ĐẶC ĐIỂM NGOẠI HÌNH VÀ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA GÀ RI

1. Đặt vấn đề

Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương thế giới (2019), năm 2017, toàn thế giới có khoảng 22.847.062.000 con gà, Việt Nam có khoảng 295.209.000 con gà, đứng thứ 14 thế giới về số lượng gà.

Chăn nuôi gà ở Việt Nam vẫn đang có xu hướng phát triển, đặc biệt các giống gà lông màu, gà địa phương đang được nhiều hộ dân quan tâm đầu tư, trong đó có gà Ri vì có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giá gà Ri hiện nay ở Hà Tĩnh, khoảng 140.000 - 150.000 đ/kg hơi, đắt gấp khoảng 2 lần so với gà Ri lai nuôi 12 - 14 tuần tuổi (75.000 đ/kg hơi), gấp khoảng 5,5 lần so với gà công nghiệp.

Để hiểu rõ thêm về giống gà bản địa, đặc sản này ở Việt Nam nhằm có căn cứ cụ thể ứng dụng vào phát triển chăn nuôi, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu các tài liệu, tổng hợp các nội dung liên quan đến đối tượng gà Ri.

2. Nội dung

2.1. Đặc điểm ngoại hình của gà Ri

Gà Ri là giống gà nội được nuôi rộng rãi trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Ở các tỉnh phía Nam có tên gọi là gà ta vàng. Tuỳ theo sự chọn lọc trong quá trình chăn nuôi mà giống gà Ri có nhiều loại hình tương đối khác nhau ở mỗi địa phương. Tuy vậy, những nét đặc trưng nhất của gà Ri là tầm vóc nhỏ, chân thấp. Gà mái có bộ lông vàng nhạt, hoặc vàng nâu có điểm lông đen ở cổ, lưng. Gà trống có bộ lông sặc sỡ nhiều màu hơn. Lông cổ đỏ tía hoặc da cam, lông cánh ánh đen. Ở cả con trống và con mái có mào đơn nhiều khía răng cưa, màu đỏ tươi. Chân, da, mỏ có màu vàng nhạt. Gà Ri mọc lông sớm, chỉ hơn một tháng tuổi đã mọc đủ lông (Lê Hồng Mận và Nguyễn Thanh Sơn, 2001).

Theo Nguyễn Duy Hoan và cs (1999), gà Ri là giống gà phổ biến nhất mọi vùng, mọi miền. Tùy theo sự chọn lọc trong quá trình chăn nuôi mà giống này hình thành nên các dòng gà Ri có thể hình, màu sắc khác nhau ít nhiều ở mỗi địa phương. Thông thường và phổ biến nhất, thì gà mái có lông màu vàng và nâu nhạt, điểm các đốm đen ở cổ, đầu cánh và chót đuôi. Gà trống có bộ lông sặc sỡ nhiều màu, nhất là lông cổ và đuôi chiếm ưu thế nhất là lông màu vàng đậm và tía, sau đó là vàng nhạt hoặc trắng ở cổ. Rất ít khi thấy gà Ri có màu lông thuần nhất. Gà con mọc lông sớm chỉ hơn một tháng gà đã đầy đủ lông như gà trưởng thành.

Theo Trần Thanh Vân và cs (2015), đến nay, chưa rõ nguồn gốc của gà Ri. Gà Ri phân bố hầu khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung. Đặc điểm ngoại hình rất đa dạng, gà mái: lông màu vàng rơm, vàng đất hoặc nâu nhạt, xung quang cổ có hàng lông đen, mào kém phát triển, lá tai chủ yếu là màu đỏ, một số lá tai màu trắng. Gà trống: màu lông phổ biến là đỏ thẫm, đầu lông cánh và đuôi có lông đen ánh xanh, ngoài ra còn có các màu: trắng, hoa mơ đốm trắng. Mào cờ, mào và tích đỏ tươi, rất phát triển. Gà Ri có da màu vàng là chủ yếu, một số da trắng. Chân 4 ngón, có hai hàng vảy màu vàng xen lẫn màu đỏ tươi.

