Đặc điểm Sinh Học Và Một Số Biện Pháp Kỹ Thuật Cần Lưu ý Khi Nuôi ...

I. Đặc điểm sinh học của rắn ri voi

1. Nhiệt độ:

Rắn ri voi ưa nhiệt độ nóng ẩm từ 23 - 32oC, rắn ri voi hoạt động mạnh, ăn rất khỏe, lớn nhanh. nếu ngoài trời nhiệt độ lên trên 32oc, rắn phải trầm sâu xuống nước để tránh nắng . Nhưng khi nhiệt độ xuống dưới 23oC, rắn bắt đầu bỏ ăn, tìm chỗ trú rét. Còn nhiệt độ xuống thấp 17oC thì rắn chết. Rắn ri voi ưa hoạt động vào ban đêm hoặc mát trời.

2. Thức ăn:

Thức ăn của rắn ri voi là các loại cá da trơn như cá tra , cá chốt, cá trê ,lươn, lịch… Tuy nhiên nó cũng có thể ăn cá có vẩy nhưng đây không phải là thức ăn ưa thích. Rắn ri voi là loài háu ăn, rắn thích ăn thức ăn tươi sống. Rắn ri voi cũng tìm thức ăn trên cạn như ếch, nhái.

3. Lột xác tăng trưởng:

Hiện tượng lột xác là bình thường ở nhiều loái bò sát. Muốn lớn lên chúng phải lột xác. Sự lột xác của chúng đều phục thuộc vào thời tiết, môi trường sống và thức ăn. Nếu nhiệt độ từ 23 - 32oC, thức ăn đầy đủ, đối với rắn nhỏ chu kỳ lột xác từ 20 - 25 ngày/lần. Khi được hai năm, chu kỳ lột xác của chúng dài hơn từ 35- 45 ngày/lần. Trước lúc lột xác, rắn bỏ ăn, lầm lì, hung dữ, da của chúng chuyển sang màu trắng đục, mắt mờ dần đi, nhìn kém. Nó ít hoạt động hơn và loanh quanh tìm chỗ lột xác.

Sau khi lột xác xong, nó thích leo lên bờ để sưởi nắng vào buổi sáng. Khoảng 7 - 10 ngày sau, da của chúng mới trở lại bình thường. Lúc này chúng bắc đầu ăn mạnh, lớn nhanh. Nhiệt độ thời tiết thức ăn rất ảnh hưởng tốc độ sinh trưởng của rắn.

4. Sự sinh sản của rắn ri voi:

Trong tự nhiên, rắn ri voi không sống theo đôi hoặc bầy đàn. Chúng sống riêng lẻ, chỉ tới mùa sinh sản, chúng mới tìm tới nhau để bắt cặp. Mùa động dục của rắn ri voi kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Rắn khoảng 15 tháng tuổi đã có khả năng giao phối. Sau khi giao phối, trứng rắn thụ tinh, sau 09 tháng rắn bắt đầu đẻ. Khác với nhiều loài rắn khác, rắn ri voi đẻ ra con. Việc đẻ của rắn ri voi cũng phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết bất lợi như : nắng nóng kéo dài, không có mưa trời khô hạn thì việc đẻ có khi chậm tới 10 - 15 ngày. Trước lúc đẻ rắn thường tìm tới những chỗ thuận lợi để đẻ. Chỗ đó phải kín đáo, rậm rạp, có độ ẩm cao, gần các vựa nước ... rắn ri voi đẻ đều, mỗi năm một lứa. Tùy theo kích cỡ mà rắn đẻ với số lượng khác nhau, mỗi lứa 25 - 40 con.

II. Kỹ thuật nuôi rắn ri voi trong bể xi măng:Khi nuôi rắn trong bể xi măng bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Cách xây bể nuôi:

Việc xây bể lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên mức tối thiểu phải đảm bảo: ngang 2 m, dài 5 m, cao 1,2 - 1,4 m.

2. Làm sạch mùi xi măng trong bể nuôi rắn:

Rắn ri voi rất nhạy cảm với mùi xi măng, nó không chịu được mùi nồng của xi măng. Do đó, cần phải coi trọng việc tẩy, rửa thật sạch xi măng. Đã có người thả rắn nuôi bị chết hàng loạt do ngộ độc nước có xi măng. Có thể dùng các chất chua để khử mùi xi măng, tốt nhất nên dùng phèn chua. Cho nước vào ngâm bể, cứ 1 m2 mặt nước cho vào khoảng 1 kg phèn chua hòa ra, ngâm trong 10 ngày. Sau đó xả hết nước phèn, cọ, rửa và cho nước sạch vào ngâm 5 ngày, xả nước bỏ, lúc này thì bể có thể dùng để nuôi rắn được.

