Đặc Sắc Lễ Hội Chọi Trâu Truyền Thống - Báo Đấu Thầu

Những “ông trâu” xung trận là đại diện tiêu biểu, tinh tú cho những con trâu hàng ngày gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng
Những “ông trâu” xung trận là đại diện tiêu biểu, tinh tú cho những con trâu hàng ngày gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng

Câu ca dao nhắc nhớ da diết về lễ hội chọi trâu - nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng lễ hội dân gian đồ sộ, phong phú, gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước truyền thống. Có thể kể đến những trận đấu nảy lửa của các “ông cầu”, “ông trâu” ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng) hay ở Phù Ninh (Phú Thọ). Dù ra đời sớm hay muộn, quy mô lớn hay nhỏ, lễ hội chọi trâu nào cũng mang những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện được tinh thần thượng võ, anh dũng của người Việt.

Sản phẩm của cộng đồng làng Việt

Nhắc đến lễ hội chọi trâu, chúng ta thường nghĩ ngay đến Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Cũng phải thôi, đó là lễ hội cấp quốc gia, được khôi phục từ năm 1990, được chính quyền, nhân dân Hải Phòng, các nhà nghiên cứu văn hóa và đông đảo du khách thập phương chú ý. Do vậy, đến năm 2013, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhưng hội chọi trâu không chỉ diễn ra duy nhất vào tháng 8 âm lịch hàng năm ở Đồ Sơn - nơi việc nuôi trâu chọi đã trở thành một “nghề chơi” công phu của người dân miền biển! Có những hội chọi trâu khác diễn ra ngay từ đầu tháng Giêng, đó là chọi trâu Hàm Yên - Tuyên Quang (ngày 11, 12), Hải Lựu - Lập Thạch - Vĩnh Phúc (ngày 16, 17), Phù Ninh - Phú Thọ…

Các lễ hội chọi trâu truyền thống thường có nguồn gốc là những huyền tích từ rất xa xưa. Hội ở Phù Ninh gắn với truyền thuyết thời Hùng Vương. Hội ở Hải Lựu có mốc thời gian rõ ràng hơn: thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên khi vị tướng Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Hội Đồ Sơn bắt nguồn từ huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế, do có thai với vua Thủy Tề, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, cộng đồng địa phương lập đền thờ tên gọi đền Bà Đế. Về sau, địa phương này tổ chức lễ hội chọi trâu, những con trâu thắng được mang ra biển cúng tế Bà.

Dù cách kể chuyện của dân gian có khác nhau, nhưng từ những huyền tích trên cho thấy, các lễ hội chọi trâu ra đời là sản phẩm của cộng đồng làng Việt, đều gắn với sản xuất nông nghiệp, chinh phục biển khơi và tinh thần thượng võ, bảo vệ đất nước. Các lễ hội diễn ra trong không gian văn hóa châu thổ Bắc Bộ, từ địa bàn rừng núi xuôi về miền biển, vào dịp xuân - thu nhị kỳ, thời gian tổ chức các lễ hội truyền thống của người Việt.

Các lễ hội thường diễn ra trong thời gian hai ngày với hai phần lễ và hội đan xen! Phần lễ gồm lễ rước các ông trâu về dự hội, lễ khai hội, lễ tế các vị thần được thờ (thành hoàng làng Hải Lựu; thần Điểm Tước, Bà Đế, Thủy Thần ở Đồ Sơn…), rước trở về các “ông trâu” thắng cuộc và nghi lễ hiến sinh tế thần… Phần hội vô cùng sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả là các trận đấu kịch tính giữa các cặp “ông trâu” (trung bình có từ 12 - 16 cặp đấu) tham gia lễ hội lần lượt từ vòng loại, bán kết đến chung kết. Sau khi kết hội, toàn bộ các “ông trâu” tham gia đều bị giết thịt để làm lễ tế, tạ ơn thần linh và tổ chức liên hoan…

Lễ hội với bản chất là sinh hoạt cộng đồng phát sinh là môi trường làng Việt, biểu thị trạng thái thăng hoa để duy trì sự cố kết cộng đồng, “cộng mệnh”, “cộng cảm”, là dịp các lớp cháu con tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với dân với nước, tạ ơn đất trời, thể hiện tinh thần thượng võ truyền thống. Hành động giết toàn bộ các “ông trâu” tham dự sau khi kết thúc lễ hội về bản chất là nghi lễ hiến sinh của tục cầu mưa - nghi lễ phổ biến của cư dân trồng lúa nước. Những “ông trâu/cầu” xung trận là đại diện tiêu biểu, tinh tú cho những con trâu hàng ngày gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng được dành để tế thành hoàng làng và các vị thần được phụng thờ khác… Nghi lễ này nhằm cầu cho mưa thuận, gió hoà, toàn dân trên dưới một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển thịnh vượng.

Mỗi hội một vẻ…

Bên cạnh những nét chung, lễ hội chọi trâu ở mỗi địa phương lại mang những sắc thái độc đáo khác nhau.

Nét độc đáo của lễ hội chọi trâu Hải Lựu là các “ông cầu” được tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, làng, phường, hội hoặc họ tộc... đã gắn bó lâu đời với nhau). Hàng năm, vào khoảng tháng 7 - 8, dân làng góp tiền cử người lặn lội lên tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu... để tìm những trâu khoẻ, đẹp mua về (phải là trâu cà, long đen tuyền…). Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng. Gia đình này phải có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả, nghĩa là một gia đình văn hóa. Các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu. Trâu được cả cộng đồng yêu quý, trân trọng như một thành viên. Hội chọi trâu ở Hải Lựu vẫn còn giữ được nét nguyên sơ bởi không có những toan tính thái quá của con người, không có trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược… Tất nhiên có những chuyện mừng vui của cộng đồng có trâu thắng cuộc, nhưng tất cả các trâu dù thắng, dù thua đều là trâu khỏe mạnh.

Việc nuôi trâu để chọi ở Đồ Sơn từ lâu đều do các cá nhân đảm nhiệm. Nghề nuôi trâu chọi ở đây trở thành một “nghề chơi” công phu, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc cả về công và của từ các chủ trâu. Một điểm khác ở hội Đồ Sơn so với các nơi là có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển.

Theo quan niệm của người dân vùng biển, nhất là đối với ngư dân vùng ven biển Đồ Sơn, hình ảnh của ánh trăng có liên hệ mật thiết với thủy triều. Hình ảnh đôi trâu chọi dưới ánh trăng bạc trong truyền thuyết về hội chọi trâu Đồ Sơn đã phản ánh mối liên hệ nào đó giữa mặt trăng với biển cả. Đôi sừng trâu chính là hình tượng mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà người dân miền biển tôn thờ. Vì lẽ đó, trước đây, những ông trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa để thả xuống nước tế thần. Sau này, những trâu giải nhất được dân làng giết thịt để làm lễ tế thành hoàng, đưa một số bộ phận quan trọng nhất của trâu (đầu, tiết, đuôi...) lên thuyền ra biển tế hiến sinh… cầu xin mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa cá sau được may mắn, bội thu...

Từ khóa » Hình ảnh Le Hoi Choi Trau