Đặc Sắc Ngày Hội Văn Hóa Dân Tộc Sán Chay Xã Thanh Sơn
Có thể bạn quan tâm
Một số nội dung chính của nghi lễ đám cưới truyền thống của dân tộc Sán Chay được phục dựng tại Ngày hội.
Dân tộc Sán Chay ở Ba Chẽ gồm 02 nhóm Cao Lan và Sán Chỉ, là dân tộc thiểu số có số dân lớn thứ 4 trong 14 dân tộc anh em của huyện. Người Sán Chay còn có tên gọi khác là Cao Lan, Sán Chởi, Sán Chấy, Sán Chí, Sán Chỉ (tên chính thức là Sán Chay). Theo biến âm của thổ ngữ khác nhau, Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có một nghĩa là: Người núi (Sơn tử).
Đối với xã Thanh Sơn, dân tộc Sán Chay cư trú và sinh sống ở các thôn Khe Lò, Khe Pụt, Khe Lọng Trong, Khe Lọng Ngoài, Bắc Văn, chiếm khoảng 40% dân số toàn xã. Trong những năm qua, dân tộc Sán Chay đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như: tiếng nói, hát soóng cọ, trang phục dân tộc, cưới hỏi, ma chay… Tuy nhiên trải qua thời gian dài, một số nét văn hóa vật thể, phi vật thể của người Sán Chay bị mai một dần như trang phục truyền thống, nhà ở truyền thống, nghi lễ cưới hỏi, dân ca, những giá trị văn hoá đặc sắc và quý giá này hầu như chỉ còn trong ký ức của số ít người già và đang có nguy cơ mất đi.
Ông Phạm Thế Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn khẳng định: Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ nhất, xã Thanh Sơn là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch đến huyện Ba Chẽ. Qua ngày hội sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào Sán Chay trên địa bàn huyện Ba Chẽ tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Ba Chẽ; đồng thời là dịp để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khôi phục,bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển du lịch tại địa phương.
Tái hiện Nghi lễ cầu mùa (lễ Khau Sặn) mang đậm nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu của dân tộc Sán Chay.
Điểm nhấn của Ngày hội chính là hoạt động tái hiện Nghi lễ cầu mùa (lễ Khau Sặn) mang đậm nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu của dân tộc Sán Chay. Nghi lễ cầu mùa của người Sán Chay Ba Chẽ diễn ra 4 tiết trong năm (tháng Giêng, tháng 2, tháng 6 và tháng 10 Đông chí). Mâm lễ vật dâng lên Thành Hoàng Làng là các sản phẩm do bàn tay lao động cần cù của đồng bào Sán Chay tự nuôi, trồng gồm:, thịt lợn, thịt gà, bánh trưng, rượu, hương, giấy vàng mã… Thổ tục được các người có uy tín trong dòng tộc thực hiện một cách trang trọng tại miếu làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa; cầu cho vụ mùa, vụ chiêm tươi tốt, bội thu; cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đây là nghi lễ mang nét văn hóa đặc trưng độc đáo từ ngàn xưa truyền lại, mang đậm tính nhân văn cao cả, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện sự khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Người có uy tín thay mặt cộng đồng nhân dân dâng hương tạ ơn, đồng thời cầu xin các thần linh, thánh thần, phù hộ bảo trợ cho bản làng, thôn xóm được bình an, mưa thuận gió hòa; lúa tốt bằng vai, khoai tốt bằng đầu, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Đây cũng là một nghi lễ tâm linh được bảo tồn qua nhiều thế hệ, giàu tính nhân văn, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động, thể hiện ý nghĩa to lớn trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng 14 dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ thêm đa dạng và lung linh sắc màu. Ngoài cúng miếu làng, các dòng họ còn cúng gia tiên vào ngày rằm 3/3, 5/5, 14/7, tháng 8 lúa mới, tháng 10 Đông chí. Các hộ gia đình tự cúng gia tiên tại nhà, Lễ cúng gồm có dòng họ bánh dầy, bánh vắt vai, cơm sôi lá gừng, cơm khoai sọ, gà, cá, thịt, rượu.
