon đồng ý sự phân chia của Zeus, nàng chấp nhận chia đôi thời gian được ở bên Adonix, người nàng đã nuôi dưỡng bấy lâu.

Nếu phải tìm ra người thứ ba trong cuộc tình này là Aphrodito hay Perxephon thì thật là khó, bởi chàng trai của chúng ta cũng bằng long với cả hai. Người ta còn có nhiều câu chuyện kể xung quanh cái chết đau thương của chàng Adonix. Có người bảo do Perxephon ghen tuông mà xúi giục Arex, chồng của Aphrodito hãm hại Adonix. Điều này cũng dễ hiểu, bởi “ghen tuông thì cũng người ta thường tình” (truyện Kiều_Nguyễn Du). Có thể chúng ta sẽ thắc mắc tại sao khi Adonix chết lại chỉ có mình nữ thần Aphrodito khóc than và an tang chàng. Vậy Perxephon lúc đó ở đâu? Câu hỏi thật khó mà giải thích. Perxephon không còn yêu chàng trai đẹp đó ư? Không phải, bởi nàng yêu nên nàng mới ghen ấy chứ. Có chăng là bởi Aphrodito may mắn hơn nàng được nhân dân ưu ái hơn, nên kể nhiều hơn mà thôi. Bởi một lẽ, Perxephon cũng chỉ là một nhân tố làm nên sự hấp dẫn của câu chuyện. Nàng cũng giống như Zeus là một nhân vật chức năng khác, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của nàng trong câu chuyện. Nàng như một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu, tình yêu có cái cay nồng của sự ghen tuông và cũng có sự ngọt êm của san sẻ. Nàng chấp nhận nhường nhịn, sẻ chia tình yêu của mình. Nàng có công nuôi dưỡng Adonix, hơn ai hết nàng chính là người gắn bó với chàng từ nhỏ đến khi chàng trở thành một thiếu niên đẹp đẽ, nhưng nàng chấp nhận chia sẻ không bởi khuất phục trước lời phán xét của Zeus mà bởi nàng cũng hiểu Adonix của nàng cũng yêu Aphrodito. Tình yêu cũng có lúc ích kỉ, cũng có lúc cao thượng như vậy và Perxephon là biểu tượng cho điều đó.

2.3. Nhân vật Adonix

Chàng trai trẻ này là nguyên nhân của mọi sự rắc rối. Người ta chỉ nói chàng có vẻ đẹp hơn thần linh và được sinh ra từ sự loạn luân của vua đảo Síp Kinirax và công chúa xinh đẹp Maria. Chàng là một đứa trẻ bất hạnh, có nhà mà không được về, mẹ chết từ khi còn nhỏ và phải lớn lên trong thế giới địa ngục tăm tối. Người ta không kể chàng trai này yêu ai hơn, hoặc là chẳng yêu ai cả. Có lẽ vì quá tin tưởng các vị thần mà con người luôn răm rắp làm theo ý muốn của họ. Zeus cũng chẳng hỏi xem chàng yêu ai hơn và chàng cũng chẳng phản đối ý muốn của vị thần tối cao ấy.

Phải nói chàng trai này thật may mắn vì cùng lúc có được tình yêu từ hai nữ thần xinh đẹp. Tuy yêu thần nhưng chàng chẳng thể nào trở thành thần, chẳng có sự thông minh, nhạy bén, chàng cũng rất tham lam, ham hố công danh và cũng chẳng biết lượng sức mình như bao gã trai trẻ khác. Chàng đại diện cho sự nông nổi của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, luôn muốn chinh phục những đỉnh cao mới. Và người mở đường thì luôn thất bại, thất bại vì do không biết lượng sức mình, thất bại vì chủ quan bỏ qua lời dặn của nữ thần. Đến đây thì dường như con muốn bứt phá khỏi sự sắp đặt của các vị thần. Rõ ràng lời căn dặn của Aphrodito không phải là mới chỉ nói thoáng qua, nàng đã dặn đi dặn lại nhưng tại sau lúc chiến đấu với con lợn rừng chàng chẳng hề mảy may đến lời cảnh báo của Aphrodito? Sự nông nổi, thiếu cẩn trọng và cả tham vọng của con người đã giết chết chàng. Đó là cái lỗi của tuổi trẻ nông cạn.

Xung quanh chàng trai này chúng ta cũng đặt ra nhiều thắc mắc, nhiều nghi vấn. Trong hai vị nữ thần kia, chắc cũng có một người chàng giành tình cảm nhiều hơn, vậy đó là ai? Tại sao khi không có Aphrodito bên cạnh mà chàng không cảm thấy buồn và giảm sút hăng say? Tại sao chàng bỏ ngoài tai lời căn dặn của Aphrodito? Và tại sao Zeus lại chỉ cho chàng sống lại cùng mùa xuân, tức là trở về với Aphrodito? Đi lí giải những câu hỏi trên chúng ta tìm thấy nhiều triết lí được ngửi ngắm trong chàng trai này.

