Đặc điểm Và Kỹ Thuật Nuôi Gà Tre Tân Châu - Trại Giống Thu Hà

Khi bộ chuẩn gà trẻ đã có, giới chơi gà tre cảnh Tân Châu bắt đầu phân hoá và thú chơi gà tre cũng đi vào quy củ. Giới chơi gà chia ra thành hai trường phái: Gà tre Tân Châu chân vừa và gà tre Tân Châu chân ngắn. Trong hai trường phái ấy tiếp tục phân thành 3 nhóm: Nhóm thượng đẳng chơi gà chuẩn, có thể thi đấu. Nhóm trung lưu, chơi gà có hình dáng đẹp và nhóm bình dân chỉ cần gà tre Tân Châu để ngắm và nghe tiếng gáy.

Gà tre Tân Châu có vóc dáng gần giống với gà rừng như nhỏ con, thấp, trọng lượng tối đa chỉ đạt mức trên dưới 700-800g đối với con trống và 600-700g đối với con mái. Tuy nhỏ con nhưng gà tre lại có giá trị khá cao trên thị trường bởi những nét độc đáo của nó trong cái thú nuôi làm cảnh …

Gà cảnh có nhiều chủng loại và xuất xứ khác nhau. Tuy nhiên, giới đam mê gà cảnh thường chơi gà tre Tân Châu bởi đây là giống gà thuần chủng Việt Nam có hình dáng nhỏ nhắn, dễ nuôi và rất ít bị bệnh. Người chơi mê gà tre bởi chúng có khá nhiều màu sắc và tiếng gáy nhẹ nhàng. Gà tre có điểm hay là đúng 3 giờ sáng mới gáy, sau đó cứ cách một tiếng đồng hồ lại cất tiếng gáy, mỗi lần gáy vài phút liên tục.

Nuôi gà tre không khó, có thể tận dụng những khoảng trống trong nhà như góc sân, mái hiên … Chỉ cần đóng một chiếc chuồng được bao lưới thép mắt cáo nhỏ với chiều dài 1,5m và chiều rộng cỡ 1m chia thành ngăn, có lót ổ rơm cho gà mái đẻ là đã có thể đủ nuôi một đàn dăm bảy con.

Gà tre không chỉ là niềm vui nuôi vật cảnh ở những nơi có mảnh vườn rộng để thả gà. Mà tại ngay những thành phố đông đúc, việc chơi gà tre cảnh cũng hết sức sôi nổi. Càng sống chật chội, người ta lại càng khát khao những thú vui gắn liền với thiên nhiên, mang lại cảm giác thư thái.

Lựa chọn gà tre Tân Châu

Tuy nuôi gà tre dễ hơn so với các loại chim, cá cảnh bởi không tốn nhiều công chăm sóc nhưng muốn có một chú gà ưng ý người chơi cũng phải đầu tư khá nhiều thời gian.

Để chọn được một cặp gà trống đẹp (gồm con trống và con mái) có nhiều cách, người chơi có thể mua lại, trao đổi với những người cùng chơi hoặc tự tay cho ấp trứng, sau đó chọn ra những con tốt để chơi và làm giống. Người đam mê gà thực thụ thường chọn cách thứ hai, bởi ai cũng muốn tự tay nuôi nấng, chăm sóc những chú gà theo sở thích ngay từ khi chúng vừa chào đời. Nói đến con gà tre cảnh, người chơi chọn những con có vóc dáng nhỏ như gà rừng, trọng lượng thường từ 600-800g với con trống và 500-700g với con mái, con gà càng nhỏ thì càng quý, giá trị của gà tre cảnh xuất phát từ những nét độc đáo của giống gà này.

Như những giống gà khác, bộ lông của con trống có thể có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng phổ biến nhất là những màu: điều (tía), chuối, bạch nhạn, khét, bông, các màu ô đen tuyền hay ngũ sắc thì hiếm hơn. Nhưng với gà tre thì con trống trông có nét láu cá: hay cánh sệ xuống, tướng đi khệnh khạng, vẻ kiêm mạn thấy rõ.

Gà được chọn làm gà cảnh thường là gà trống bởi hình dáng oai vệ của chúng. Một coi gà tre trống đẹp phải hội tụ được nhiều điểm như đầu nhỏ, hai mặt nhỏ và lanh lợi, thân hình thẳng, lông cổ phủ lưng, cánh hơi xệ dài chấm chân, phao câu lớn và liền vào thân, gà lùn, chân vuông, lông đuôi cong xoè đều mọc chênh chếch khoảng 45 độ.