Ông Nịnh Văn Chau - Thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn cho biết: Hôm nay xã chúng tôi tổ chức ngày hội Sán Chay, được tham dự ngày hội này tôi rất vui vì chúng tôi được xem những nghi lễ truyền thống; được nghe những làn điệu Soóng Cọ, xem những điệu múa của dân tộc mình và rất nhiều hoạt động khác. Chúng tôi rất mong muốn trong những năm tới, xã sẽ tiếp tục tổ chức ngày hội để chúng tôi được tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Chay chúng tôi.
Nghi thức Bố mối, mẹ mối se duyên cho đôi vợ chồng trẻ dân tộc Sán Chay trăm năm hạnh phúc trong nghi lễ đám cưới truyền thống.
Một hoạt động cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, nhân dân và du khách tại Ngày hội là phục dựng một số nội dung chính của nghi lễ đám cưới truyền thống của dân tộc Sán Chay. Sau khi đôi trai gái tìm hiểu nhau và đi đến sự kết duyên thành vợ thành chồng, lúc này đã được hai bên gia đình thực hiện nghi lễ cưới hỏi. Ở đám cưới của dân tộc Sán Chay, bà con đều hát giao duyên. Khi đoàn nhà trai mang lễ đến nhà gái, nhà gái cử người ra đón. Nhà trai hát đối trình bày công việc đến xin đón cô dâu. Nhà gái ra lời đố để nhà trai trả lời. Sau đó, nhà gái hát mời vào, nhà trai hát đối và đưa bánh dày nhỏ cho những người ra đón, nhà gái nhận lễ rồi hát đáp lại, khi ấy chú rể mới đón cô dâu về nhà chồng. Nét đặc sắc trong lễ cưới của người Sán Chay là bố mối, mẹ mối, họ có vai trò quan trọng trong việc se duyên cho đôi vợ chồng trẻ; coi ông mối, bố mối là bố mẹ thứ hai trong đời…. Sau khi trải qua nhiều khâu trong nghi lễ cưới hỏi, ông mối sẽ trao nhẫn cho cô dâu, chú rể mong cho đôi vợ chồng chung thủy, trăm năm hạnh phúc, sinh con đẻ cái mẹ tròn con vuông, con cái hiếu thảo gia đình đời đời ấm no hạnh phúc. Phong tục cưới hỏi của người Sán Chay không chỉ là sinh hoạt văn hóa tinh thần, mà còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp.
Giao lưu, trình diễn giã bánh dầy, gói bánh coóc mò.
Một nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội lần này là nội dung giao lưu, trình diễn giã bánh dầy, gói bánh coóc mò. Những nguyên liệu để gói bánh cooc như lá chít (lá ỏng), gạo nếp, thịt lợn, lá cơm lông, qua bàn tay khéo léo của các chị em người Sán Chay đã trở thành những sản vật đặc trưng. Thưởng thức bánh coóc mò có thể thấy được vị dẻo, thơm ngon của nếp mới, quyện trong vị bùi của lá cơm lông, béo ngạy của thịt lợn, sẽ cảm nhận được sự trọn vẹn, mộc mạc, bình dị của người dân tộc Sán Chay.
Chị La Thị Thương - thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn phấn khởi nói: Tôi rất vui khi được xã tổ chức Ngày hội này, ở đây chúng tôi được theo dõi rất nhiều hoạt động gắn liền với cuộc sống hàng ngày của dân tộc chúng tôi như Nghi lễ cầu mùa; các nghi thức trong lễ cưới và được xem biểu diễn những điệu hát giao duyên, những điệu múa của dân tộc mình. Qua đây giúp thế hệ trẻ chúng tôi hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi sẽ cố gắng học hỏi ở những thế hệ đi trước, gìn giữ và phát huy những nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Nhiều món ẩm thực truyền thống đặc trưng của địa phương thu hút được sự quan tâm của du khách, nhân dân.
