Đặc điểm Sinh Học Và Kỹ Thuật Nuôi Tôm Càng Xanh Hiệu Quả

Trong những năm gần đây, tôm càng xanh ngày càng thu hút người nuôi nhờ vào những đặc tính nổi trội như giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định, rủi ro thấp, phù hợp với nhiều mô hình nuôi kết hợp. Sau đây là một số đặc điểm sinh học của tôm càng xanh và những kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả cho bà con nông dân cần biết.

Tôm càng xanh (tên khoa học Macrobrachium rosenbergii), còn gọi là tôm lớn nước ngọt hay tôm Malaysia (theo cách gọi của người Âu-Mỹ), là một loài tôm nước ngọt có nguồn gốc ở vùng Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương và bắc Úc. Loài này (cũng như các loài khác thuộc chi Macrobrachium) có tầm quan trọng thương mại nhờ các giá trị dinh dưỡng của nó như là một nguồn thực phẩm có giá trị

Đặc điểm sinh học

Đặc điểm hình thái

Hình thái của tôm càng xanh được nhiều tác giả mô tả như Holthius; Đức và ctv. (1988 và 1989); Forster và Wickins 1972. Tuy nhiên, ở nước ta trong ao nuôi hay trong khai thác tự nhiên thì xuất hiện 2 dạng tôm càng mà được gọi là tôm càng xanh và tôm càng lửa.

Vòng đời của tôm càng xanh có có 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, thành thục và giao vi trong nước ngọt, nhưng sau đó chúng di cư ra vùng nước lợ (có độ mặn 6-18%o) và ấu trùng nở ra, sống phù du trong nưóc lợ. Khi hoàn thành 11 lần lột xác để thành tôm con thì tôm di chuyển dần vào trong vùng nước ngọt.

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 1

Trong tự nhiên, tôm thành thục và giao vĩ xảy ra hầu như quanh năm. Tùy từng nơi mà chỉ tập trung vào những mùa chính, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, có hai mùa tôm sinh sản chính là khoảng tháng 4-6 và tháng 8-10. Tôm cái thành thục lần đầu ở khoảng 3-3.5 tháng kể từ hậu ấu trùng 10-15 ngày tuổi (PL10-15). Kích cỡ tôm nhỏ nhất đạt thành thục được ghi nhận là khoảng 10-13cm và 7.5g.  Tuy nhiên, tuổi thành thục và kích cỡ thành thục của tôm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường và thức ăn.

Giống như các loài giáp xác khác, sinh trưởng của tôm càng xanh không liên tục, có sự gia tăng kích thước nhanh sau mỗi lần lột xác. Tốc độ sinh trưởng của tôm đực và cái gần như tương đương nhau cho tới khi chúng đạt kích cở 35-50g, sau đó khác nhau rõ theo giới tính, tôm đực sinh trưởng nhanh hơn tôm cái và đạt trọng lượng có thể gấp đôi tôm cái trong cùng một thời gian nuôi.

Tôm cái khi bắt đầu thành thục (khoảng 40g, hay 140-150cm chiều dài) thì sinh trưỏng giảm vì nguồn dinh dưỡng chủ yếu tập trung cho sự phát triển của buồng trứng. Một hiện tượng thường thấy trong nuôi tôm càng xanh là sự phân đàn khá rõ kể cả trong cùng một nhóm giới tính.  Kích thưóc của tôm có thể đạt 40-50 g trong thời gian 4-5 tháng nuôi. Kích cở tôm lớn nhất tìm thấy ở Ấn độ là 470 g, Thái lan 470 g và Việt nam 434 g.