Thứ nhất, Adonix đại diện cho Sắc Đẹp, không phải Aphrodito mà chính là Adonix. Sức trẻ, tuổi thanh xuân là mơ ước của nhân dân. Họ tạo ra một người trần có sắc đẹp khiến các thần phải ghen tỵ. Đây là motip phổ biến trong thần thoại Hy Lạp, những người trần gian đẹp lạ thường sẽ bắt đầu cho những rắc rối, và dường như đây là điều cấm kị khi họ có vẻ đẹp khác thường và kết cục của họ không mấy gì tốt đẹp. Mẹ của chàng là một ví dụ, chỉ vì nàng xinh đẹp, xinh đẹp hơn Aphrodito mà nàng chịu bất hạnh, nàng Psyche xinh đẹp cũng vậy. Những vị thần mang thói thường của người trần đó là thói ghen tị. Nhưng thần cũng có tình cảm như con người, nếu như sắc đẹp của mẹ chàng khiến Aphrodito căm phẫn thì nàng lại bị chìm đắm trong sắc đẹp của con trai Maria. Adonix đã chứng minh cho một qui luật trên đời, đó là không ai thoát khỏi bể khổ của ái tình kể cả vị nữ thần Tình Yêu. Người Hy Lạp luôn đề cao cái đẹp mà trước hết là cái đẹp hình thể, vẻ bề ngoài của Adonix chỉ được hiện qua hai chi tiết: “mái tóc vàng xõa bết dính bụi và mồ hôi” và “vầng trán cao đẹp”. Hai chi tiết này cộng với tình yêu cháy bỏng của Aphrodito dành cho chàng không cần nói nhiều chúng ta hiểu chàng đẹp đến nhường nào.

Thứ hai, Adonix đại diện cho sự bồng bột của tuổi trẻ. So với các vị thần bất tử chàng trai trần gian này trẻ và thiếu kinh nghiệm. Vì còn quá trẻ nên chàng vẫn chẳng mấy thể hiện chính kiến trước lời phán xử của Zeus, bởi Zeus thay chàng quyết định cuộc đời. Chi tiết này cho chúng ta thấy, con người mới chỉ dần nhận ra mình, họ vẫn còn ngây thơ tin tưởng vào sự cái được gọi là số phận và sự sắp đặt của thần linh. Và sự bồng bột còn thể hiện ở cái hiếu thắng, vội vã khi đi săn của chàng. Chàng chủ quan vì bên cạnh đã có hai nữ thần bảo vệ, chàng chỉ thích thú với công việc đi săn và lập chiến công chứ chẳng hề để tâm đến sự lo lắng của Aphrodito. Do bồng bột, chàng không biết lượng sức mình mà đánh đổi cả tính mạng. Cái chết của chàng không phải do sự can thiệp của vị thần động lòng ghen tỵ nào mà do sự bất cẩn của chàng, do sự thiếu hiểu biết và không biết lượng sức mình.

Thứ ba, chàng Adonix chính là nhân chứng cho quá trình chinh phục tự nhiên của con người. Những câu chuyện thần thoại không phải chỉ là sự tưởng tượng phong phú của con người mà còn là những câu chuyện bắt nguồn từ thực tế chinh phục tự nhiên của loài người. Những bước đi chập chững đầy khó khăn và người đầu tiên thường là thất bại, để những người tiếp theo rút ra bài học. Kinh nghiệm sống dần được hình thành từ những cách đó. Với rất nhiều thú rừng nhỏ nhưng Adonix vẫn lao tới để khuất phục con lợn rừng to lớn, chàng “chắc mẩm chuyến này sẽ được một con mồi béo” _ quả là một chiến công lớn nếu chàng chiến thắng. Lòng tham của con người, sự ham hố chiến công của đàn ông đã làm chàng mất cẩn thận, cái chết là điều không tránh khỏi.

2.4. Nhân vật Aphrodito

Nữ thần Sắc Đẹp và Tình Yêu Aphrodito tương truyền được sinh ra từ bọt biển nhưng trong sử thi Homer nàng là con gái của Zeus. Nàng là người đẹp nhất và đã nhận được quả táo vàng của hoàng tử thành Troy mà không phải là Hera hay Athena mặc dù hai vị nữ thần này đã hứa ban cho chàng sức mạnh và sự chiến thắng. Trong câu chuyện này, nếu Adonix là biểu tượng của Sắc Đẹp thì Aphrodito là biểu tượng của Tình Yêu_thứ tình cảm mang lại hạnh phúc và đau khổ gần như là bằng nhau.

