DAC Rời Là Gì? PC Của Bạn Có Cần DAC Rời Không

Nếu có quan tâm đôi chút đến lĩnh vực âm thanh nói chung, chắc hẳn bạn đã từng nghe thấy cụm từ DAC rời, hay DAC. Vậy đây thực sự là thiết bị gì? Liệu bạn có cần trang bị cho PC của mình hay không?

DAC là gì?

DAC là viết tắt của cụm từ “digital-to-analog converter” (tạm dịch: Bộ chuyển đổi tín hiệu digital thành analog). Đây về cơ bản là một thiết bị được thiết kế để tiếp nhận dữ liệu âm thanh kỹ thuật số và chuyển đổi nó thành tín hiệu analog. Tín hiệu này sau đó sẽ truyền đến bộ khuếch đại, rồi đến loa hoặc tai nghe của bạn.

DAC là một thành phần thiết yếu của bất kỳ hệ thống âm thanh nào, dù là trên máy nghe nhạc, smartphone, máy tính bảng hay PC… Nói cách khác, bạn không thể truyền âm thanh từ PC hoặc bất kỳ thiết bị kỹ thuật số nào khác đến tai nghe hoặc loa nếu không có DAC để chuyển đổi tín hiệu âm thanh kỹ thuật số thành tín hiệu analog.

Các bộ giải mã DAC rời (được tích hợp cả amplifier) mang đến nhiều tính năng tuyệt vời cho người sử dụng, đặc biệt trong lĩnh vực âm thanh thường thức. Nó giúp người dùng có thể kết hợp các công nghệ nghe nhạc trực tuyến với các thiết bị hiện đại mà không cần hệ thống dây kết nối phức tạp. Đồng thời mang đến chất lượng âm thanh tốt hơn.

DAC

Âm thanh và đồ họa

Để tiện hình dung về sự cần thiết của DAC rời cho PC, hãy thử liên hệ với hệ thống card đồ họa (GPU). Mọi PC đều có GPU được tích hợp sẵn trên con chip giúp xử lý các tác vụ đồ họa cơ bản. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sở hữu khả năng chơi game tối ưu hơn, việc nâng cấp lên GPU rời là điều kiện bắt buộc.

Tương tự với âm thanh cũng vậy, mọi hệ thống PC đều được trang bị bộ giải mã tích hợp. Tuy nhiên, nếu muốn chất lượng âm thanh tốt hơn, tín hiệu “sạch” hơn, hay khả năng đọc file nhạc lossless tối ưu hơn, việc sử dụng DAC rời là rất cần thiết.

Hơn nữa, một trải nghiệm nghe chất lượng yêu cầu sự nhiễu điện ở mức tối thiểu. Đây là vấn đề vì bo mạch chủ PC là một trung tâm hoạt động của nhiều hệ thống tiêu thụ điện, từ đó có thể gây ra hiện tượng “noise” (nhiễu nền). Việc sử dụng DAC rời về cơ bản có thể khắc phục triệt để vấn đề này.

Tại sao bạn cần đến DAC rời

Trước khi đi sâu hơn vào những lợi ích mà DAC rời mang lại, hãy đến với câu hỏi nếu PC của bạn đã có DAC tích hợp, tại sao bạn lại cần một chiếc DAC khác?

Đầu tiên, DAC rời thường có chất lượng cao hơn so với DAC được tích hợp sẵn trong bo mạch chủ PC, từ đó mang đến khả năng xử lý âm thanh tốt hơn rõ rệt.

Lại nói về vấn đề nhiễu nền. Tất cả lượng điện chạy qua bo mạch chủ sẽ tạo ra một vấn đề khó chịu mà các audiophile rất “kiêng kỵ” gọi là “nhiễu nền”. Đây cơ bản là hiện tượng nhiễu sóng làm giảm chất lượng tái tạo âm thanh. Nếu chú ý, bạn hoàn toàn có thể nghe thấy tiếng nhiễu nền, nó giống như tiếng rít hoặc xì nhỏ.

Sự xuất hiện của luồng điện khiến hiện tượng nhiễu nền là không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để mức nhiễu giảm xuống càng thấp càng tốt, đến ngưỡng khó nhận ra. Đây chính là thế mạnh của những chiếc DAC rời.

Hầu hết DAC đều có amply tích hợp

Tuy nhiên, DAC rời không phải là một giải pháp kỳ diệu cho mọi vấn đề về âm thanh mà bạn đang gặp phải trên PC. Chẳng hạn nếu chúng ta đang nói về việc chơi game, thì một bộ DAC ngoài sẽ giúp mang lại âm thanh sống động hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta bàn về âm nhạc, thì tất cả mọi thứ từ chất lượng bản ghi âm đến cách kỹ sư điều khiển bản gốc, kích thước tệp cho đến chất lượng tai nghe của bạn đều có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng âm thanh đầu ra, DAC chỉ là giữ vai trò một phần mà thôi.

Hầu hết các DAC rời sẽ kết nối với PC của bạn thông qua cáp USB và có núm điều chỉnh âm lượng độc lập cũng như giắc cắm cho tai nghe và loa.

Với tất cả những lý do trên, có lẽ bạn đã quyết định được liệu mình có cần đầu tư thêm một chiếc DAC rời cho PC của mình hay không.

Từ khóa » Dac Rời Nghe Nhạc