Các tác giả Bùi Đức Lũng và cs (2005) đã công bố kết quả nghiên cứu chọn lọc và nhân thuần gà Ri màu vàng rơm sau 3 thế hệ, kết quả về ngoại hình như sau: Sau khi lấy trứng ấp từ những gà mái lông vàng rơm thế hệ xuất phát, tỷ lệ gà 1 ngày tuổi màu vàng rơm đặc trưng tăng lên rõ rệt chiếm 32,8 %. Giai đoạn 9 tuần tuổi, gà trống và mái có màu vàng rơm đạt 100 % sau khi đã chọn lúc 1 ngày tuổi, thân hình thanh tú, thon nhẹ, đầu nhỏ, đầu cánh và chót đuôi điểm những lông đen. Chân, mỏ, da có màu vàng. Giai đoạn 19 và 38 tuần tuổi: Gà mái toàn thân màu vàng rơm, điểm những lông đen quanh cổ, đầu cánh và chót đuôi. Mào đơn, lá tai màu cẩm thạch. Gà trống dáng chắc khoẻ, ngực vuông, quanh cổ phát triển lông cườm đỏ tía óng ánh, đuôi có điểm vài lông màu xanh đen. Mào đơn, chân có 2 hàng vẩy.

Hình 1. Ảnh gà Ri (Nguồn: Viện Chăn nuôi)

Gà Ri vàng rơm là sản phẩm của đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm ngoại hình và tính năng sản xuất của giống gà Ri qua 3 đời chọn lọc” do Viện Chăn nuôi chủ trì từ năm 1999 kéo dài đến năm 2001. Bằng phương pháp nuôi bán chăn thả kết hợp hình thức nuôi cổ truyền, qua 3 đời gà, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi (Viện Chăn nuôi) đã thu được giống gà Ri vàng rơm có lông màu vàng rơm chiếm gần 70%. Đặc điểm nhận biết của loại gà này là: Gà trống toàn thân phủ màu vàng rơm, thân hình thanh tú, chóp đuôi có điểm vài lông đen. Khi trưởng thành thân hình khỏe mạnh, lông vàng sặc sỡ, mào to đỏ dựng đứng, mỏ và chân đều màu vàng; gà mái thân thon nhẹ, lông phủ màu vàng rơm, đầu nhỏ, mào đơn, chân có hai hàng vảy, mỏ và chân có màu vàng tương tự gà trống (Nongnghiep.vn, 2012).

Tác giả Nguyễn Minh Hoàn và cs (2014) đã nghiên cứu từ quần thể gà địa phương gồm 400 cá thể, đã chọn lọc theo các tiêu chuẩn về màu sắc lông, hình thái cơ thể của gà đã cho kết quả như sau: Tỷ lệ gà có màu vàng rơm tăng lên qua các thế hệ, cụ thể ở thế hệ I gà có màu vàng rơm chiếm 37,8 % và thế hệ II là 50,0% so với 19,5 % ở thế hệ xuất phát.

Hình 2. Ảnh gà Ri vàng rơm Nguồn: Viện Chăn nuôi

Theo Thư Viện Bộ NN và PTNT (2015), tác giả Ngô Thị Kim Cúc và cs đã nghiên cứu về gà Ri hoa mơ, ngoại hình như sau:

Kết quả theo dõi ba thế hệ gà Ri hoa mơ cho thấy kiểu mào của đàn gà Ri hoa mơ là mào cờ. Màu da là màu vàng. Màu lông vẫn còn đa dạng, chưa ổn định, tuy nhiên chủ yếu vẫn là màu lông hoa mơ. Tỷ lệ màu lông hoa mơ của đàn gà ở thế hệ 2 đã được nâng lên 8,5% so với thế hệ xuất phát (từ 53,5% ở thế hệ xuất phát lên 62,0% ở thế hệ 2).

2.2. Khả năng sản xuất của gà Ri

Gà Ri là giống nhẹ cân, gà mái: 1,2 - 1,8 kg, gà trống: 1,8 - 2,3 kg. Gà trống thiến nuôi lâu có thể đạt 2,5 kg hoặc hơn. Sức đẻ: 90 - 120 trứng/mái/năm. Khối lượng trứng bình quân: 38 - 42 gam. Nếu nuôi bán chăn thả, sản lượng trứng gà Ri có thể đạt 125 - 130 quả/mái/năm. Gà Ri thành thục sinh dục sớm (141 ngày). Gà có đặc điểm nổi bật là cần cù, chịu khó kiếm ăn, sức chống chịu với thời tiết, bệnh tật cao, nuôi con khéo, thịt có hương vị thơm ngon, nhất là gà mái tơ. Do các ưu và nhược điểm ở trên, gà Ri thích hợp với chế độ dưới chăn thả, hoặc bán chăn thả. Trong tương lai khi ngành gia cầm nuôi các giống cao sản phát triển, thì gà Ri có thể sẽ được coi như là một đặc sản (Nguyễn Duy Hoan, 1999).

