Đặc Sắc Phiên Chợ Vùng Cao Mường Khương (Lào Cai)

z

Chợ phiên Mường Khương chỉ họp vào cuối tuần, mang những đặc trưng văn hóa của người dân tộc vùng Tây Bắc. Ảnh: Ngọc Hoa.

Nằm ở sát biên giới, giáp ranh với Trung Quốc ở phía Đông Bắc và chỉ cách cửa khẩu Mường Khương (Lào Cai) chừng 8km, chợ Mường Khương là chợ lớn nhất của huyện Mường Khương, họp vào các buổi sáng chủ nhật hàng tuần. Người dân tới đây chủ yếu là đồng bào người Nùng, Mông, Thái.

s
Chợ được họp rất sớm, khi núi rừng Mường Khương còn chìm trong sương lạnh. Chợ vô cùng đông đúc và tấp nập người. Ảnh: Ngọc Hoa.

Chợ là một bức tranh chân thực phản ánh đời sống của người dân vùng cao. Mọi sinh hoạt, các mối quan hệ giao lưu kinh tế và văn hóa, các mối quan hệ tình cảm... tất thảy đều được khắc họa qua một phiên chợ. Người dân xuống chợ, hầu như ai cũng quen biết nhau, bởi cả người mua lẫn người bán đều là người dân trong vùng, trong bản. Thế nên khác với những cuộc mua bán chóng vánh ở chợ phố thị, nơi quầy hàng của chợ vùng cao không chỉ có tiếng chào mua, hỏi giá mà xung quanh là biết bao câu chuyện tâm tình. Bên chén rượu ngô, bên hơi thuốc lào, họ còn hỏi thăm nhau chuyện ruộng nương, nhà cửa, rồi chuyện con cái, dựng vợ, gả chồng.

h
Chợ còn là nơi mọi người giao lưu, tâm tình, chia sẻ câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Ảnh: Ngọc Hoa .

Dù tấp nập, đông đúc nhưng chợ không đem đến cho mỗi người có mặt ở đây cảm giác xô bồ, chật hẹp, chỉ muốn “nhanh chóng” mua hàng xong rời đi, mà mang một không khí vui tươi đến lạ kỳ. Dòng người chen chân nhưng lại không có phần nào vội vàng, bực bội khi phải len giữa dòng người, mà họ như muốn gặp nhau lâu hơn một chút, muốn chia sẻ cho nhau những niềm vui thông qua những nụ cười, những câu hỏi han.

Chợ cũng là nơi không ít những chàng trai, cô gái sau khi xuống chợ lúc ra về đã thành cặp, nên duyên với nhau. Chính vì vậy, chợ có sự xuất hiện của rất nhiều chàng trai, cô gái bản tuổi mới 18, đôi mươi xúng xính váy áo.

h

Mặt hàng quần áo, váy thổ cẩm và vải là một nét đặc trưng nơi phiên chợ vùng cao này. Những bộ đồ, áo đầm xòe, túi vải,.. vài mét vải màu sắc rực rỡ được bày bán cùng vô số món đồ trang sức điểm tô những màu sắc đặc trưng của các dân tộc, của núi rừng Tây Bắc.

h

Một đặc sản không thể thiếu ở mỗi phiên chợ Mường Khương đó chính là những can đầy rượu ngô được người dân các bản, làng nơi đây mang xuống bày bán. Không ít người miền xuôi khi đi qua dãy hàng bán rượu đều nói vui nhau rằng: "Chỉ cần nếm thử hết dãy rượu này, mỗi hàng một ngụm nhỏ cũng đủ say ngất ngưởng”. Giá rượu mà người dân bản địa ở đây bán cũng khá rẻ, chỉ khoảng 20.000 đồng/lít. Rượu khi nếm thử có vị đặc biệt thơm mùi ngô, cay nồng nhưng cũng có chút dư vị nhẹ nhàng.

D
Rượu ngô do chính những người phụ nữ tại đây nấu là một trong những mặt hàng chính tại chợ. Ảnh: Ngọc Hoa.

Nhắc đến Mường Khương, không thể bỏ qua mặt hàng ớt bột, ớt khô và tương ớt. Sẽ thật thiếu sót nếu ai đến với chợ phiên Mường Khương không sắm cho mình một chai tương ớt về làm quà cho gia đình.

G
Ớt tưởng chừng là mặt hàng rất đỗi rẻ tiền và chẳng có gì đặc sắc, nhưng riêng ớt Mường Khương lại mang hương vị đặc biệt không đâu sánh bằng. Ảnh: Ngọc Hoa.

Chợ Mường Khương nằm ở sát biên giới, gần cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, chính vì vậy, chợ cũng có một số lượng lớn các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, đa dạng mẫu mã, từ những loại hàng tiêu dùng, thực phẩm đến máy móc, công cụ lao động,…

R
Chợ cũng bày bán rất nhiều những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Hoa.

Nơi đây cũng bày bán vô số các loại thảo quả, dược,… như củ tam thất, nụ hoa tam thất, hoa hồi, quế,…và những bài thuốc dân gian của các dân tộc tại đây. Những gian hàng này thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách khi đến với chợ phiên Mường Khương, vì muốn mua về làm quà biếu hoặc mua bài thuốc dân gian, đông y để hỗ trợ chữa bệnh của mình.

D
Củ tam thất tươi có giá khoảng 160.000 - 170.000 đồng/kg là một trong những mặt hàng được bán chạy nhất tại đây. Ảnh: Ngọc Hoa .

Chợ phiên Mường Khương có đầy đủ các khu chợ, nhưng đặc biệt nhất là khu chợ chim họa mi, vốn chỉ trong một con phố nhỏ của Mường Khương nhưng tập trung rất nhiều chim họa mi từ khắp các nẻo đường tụ hội về đây. Hơn nữa khu chợ này còn có các lồng chim, những sản phẩm thủ công do chính bàn tay người dân địa phương làm ra cũng như các thức ăn ưa thích cho họa mi.

Muôn sắc màu ấy của chợ phiên Mường Khương đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách trong hành trình du lịch miền Tây Bắc, để bất cứ ai khi có cơ hội đặt chân đến đây đều hơn một lần muốn quay lại./.

Ngọc Hoa

Từ khóa » Chợ Phiên Tiếng Trung Là Gì