Chu kỳ lột xác của tôm tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng, tình trạng sinh lý, điều kiện dinh dưỡng, điều kiện môi trường,…. Tôm càng xanh tuân theo qui luật chung của tôm là tôm nhỏ chu kỳ lột xác ngắn hơn tôm lớn. Chu kỳ lột xác của tôm trình bày trong bảng:

Thời gian lột xác của tôm càng xanh

Trọng lượng (g/con)

Chu kỳ lột xác (ngày)

2-5

6-10

11-15

16-20

21-25

26-35

36-60

9

13

17

18

20

22

22-24

Cơ chế lột xác của tôm càng xanh giống như các loài giáp xác chân đốt khác. Khi tôm tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng và tới chu kỳ lột xác thì lúc đó lớp vỏ mới hình thành dần dưới lớp vỏ cũ, lớp này rất mỏng, mềm và co giãn được. Khi lớp vỏ mới này phát triển đầy đủ thì tôm tìm nơi vắng và giàu oxy để lột vỏ. Khi lớp võ cũ lột đi, vỏ mới còn mềm và co giãn được và dưới áp lực của khối mô cơ lâu ngày bị ép bởi lớp vỏ cũ, cơ thể tôm bấy giờ giãn nở, lớn lên nhiều và khác hẳn với lúc trước lột xác. Lớp vỏ mới cứng dần sau 3-6 giờ và tôm sẽ hoạt động lại bình thường sau đó.

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 2

Quá trình lột vỏ của tôm thực hiện rất nhanh chỉ trong vòng 3-5 phút. Khởi đầu tôm ngưng hết mọi hoạt động bên ngoài, uống cong mình gây nên áp lực ngày càng tăng phá vở lớp màng giữa giáp đầu ngực và vỏ tạo nên một khoảng hở ngang lưng. Tôm lúc này co mình thành hình chữ U, áp lực bên trong cơ thể tăng lên, và dần dần tôm thoát toàn bộ cơ thề qua khoảng hở ở lưng. Sau mỗi lần lột xác, cơ thể tôm tăng lên 9-15% trọng lượng thân.

Phân bố

Tôm càng xanh phân bố ở tất cả các thủy vực nước ngọt (đầm, ao, sông, rạch, ruộng lúa…) và kể cả ở vùng nưóc lợ cửa sông. Trên thế giới tôm phân bố ở khu hệ Ấn Độ Dương và Tây Nam Thái Bình Dương. Ở Việt nam, tôm càng xanh phân bố chủ yếu các tỉnh Nam bộ đặc biệt là các vùng nước ngọt và vùng cửa sông ven biển ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Tập tính

Tôm càng xanh trưởng thành là loài ăn tạp và ăn tầng đáy, nó sử dụng nhiều loại động vật khác nhau để làm thức ăn từ nhuyễn thể, giáp xác đến  tảo sợi và kể cả chất thối rữa hữu cơ, và tôm cũng ăn thức ăn viên công nghiệp. Tôm tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác, chúng dùng râu quét ngang, dọc phía trước hưóng di chuyển. Khi tìm gặp thức ăn chúng dùng chân ngực thứ nhất kẹp lấy thức ăn, đưa chân hàm và từ từ đưa vào miệng. Tôm có hàm trên và hàm dưới cấu tạo bằng chất kitin nên nghiền được các loại thức ăn cứng như nhuyễn thể…

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 3

Trong quá trình tìm thức ăn tôm có tính tranh giành cao, cá thể nhỏ thường tránh xa đàn hay khi tìm được một miếng thức ăn thì di chuyển đi nơi khác, trong khi đó con lớn vẫn chiếm chỗ và đánh đuổi tôm nhỏ. Ngoài ra, tôm còn ăn đồng loại khi chúng yếu (ví dụ như mới lột) hay khi thiếu thức ăn.

Môi trường sống

Nhiệt độ: tôm càng xanh là loài thích nghi với biên độ nhiêt độ rộng từ 18-34oC, nhiệt độ tốt nhất là 26-31oC, ngoài phạm vi nhiệt độ nay tôm sẽ sinh trưởng chậm hay khó lột xác.

pH: mức pH thích hợp nhất cho tôm càng xanh là 6.5-8.5, ngoài khoảng nay tôm có thể sống được nhưng sinh trưởng kém, pH dưới 5 tôm hoạt động yếu và chết sau 6 giờ. Khi gặp môi trường có pH thấp tôm sẽ nổi đầu, dạt vào bờ, mang đổi màu, mang và các phụ bộ bị lở loét, tôm bơi lội chậm chạp và chết sau đó.