Nhìn chung những tính năng chủ yếu để dùng làm gà cảnh phải là:

Đối với gà trống:

  • Tính khí: Thân thiện với người, con trống có tính phân chia vùng lãnh thổ, không hung hãn, nhưng có tính hiếu chiến khi giáp mặt nhau.
  • Đầu: Đầu nhỏ gọn, có 2 loại mồng là mồng dâu và mồng trích, mắt sáng lanh lợi, thường có râu, mỏ ngắn, hai tích nhỏ chiều dài tích không quá 1,5cm.
  • Đuôi: Lông đuôi nhiều, phân bố thành nhiều lớp, tối thiểu là 3 lớp, đuôi dài, bản đuôi khá rộng, cong xuống mặt đất (phụng vỹ), hướng đuôi từ phao câu lệch không quá 45 độ so với phương ngang, lông đuôi cao không vượt quá đầu.
  • Thân: Thân tương đối ngắn, ngực rộng, thịt hồng hào, hướng từ ức xuống chân dốc tối đa 45 độ so với phương ngang.
  • Cánh: Cánh có khuynh hướng khuỳnh ra, dài không quá thân, cánh che ít nhất 2/3 cẳng chân tính từ trên xuống (ở trạng thái bình thường đối với gà trưởng thành).
  • Chân: Chân hơi vuông, vảy đều đặn, có độ cao vừa, chiều dài cẳng chân ngắn hơn chiều dài xương đùi (tỷ lệ hai xương cẳng chân và xương đùi từ 6:10 – 8:10, không chấp nhận những con dưới tỷ lệ này, hoặc trên). Có 4 ngón chân, 3 ngón phía trước dài và 1 ngón phía sau ngắn tạo thành thế đứng vững chắc. Chấp nhận tất cả màu chân.
  • Lông: Mịn màng, bóng, che kín toàn thân, chia làm 3 phần:
    • Lông thân: mịn, dày, ôm sát thân
    • Lông cổ: dày, mềm, mịn, phủ từ ót đến một phần của lưng
    • Lông mã lưng: mềm mịn, suông, dài gần chạm đất hoặc chạm tới đất

Chấp nhận tất cả các màu lông. Thông thường nhất là các màu: chuối, điều, khét, nhạn.

Khuyết điểm của gà trống không nên chọn là:

  • Thân quá ngắn, có khuynh hướng cong hướng lên
  • Đuôi cao trên 45 độ so với mặt đất
  • Bộ lông trên thân ít, lông cổ ít, lông mã ngắn
  • Chân ngắn dưới tỷ lệ 6:10 so với xương đùi
  • Chân có nhiều hơn 4 ngón, cẳng chân quá nhỏ
  • Đuôi xoè rộng hơn chiều ngang thân (kể cả cánh)
  • Mồng lệch
  • Mắt lồi
  • Chân có lông

Đối với gà mái:

Gà mái Tân Châu ngoài các đặc tính cơ bản của loài gà mái; chân, đầu, mỏ giống gà trống, còn các đặc điểm đặc thù sau:

  • Lông: màu lông ít đa dạng như gà trống, lông mềm mại, lông mã không phát triển.
  • Mồng, tích gà: ít phát triển
  • Đuôi: hơi cong lên (không phụng vỹ), lệch với phương ngang từ 20-30 độ, ít lớp hơn gà trống, thường 2 lớp đuôi, đuôi ngắn hơn gà trống.
  • Thân: Thân tròn trĩnh, hướng từ ức tới chân lệch không quá 30 độ so với phương ngang. Cánh ôm sát thân.
  • Khả năng sinh đẻ: mỗi lứa đẻ trung bình từ 8-10 trứng, nuôi con giỏi.

Khuyết điểm của gà mái không nên chọn là:

  • Lông kém bóng mượt, lông xù không ôm sát thân
  • Con mái đẻ không đều (hơn 3 ngày 1 trứng), ấp và nuôi con không tốt
  • Đuôi xụ
  • Chân quá ngắn, cánh chạm đất
  • Vẩy chân sần sùi.

Lai giống gà:

Sau khi chọn được giống gà tốt, việc lai tạo thế nào để giữ giống và làm cho giống ngày càng tốt hơn cũng không phải là việc đơn giản. Sau nhiều đời lai tạo, gà của thế hệ sau sẽ không còn mang nhiều đặc tính quý của gà bố mẹ. Để duy trì những đặc tính tốt của gà, người chơi phải cho các con cùng lứa lai với nhau. Việc này làm cho gà con đời sau mang nhiều dị tật, sức khoẻ kém … nhưng trong đó có vài con khoẻ mạnh, mang đầy đủ các đặc tính của gà bố mẹ. Thông thường những lứa thế này thì 40-50 con mới lựa được một cặp ưng ý để làm giống.