Tham gia ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay năm nay, nhân dân và du khách còn được tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại các gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu của địa phương như: Ba kích tím, Trà hoa vàng, Sâm cau; thuốc tắm, lá tắm dân tộc… Thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc trưng của địa phương như: gà đồi, ngan đen, cá suối, măng rừng, xôi ngũ sắc, bánh coóc mò... Những món ăn truyền thống của đồng bào Sán Chay không chỉ là thức ăn đơn thuần mà mỗi món như là một vị thuốc có tác dụng riêng đối với sức khỏe con người, với mong muốn truyền tải tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Về với ngày hội bà con nhân dân và du khách được giao lưu các văn hóa thể thao, trò chơi dân gian, dân tộc; hòa mình vào chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Soóng Cọ - Tình yêu từ những làn điệu” với sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, diễn viên biểu diễn những làn điệu giao duyên đằm thắm, mượt mà; những điệu múa mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc và hơi thở của cuộc sống hàng ngày như: múa Tắc Xình, múa xúc tép... Đặc biệt là làn Soóng Cọ, đây là làn điệu đặc trưng, riêng có của đồng bào dân tộc Sán Chay huyện Ba Chẽ. Lời bài hát sâu lắng, tình cảm; nội dung bài hát phong phú đa dạng, uyển chuyển phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, đất nước, tình yêu đôi lứa. Thông qua lối hát Soóng Cọ các đôi nam thanh, nữ tú có thể kết bạn, tỏ tình với nhau.
Ông Trần Huyện - thôn Khe Lọng Trong, xã Thanh Sơn cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự Ngày hội của dân tộc Sán Chay, qua theo dõi cho thấy các hoạt động diễn ra tại đây diễn ra rất phong phú, đa dạng, đúng phong tục, tập quán từ cha ông để lại. Bản thân tôi rất xúc động, xin gửi lời cảm ơn tới các cấp lãnh đạo huyện, xã đã quan tâm, tổ chức ngày hội Sán Chay; mong rằng trong những năm tiếp theo, các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục quan tâm tổ chức ngày hội để người dân tộc Sán Chay chúng tôi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ nhất xã Thanh Sơn khép lại trong niềm lưu luyến, lắng đọng nhiều cảm xúc; nhiều nét đẹp trong trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, bản sắc dân tộc Sán Chay được khôi phục, phục dựng. Khẳng định bản sắc văn hóa đậm đà, tiên tiến, đa dạng của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ. Đây cũng như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách trên mọi miền đất nước, hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn.
Những hình ảnh đặc sắc tại chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Soóng Cọ - Tình yêu từ những làn điệu” và giao lưu các văn hóa thể thao, trò chơi dân gian, dân tộc tại Ngày hội:
Các tiết mục dân vũ của người Dao trên địa bàn được mang đến giao lưu tại Ngày Hội văn hoá dân tộc Sán Chay.
Từ khóa » Dân Tộc Sán Chay ở Quảng Ninh
-
Hy Vọng "hồi Sinh" Giá Trị Văn Hoá Người Sán Chay - Báo Quảng Ninh
-
Người Sán Chay – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dân Tộc Sán Chay - Nguồn Gốc, Tên Gọi - Blog
-
Ba Chẽ: Độc đáo Ngày Hội Văn Hóa Dân Tộc Sán Chay
-
Người Sán Chỉ Bảo Tồn Văn Hóa Dân Tộc
-
Bảo Tồn Và Phát Huy Văn Hóa Truyền Thống Người Sán Chay ở Ba Chẽ
-
Sắc Màu Ngày Hội Văn Hóa Dân Tộc Sán Chay Huyện Ba Chẽ, Tỉnh ...
-
Nét đẹp Văn Hóa Dân Tộc Sán Chỉ | QTV - YouTube
-
Lễ Hội Người Sán Chay Quảng Ninh Có Gì đặc Sắc - YouTube
-
Cộng đồng Văn Hoá Dân Tộc Sán Chay - Posts | Facebook
-
Tâm Sự Của CBCNV Ngành điện Với Ngày Hội Văn Hóa Dân Tộc Sán ...
-
Cao Lan - Báo ảnh Dân Tộc Và Miền Núi