Oxy hòa tan: môi trường phải có oxy hòa tan > 3 mg/l, dưới mức nầy tôm hoạt động yếu, tập trung ven bờ, nổi đầu và chết sau vài giờ. Nếu hàm lượng oxy vượt quá mức bảo hòa cũng gây tác hại đến tôm nhất là quá trình hô hấp (chứa nhiều khí trong hệ tuần hoàn, cản trở lưu thông máu).

Anh sáng: Tôm thích sánh sáng vừa phải, cường độ thich hợp nhất là 400 lux. Anh sáng cao sẽ ức chế hoạt động của tôm, do vậy ban ngày có ánh sáng cao tôm xuống đáy thủy vực trú ẩn, ban đêm hoạt động tìm mồi tích cực. Tôm không ưa ánh sáng có cường độ cao nhưng lại có tính hướng quang vào ban đêm, khi có luồng sáng thì tôm sẽ tập trung lại, và tôm lớn có tính hướng quang kém hơn tôm nhỏ.

Nồng độ muối: Tôm thích hợp nồng độ muối từ 0-16%o, tôm trưỏng thành sinh trưởng tốt ở vùng cửa sông venbiển.

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 4

Sinh sản

Có thể phân biệt tôm đực và cái dễ dàng thông qua hình dạng bên ngoài của chúng. Tôm đực có kích cỡ lớn hơn tôm cái, đầu ngực to hơn và khoang bụng hẹp hơn. Đôi càng thứ hai to, dài và thô. Ở con đực còn có nhánh phụ đực mọc kế nhánh trong của chân bụng thứ hai. Nhánh phụ đực bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn ấu niên khi tôm đạt kích cỡ 30 mm và hoàn chỉnh khi tôm đạt 70 mm. Ngoài ra, ở giữa mặt bụng của đốt bụng thứ nhất còn có điểm cứng.

Tôm cái thường có kích cỡ nhỏ hơn tôm đực, có phần đầu ngực nhỏ và đôi càng thon. Tôm có 3 tấm bụng đầu tiên rộng và dài tạo thành khoang bụng rộng làm buồng ấp trứng. Cơ quan sinh dục trong của con đực gồm một đôi tinh sào, một đôi ống dẫn tinh và đầu mút.  Đôi tinh sào ngoằn ngoèo nằm giữa lưng của giáp đầu ngực được nối với ống dẫn tinh chạy từ trước tim dọc sang hai bên viền sau của giáp đầu ngực và đổ vào đầu mút nằm ở đốt coxa của chân ngực 5.

Phân biệt tôm càng xanh đực và cái:

Đặc điểm Tôm càng xanh đực Tôm càng xanh cái
Kích cỡ Lớn hơn và đầu ngực to hơn Nhỏ hơn và đầu ngực nhỏ hơn
Càng Đôi càng thứ 2 to, gồ ghề và nhiều gai Nhỏ và nhãn hơn
Lỗ sinh dục Hiện diện dưới gốc của chân ngực thứ năm và có nắp đậy Hiện diện dưới gốc của chân ngực thứ ba, có màng mỏng bao phủ.
Phụ bộ giao vĩ Xuất hiện giữa nhánh trong và nhánh phụ của chân bụng thứ 2 Không có
Bụng Mặt bụng của điểm bụng thứ nhất có điểm cứng ở giứa Tấm bụng thứ 1, 2, 3  dài và nở rộng => buồng ấp trứng
Lông tơ sinh dục Không có Xuất hiện nhiều trên chân ngực, chân bụng của tôm trưởng thành.
Tuyến androgenic Dãy tế bào dính vào vùng gần cuối của ống dẫn Không có
Chiều dài và kích cỡ thành thục Dài 17.5 cm, trọng lượng trung bình 35 g Chiều dài trung bình 15 cm, trọng lựợng 25 g.

Thành thục giao vĩ, đẻ trứng và ấp trứng của tôm

Tôm thành thục và giao vĩ xảy ra quang năm. ĐBSCL tôm sinh sản 4-6 và tháng 8-10. Tôm cái thành thục lần đầu khoảng 3-3.5 tháng (từ PL10-15) Kích cỡ nhỏ nhất tôm thành thục 10-13 cm và 7.5 g. Sự thành thục phụ thuộc nhiều vào môi trường và thức ăn.