3. Chuẩn bị chỗ nuôi:

Trong bể cho 1 lớp đất khoảng 30 cm (tính từ đáy bể lên). Cho nước vào bể khoảng 30 cm, ta trồng rau ngổ 2/3 diện tích bể, thả lục bình. Dùng cây ngăn rau ngổ và lục bình gom vào giữa bể, để trống 1/3 diện tích còn lại để ánh nắng có thể rọi xuống đáy bể được và là chỗ rải mồi cho rắn ăn. Trong bể tùy nơi rộng, hẹp mà cho một số đống lá chuối khô. Lá chuối có thể thả lên bè tre hoặc can nhựa để lá chuối không bị ngập sâu vào nước. Xung quang bể nuôi rắn, ta trồng một số cây ăn trái, để tạo bóng mát cho bể nuôi.

* Lưu ý:Bể nuôi rắn phải được chuẩn bị trước khoảng 01 tháng, để môi trường trong bể nuôi ổn định, đợi rau ngổ và lục bình phát triển tốt, khi đó mới bắt rắn về thả nuôi.

4. Nguồn nước cấp vào bể nuôi:

Môi trường nước sạch là yếu tố quyết định của việc nuôi rắn ri voi. Nguồn nước lấy vào bể nuôi không bị nhiễm thuốc trừ sâu, không chứa chất độc hại... Nếu dùng nước giếng, thì ta cũng cần phải xử lý. Trong nước giếng, hàm lượng một số chất sắt, nhôm, kẽm ... cao, nước này dùng để nuôi rắn thì rắn dễ bị chết. Ta nên xử lý nước trước khi đưa vào bể nuôi, có thể dùng ADTA để xử lý, liều lượng 1 kg/1.000m3 nước.

5. Chọn con giống:

Mô hình nuôi rắn ri voi, nguồn con giống thả nuôi rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành công của mô hình này, nên khi chọn giống bà con cần lưu ý:

- Khi mua rắn giống phải biết rõ nguồn gốc giống, trách ra chợ mua của người thu gom, họ có thể đánh bắt bằng điện, bằng bả, câu và cắt bỏ lưỡi câu trong cơ thể rắn... làm cho rắn bị yếu và rất dễ chết.

- Chọn rắn phải đồng cỡ, khoẻ mạnh, không có sẹo vết, loại bỏ những con bị gãy xương sống. Chọn loại con giống nhỏ, mới đẻ ở các trại nuôi rắn cỡ 40 con/kg, thường có vào thời gian đầu mùa mưa, khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Rắn con được chăm sóc riêng với mật độ 20 con/m2. Khi rắn đạt trọng lượng khoảng 50 gram/con chuyển ra bể nuôi, thả nuôi với mật độ 8 -10 con/m2.

6. Chăm sóc, cho ăn:

- Cho ăn: Chỉ cần một tuần là rắn quen với môi trường nuôi mới và tập trung vào việc săn bắt mồi. Ta cần chọn những con mồi có kích cỡ phụ hợp để cho rắn ăn. Vòng thân của con mồi bằng với vòng thân của rắn là vừa.

- Thức ăn thích hợp của rắn là cá da trơn như: cá trê, cá chốt, ếch nhái, lươn con, ... Lưu ý nếu bà con thả lươn vào cho rắn ăn thì nhớ đập cho lươn vẹo xương sống để cho lươn mất khả năng chui vào trong đất làm rắn không ăn được. Nên tập cho rắn ăn mồi chết từ khi mới bắt về, để trách trường hợp ta cho rắn ăn mồi sống quen rồi, khi chuyển sang mồi chết ăn không ăn.

- Theo kinh nghiệm của những người nuôi thì bình quân 5 - 6 kg thức ăn rắn tăng trọng 1 kg. Cần cho rắn ăn đủ và đều để rắn mau lớn. Lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3 - 5% trọng lượng rắn trong ao, cho ăn vào chiều tối. Không nên để thức ăn dư thừa, làm thối nước. Cho ăn thiếu rắn đói có thể ăn thịt lẫn nhau. Có thể chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn bằng cách nuôi thêm, cá sặc, cá trê, nhái... trong bể, vừa tận dụng thức ăn thừa, bớt ô nhiễm, vừa làm thức ăn tại chỗ cho rắn. Nên thường xuyên thay nước cho rắn (1 lần/tuần), nhưng không lấy nước ở các sông bị ô nhiễm để tránh rắn bị bệnh ngoài da.