Aphrodito xuất hiện như người mở màn của những bi kịch. Bi kịch hồi nhỏ của Adonix do sự tức giận của nàng mà ra và bi kịch của chính bản thân nàng cũng từ nàng mà ra.

So với hai người chồng của nàng là thần thợ rèn thọt chân Hephaetus và thần chiến tranh Arex, thì tình yêu nàng giành cho Adonix là nhiều hơn cả. Sự say mê khó có từ nào diễn tả, chỉ biết nàng không thể rời xa Adonix. Tình yêu mang lại cho nàng bao dự cảm lo âu đến nỗi nàng còn không nhận ra chính mình. Nàng là thần, ấy vậy mà lại đi cầu xin thần phù hộ cho Adonix, một hành động rất tầm thường diễn tả những lo âu, trăn trở trong tình yêu của người phụ nữ. Chỉ cần rời xa Adonix nàng đã tưởng tượng ra biết bao những tình huống không hay sẽ đến với chàng. Quả là nàng rất yêu Adonix và luôn muốn bảo vệ Adonix. Người phụ nữ luôn muốn gìn giữ tình yêu và mong muốn hạnh phúc đến người yêu của mình. Mất đi Adonix nàng đau khổ đến nhường nào: “bủn rủn chân tay”, “vượt qua khó khăn để tìm lại người yêu dấu” và “vật vã khóc than khi nhìn thấy xác chàng”… Là nữ thần tình yêu, nàng không được tình yên trọn vẹn (phải chia nửa với Perxephon) và cũng chẳng được hạnh phúc trọn vẹn(vì Adonix chết). Một lần nữa nữ thần Tình Yêu lại chính minh cho chúng ta sự không toàn vẹn và phủ nhận cái gọi là tuyệt đối tồn tại trên thế giới này. Tình yêu của nàng thật mãnh liệt, thật phi thường. Nàng yêu mà quên đi cả vị trí thần linh của mình, yêu mà hi sinh những lợi ịch cá nhân của mình. Những lễ hội, những hòn đảo đầy hoa trái- đó chẳng phải là nơi mà nàng ưa thích hay sao? Nhưng chỉ cần có Adonix nàng có thể bỏ qua tất cả. Khát khao tình yêu là khát khao chính đáng của loài người, thứ tình cảm như con virut này khiến người ta hạnh phúc và cũng khiến người ta đau khổ. Hoàn cảnh của Aphrodito chính là những cung bậc chúng ta thấy được của tình yêu. Aphrodito lại một lần nữa minh chứng cho chúng ta sự không vẹn toàn của thế giới.

2.5. Hình ảnh con lợn rừng

Con lợn rừng với cái “đầu rắn như đúc và hàm răng nhọn hoắt” xuất hiện với vai trò là “kẻ phá hoại”. Nó tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống kẻ thù bốn chân của loài người. Trong chuyện nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Adonix và chia lìa tình yêu của Aphrodito. Dù là nhân vật phụ nhưng hình ảnh con lợn cũng có những ý nghĩa của nó.

Mặc dù thần thoại là những câu chuyện thủa sơ khai của loài người. Song người Hy Lạp là một dân tộc thông minh, họ luôn biết gửi gắm những triết lí qua việc lựa chọn hình ảnh và thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua hình ảnh con lợn rừng này.

Con lợn rừng chính là cái đích mới mà con người muốn chiếm lĩnh. Sau khi thuần phục được loài chó (chi tiết đàn chó săn của Aphrodito) và săn được rất nhiều thú rừng nhỏ, con người muốn tiếp tục bắt những con thú lớn hơn phải thuần phục mình. Đó là ý nghĩa đầu tiên từ hình ảnh con lợn đó.

Mặt khác con lợn rừng còn đại diện cho thế lực đen tối và những hiểm nguy luôn rình rập con người khi sơ ý. Câu chuyện cho rằng cái chết của Adonix là có sự can thiệp của Arex và con lợn rừng đó chính là Arex hóa thành. Phải chăng hình ảnh con lợn rừng xuất hiện không phải là ngẫu nhiên mà đều là những dụng công của người dân Hy Lạp?