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 5

Quá trình thành thục gồm 4 giai đoạn ( 14-20 ngày):

  • Giai đoạn 1: chưa thành thục, buồng trứng nhỏ trong suốt.
  • Giai đoạn 2: chớm thành thục, buồng trứng chiếm 1/4 – 1/2 chiều dài khoang giáp đầu ngực.
  • Giai đoạn 3: thành thục, buồng trứng chiếm 3/4  chiều dài giáp đầu ngực.
  • Giai đoạn 4: chín muồi, buồng trứng chiếm toàn bộ khoang giáp đầu ngực.

Khi buồng trứng ở giai đoạn 4, tôm cái lột xác tiền giao vĩ => tiết ra hormol kích thích tôm đực tìm đến. Sau khi lột xác 1-22 giờ, thường 3-6 giờ tôm bắt đầu giao vĩ. Quá trình giao vĩ chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: tiếp xúc
  • Giai đoạn 2: ôm đực ôm giữ tôm cái
  • Giai đoạn 3: tôm đực trèo lên lưng tôm cái
  • Giai đoạn 4: quá trình giao vĩ xảy ra

Quá trình giao vĩ xảy ra vào ban đêm ( 20-35 phút). Sau khi giao vĩ tôm đực bảo vệ tôm cái khỏi bị tôm khác tấn công. Sau khi giao vĩ khoảng 2-5 giờ, có khi 6-24 giờ, tôm cái đẻ trứng. Tôm cái thường đẻ trứng ở tầng giữa và tầng đáy.

Trong quá trình đẻ trứng trứng được thụ tinh khi đi qua túi chứa tinh. Trứng dính vào các lông tơ ở đôi chân bụng thứ 4, 3, 2 và thứ 1. Thời gian đẻ 10-60 phút thường 15-25 phút. Không nên làm sốc tôm cái trong quá trình đẻ trứng. Sức sinh sản tương đối của tôm cái 500-1000 trứng/g tôm cái

Tôm cái phát dục và đẻ lại sau 16-45 ngày. Chúng có thể tái phát dục và đẻ lại 5-6 lần, sức sinh sản cũng thay đổi theo các lần đẻ của tôm. Trong quá trình ấp tôm dùng chân bụng quạt cung cấp oxy cho trứng, dùng chân ngực loại trứng hư hay vật lạ dính vào trứng. Thời gian ấp kéo dài 15-23 ngày.

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 6

Phát triển phôi

Trứng mới đẻ có hình elip, 0.6-0.7 mm. Phân cắt đầu tiên sau 4 giờ, phân chia tiếp theo khoảng 1-3 giờ, thời gian phân cắt sẽ ngắn dần theo các lần phân chia tiếp theo. Sự phân chia sẽ hoàn thành sau 24 giờ.

Theo sự phát triển phôi màu sắc của trứng sẽ chuyển từ màu vàng nhạt => vàng cam => trứng xám => khi nở trứng có màu xám đen.

Khi nở tôm mẹ cử động chân bụng liên tục để thả ấu trùng ra ngoài.

Phát triển của ấu trùng

  • Đặc điểm của ấu trùng mới
  • Sống phù du, nước lợ 6-16%o.
  • Hướng quanh mạnh
  • Ấu trùng bơi lội chủ động, bụng ngữa, đuôi phía trước.
  • Ấu trùng chết sau 3-4 ngày nếu không sống trong nước lợ.
  • Ấu trùng ăn liên tục, động vật phù du, giun nhỏ, ấu trùng, động vật thủy sinh
  • Ấu trùng trải qua 11 lần lột xác để hình thành hậu ấu trùng

Phát triển của hậu ấu trùng

  • Postlarvae có hình dạng giống tôm lớn.
  • Sống đáy, bám vào nền hoặc giá thể.
  • Bắt mồi chủ động.
  • Thức ăn côn trùng, thủy sinh, các loại nhuyễn thể nhỏ (sò, mực, tôm cá, xác bả động vật.
  • Nhận biết qua những sọc ngang trên carapace, sọc biến mất khi tôm đạt kích cỡ 75-90 mm.