Gà Ri có tuổi đẻ quả trứng đầu tiên sớm, khoảng 135 - 140 ngày. Sản lượng trứng một năm đạt từ 80 - 120 quả/mái. Trứng có khối lượng bé 42 - 45 gam, vỏ trứng màu nâu nhạt; tỷ lệ trứng có phôi 89 - 90%, tỷ lệ ấp nở 80 -85%. Lúc mới nở gà Ri đạt 25 - 28 gam; lúc bắt đầu đẻ, khối lượng gà mái khoảng 1200 - 1300 gam; lúc trưởng thành đạt 1700 - 1800 gam, gà trống 2200 - 2300 gam. Chất lượng thịt gà Ri thơm ngon và đậm đà. Gà Ri có ưu điểm nổi bật là cần cù, chịu khó kiếm ăn, sức chống chịu với thời tiết và bệnh tật cao, gà ấp và nuôi con khéo. Tuy khối lượng trứng gà Ri bé, nhưng tỷ lệ lòng đỏ lại cao hơn trứng gà công nghiệp. Tỷ lệ lòng đỏ của trứng gà Ri là 34%, trong khi ở các giống khác chỉ chiếm 27 - 30%. Màu sắc lòng đỏ của trứng gà Ri cũng đậm hơn. Có thể nói rằng, trong các giống gà nội, gà Ri có sức đẻ trứng tốt nhất, gà không những đẻ trứng sớm mà thời gian đẻ kéo dài. Gà Ri không thay lông ồ ạt như các giống gà công nghiệp nên tỷ lệ đẻ đều qua các tháng. Tỷ lệ đẻ trung bình trong năm là 36 - 37%, tuần đẻ cao nhất 20 -22%. Một ưu điểm nữa của gà Ri so với các giống gà lông màu nhập nội là có thể khai thác gà mái ở năm đẻ thứ hai thậm chí năm đẻ thứ ba. Với khẩu phần thức ăn nghèo dinh dưỡng (13 - 14% đạm) cũng vẫn nuôi được gà Ri đẻ trứng. Với những ưu điểm nêu trên, bao đời nay gà Ri là giống vật nuôi phổ biến trong các gia đình nông thôn nước ta (Lê Hồng Mận và Nguyễn Thanh Sơn, 2001).

Khả năng sản xuất, theo các kết quả nghiên cứu được công bố của Lê Viết Ly, 2001; Át lát vật nuôi, 2004; Nguyễn Đăng Vang, Nguyễn Thanh Sơn, 2000; Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2006 (dẫn từ Trần Thanh Vân và cs, 2015) thì: Gà Ri có khối lượng mới nở là 30 - 31g; 6 tháng tuổi ở gà mái là 1130 g, ở gà trống là 1636 g; đến 12 tháng tuổi ở gà mái là 1246 g, ở gà trống là 2735 g. Thịt thơm ngon màu trắng. Thành thục về tính sớm, gà trống 2 - 3 tháng tuổi đã biết gáy và đạp mái, gà mái 4 tháng tuổi đã bắt đầu đẻ trứng. Số lượng trứng/lứa/mái từ 13 - 15 quả. Năng suất trứng có thể đạt từ 70 - 125 quả. Tỷ lệ trứng có phôi đạt 92,6 %, tỷ lệ nở/trứng có phôi là 78 %, tỷ lệ gà con loại 1 đạt 94,1 %.