2.6. Sự tái sinh của Adonix

Adonix hóa thân thành loài hoa Anemone hay loài hoa chân ngỗng biểu trưng cho tình yêu lụi tàn còn máu của Aphrodito hóa thành loài hoa hồng biểu trưng cho tình yêu vĩnh cữu. Cái chết của chàng trai trẻ là dấu chấm cho một chuyện tình đẹp còn loài hồng như chứng nhân cho tình yêu bất tử của nữ thần Tình Yêu. Có lẽ vì thế mà Zeus nhân từ đã cho chàng hồi sinh cùng mùa xuân- mùa của tình yêu lứa đôi của sự đâm chồi nảy nở. Chỉ có mùa xuân mới có thể làm cho chàng trở lại, bởi khi ấy có tình yêu của Aphrodito, người yêu chàng hơn tất cả đang chờ đợi. Mùa xuân là tuổi trẻ và tuổi trẻ không thể thiếu tình yêu. Chàng hóa thân trong cỏ cây hoa lá hay chàng chính là bông hồng thắm_biểu tượng vĩnh cửu của tình yêu?

2.7. Những đặc sắc về nghệ thuật

Thiên nhiên xinh đẹp của đất nước Hy Lạp được hiện ra như một bức tranh nền cho câu chuyện tình thơ mộng. Đó chính là hình ảnh mùa xuân đầy tươi đẹp sinh sôi, nảy nở cùng tình yêu của hai người, là hoang mạc với những bụi gai sắc nhọn khi tình yêu héo úa và lại hồi sinh trong hình ảnh những bông hồng trắng tang tóc biến thành màu hồng thắm. Tất cả chỉ có vậy nhưng là cả một khoảng không bao la, những bông hoa nở theo bước chân của Aphrodite như an ủi như báo tin về sự hồi sinh của Adonix. Quả là một khung cảnh hùng vĩ. Những câu chuyện thần thoại luôn được xây dựng trong sự lãng mạn và cái đẹp cổ đại, trong chất thơ, trong trí tưởng tượng tuyệt vời của người Hy Lạp. Có lẽ vì vậy mà dường như không chỉ có lời kể, không chỉ có hình ảnh thiên nhiên thơ mộng mà trong câu chuyện này còn có cả chất nhạc du dương, réo rắt theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật.

Câu chuyện thể hiện mơ ước chinh phục tự nhiên và làm chủ tình yêu của con người. Chàng trai dũng cảm đã hi sinh nhưng khát vọng muốn chiếm lĩnh thì không hề lùi bước.

Người Hy Lạp, với nguyên tắc “thần nhân đồng hình” đã xây dựng hình tượng nhân vật các vị thần vừa huyền bí nhưng cũng rất đỗi bình thường với những tình cảm bình thường của con người. Từ khao khát yêu đương, những ghen tuông, dự cảm đến những tham vọng lớn lao của con người.

III. Kết Luận

Thần thoại Hy Lạp là những sáng tác văn học đầu tiên và sớm gắn bó với cuộc sống sinh hoạt và tinh thần của nhân dân. Nó tồn tại và được tái sinh qua những lời kể của các bô lão bên bếp lửa gia đình, qua tiếng hát của những người hát rong nơi đô thị, và khắp các làng quê, qua những lời giảng của các bậc hiền triết với vua chúa chốn cung điện. Bằng cách này hay cách khác, những câu chuyện huyền diệu vẫn tồn tại như một minh chứng cụ thể của một nền văn minh lớn thời sơ khai của nhân loại.

Thần thoại phản ánh cuộc sống hiện thực của người dân Hy Lạp thời cổ đại, thể hiện ước mơ, khát vọng của con người. Nó phản ánh chân thực, sống động tư tưởng tình cảm của con người, và ở đây chính là khát vọng yêu và được yêu mà nữ thần Aphrodito đã minh chứng cho chúng ta. Tư tưởng đạo lí công bằng luôn được đề cao trong từng câu chuyện. Zeus luôn xuất hiện kịp thời để giải quyết những mâu thuẫn và phân giải công bằng cho tất cả.

Marx nói rằng “không có thần thoại Hy Lạp thì cũng không có nghệ thuật Hy Lạp”. Những câu chuyện đậm màu sắc lãng mạn này luôn là người cảm hứng vô tận cho điêu khắc, hội họa, thi ca và nhất là văn học. Những chi tiết được xem như điển tích và hình ảnh quen thuộc trong Văn học…Đối với đất nước Hy Lạp thần thoại là pho sử đầu tiên của dân tộc này còn đối với phương Tây, thần thoại có ảnh hưởng suốt mọi thời kì của sự phát triển nghệ thuật và sinh hoạt văn hóa.

Tư liệu tham khảo:

1. Lê Huy Bắc (Cb), 2010 , Giáo trình Văn học Phương Tây, NXBGD

2. Thần thoại Hy Lạp, Nguyễn Văn Khỏa dịch, 2010, NXB Phụ nữ

Từ khóa » Câu Chuyện Thần Thoại Hy Lạp