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh luân canh hiệu quả

Lựa chọn địa điểm nuôi tôm

Chọn địa điểm nuôi tôm cần đáp ứng các chỉ tiêu sau:

  • Nguồn nước đảm bảo cấp tiêu chủ động.
  • Bờ bao phải giữ được nước và chất đất ít nhiễm phèn.
  •  Không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp và nước bẩn.
  •  Tiện đi lại và chăm sóc quản lý.

Tôm Càng Xanh - Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh hiệu quả 7

Thiết kế công trình

Diện tích ruộng nuôi tuỳ theo từng điều kiện cụ thể thường dao động 0,5 – 5 ha.

Ruộng phải có đê bao đảm bảo giữ mức nước trên ruộng tối thiểu 0,5m đối với ruộng có mương bao và 0,8 m đối với ruộng không mương bao.

Đối với ruộng nuôi có mương bao, diện tích mương bao chiếm 20 – 25% tổng diện tích ruộng. Đối với ruộng không có mương bao tốt nhất nên có một khu vực ương riêng (vị trí ao ương thường nằm ngay bên cạnh ao nuôi).

Ruộng nuôi có cống cấp và thoát riêng.

Chuẩn bị ruộng nuôi

Sau khi thu hoạch lúa, dọn sạch gốc rạ, trải đều rơm ra khắp ruộng và đốt trước khi đưa tôm lên ruộng 7 ngày; dọn cỏ xung quanh bờ bao; sên vét bùn đáy ở mương bao.

Bón vôi: sử dụng CaO 10 – 15 kg/100 m2. Vôi được rãi khắp mương bao và bờ ruộng.

Phơi mương bao 2 – 3 ngày.

Cấp nước qua lưới lọc mịn. Khi nước trong mương bao đạt 1 – 1,2 m hay 0,8m (đối với ruộng không có mương bao), sau 2 – 3 ngày sau tiến hành thả giống.

Mùa vụ nuôi

Mô hình 1 vụ lúa đông xuân 1 vụ tôm thường bắt đầu thả giống tháng 3-4 sau khi thu hoạch lúa đông xuân, thời gian nuôi 5 – 6 tháng.

Cách chọn tôm giống

Chỉ tiêu để chọn giống nuôi:

  • Tôm nuôi phải khỏe mạnh không có dấu hiệu bị nhiễm bệnh.
  • Chiều dài thân từ 10 – 15 mm (Post 15).
  • Tôm có màu cam nhạt hoặc màu xanh trong suốt.
  • Hình thái cấu tạo ngoài đã hoàn chỉnh như tôm trưởng thành, thân và các phụ bộ bên ngoài không bị tổn thương.
  • Tôm hoạt động mạnh bơi ngược dòng nước, thường bám vào thành bể, háo ăn và bắt giữ thức ăn tốt.

Thả giống

Đối với tôm bột P15 nên ương 2 – 3 tuần trong ao ương trước khi cho ra ruộng nuôi, nếu không có ao ương riêng có thể ngăn một phần ruộng nuôi bằng lưới để ương hay một phần mương bao nhằm hạn chế hao hụt và tiện chăm sóc.

Mật độ ương: 300 – 500 con/m2.

Mật độ thả nuôi: 5 – 10 con/m2 (tính cho cả ruộng).

Thả tôm lúc sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thả tôm cần ngâm bao tôm trong nước ao từ 20 – 30 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Khi nhiệt độ bên trong và bên ngoài bao tôm tương đối cân bằng thì mở miệng bao cho nước bên ngoài vào trong bao, sau đó hạ từ từ cho tôm bơi ra ngoài.

Không nên thả tập trung mà phải thả nhiều nơi và cách bờ khoảng 2,0m.

Những món ăn ngon nhất chế biến từ tôm càng xanh

Tôm Càng Xanh có giá trị dinh dưỡng cao và giá trị thương mại rất lớn. Vì vậy, các món ăn từ tôm càng xanh luôn được nhiều người ưa chuộng là thực phẩm rất tốt để bổ sung chất dinh dưỡng và đặc biệt là canxi cho gia đình của mình. Dưới đây là những món ăn dễ chế biến và ngon nhất từ tôm càng xanh.