Thức ăn cho gà tre Tân Châu:

Với gà con: cho ăn tấm gạo, cám, rau xanh băm nhỏ, ít mồi tươi băm nhỏ.

Gà từ 3 tháng tuổi trở lên ta có thể cho ăn thêm gạo lứt và lúa, mồi tươi thì không cần phải băm nhỏ nữa. Đặc biệt lưu ý gà mái khi để và gà trống lúc thay lông. Khi thấy mặt gà mái bắt đầu đỏ tươi nên bổ sung canxi cho gà bằng cách giã nát vỏ trứng, xay nhuyễn vỏ sò, ốc trộn vào thức ăn cho gà mái ăn, cho thêm mồi tươi như cá biển, thịt cho gà. Như thế gà con nở ra mới thêm phần khoẻ mạnh và gà mái không mất sức. Lúc gà mái ấp bạn cũng nên quan tâm cho ăn đầy đủ để gà mái không bị suy, như thế mới giữ mái lâu bền được. Đối với gà trống lúc thay lông – bạn nên cho gà ăn thật nhiều mồi tươi vì lúc này gà trống rất mất sức, thức ăn tốt nhất là thịt lợn mỡ nhiều nạc ít, mỗi ngày cho ăn 3 miếng bằng ngón tay út. Không nên cho gà ăn nhiều, không tốt cho hệ tiêu hoá của nó. Không nên cho gà ăn thức ăn có quá nhiều bột mỳ hoặc cám tổng hợp vì gà sẽ rất giòn lông, lông không dẻo dai và dễ gãy. Một số người chơi để cho gà thay lông nhanh chóng, khi thấy gà bắt đầu rụng lông họ cho gà nhịn khát 1 ngày, rồi ngày sau cho nhịn ăn 1 ngày. Làm như thế 3-5 lần gà sẽ rụng lông một lượt chứ không rụng lông dần dần, cách này tuy nhanh chóng có gà chơi nhưng không nên. Vì làm như vậy là ép gà, gà sẽ mau cỗi và bộ lông sẽ không đẹp bằng để cho gà rụng lông tự nhiên.

Phòng trị bệnh cho gà tre Tân Châu:

Bệnh cầu trùng

Gà ủ rũ, xù lông, chậm chạp, phân đỏ hoặc sáp, nhiều khi có máu tươi. Ruột sưng to, trong đường tiêu hoá có dịch nhầy và máu.

Để phòng bệnh, cần cho gà uống anticoc 1g/1l nước hoặc baycoc 1ml/1l nước (uống 3 ngày).

Để trị bệnh thì tăng gấp đôi liều lượng trên.

Bệnh thương hàn

Gà ủ rũ, phân trắng loãng, hôi thối. Gà đẻ trứng giảm, trứng méo mó, mào tái nhợt hoặc teo.

Để phòng bệnh cho gà uống oxytetracylin 50-80mg/gà/ngày, dùng trong 5 ngày. Chloramphenical dùng trong 2-3 ngày.

Để trị bệnh cho gà cần tăng liều lượng lên gấp đôi.

Bệnh dịch tả

Thể cấp tính: Gà chết nhanh không biểu hiện rõ triệu chứng, thường rụt cổ, ngoẹo đầu vào cánh, ủ rũ, nhắm mắt mê man bất tỉnh, sau đó chết, khó thở, nhịp thở tăng, hắt hơi. Tiêu chảy phân màu xanh, trắng, diều căng đầy hơi. Tích, mào tím xanh. Nếu 4-5 ngày gà không chết, sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh, vận động tròn theo một phía, đi đứng không vững.

Cần phòng ngừa bệnh cho gà bằng vắc xin.

Để trị bệnh, dùng các thuốc tăng sức đề kháng như vitamix, vit-plus …

Bệnh Gumboro

Gumboro là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra ở gà. Virus gây bệnh thuộc nhóm không có vỏ bọc, có sức chịu đựng rất cao, thời gian nung bệnh ngắn, do đó khả năng truyền bệnh rất mạnh. Theo các điều tra gần đây tại nước ta, gà cảnh có tỷ lệ mắc bệnh rất cao. Thường mắc ở gà 4-8 tuần tuổi. Phân lúc đầu loãng, trắng, nhớt nhầy, sau loãng nâu. Gà sút cân nhanh, run rẩy.

Để phòng bệnh cần tiêm vắc xin cho gà. Chưa có thuốc đặc trị bệnh này, chủ yếu dùng thuốc tăng sức đề kháng bằng vitamix: 2g/1 lít nước, vitamin C: 1g/1 lít nước, dexa (0,5g): 1 viên/3-4 con. Dùng trong 3 ngày liên tục.

Từ khóa » Gà Tre Mặt Râu