Gà Ri thích nghi với điều kiện nuôi bán chăn thả, không xuất hiện mổ cắn nhau. Giai đoạn hậu bị: Đến 19 tuần tuổi, gà mái đạt 1245g, gà trống đạt 1735,5 g. Tỷ lệ nuôi sống 86,6 %. Tiêu thụ thức ăn cả giai đoạn là 6,28 kg/con. Khả năng sinh sản: Tuổi thành thục 134 ngày tuổi. Tỷ lệ đẻ đạt 5 % ở 138 ngày tuổi, lúc này khối lượng cơ thể đạt 1280g. Đến 156 ngày tuổi, tỷ lệ đẻ đạt 30 %, khối lượng đạt 1330 g. Sản lượng trứng đạt 126,8 quả; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 2,61 kg. Khối lượng trứng ở tuần tuổi 67 là 48,60 g. Khối lượng lòng đỏ cao chiếm 34,79 % so với khối lượng trứng; Đơn vị Haugh là: 90,80. Tỷ lệ trứng có phôi là 90,3 - 96,8 %; Tỷ lệ ấp nở 78,5 - 80,4 %; Tỷ lệ gà loại I/tổng gà nở 95 - 97,3 %. Gà nuôi thịt đến 12 tuần: Tỷ lệ nuôi sống là 95,7 %. Khối lượng con trống 1140,70 g; con mái 940,50 g. Tỷ lệ thân thịt chung cho trống mái là 77,75 %. Còn tỷ lệ thịt đùi + thịt ngực đạt 37 % (Bùi Đức Lũng và cs, 2005).

Năm 2012, nhóm tác giả Nguyễn Huy Đạt và cs đã nghiên cứu, chọn tạo thành công giống gà Ri vàng rơm. Gà này có năng suất, chất lượng trứng và sản phẩm thịt có giá trị thương phẩm cao hơn các giống gà khác từ 30 - 40 %. Đây là giống gà nội, có khả năng thích nghi cao với điều kiện chăn nuôi khó khăn. Gà Ri vàng rơm thích nghi được tất cả các vùng sinh thái ở nước ta, đặc biệt là những vùng trung du, miền núi có điều kiện khó khăn. Tùy từng điều kiện của người chăn nuôi và từng địa phương để lựa chọn quy mô chăn nuôi phù hợp (Nongnghiep.vn, 2012).

Nguyễn Minh Hoàn và cs (2014) đã nghiên cứu từ quần thể gà địa phương gồm 400 cá thể, đã chọn lọc theo các tiêu chuẩn về màu sắc lông, hình thái cơ thể của gà, đã cho kết quả như sau: Xác định được tiêu chuẩn chọn lọc về khối lượng cơ thể ở 17 tuần tuổi ở thế hệ I, đối với gà mái là: 953,5 g và đối với gà trống là: 1401,7 g. Kết quả chọn lọc theo tiêu chuẩn khối lượng cơ thể lúc 17 tuần tuổi đã cho thấy khối lượng cơ thể gà ở thế hệ II cao hơn so với thế hệ I ở hầu hết các tuần tuổi. Mức độ đồng đều về khối lượng gà Ri vàng rơm thế hệ II cao hơn thế hệ I. Chọn lọc đã làm tăng khối lượng gà trống và gà mái ở thế hệ II so với thế hệ I, tuy nhiên khác biệt về khối lượng ở gà mái rõ rệt hơn so với gà trống giữa 2 thế hệ.

Theo Thư Viện Bộ NN và PTNT (2015), tác giả Ngô Thị Kim Cúc và cs đã nghiên cứu về gà Ri hoa mơ, khả năng sản xuất như sau:

Khối lượng của gà Ri hoa mơ đã tăng dần qua các thế hệ. Lúc 8 tuần tuổi gà trống có khối lượng là 668,04g ở thế hệ xuất phát và 690,44g ở thế hệ 2, gà mái có khối lượng 627,15g ở thế hệ xuất phát và 663,35 ở thế hệ 2. Đến 20 tuần tuổi gà trống có khối lượng ở thế hệ xuất phát là 1676,30g và ở thế hệ 2 là 1705,00g, gà mái có khối lượng ở thế hệ xuất phát là 1409,30g và ở thế hệ 2 là 1444,60g.

Tuổi đẻ quả trứng đầu là từ 139 đến 142 ngày. Tỷ lệ đẻ đạt 5% vào 21-22 tuần tuổi và đẻ đỉnh cao vào lúc 27 - 28 tuần. Năng suất trứng của gà Ri hoa mơ tăng dần qua các thế hệ. Năng suất trứng của đàn gà Ri hoa mơ đến 68 tuần tuổi là từ 126,21 quả ở thế hệ xuất phát và 129,28 quả ở thế hệ 2.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy đàn gà Ri hoa mơ đủ điều kiện về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật để làm công tác giống ở các giai đoạn tiếp theo.

3. Kết Luận

Đối tượng gà Ri đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu về đặc điểm ngoại hình và khả năng sản xuất.