Tôm càng xanh hấp nước dừa

Nguyên liệu:

  • Tôm 500g (mua loại 100g được 4-5 con)
  • 1 trái dừa xiêm nhỏ
  • Xà lách, dưa leo, cà chua, hành lá để trang trí

Cách chế biến:

  • Tôm cắt bớt râu, rửa sạch, để ráo.
  • Đầu tiên các bạn gọt vỏ dừa, tỉa khoanh tròn, chắt lấy nước. Nhớ là gọt sao cho đẹp để còn xếp tôm cho bắt mắt nhé các bạn.
  • Tiếp theo đổ nước dừa cho vào chảo sâu lòng. Đập dập củ hành tím, bằm nhỏ, nấu nước dừa cho sôi rồi nêm muối bột nêm cho nước vừa ăn, cho tôm sú đã rửa sạch vào, đảo đều.
  • Xếp tôm quanh miệng quả dừa. Đun lại nước dừa đã lấy nước khi này đổ vào trái dừa đã xếp tôm là xong nhé.

Tôm càng xanh nướng muối ớt

Nguyên liệu:

  • 1kg tôm càng xanh lớn, tươi, còn sống.
  • Muối, bột ớt, hạt nêm, dầu ăn
  • Hành lá, chanh tươi
  • Que tre để xiên tôm

Cách chế biến:

  • Rửa sạch tôm với nước muối pha loãng. Sau đó, dùng kéo cắt bỏ râu tôm, chân tôm và kiếm của tôm, để ra rổ cho ráo nước.
  • Lấy một chiếc bát nhỏ, chuẩn bị hỗn hợp để ướp tôm. Cho muối, ớt bột, hạt nêm dầu ăn theo tỷ lệ: 1: ½: 1:1 (đong bằng thìa cà phê). Sau đó, đảo đều các gia vị để tạo thành hỗn hợp sánh quyện.
  • Dùng dao khía 1 đường thẳng chạy thẳng thân tôm. Tiếp đến, phết hỗn hợp vừa chuẩn bị lên trên thân tôm. Phết đều tay để toàn bộ con tôm đều được ngấm gia vị.
  • Dùng qua tre đã chuẩn bị sẵn, xiên tôm theo chiều dọc. Chúng ta có thể nướng tôm bằng than hoa, bếp củi hoặc cho vào lò nướng. Nếu nướng trong lò, bạn cần chuẩn bị một khau nướng, bên trong lót sẵn giấy nến. Xếp lần lượt từng xiên tôm vào khay. Sau đó, bỏ bào lò nướng, cài đặt nhiệt độ khoảng 180 độ C trong thời gian khoảng 10 phút để tôm chín đều.
  • Hành lá cắt nhỏ và trộn lẫn với 1 thìa cà phê dầu ăn. Khi tôm đã chín, chúng ta sẽ phết hành lá lên trên tôm để món ăn trở nên hấp dẫn hơn, thơm ngon hơn.

Lẫu tôm càng xanh chua cay

Nguyên liệu:

  • Tôm Càng Xanh: 1kg
  • Xương heo: 1kg
  • Nấm kim châm: 300gr
  • Thơm(dứa), đầu hành lá, hành tím củ
  • Me chín
  • Hoa thiên lý, rau muống, rau cải, mồng tơi, ớt trái, ngò gai, sả đập dập
  • Gia vị: muối, đường, hạt nêm, gói nấu lẩu Thái
  • Bún tươi hoặc mì tôm

Cách chế biến:

  • Tôm càng xanh mua về cắt bớt râu, chân, rửa sạch, để ráo nước.
  • Xương heo rửa sạch với nước muối, đem luộc sơ cho sạch. Sau đó, mang đi hầm khoảng 1 tiếng cho ra chất ngọt.
  • Thơm rửa sạch, cắt múi cau vừa ăn.
  • Nấm kim châm cắt bỏ chân, rửa sạch.
  • Đầu hành bóc vỏ, rửa sạch. Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Hoa thiên lý và các loại rau nhặt, rửa sạch, để ráo nước. Ớt cắt khoanh, ngò gai cắt nhỏ.
  • Cho nồi lên bếp, làm nóng dầu, phi hành tím cho thơm, trút thơm vào xào qua lại cho ra chất chua, xào khoảng 3 phút đổ nước hầm xương heo vào đun sôi, cho cả xương heo vào cho ngon. Cho tiếp sả đập dập vào đun.
  • Me chín ngâm nước, lấy nước cốt, cho vào nồi nước lẩu, nêm gói nấu lẩu, gia vị và ớt cắt khoanh vào cho có vị chua, cay, ngọt tùy vào khẩu vị của bạn và gia đình. Tiếp đến cho nấm kim châm vào cho ngọt nước.
  • Trút ra nồi lẩu nhỏ bắt trên bếp cồn hoặc cắm nồi lẩu điện, ăn tới đâu cho tôm và rau vào tới đó, tránh trường hợp tôm bị teo thịt không ngon và rau thì nhừ. Dùng chung với bún hoặc mì tôm.

Tôm càng xanh kho tàu

Nguyên liệu: 

  • Tôm càng xanh: 0,5kg (Nếu không có tôm càng xanh bạn có thể mua tôm khác cỡ lớn là được)
  • Dừa tươi: 1 quả (chỉ lấy nước)
  • Hành lá
  • Chanh: 1 quả
  • Tỏi: 1 củ
  • Gia vị: dầu điều, nước mắm, dầu ăn, đường,bột ngọt, muối, hạt tiêu.

Cách chế biến: 

  • Trước tiên, tôm mua về bạn rửa qua rồi cắt bỏ hết chân, đầu tôm, lột vỏ tôm chừa lại phần đuôi để khi chiên nhìn cho đẹp mắt. Sau đó bạn tiếp tục lấy gạch tôm bỏ riêng ra bát, rút bỏ chỉ lưng.
  • Tỏi bạn bóc vỏ, băm nhỏ. Hành lá nhặt bỏ lá úa, rửa sạch thái nhỏ phần lá xanh, còn lại phần đầu trắng thì đập dập, băm nhuyễn. Chanh cắt đôi
  • Rửa sạch chảo, cho chảo lên bếp đợi khô thì cho chút dầu vào chảo, cho tôm vào chiên. Khi tôm săn, ngả màu thì cho ra bát.
  • Tôm vừa chiên ở bước 3 bạn đem ướp với phần đầu hành lá băm nhuyễn, chút bột ngọt, đường, muối, tiêu, tỏi băm, trộn đều lên cho tôm ngấm gia vị.
  •  Cho chút nước chanh, đường, dầu ăn, tiêu vào gạch tôm.
  • Rửa sạch chảo rồi cho chảo lên bếp, cho nước vào rồi đặt cả bát gạch tôm vào chảo chưng cách thủy. Sau đó, rưới phần gạch tôm vào phần tôm đang ướp.
  • Bắc chảo lên bếp, cho tôm vào kho, cho nước dừa vào, cho thêm chút dầu điều để màu sắc tôm thêm óng. Cuối cùng khi gần tắt bếp thì bạn cho chút tiêu và hành lá.
  • Trút tôm ra đĩa, rưới thêm phần nước sốt quện trong đó lên trên đĩa tôm, dùng với cơm nóng.

Trên đây BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn những đặc điểm sinh học của tôm càng xanh. Kỹ thuật nuôi tôm hiệu quả nhất dành cho bà con nông dân tham khảo và áp dụng để đạt năng suất cao nhất. Bên cạnh đó là những món ăn đặc sản được chế biến từ tôm càng xanh nhưng cực kỳ dễ chế biến. Hy vọng bài viết này bổ ích cho các bạn đọc.

Xem thêm:
  • Mạn kinh tử – Đặc điểm, công dụng và cách sử dụng mạn kinh tử
  • Cây Cherry – Cách trồng và chăm sóc cây cherry cho sai quả
  • Cây Sài Đất – Đặc Điểm, Công Dụng Và Những Lưu Ý Khi Sử Dụng
  • Cây Cần Tây – Đặc điểm, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
  • Cây Thủy Sinh – Các loại cây thủy sinh đẹp nhất và dễ trồng nhất

Từ khóa » Tôm Càng Xanh đẻ Trứng Hay Con