III. Một số bệnh thường gặp khi nuôi rắn ri voi:

Trong tự nhiên, rắn ri voi sống rất thưa. Nơi nào không thích hợp là nó bỏ đi nơi khác. Vì vậy, nó ít bị bệnh. Nhưng khi nuôi, do mật dày và không có điều kiện di chuyển chỗ ở nên rắn thường dễ mắc bệnh. Có một số loại bệnh thường xảy ra khi nuôi rắn ri voi, nếu điều trị không kịp thời sẽ lây lan rất nhanh và mức hao hụt sẽ rất lớn. Khi rắn bị bệnh thường có những biểu hiện khác thường như: hay bò lên bờ hoặc lèo lên trên khóm bèo để nằm, chuyển động chậm chạp ... ta cần quan sát kỹ để chuẩn đoán đúng bệnh và điều trị cho rắn.

1. Bệnh ngoài da:

- Đối với động vật thủy sản nói chung, khi nguồn nước bị nhiễm bẩn sẽ rất dễ làm cho con vật bị nhiễm các bệnh ngoài da. Đặc biệt những con rắn do khi bắt, ta làm trầy xước hoặc do chúng tranh ăn mà cắn nhau, gây các vết thương trên da, khi gặp nguồn nước bẩn sẽ rất dễ bị lở loét ngoài da. Rắn còn có hiện tượng lột da, sau khi lột lớp da non cũng rất dễ bị tác động của môi trường mà sinh bệnh.

- Phòng bệnh: giữ môi trường nước nuôi luôn sạch, định kỳ khoảng 10 - 15 thay nước bể nuôi 01 lần. Nước thay vào bể nuôi phải phải đảm bảo sạch không bị nhiễm khuẩn.

- Trị bệnh: Khi phát hiện rắn bị bệnh, ta đưa chúng lên môi trường riêng trong các bể nhỏ để điều trị. Có thể cho chúng ngâm mình trong dung dịch thuốc tím nồng độ 15 ppm (15 mg thuốc tím pha với 1 lít nước) ta ngâm chúng khoảng 5 phút rồi đưa ra nuôi trong bể nước sạch, ta có thể tắm rắn bằng nước muối 3% (30 gram muối pha với 1 lít nước) trong 10 phút hoặc tắm rắn trong dung dịch thuốc kháng sinh như: oxytetracyline, ampiciline... Nói chung, các phương thuốc trên sẽ giúp rắn loại trừ vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, ta dưỡng chúng một thời gian trong môi trường nước sạch. Khi hết bệnh, cho rắn trở lại bể nuôi.

2. Bệnh đường ruột:

- Bệnh này chủ yếu do nguồn thức ăn thiếu vệ sinh gây ra.

- Phòng bệnh: Tránh cho rắn ăn những thức ăn không được tươi, giữ nguồn nước luôn luôn sạch, phải theo dõi hàng ngày, thức ăn thừa nên vớt bỏ.

- Trị bệnh: Nếu thấy bụng rắn to lên nhanh một cách thất thường, bơi lội khó khăn, rắn kém ăn, thường tìm chỗ nằm nghỉ thì ta phải chủ động điều trị cho rắn ngay. Dùng các loại thuốc chữa đau bụng cho người như: Becberin hoặc sulfaguanidin ... ta nghiền nhỏ thuốc rồi trộn vào thức ăn cho rắn ăn hoặc ép rắn nuốt thuốc trực tiếp, chỉ trong 1 - 2 ngày là rắn có thể khỏi bệnh.

3. Bệnh đẹn:

Bệnh này là bệnh ở vùng quanh miệng, nguyên nhân rắn mắc bệnh là do chúng cắn nhau xây xát hoặc viêm nhiễm những hốc răng. Vi khuẩn và nấm bệnh sẽ xâm nhập qua các vết thương đó. Chúng sẽ làm cho miệng rắn bị sưng, đau mộng răn, ăn uống rất khó khăn. Trên miệng xuất hiện những mụn mủ, lưỡi rắn ngả sang màu xanh-vàng. Ta phải quan sát kỹ để phát hiện sớm rắn bị bệnh. Dùng thuốc mỡ kháng sinh Gentri-sone bôi vào miệng rắn chỗ bị đẹn. Bôi liên tục 2 - 3 lần rắn khỏi bệnh.

4. Bệnh giun sán:

Với môi trường nước và thức ăn tươi sống nên rắn dễ bị nhiễm giun sán. Giun sán sẽ ký sinh trong bụng, hút hết chất dinh dưỡng của rắn và làm cho rắn không lớn lên được. Nên trong quá trình nuôi cần phải định kỳ xổ giun sán cho rắn. Có thể dùng Kill-site sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, để xổ giun sán cho rắn.

Nhìn chung nuôi rắn ri voi là một nghề nuôi mới nhưng không khó. Nếu ta nắm vững các đặc tính của nói và kỹ thuật nuôi thì ai cũng có thể nuôi được.

Trần Thanh Hải

Từ khóa » Hệ Số Thức ăn Rắn Ri Voi