Gà Ri có màu lông đa dạng, chân và da vàng, chân thấp, mào cờ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tiến hành chọn lọc theo hướng đặc điểm ngoại hình ổn định, đã hình thành và phát triển gà Ri vàng rơm và gà Ri hoa mơ.

Nhìn chung, gà Ri có tỷ lệ nuôi sống biến động, từ 86,6 - 95,7 %; khối lượng cơ thể gà thấp, lúc trưởng thành chỉ khoảng từ khoảng 0,95 - 2,30 kg, bình quân gà mái khoảng 1,2 - 1,4 kg, gà trống khoảng khoảng 1,9 - 2,0 kg; tuổi đẻ quả trứng đầu tiên sớm, khoảng 135 - 142 ngày, trong khi đó gà Mía là 180 - 200 ngày, gà Đông Tảo là 170 - 210 ngày, gà 200 - 210 ngày; sản lượng trứng khoảng 70 - 130 quả/năm, cao hơn một số giống gà nội như gà Mía là 60 - 65 quả/năm, gà Đông Tảo là 50 - 68 quả/năm, gà Hồ là 50 - 60 quả/năm; khối lượng trứng nhỏ, khoảng 30 - 48,6 g/quả; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 2,61 kg; tỷ lệ ấp nở thấp, khoảng 78 - 85 %; tiêu tốn thức ăn nuôi đến 19 tuần tuổi là 6,28 kg/con, ước tính khoảng 4,2 kg thức ăn/tăng khối lượng.

URE, LIVESTOand FISS

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Duy Hoan, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Đức Lũng, Đoàn Xuân Trúc (1999), Chăn nuôi gia cầm (Giáo trình dùng cho Cao học và NCS ngành chăn nuôi), Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  2. Nguyễn Minh Hoàn, Lê Đình Phùng, Nguyễn Đức Hưng (2014), "Kết quả chọn lọc theo ngoại hình và sinh trưởng của gà Ri qua 2 thế hệ", Tạp chí Khoa học Đại học Huế, Số 4, tr. 94 - 99.
  3. Bùi Đức Lũng, Nguyễn Huy Đạt, Vũ thị Hưng, Trần Long (2005), Kết quả nghiên cứu chọn lọc và nhân thuần gà Ri màu vàng rơm sau 3 thế hệ, Báo cáo khoa học Viện Chăn nuôi.
  4. Lê Hồng Mận, Nguyễn Thanh Sơn (2001), Kỹ thuật nuôi gà Ri và gà Ri pha, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  5. Nongnghiep.vn (2012), (Http://nongnghiep.vn/ga-ri-vang-rom-post102969.html; cập nhật 09/11/2012).
  6. Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT (2015) (http://thuvien.mard.gov.vn/san-pham/thong-bao-de-tai-moi/nghien- cuu-chon-tao-dong-ga-ri-1207/, ngày 26/10/2015)
  7. Trần Thanh Vân, Nguyễn Duy Hoan, Nguyễn Thị Thúy Mỵ (2015), Giáo Trình chăn nuôi gia cầm, Nxb Nông nghiệp.

Tin mới

  • MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN LOÀI PƠ MU TẠI VƯỜN QUỐC GIA VŨ QUANG - 19/01/2021 02:42
  • ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH NUÔI ẾCH THÁI LAN TẠI HÀ TĨNH - 02/10/2020 09:38
  • KHOA NÔNG NGHIỆP TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 2020 - 26/05/2020 02:52
  • GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG CÔNG TÁC GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC - 21/04/2020 03:45
  • ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ GIỐNG LÚA CẨM DINH DƯỠNG CAO Ở HÀ TĨNH - 26/02/2020 06:49

Các tin khác

  • NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT LÚA CẨM DINH DƯỠNG CAO TẠI HÀ TĨNH - 14/10/2019 01:06
  • CÂY ĐÀO VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN Ở XÃ XUÂN LĨNH - 14/10/2019 00:46
  • KHẢO NGHIỆM MỘT SỐ TỔ HỢP LAI CÀ CHUA VỤ XUÂN HÈ 2019 TẠI TRẠI THỰC NGHIỆM NÔNG NGHIỆP - 21/04/2019 13:43
  • ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH LMLM TRÂU BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH - 15/03/2019 07:52
  • Trồng cam, một hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại Hà Tĩnh. - 19/10/2018 09:03

Từ khóa » điểm Ngoại Hình Của Gà Hai Lai